Nhà thơ Tô Hà: Khi thơ ứng nghiệm với đời
Ông nguyên Trưởng ban Biên tập Báo Người Hà Nội (thời nhà văn Tô Hoài làm Tổng biên tập). Sinh năm 1939, mất năm 1991, Tô Hà nổi tiếng là một người say thơ và đến nay, bạn bè vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những bài thơ ông viết đã rất ứng nghiệm với những gì xảy ra trong giờ phút lâm chung của ông...
Từ "Những câu thơ trong trí nhớ"
Lần đầu tiên tôi được diện kiến Tô Hà là trong buổi giao lưu giữa tác giả và bạn đọc tổ chức tại Thư viện Hà Nội nhân dịp tập sách "Những câu thơ trong trí nhớ" của ông được xuất bản. Bấy giờ là vào khoảng cuối năm 1988. Thời ấy, những cuốn hợp tuyển thơ của nhiều tác giả rất hiếm.
Năm 1985, cuốn tuyển tập "Thơ Việt
Đến như trường hợp tài và nổi như Lưu Quang Vũ mà có vị còn phát biểu xanh rờn: "Lưu Quang Vũ phát về kịch chứ không phát về thơ" và không chọn một bài nào của anh, nói chi đến những người "thấp cổ bé họng". Không những vậy, việc người này được chọn nhiều, người kia được chọn ít cũng khiến làng văn như lên cơn sốt.
Trong bối cảnh ấy, hình như Tô Hà muốn tìm một cách nào đó để kê lại "chỗ lệch" ấy. Tập "Những câu thơ trong trí nhớ" ra đời. Có thể nói, đây là một tập sách rất độc đáo. Lần đầu tiên trong làng thơ Việt
Và trong cách tuyển chọn, Tô Hà cũng tỏ ra khá "đáo để". Với ông, thơ hay là thơ hay, không tính đến yếu tố tuổi tác, chức vụ. Bởi vậy, bên cạnh một số tác giả trẻ được ông chọn in khá nhiều đoạn, nhiều câu, thì cũng có một số đấng bậc vì không trúng với cách cảm thụ của ông, nên được ông chọn rất hạn chế.
Thậm chí, có nhà thơ khá quen biết như Phạm Hổ, là người ở cùng khu tập thể với ông, cũng không được ông chọn in một câu nào. Lý giải điều này, Tô Hà cho rằng, cái hay của thơ Phạm Hổ là cái hay của không khí chung toàn bài, chứ trích riêng một câu, một đoạn nào thì thật khó. Và ông đã cố làm vui lòng nhà thơ đàn anh bằng cách giải thích ấy, để rồi khi làm sách, ông trước sau kiên định với quan điểm riêng của mình.
Trở lại với buổi giao lưu nói trên. Cùng nhiều bạn đọc khác, tôi được Tô Hà mời đến nhà chơi. Có thể ông chỉ mời xã giao thôi, nhưng vì lòng yêu thơ, tôi vẫn tìm đến.
Nhà của Tô Hà ở trong khu tập thể Đại học Bách khoa. Ông tiếp tôi không khách khí, mặc dù cả buổi ông chẳng hỏi lấy một lời rằng tôi là ai, làm gì, ở đâu. Thế mà tôi cứ xoay tròn quanh chuyện thơ ca với ông và cả hai đều rất say sưa. Khi tôi đứng dậy chia tay, ông nhắn tôi bất kể lúc nào rỗi lại đến chơi, nói chuyện tiếp.
Lần thứ hai tôi đến, ông vẫn say sưa như thế, song cũng như lần trước, ông vẫn chưa hỏi tôi là ai. Cho đến cuối buổi, khi thấy trong cách nhìn nhận thơ ca giữa tôi với ông có những điểm tâm đầu ý hợp, ông bèn rút trên giá sách tập thơ "Thành phố có ngôi nhà của mình" vừa mới in xong, kê lên đầu gối viết lời đề tặng. Sau khi viết đủ bốn chữ "Rất thân quý tặng", bấy giờ mới là lúc ông quay ra hỏi tên tôi. Thì ra, với Tô Hà, là ai không quan trọng bằng nói những gì. Và tất cả những ai yêu quý thơ ca như ông đều là những người ông "rất thân quý".
Ở nước ta, nhiều người yêu thơ nhưng yêu đến như Tô Hà quả là cũng... hiếm. Tại trụ sở Báo Người Hà Nội, cùng với nhà thơ Chử Văn Long, nhiều buổi ông ngồi nói chuyện thơ... thông tầm, quên cả ăn trưa. Ở cơ quan thì thế, khi về nhà rồi, chuyện thơ vẫn dai dẳng đeo bám ông.
Tôi nhớ, có những lần vợ ông mua phở về cho ông. Bát phở còn nghi ngút khói, đang chuẩn bị ăn, nhưng thấy khách thơ tới chơi, sợ bạn ngại không dám ngồi lâu, ông bưng bát vào phòng trong, để đấy vài ba tiếng sau mới... dùng đến. Ôi chao, cơm nguội còn ăn tạm chứ phở nguội thì nuốt thế nào. Vậy mà những việc đó rất bình thường với ông, chỉ có chuyện thơ là không bao giờ nhàm chán.
Cũng liên quan tới chuyện yêu thơ của Tô Hà, còn nhiều giai thoại. Ấy là chuyện ông nuôi "nguyên mẫu" trong nhà rồi làm thơ về người này. Tới khi bài thơ được đăng trên Báo Văn nghệ, ông hớt hải mang báo về cho bạn mừng thì cũng vừa hay anh bạn này đã "phắn" khỏi nhà ông, không quên cuỗm đi của nhà thơ một số đồ đạc và quần áo.
Rồi chuyện ông bị tụt huyết áp, phải đi cấp cứu, vậy mà tại giường bệnh, được tin bác sĩ là người rất yêu thơ và cũng có làm thơ, ông bèn ra hiệu cho vị bác sĩ đọc thơ ông nghe. Rồi cứ thế, bằng một giọng rất yếu ớt, ông thều thào buông những lời phẩm bình, nhận xét, khiến bạn bè, người thân phải một phen hết hồn, đành xúm vào khuyên ngăn ông hãy tập trung cho việc chữa bệnh, còn việc thẩm thơ, chữa thơ kia hãy để lui vào dịp sau...
Rất yêu thơ, nhưng trong cách nhìn nhận vấn đề, Tô Hà cũng là người khá cực đoan. Từng có lần ông thách đố tôi: "Tôi đố cậu tìm trong tuyển tập mấy trăm bài của Chế Lan Viên những câu cứa gan, cắt ruột người như mấy câu này của Tế Hanh: Chắc gì mắt em như lá liễu/ Đã cắt lòng anh một nét dao".
Rất may là trước đó, tôi được đọc trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Tế Hanh, trong đó có một thông tin hết sức bất ngờ, rằng bài thơ "Liễu" (có mấy câu nhắc tới trên) thật ra là thơ của Chế Lan Viên. Sở dĩ nó được in trong "Tuyển tập Tế Hanh" là bởi (theo lời kể của nhà thơ Tế Hanh), Chế Lan Viên muốn tặng ông để 'làm quà" sau chuyến Chế Lan Viên đi chữa bệnh ở Trung Quốc về. Cũng may là khi tôi thông tin cho Tô Hà điều này, bài tiểu luận của ông (có ý kiến trên) chưa công bố, chứ nếu không, lập luận của ông sẽ là "Chế Lan Viên không viết hay bằng... Chế Lan Viên", sẽ thành chuyện bi hài mất thôi.
Đến hai bài thơ mang nhiều dự cảm
Làng văn thế giới từng biết đến những câu chuyện đầy ly kỳ và bí ẩn về những bài thơ có tính dự cảm (hoặc có thể gọi là linh ứng) của các nhà văn. Như chuyện thi hào Nga Mikhain Lecmôntốp. Ông đã ngã xuống sau một cuộc đấu súng xảy ra ngày 15-7-1841 tại chân núi Masúc. Điều lạ lùng là trước đấy, trong một bài thơ ông có hình dung đến cái chết của mình: Đaghextan, trưa hè nóng nực/ Tôi nằm im, đạn chì trong ngực. Thực tế Lecmôntốp đã chết trong một hoàn cảnh, một địa điểm đúng như trong vần thơ ông mô tả.
Với trường hợp nhà thơ Tô Hà, tôi thấy những bài thơ của ông viết lúc cuối đời cũng có những sự linh ứng lạ kỳ, bởi có những tình tiết mà khi đối chiếu với thực tế, thấy độ chính xác khá cao.
Nhà thơ Tô Hà ra đi vì bệnh suy thận. Có đến 6, 7 tháng trước lúc mất, ông phải chạy thận nhân tạo, mỗi tuần lọc máu tới 2 lần. Điều lạ là trước khi vào cuộc chiến cam go này, trong khi tâm thế còn khá ung dung, ông đã viết bài thơ "Hư ảo", với những lời lẽ như từ thế giới bên kia vọng về:
Thuở ấy anh là mây dưới kia...
Theo trăng vằng vặc rủ em về
Ai hay trước ngõ em đâu mất
Để lại tơi bời anh lối khuya
Từ ấy không đêm cũng chẳng ngày
Anh là giá buốt của sương bay
Là sao đẫm ướt run trên lá
Trăng ngỏ lời suông với gió may
Ngõ cũ ai về thăm lối xưa
Anh thành cõi khác của đam mơ
Nghe hồn thu lạc qua hư ảo
Ai khóc tên mình trong nắng trưa.
Lẽ thường, ta bao giờ cũng nói "mây trên kia". Chỉ có người đã về Trời (hoặc giả là đi máy bay) mới nói "mây dưới kia". Hơn thế, “Từ ấy không đêm cũng chẳng ngày/ Anh là giá buốt của sương bay”, cũng có nghĩa là người đã sang cõi khác. Thú thật, khi được Tô Hà đọc cho nghe bài thơ, chúng tôi thấy sởn gai ốc, cảm thấy có điều gì đó không thuận.
Bẵng đi một thời gian, cho tới một ngày, người em vợ của Tô Hà là dịch giả Trần Đức Triển hớt hải qua nhà báo cho tôi biết Tô Hà đang vào phút lâm chung... Khi tôi có mặt thì cũng là lúc gia đình và bè bạn đã quây tụ cả bên ông... Có người nói Tô Hà sắp đi. Vợ con ông cho biết họ đang chờ mấy người thân ở dưới quê lên. Không khí nặng buồn thương, căng thẳng, hồi hộp.
Tôi nhìn đồng hồ, bất chợt nhớ tới hai câu thơ của ông: Nghe hồn thu lạc qua hư ảo/ Ai khóc tên mình trong nắng trưa. Và tôi thầm nghĩ: Bây giờ đang mùa thu. Hồn thu lạc là đúng như điều nhà thơ tiên báo rồi. Nhưng ai khóc tên mình trong nắng trưa. Nhà thơ chưa "đi" được. Ông phải chờ nắng lên, phải chờ tiếng khóc của người thân của ông đang từ xa đến.
Chúng tôi im lặng, hồi hộp theo dõi nhịp tim ông hiển thị trên màn hình của máy điện tâm đồ. Tim chúng tôi đập như chực nhảy ra khỏi lồng ngực khi thấy nhịp tim ông yếu dần, yếu dần. Thời gian cứ thế trôi qua, từng phút, từng giây... Cho đến một lúc, bất chợt có tiếng khóc òa lên từ đâu xô tới, và nắng trưa hôm ấy bừng lên vàng rực khu vườn Bệnh viện Hữu Nghị. Tiếng bác sĩ thông báo: "Anh ấy đi rồi". Có người nhìn đồng hồ. Bấy giờ là 12h22'. Bối cảnh, thời gian thật đúng như điều nhà thơ tiên báo.
Sau này ngồi ngẫm lại, tôi thấy đời người có nhiều điều thật khó lý giải. Tô Hà sinh năm Kỷ Mão (1939), cầm tinh con... Mèo. Trong cuộc sống, ông cũng đặc biệt yêu quý con vật này và từng hơn một lần làm thơ về nó. Đặc biệt, rất đáng chú ý là bài "Ám ảnh" ông ghi lại một giấc mơ: "Tôi giật mình đánh rơi/ Con mèo con xuống giếng". Đoạn kết là một cảnh huống thật tội: "Con mèo đang gọi tôi/ Bằng những bong bóng nước", trong khi nhà thơ thì trong tình thế "Mà tay tôi cứng ngắt/ Mà chân tôi cứng ngắt/ Mà miệng tôi cứng ngắt". Chứng kiến phút lâm chung của nhà thơ (khi ông đã ở vào tình trạng tràn dịch màng phổi, phải thở bình ôxy) tôi phải thú thật rằng, nó luôn gợi cho tôi những hình ảnh ám ảnh trên mà trong một phút bất thần nào đó, nhà thơ đã mường tượng ra.
Nhà văn Nga Đanin Granhin từng đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình là "Kỳ lạ thế đấy, cuộc đời này". Mỗi lần nghĩ về hai bài thơ nói trên của nhà thơ Tô Hà, tôi lại muốn thốt lên: Chẳng lẽ thi ca lại chất chứa nhiều điều có tính tiên báo đến vậy sao?