Nhà thơ Vũ Hữu Định – Sống trọn đời người

Chủ Nhật, 02/05/2021, 10:11
Nhà thơ Vũ Hữu Định đã mất từ 40 năm trước, nhưng thơ ông, đọc lại vẫn không thấy cũ. Nhiều người thuộc thơ ông. Sau những ngày lang thang, trở về, ông lại tự an ủi mình: “Giang hồ đâu có ai phong ấn/ Mà nghĩ từ quan trở lại quê”.

Nhiều câu thơ của ông dã thành câu cửa miệng, chẳng hạn, nói về một không gian chật hẹp, họ thường trích: “Đi dăm phút đã về chốn cũ”. Hoặc khi chia xa một người, một vùng nào đó, người ta thường tự nhắc: “Còn một chút gì để nhớ…”. Có thể bạn đọc không biết đó là thơ Vũ Hữu Định. Và ông cũng không biết. Nhưng còn rất nhiều người biết. Đó là niềm vinh quang thầm lặng của nhà thơ. Không cần danh hiệu. Tên tuổi lẫn vào cỏ cây, nhưng nhà thơ đã góp phần làm trong sáng tiếng Việt, làm phong phú tâm hồn người Việt.

Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung. Ông sinh năm 1942 tại Thừa Thiên Huế. Sống tại Đà Nẵng. Lớn lên trong cảnh đất nước có chiến tranh, nhà lại nghèo, ông đã sớm phải huy động năng lượng sống nhiều gấp đôi sức lực của mình. Hãy nghe ông tự kể: “Thân tự lập từ năm 7 tuổi/ không nhớ hết nghề đã trải/ bán báo, đánh giày, ở đợ/ đánh trống phòng trà, dạy học, làm thơ/ phó giám đốc nuôi trẻ bơ vơ/ còn cả chục nghề thôi khỏi kể…”. (“Bài thơ năm bốn mươi”). Tuy phải mưu sinh sớm, đánh vật với đời, nhưng ông vẫn giữ cho mình đức tính lương thiện: “Chẳng hề luận về tài giỏi/ chỉ mê man với cái chân tình/ không thích thằng háo danh/ chẳng sợ phường học vị”  - cũng trích từ bài thơ trên.

Ông có một gia đình với người vợ tần tảo. Ông viết về vợ và những đứa con với tấm lòng biết ơn và hối lỗi: “Em ơi/ yêu nhau bao năm rồi/ em biết thế nào là hạnh phúc/ năm đứa con như năm hạt ngọc/ nếu không có em sao khỏi cát lầm/ còn anh thì cứ lông bông/ danh chẳng có danh/ thực không có thực”. Và ông chân thành tạ lỗi với người mẹ: “Mẹ ơi! mùa xuân lại tới/ con trai mẹ bốn mươi tuổi rồi/ mẹ đau nằm một nơi/ suốt ba năm cậy nhờ công chị/ mai mốt đây khi mẹ nằm xuống/ con trai của mẹ vẫn là thằng lêu bêu”. Thật không ngờ, bài thơ này ông làm vào dịp Tết Tân Dậu năm 1981, lại chính là bài thơ cuối cùng, lại chính là “bản kiểm điểm” cuộc đời trước gia đình. Để sau đó ít ngày, vào dịp Rằm tháng Giêng, ông đột ngột qua đời.

Tên tuổi Vũ Hữu Định gắn với thành phố Pleiku. Bao nghệ sỹ, thi nhân đã đến thành phố nhỏ xinh trên cao nguyên, nhưng chỉ có Vũ Hữu Định mới có thể dâng tặng cho Pleiku một trong những bài thơ hay nhất của mình. Khi bài thơ vừa ra đời, như tiếng nói ngọt ngào của trái tim thi sỹ, gặp được duyên lành. Được nhạc sĩ Phạm Duy chắp thêm đôi cánh tâm hồn, trở thành ca khúc. Bay trên không trung Cao nguyên bao la, bay trong các phòng trà Sài Gòn với giọng hát thánh thiện của Thái Thanh. Rồi bay khắp nơi với tiếng hát Khánh Ly, Duy Trác… Vượt mọi thời gian, không gian.

Năm 1978, chúng tôi hành quân lên Gia Lai trong cuộc chiến tranh Tây Nam. Qua Pleiku, trong trái tim những người lính trẻ đã âm vang hình ảnh đầy cao sang lãng mạn: “Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ Nên mắt em ướt và tóc em ướt/ Da em mềm như mây chiều trong”. Rồi những lần được đi mua thực phẩm cho đơn vị, dừng lại ở Pleiku. Những người dân thật thà đôn hậu. Những khách sạn sạch sẽ, trong lành. Những phố núi dốc thoai thoải. Những cô gái bán trái cây, da trắng má hồng, đẩy xe hiền dịu. Những giàn hoa giấy hồn nhiên như những nụ cười… Lê Minh Quốc lại hát nghêu ngao: “Xin cảm ơn thành phố có em/ Xin cảm ơn một mái tóc mềm/ Mai xa lắc trên đồi biên giới/ Còn một chút gì để nhớ để quên”.

Chẳng có người yêu nào đâu. Nhưng cả Pleiku đã là nơi chúng tôi thầm nhớ thầm mong trong suốt thời kỳ giữ chốt khốc liệt. Xin cảm ơn thi sĩ Vũ Hữu Định và nhạc sĩ Phạm Duy đã kết nên vòng nguyệt quế choàng lên Pleiku thân yêu. Và cả Sư đoàn 307 anh hùng của chúng tôi với mười nghìn chàng trai mười tám đôi mươi, đã lấy ngực mình ngăn những đợt pháo của quân thù, không cho chúng chạm vào viên ngọc của cao nguyên, không cho chúng chạm vào thi phẩm tuyệt vời.

Tại sao thơ Vũ Hữu Định lại có ma lực đến vậy? Nhà thơ Thanh Thảo cắt nghĩa: “Thơ với Vũ Hữu Định như chuyện đói ăn khát uống, ngứa chân thì đi, mỏi cẳng thì… ngồi. Nói vu vơ nói lơ mơ nhìn những cái không ra gì cũng ra thơ… Những câu thơ như được nói ra, chứ không nghĩ ra, cái cảm giác của Định thường bất chợt: “Giữa đêm vắng chợt thấy lòng xa lạ”, cái cảm giác ấy buột ra từ đâu đó. Không hề cố ý… Những người làm thơ được như Vũ Hữu Định không nhiều, bởi ai đã được là được, còn không được là không được: đó là nhà thơ của sự chọn lọc tự nhiên, của sự nghêu ngao không có thước đo, của những gì không định trước. Có thể  gọi đó là bản năng, nhưng gọi thế cũng chưa nói được gì. Thơ cao hơn bản năng. Đó là tiếng gọi từ một thiên năng. Tiếng gọi ấy, người làm thơ có thể nghe được từ rất sớm, hoặc rất muộn, cái sớm hay muộn ấy không có ý nghĩa gì cả, miễn là nghe được, thế thôi” (Phê bình và tiểu luận “Mãi mãi là bí mật” - NXB Lao Động - 2004).

Với Vũ Hữu Định, âm thanh cuộc sống luôn ngân lên những hồi còi bay bổng gợi những con đường, những chân trời. Đây là tâm trạng ông khi “đêm nghe còi tàu”: “Nhà anh ở gần ga/ đêm thao thức nghe còi tàu giục giã/ giữa đêm vắng chợt thấy lòng xa lạ/ mấy năm không đi trời đất nhỏ dần/ ôi tiếng còi tàu như một nhát gươm/ rướm máu lòng khao khát”. Một bài thơ có mấy câu giản dị vậy thôi, nhưng được bột phát sau hàng ngàn đêm thao thức. Có những câu gợi lên một tứ của truyện ngắn hay tiểu thuyết. Có những câu, nếu ngành du lịch tinh ý, có thể đặt mua làm “slogan” của ngành.

Vũ Hữu Định thường thích ngao du. Không như các văn thân ngày trước có bầu rượu túi thơ, ông đi người không. Rượu thì có khắp trong thiên hạ, ở những người bạn hiền. Nhà Thơ Phạm Thanh Chương - người một thời làm “công tác tòa soạn” tập san ‘Áo trắng của nhà văn Đoàn Thạch Biền có lần kể: “Một buổi trưa năm 1973 trong căn phòng bề bộn ở đường Nguyễn Trãi trong thành Ô Ma, tôi đang dọn dẹp thì có một người đi thẳng vào, dáng thấp, đậm, bận áo chemie dài tay, trán cao, cười rạng rỡ: “Mày là Phạm Thanh Chương? Tao Vũ Hữu Định, nhà còn cơm không?”. Vũ Hữu Định ngồi xuống sàn nhà, cởi áo, ăn cơm tự nhiên: “Mày có biết Hạc Thành Hoa nói “làm người mà được ăn cơm thì có hạnh phúc gì bằng” chứ?”. Câu nói ấy cứ ám ảnh tôi mãi suốt những năm tháng sau này. Buổi chiều tôi giao căn phòng cho Vũ Hữu Định, anh tắm giặt, viết rồi nằm lăn ra ngủ. Chiều tối trở về tôi không thấy Vũ Hữu Định đâu cả, anh đến rồi đi bất chợt như một cơn mưa giông ở Sài Gòn”.

Thơ đầy trong tâm hồn ông. Nhưng ông luôn biết kiềm chế: “Ta hứa ta sẽ sống thật tình/ và ta chỉ làm thơ  khi ta xúc động”. Ông có nhiều bạn. Đặc biệt, ông rất thích uống rượu. Bạn bè quý ông, trọng cái tài của ông, trọng cách sống của ông. Ngược lại, ông mang đến cho bạn, cho quê hương bạn, một linh hồn. Chẳng hạn, khi ông qua nhà bạn ở Hóc Môn, Bà Điểm thấy đầy ắp không gian không khí no ấm của mùa vàng: “Tới đây khi lúa vàng đang chín/ đứng lại nhìn thôn xa khói bay/ không biết nhà ai đang nấu rượu/ thoang thoảng hương mùa đã muốn say” (Quê rượu).

Hoặc khi về Đà Nẵng, gặp bạn cũ - đạo diễn Đoàn Huy Giao, hai người cùng nâng ly mừng màu xanh núi Sơn Trà: “Sướng quá, nâng ly, khà một tiếng/ mừng rằng sắc núi vẫn màu xanh/ đám mây bay thấp ngang nhà cỏ/ hương rượu nồng hơn mọi thứ tình”. Cũng có lúc, trên đường lang bạt, ông dừng lại nơi quán vắng: “Năm nay ăn tết cùng ông quán/ mùng một đời cay miếng mứt gừng/ chén rượu ngày xuân sao đắng miệng/ giang hồ nghe cũng đã đau lưng” (“Ngày xuân ở quán”). Khi uống rượu một mình, ông phân tích hai từ “nhai” và “uống” thật thú vị: “Chiều khó thở ngồi bên quán xép/ một miếng khô, một xị rượu nồng/ nhai là nói với đời lận đận/ uống là nghe sầu chảy long đong” (“Quán cô hồn”).

Những năm 1975-1976, Vũ Hữu Định thường qua lại với các bạn văn chương ở Trại viết khu V như Thanh Thảo, Thái Bá Lợi,  Ngô Thế Oanh… Và Thanh Thảo đã giải thích rất đích đáng: “Bây giờ tôi mới hiểu: chính thơ đốt cháy, tiêu hủy người làm thơ, chứ không phải rượu… Và cứ thế, Vũ Hữu Định đã đi đến tận cùng số phận của mình với thơ. Còn rượu, chỉ là chất dẫn. Một chất dẫn nhằm thiết lập lại cái trật tự tự nhiên trong tâm thức, sau biết bao xáo trộn của đời sống”.

Ông nhiều lần dùng chữ “giang hồ” để gọi mình. Thực ra, giang hồ có nhiều nghĩa. Trong văn hóa phương Đông thời trước, trong nghĩa gần nhất, giang hồ là từ dùng để chỉ sông nước, sơn thủy, nơi các bậc hiền giả, triết gia mai danh ẩn tích, xa lánh bụi đời. Sau này, các trường phái võ hiệp xuất hiện, giang hồ lại dùng để chỉ một xã hội tồn tại bên xã hội đương thời, nhưng ngoài vòng luật pháp, phò chính diệt tà. Những người trong giang hồ trọng chữ tín. Vũ Hữu Định cầm tinh con Ngựa, nên rất thích rong ruổi, thậm chí chỉ quẩn quanh: “Hôm em nói em đi buồn biết mấy/ anh có nghe bên đường tiếng chim kêu/ con chim chi buồn hết cả buổi chiều/ từ bữa đó anh ra đường nhớ ngõ”. (“Kỷ niệm”).

Cũng có lúc, ông được hạnh phúc sống giữa thiên nhiên. Ông được như cá bơi trong nước: “Ta ở đây sống giữa rừng sương/ có bạn là chim không chút chán chường/ có hoa không bán giăng đầy núi/ có lũ vượn về chung thủy trên nương. (“Đời vẫn có em”). Rồi có những ngày ông cảm thấy mình như hiệp sĩ: “Ta đã lên non làm hảo hớn/ chiều đứng gần trời múa súng trong mây/ chiều đứng trong sương ngâm vần cổ lục/ tóc như bờm ngựa mặc tình gió bay” (“Gởi chút tình thân”).

Thơ Vũ Hữu Định, cũng tương tự như nhiều tài năng khác thường đứng riêng một cõi. Rất khó lẫn với thơ người khác. Con đường sáng tạo của họ là vẻ đẹp bí ẩn của sự diệu kỳ. Nó làm nên đời sống của văn chương nghệ thuật mãi là những câu đố, không ai trả lời chính xác.

Ông sống đời sống hồn nhiên như nhiên, nên nhiều bạn quý. Sinh thời, Vũ Hữu Định không in tập thơ nào.  Mười lăm năm sau khi ông mất, những người bạn chí thiết, những người yêu thơ ông, gom góp kinh phí, in một tuyển tập gồm 45 bài thơ của ông, lấy tên là “Còn một chút gì để nhớ”... Trong danh sách này, có những người luôn nhớ đến ông như Đoàn Thạch Biền, Võ Chân Cửu, Ý Nhi, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Hàn Tấn Quang… Tập thơ được NXB Trẻ in rất trang nhã với những phụ bản minh họa của Nguyễn Trung, Đỗ Hoàng Tường, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Việt Hải. Đó là kỷ vật của kỷ niệm thơ một thời khó khăn nhưng cao đẹp.

Bây giờ, ông dừng chân bên Đà Nẵng. Phần mộ của ông được họa sỹ Đỗ Toàn thiết kế. Bên mộ dựng tấm bia đá màu hồng. Trên đó khắc bài thơ “Còn chút gì để nhớ”của ông. Ông cho đời rất nhiều, nhưng chỉ cần đời nhớ chút gì đó về ông. Chỉ cần một chút gì thôi nhưng cũng đủ làm những người mẫn cảm xao động tâm can.

Đoàn Tuấn
.
.