Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn: Mộng du trên cánh đồng thi ca

Thứ Sáu, 10/08/2007, 15:42
Trên cánh đồng thơ mênh mông và không cùng ấy, không ít lần Trịnh Thanh Sơn là một kẻ mộng du, thổn thức với cái đẹp, trầm ngâm với suy tưởng, không ngừng sáng tạo và khám phá những tầng sâu của ngôn ngữ đằng sau những bài thơ ấy.

"Thú thật với các bạn

Tôi hết sức bất ngờ

Bị lũ giặc Ung thư đánh lén và quật đổ!...

Cuộc đấu tay bo này tôi đành lấm lưng trắng bụng

Cuộc đấu với những tế bào phản thùng này tôi đành hai tay buông xuôi"

("Trước Đài hóa thân hoàn vũ" - Trịnh Thanh Sơn).

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn bò trên chiếc giường rộng, những ngón tay gầy guộc trắng xanh run run lần giở cái bản thảo còn nguyên nét chữ nguệch ngoạc. Ông đưa nó cho tôi, nhoẻn miệng cười, gương mặt bạc bệch, những sợi tóc thưa thớt bay lòa xòa trên trán.

Và tôi đọc những dòng đầu tiên trong bài thơ ông viết tặng riêng mình trước ngày ông sẽ đến cái nơi phải đến: Đài hoá thân hoàn vũ. Hoá ra cái chết cũng không có gì lạ thường và đáng sợ. Trước khi chết, người thi sỹ vẫn có thể bò trên gối, ép cái thân xác đã mỏng tang như một tàu lá khô héo chỉ nhẹ tay cầm cũng vỡ vụn để viết thơ tặng mình.

Trịnh Thanh Sơn thì thào: "Cách đây một năm, mình thường đến ngồi chơi với Hoà Vang để động viên bạn. Mỗi một lần đến là xách một can rượu đế Nam Hà 5 lít, gọi bạn bè tới trải chiếu giữa nhà nhậu và cười nói rôm rả. Chẳng bao giờ mình nghĩ mình bị ung thư. Người mình đậm chắc, khỏe như vâm, chẳng bao giờ phải đi bệnh viện hay biết tới thuốc thang gì. Đùng một cái, tháng 10 năm ngoái đi Trại viết Đại Lải, thấy khó nuốt cơm, bỏ trại về đi khám, té ngửa ra là mình bị ung thư thực quản".

Vậy là thêm một nhà thơ nữa bị bệnh ung thư. Một căn bệnh quái ác mang gương mặt tử thần thường đến một cách đột ngột và quật ngã bao số phận trên văn đàn Việt Nam.

Mới đây, sau cái chết vì ung thư của thi sỹ đồng quê Đồng Đức Bốn, nhà văn lãng tử Hòa Vang, đầu năm nay đã có thêm mấy người nữa bất ngờ biết mình bị thần chết điểm mặt. Đó là nhà văn Ông Xuân Tùng, nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm và nhà thơ Trịnh Thanh Sơn...

Vẫn biết đời người có ai không trải qua 4 cửa ải nhân gian của sinh-lão-bệnh-tử, thế nhưng cái chết dù mang gương mặt nào, dù gõ cửa số mệnh ta thời gian nào thì cũng mang đến cho chính ta và những người thân một nỗi đau khiếp đảm, một kinh hoàng khôn tả. Huống hồ là cái chết mang đến từ căn bệnh ung thư, một cái chết không đủ chậm để quen, mà cũng không đủ nhanh để đỡ đau đớn. Một cái chết được báo trước trong một quỹ thời gian hạn hẹp.

Thú thật khi hay tin nhà thơ Trịnh Thanh Sơn bị ung thư thực quản, tôi giật mình. Đến cái cơ thể cường tráng và chắc nịch như phiến gỗ lim, gỗ táu của Đồng Đức Bốn cũng không lại nổi với cơn bão ung thư chỉ sau mấy tháng đã ăn ruỗng hết cái thể xác lẫn hồn vía của gã thi sỹ có giọng nói oang oang như lệnh vỡ. Trịnh Thanh Sơn cũng có kém chi Đồng Đức Bốn bởi cái sức sống chắc nịch và vâm váp của một người đàn ông khỏe mạnh. Tôi đã ớn lạnh hình dung...

Thế nhưng, khi đối diện với nhà thơ Trịnh Thanh Sơn bên giường bệnh, trong ngôi nhà ngổn ngang chật chội của ba thế hệ chen chúc nhau, mới thấy chao ôi là thương cảm. Đời một người làm văn chương, một nghệ sỹ đã khổ bởi cái nặng nợ thế gian rồi, vậy mà dường như số phận luôn thử thách họ trong tận cùng những nghiệt ngã trớ trêu của tạo hoá.

Trịnh Thanh Sơn nằm đó, mỏng như một tàu lá héo đã rụng, thoi thóp trong những cơn đau dữ dội. Đã 4 tuần nay rồi, ông không nuốt nổi bát cơm mà chỉ duy trì sự sống bằng nước. Nước cháo, nước thuốc, nước huyết thanh, nước yến, nước cao... thôi thì đủ các loại chất bổ dưỡng nhất trên đời của gia đình, người thân, bạn bè bốn phương tìm kiếm mua về để kéo dài sự sống.

Cũng đã 4 tuần nay, vợ và các con ông đã đến gặp bác sỹ xin được mua thuốc moóc phin giảm đau. Bác sỹ kê đơn cho 21 ống moóc phin, dặn chỉ thật cần thiết, khi nào không thể chịu đựng nổi cơn đau nữa hẵng dùng đến, vì thuốc có hại cho sức khỏe. Vợ con ông thấy ông đau đớn quá, mới đi mua thuốc sẵn.

Thế nhưng, Trịnh Thanh Sơn vui vẻ thông báo: "Những cơn đau ngày một dày lên nhưng mình vẫn còn chịu được. Còn chịu đựng được ngày nào hay ngày ấy, chứ dùng thuốc hại sức lắm. Mình bây giờ không còn dậy được nữa, người từ chỗ 65kg giờ teo quắt lại chỉ trơ da bọc xương chưa đầy 40kg, tóc rụng gần hết rồi".--PageBreak--

Tôi nhìn những ống thuốc vẫn còn nguyên xếp chồng lên nhau phía đầu giường. Giữa cơn đau, Trịnh Thanh Sơn quằn mình lên, hai cánh tay trơ xương bám vào thành giường chịu đựng. Phía dưới gầm giường là chiếc cân bàn hẳn ngày nào cũng được dùng đến để đo đếm sức khỏe và quỹ thời gian còn lại.

Có thể vì hy vọng, vì khao khát được sống mà Trịnh Thanh Sơn sẽ là người rũ được cơn đau nhẹ nhàng đi vào một thế giới khác mà không cần dùng đến sự trợ giúp. Bởi những ống thuốc kia chỉ là thời khắc lạnh lùng sẽ điểm khi linh hồn ông như ngọn đèn đã cạn. Ông cười, mình còn sống được ngày nào hay ngày ấy chứ. Được sống để ngắm con, ngắm cháu, ngắm vợ là sướng rồi.

Tôi biết Trịnh Thanh Sơn đang cố gắng chịu đựng để cùng với gia đình, những người thân, vợ con ông giành giật lại từng phút từng giây trong quỹ thời gian sống còn ít ỏi của mình. Ông lạc quan, vui vẻ và ân cần dịu dàng với vợ con, với tất cả mọi người.

Phía đầu giường ông là những bức ảnh chân dung đã được phóng to, đẹp đẽ và trang trọng. Trong ảnh là hình ảnh của ông một năm về trước, trẻ trung, tráng kiện và mãn nguyện hạnh phúc. Ông lôi ảnh ra, vuốt ve gương mặt của mình trong ảnh, tỷ mẩn từng tí một: "Mình làm ảnh thờ đấy, trông đẹp quá nhỉ", rồi ông lại cười tươi. Nụ cười thanh thản nở trên đôi môi còn đỏ chót, trên gương mặt đã bạc thếch của người bệnh khiến tim tôi thắt lại.

"Bạn biết đấy, tôi chỉ còn rất ít/ Quỹ thời gian của tôi bây giờ đếm lẻ từng phút/ Mỗi phút qua đang hao kiệt cạn trơ/ Lạnh ngắt như lòng giếng cạn/ Cả đời tôi luôn chậm chạp lề mề/ Phung phí tháng ngày như vãi thóc/ Còn giây lát mới biết thời gian quý hơn vàng ngọc/ Chỉ còn giây lát thôi vở kịch sẽ hạ màn/ Bạn thấy không/ Lưỡi hái tử thần thấp thoáng bên cánh gà rồi đấy".

Trịnh Thanh Sơn trước khi ngã bệnh làm việc ở Tạp chí Thế giới điện ảnh - Hội Điện ảnh Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Năm nay ông bước sang tuổi 59, chưa hoàn thành nốt những tập bản thảo dở dang, chưa kịp biết đến cuộc sống tự do sáng tác của một người hưởng chế độ hưu thanh nhàn thì ông đột ngột bị bạo bệnh.

Hoạt động trên lĩnh vực văn học, thi ca hơn 30 năm nay, Trịnh Thanh Sơn được bạn đọc biết đến là một nhà văn với 4 tập truyện ngắn giàu cảm xúc, một nhà thơ hồn hậu với: "Cọng rơm vàng", "Giậu cúc tần", "Đoá tầm xuân",... Nhưng có lẽ Trịnh Thanh Sơn xuất hiện trong trí nhớ độc giả nhiều hơn cả với tư cách là một nhà phê bình văn học, một người yêu thơ, đam mê thơ say đắm, một lão nông tri điền đích thực miệt mài đi trên cánh đồng thơ.

Trên cánh đồng thơ mênh mông và không cùng ấy, không ít lần Trịnh Thanh Sơn là một kẻ mộng du, thổn thức với cái đẹp, trầm ngâm với suy tưởng, không ngừng sáng tạo và khám phá những tầng sâu của ngôn ngữ đằng sau những bài thơ ấy. Trịnh Thanh Sơn tự bạch về công việc của mình: "Đêm đêm ngồi đọc thơ bạn bè, đọc một cách kỹ lưỡng rồi ghi lại những cảm nghĩ của mình. Ghi cho mình là chính cốt để giãi bày một đồng cảm riêng trước một thực tế thẩm mỹ".

Và sau rất nhiều những đêm ngồi ghi như thế, cứ dày mãi lên cái chồng bản thảo mà ông gọi là bản thảo của những cơn mộng du trên cánh đồng thơ. Chính vì thế mà Trịnh Thanh Sơn có được một tác phẩm tiểu luận - phê bình - chân dung văn học khá dày dặn "Đi dọc cánh đồng thơ" của Nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 2002.

Mới đây thôi, khi phát hiện mắc phải căn bệnh ung thư, ông đã chạy đua với thời gian, với thần chết để ra mắt bạn đọc tập hai cuốn sách "Đi dọc cánh đồng thơ" tập hợp những bài viết phê bình, tiểu luận và chân dung văn học mới nhất từ sau năm 2002 đến nay.

Lúc này, trên giường bệnh, Trịnh Thanh Sơn đang cố đều nét chữ để ký tặng tôi cuốn sách mới. Ông vui vẻ tiết lộ: "Tập 3 "Đi dọc cánh đồng thơ" đang chuẩn bị được in và phát hành tháng 8 này, cầu mong lúc đó mình còn khỏe để tặng sách mọi người. Mình đang còn làm dở dang tập thơ "Ngàn dâu", dự định cuối năm nay sẽ in. Hy vọng lúc đó mình vẫn chưa từ bỏ thế gian này".

Ông lại cười, cơn đau chợt đến giằng xé gương mặt mệt mỏi. Cả người ông dây nhợ loằng ngoằng của máy điện châm ép ở lưng và ở bụng rung lên trong cơn đau.

Nhăn mặt nén chờ cho cơn đau qua đi, ông thủ thỉ: "Mình đi vội quá, thương vợ và các con. Suốt đời bận lông nhông, mải làm thơ phú, đến ngôi nhà đàng hoàng tử tế cho vợ và các con mình cũng chưa làm được. Để vợ và các con ở lôi thôi như vậy, mình có lỗi quá. Nhưng cũng may mà chưa làm nhà, chứ làm nhà mà mình bệnh, người đời lại bảo do làm nhà mà chết. Nay mai mình đi, các con cố gắng thực hiện ước nguyện của cha".

Nghe ông nói vậy, vợ ông lén lau nước mắt. Bà nói, hai vợ chồng xa nhau 17 năm, năm 1999, bà bị ốm một trận tưởng chết. Sau lần trọng bệnh đó, ông nhất quyết gọi bà ra Hà Nội. Bà Lý vợ ông lúc đó đang là Hiệu phó Trường THCS Nga Thủy, Nga Sơn, Thanh Hoá, thương ông một mình, bà quyết định bỏ dạy, bỏ chức vụ, về hưu một cục và khăn gói ra Hà Nội với ông cùng 2 con.

Tôi lặng lẽ trao món tiền của Thiếu tướng Hữu Ước thăm ông rồi chào ông ra về. Chỉ mong bài báo này khi lên khuôn, ông vẫn còn vui khỏe để đọc những dòng tôi viết.

Cầm món tiền, Trịnh Thanh Sơn ứa nước mắt nói: "Hữu Ước đến thăm mình, cho mình nhiều rồi, giờ lại cho nữa, biết lấy gì mà cảm tạ đây. Năm ngoái mình uống rượu ở nhà Hoà Vang và thấy rượu chảy qua vòm họng đắng chát vì thương thằng bạn nhắm bạn bè suông bằng những cơn đau. Bây giờ đến lượt mình lại nằm trên giường nhắm suông lũ bạn uống rượu dưới nền nhà bằng những ý nghĩ về cái chết. Nhà văn, nghệ sỹ khổ thế, trời còn bắt khổ chi nữa. Không biết rày mai, biết ai trong số bạn hữu như mình. Thôi thì coi như cái chết cũng là một cơn mộng du, không phải mộng du trong cánh đồng thơ mà trong cõi niết bàn".

Rời ngôi nhà nằm tít sâu trong ngóc ngách hẻm nhỏ của nhà văn Trịnh Thanh Sơn, tôi chợt nhớ đến Hà Nội có biết bao ngõ ngách của phố phường, có biết bao nhà văn, nghệ sỹ như con chim yến nhả máu neo vào Hà Nội những chiếc tổ cỏn con bé tý của mình, để làm nên những điều kỳ diệu, mật ngọt cho đời. Một ngày nào đó những con chim yến lặng lẽ bay vào trời xanh mà không một ai hay biết

.
.