Nhà thơ Việt Phương: "Sống là dâng hiến"

Thứ Sáu, 23/02/2007, 10:00
Tập thơ nổi tiếng một thời “Cửa mở” của ông thì có thể đóng thành tập. Nhưng chất xám và tình dâng hiến đã biến thành cuộc sống hữu ích kia rồi. Đó là gì nếu không phải là lẽ sống của Việt Phương, của những người thế hệ ông đã miệt mài hy sinh cho thế hệ sau!

Ông đã xoá nhoà cảm giác lo lắng trong tôi ngay từ câu trả lời điện thoại đầu tiên bằng lời trả lời, ông sẽ tiếp tôi vào 14h của ngày hôm sau. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là nhà thơ Việt Phương, tác giả của tập thơ “Cửa mở” từng gây nên dư luận sôi nổi một thời đã đồng ý đón tôi .

Nhà ông, một ngôi nhà nằm lặng lẽ ở khu tập thể Hoàng Cầu, màu sơn đã cũ càng giữa ồn ã của con đường Trần Quang Diệu. Nhà thơ Việt Phương cười, nụ cười thật hiền, thật tươi đưa chúng tôi vào phòng khách nhỏ xinh. Ông đón bó hoa của chúng tôi rồi đặt ngay ngắn vào chiếc sập gụ đã xếp đầy hoa tươi, chứng tỏ chủ nhà có lẽ phải đón nhiều khách văn trong ngày.

Dường như mọi cử chỉ ở ông đều toát lên thần thái ung dung, tự tại, nhẹ nhàng như một phụ nữ; ngay cả lúc nói cũng vậy, hình như trong chuỗi ngôn ngữ khúc triết, giàu hình ảnh đang hiện ra từ dòng chảy âm thanh không dứt kia, không thấy một từ nào thuộc “gam” mạnh, có thể gây nên sự tiếp nhận đột ngột cho khách.

Bây giờ xấp xỉ ở tuổi 80 (ông sinh năm 1928) mà còn  dịu dàng như thế, chả trách là cách đây gần 40 năm, chàng trai Hà Nội Việt Phương từng có những câu thơ trong tập “Cửa mở” khiến bao người mê đắm tìm đọc “Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở. Cuộc đời thân như hơi thở ta ơi. Ta vui lắm những niềm vui cởi mở. Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”.

Thực ra, nếu gọi một cách chính xác, phải gọi Việt Phương là nhà cách mạng lão thành mới phải, bởi ông đã hơn 60 năm tuổi Đảng, hoạt động trong phong trào Việt Minh tại Trường Bưởi và bị thực dân Pháp bắt giam ở Thanh Hoá cuối năm 1944 khi đang học Tú tài 2.

Ông cũng từng là bộ đội, là Bí thư Đảng ủy chi đội 3 (tức Trung đoàn 3) Độc lập Sông Cầu năm 1946, đánh giặc Pháp trên quê hương Anh hùng Núp từ năm 1947. Ông cũng từng là nhà nghiên cứu kinh tế sắc sảo, người thư ký, giúp việc trung thành và công tâm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng suốt 53 năm...

Nhưng trên hết, người đời vẫn gọi ông là nhà thơ, nhà thơ của tập thơ “Cửa mở” xuất bản lần đầu năm 1970. Chẳng biết điều đó có làm cho ông vui không, vì biết đâu phần đóng góp to lớn của ông trong sự nghiệp công tác của mình rất có thể lại là những sáng tạo, những đề xuất có tầm chiến lược giúp các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước quyết định chính sách lớn liên quan đến quốc gia.

Nhưng có lẽ những điều như thế luôn là “tấm màn bí mật”, bởi ông không bao giờ nói về mình. Chỉ có thơ là bộc lộ hết tâm tính và tài năng của ông, dẫu chỉ là một câu thơ, hay một tập cũng làm cho bao thế hệ bạn đọc, ở nhiều thành phần yêu quý ông, coi ông như người bạn tâm tình trong đời sống tình cảm của họ. Vì thế, khi nói về nhà thơ Việt Phương, người ta luôn nhắc về tập thơ “Cửa mở”.

Điều đó có lẽ không phải là do khi xuất bản lần đầu năm 1970, “Cửa mở” đã làm dư luận xôn xao về chuyện một đồng chí thư ký của Thủ tướng làm thơ “rất bạo”: “Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ...! Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ. Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”, “Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là đánh đẹp”.

Nhiều câu thơ nói “bạo” như thế là khác lạ, khác nhiều so với hồi bấy giờ. “Bạo” đến mức ngay sau khi “Cửa mở” ra đời, do sức ép của dư luận đã có một cuộc hội thảo về thơ vào cuối tháng 12/1970 với sự có mặt của các nhà thơ lớn như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn... cùng các nhà phê bình văn học tên tuổi như Vũ Đức Phúc, Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Trinh, Vũ Khiêu, Phan Cự Đệ...

Bây giờ thì “Cửa mở” đã tái bản nhiều lần, và đã có độ lùi thời gian để có thể cắt nghĩa mọi chuyện rõ ràng hơn. Có lẽ phải bắt đầu từ tác giả thì phải, một người mà theo chúng tôi trời đã cho ông một lối tư duy độc đáo, độc lập, tất nhiên là không giống ai. Vì thế mà thơ  ông có cấu trúc rất lạ, giọng điệu thơ ông cũng khác lạ.

Ông đã đưa cuộc sống vào thơ với sự phản chiếu nhiều chiều, cuộc sống qua thơ ông là biện chứng, là sáng rõ, có thể nhìn ở nhiều góc độ vốn bình dị, hồn nhiên như sự thật. Dường như hồi đó chỉ mỗi mình ông một giọng, trong khi không phải ai cũng thấy cần phải phong phú và sinh động như ông.

Có thể hồi ấy, có người còn chưa cảm thông với sáng tạo và mới lạ, nhưng hình như Việt Phương không thể khác, không thể bắt chước. Ông đã đi bằng con đường riêng với lối tư duy độc lập, từ đó để sáng tạo. Phải chăng với cách ứng xử thống nhất trong mọi trường hợp như thế mà năm 1947, ông vô tình trở thành người thư ký trung thành của đồng chí Phạm Văn Đồng?

Đó là trong một lần được cử là đại biểu quân đội đi dự và báo cáo tại Hội nghị thành lập Đoàn thanh niên cứu quốc miền Nam Trung Bộ ở Quảng Ngãi, đồng chí Phạm Văn Đồng hỏi để duyệt trước bài nói của đại diện Trung đoàn 95 Việt Phương, ông trả lời thẳng thắn: “Báo cáo đồng chí, tôi không viết, chỉ quen phát biểu miệng nên không chuẩn bị bài”.

Quả thật, chẳng phải hồi ấy mà ngay cả bây giờ, một cán bộ Quân đội trả lời vị đại diện Chính phủ như thế là “gan trời”. Đó có lẽ là sự tự tin nhưng cao hơn đó là thái độ lựa chọn cách sống hồn nhiên, trong trẻo, không cần phải khéo léo như để tiết kiệm năng lực vậy.

Không biết có phải vì cá tính mạnh ấy hay không, hay vì nội dung bài phát biểu của Việt Phương ở hội nghị, hay còn vì cơ duyên giữa hai người tuổi con Rồng mà đồng chí Phạm Văn Đồng (hơn Việt Phương đúng 2 giáp) đã mời Việt Phương làm thư ký giúp việc và làm liên tục suốt 53 năm liền cho đến lúc Thủ tướng qua đời năm 2000?

Dường như Việt Phương đã có ý thức luôn lựa chọn thái độ sống hồn nhiên và dâng hiến làm mục đích sống ở đời. Nhưng còn có một điều tối quan trọng khác nữa khiến ông luôn vững chãi giữa sóng gió cuộc đời. Phải chăng ấy là một phương pháp tư duy độc lập trên một nền học vấn tích luỹ đang ngày một dâng đầy.

Nếu là “của trời cho” như ông tự trào về mình có lẽ tiêu tiết kiệm bao nhiêu cũng hết. Chỉ có sự cần mẫn học ngày học đêm, vừa tích luỹ vừa dâng hiến mà không hề vụ lợi mới có thể giúp nhà thơ Việt Phương bình tâm lao vào cuộc cống hiến giữa bão táp của chằng chịt các mối quan hệ sinh động.

Điều ấy giải thích vì sao hồi ấy, theo lời ông, thì hầu như các đồng chí lãnh đạo cấp cao từ Ban Bí thư Trung ương Đảng đến Chính phủ đều không “đặt vấn đề gì” về tập thơ “Cửa mở” dù áp lực của dư luận là rất mạnh cho là có “sự cố”.

Chi bộ Đảng nơi ông sinh hoạt tại Phủ Thủ tướng yêu mến và ủng hộ ông, các đồng chí lãnh đạo tin vào tài năng, tâm tính và lối tư duy độc đáo của ông. Và chính nhờ tài năng, tâm tính và lối tư duy độc đáo ấy mà năm 1971, khi ông xin thôi việc làm thư ký cho Thủ tướng để chuyên tâm nghiên cứu lý luận kinh tế cốt thực hiện được điều ao ước “có thời gian cắp sách đi học”, ông liền được các đồng chí lãnh đạo và Phủ Thủ tướng đồng ý với điều kiện “phải dành thời gian tiếp tục giúp thêm một mảng việc cho Thủ tướng”.

Nhưng vì thế mà ông lại vất vả hơn. Bởi những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, nhà thơ Việt Phương cùng một lúc tham gia giúp việc bốn đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đó là đồng chí Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Duy Trinh và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị.

Sẽ giải thích thế nào khi mà một nhà thơ như Việt Phương lại được nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp quý mến và giao việc? Người nào được phân công những nhiệm vụ như thế, có khi một sơ suất nhỏ có thể làm hỏng một việc tày trời. Nhưng bao năm, Việt Phương khiêm nhường và lặng lẽ với một ngọn đèn và một chiếc máy chữ, ông suy nghĩ, kỳ cạch soạn thảo văn bản, đề xuất các kiến nghị lên các đồng chí lãnh đạo như con tằm rút ruột nhả tơ, tất cả vì sự nghiệp chung, không mảy may gợn chút riêng tư…

Dường như đó là cách duy nhất để ông sống và dâng hiến. Làm sao có thể đo đếm được bao nhiêu là trí tuệ, bao nhiêu là tâm huyết với những giá trị to nhỏ từ khối óc và trái tim giàu nhiệt huyết, vô tư và hồn nhiên trong trẻo ở Việt Phương đã dâng hiến qua trang giấy mỏng?

Tập thơ nổi tiếng một thời “Cửa mở” thì có thể đóng thành tập. Nhưng chất xám và tình dâng hiến đã biến thành cuộc sống hữu ích kia rồi. Đó là gì nếu không phải là lẽ sống của Việt Phương, của những người thế hệ ông đã miệt mài hy sinh cho thế hệ sau!

Qua ông, càng thấy rõ một điều, chỉ khi những bậc tài năng tự đốt cháy mình để có một tư duy sắc sảo, độc lập và độc đáo mới có thể trở thành người hữu dụng và lưu danh. Xin nhà thơ Việt Phương cho tôi được nghĩ về ông như thế!

Dẫu suốt đời công tác của mình, chưa bao giờ nhà thơ Việt Phương được bổ nhiệm một chức vụ gì cụ thể như ông nói vui là “có thể ký tên và đóng dấu”, nhưng dường như đấy là sự lựa chọn của ông thì phải, để nay được gặp ông, chúng tôi lại được nghe ông nói về những trải nghiệm, những kỷ niệm như còn tươi nguyên và cả những tri thức mới mẻ như đang từ dòng sông trí tuệ nơi ông bồi đắp phù sa cho lớp trẻ.

Tôi biết là ông lại tiếp tục cảm nhận và không ngừng dâng hiến như thời trai trẻ, như một lẽ sống. Ông giải thích mọi chuyện thâm cung bí sử của quá khứ một cách chặt chẽ, sáng trong, đầy công tâm mà thương thương quá. Nhân cách ấy, lối tư duy sáng tạo, độc lập ấy thời nào cũng quý. Quý hơn vàng. Nhất là chúng ta lại đang đi vào thời hội nhập trong một thế giới cạnh tranh quyết liệt này

Hồng Thái
.
.