Nhà thơ Thanh Quế: Làm cha… thần đồng
Nhưng ông vẫn phải đảm đương công việc của Hội Văn nghệ Đà Nẵng. Người ta chờ để hết nhiệm kỳ, nhưng việc bầu bán Chủ tịch Hội Văn nghệ mới căng thẳng quá, không ai chịu ai, nên ông vẫn túc tắc làm. Ông viết rất ít. Con trai ông, Phan Tuy An, chú bé thần đồng thơ năm xưa, cũng đã im lặng với trang viết, cậu đang miệt mài học Đại học Mỹ thuật ở Huế.
Thi ca trong quan niệm của cả hai cha con, là một công việc mệt nhọc nhưng thiêng liêng. Và nó đang trong những ngày ẩn sâu trong tâm hồn họ. Đợi một ngày đủ đầy để phát sáng...
Thanh Quế làm công việc của một quan chức văn nghệ vài chục năm. Giới văn chương nhắc tên ông để nhắc về Đà Nẵng. Ông đã sinh và nuôi hai đứa con trong căn nhà vài chục mét vuông, đến giờ vật chất vẫn đơn sơ như một mái - ấm - thời - bao - cấp. Cuộc sống tùng tiệm.
Nhưng cũng có nhiều người nói về ông bằng một thái độ tiêu cực. Cũng có thể, những nóng lạnh của cơ chế và đời sống văn nghệ tỉnh lẻ khiến người ta nhìn nhau không được tươi tắn cho lắm. Và cũng có thể, ông là người cực đoan. Nhưng tôi nhìn nhà thơ Thanh Quế, cảm giác như ông là một người giản đơn, giản đơn đến mức ngây thơ.
Người văn nào cũng có những vẻ hồn nhiên, ngây thơ của mình. Với người đã chấm dứt mọi ảo tưởng về sức mạnh của con chữ, có lẽ văn chương trong họ đã cạn kiệt. Thanh Quế thì không, dù ông làm quan chức văn nghệ, đã hưởng cả vinh quang, đã ngấm đủ đòn roi từ nó.
Ông vẫn tin vào một hạnh phúc của một nhà văn khi những con chữ được cất lên bởi giọng nói của một người khác. Ông vẫn tin, những câu thơ của mình sẽ là điểm tựa cho ai đó neo vịn. Thơ Thanh Quế là thơ không nịnh tai. Tôi nhớ nhà thơ Trúc Thông đã nhận xét đâu đó về ông, rằng mỗi nhà thơ đích thị có một kênh thẩm mỹ riêng.
Người đọc đi vào trúng kênh của nhà thơ ấy thì sẽ thu nhận đúng những đóng góp của ông ta. Đừng lấy gout riêng của mình áp đặt lên thơ người khác. Các nhà lý luận vẫn nói rất hữu lý về sự đồng sáng tạo của bạn đọc. Ở kênh thơ Thanh Quế, ta hãy để lòng mình lắng chìm vào sự thầm thì, cùng tác giả lắng sâu vào những nghẹn ngào kín ẩn.
Có một tiếng thở dài nội tâm không bao giờ cất lên. Thanh Quế làm thơ giản dị, giản dị như sự thật. Ông cũng làm thơ nhiều về nỗi đau mất mát. Và ông quan niệm, không ai làm văn chương trên nỗi đau cả. Chỉ viết về sự thật ấy thật hàm súc mà thôi. Mỗi câu mỗi chữ như một vết cứa.
Thanh Quế đã tuân thủ cách viết ấy đến tận lúc này, khi dường như sứ mệnh của ông đã được hoàn thành. Ông nói, năm 1981, khi chấm tiểu thuyết "Cát cháy", nhà văn Tô Hoài đã quyết hạ ông từ giải nhất xuống giải nhì vì ông viết... sai đúng một câu. Từ ấy ông hiểu rằng, những gì mình chưa tường tận, những gì chưa thực chín, chưa kịp chắt lọc, ông để cho tâm trí mình gạn lọc và đắp bồi.
Khi những ý thơ vang lên là khi ấy mọi thứ đã được chuẩn bị tinh tươm, sạch sẽ. Xuất bản 12 tập thơ và 28 tập văn xuôi, Thanh Quế đã cày bừa miệt mài trên cánh đồng của mình, không suy tính thiệt hơn và cũng không mong chờ những tác phẩm lớn.
Ông nói, với văn chương, ông nghĩ mình là dạng thường thường bậc trung, có những bài thơ được, những truyện ngắn được. Nhưng ông không phải một thiên tài. Ông, ở vào tuổi ngoài 60, vẫn tin tưởng vào sức mạnh chữ nghĩa nhưng lại là người hiểu rõ mình quá rồi.
Và ông thuộc trong số hiếm hoi những người dám tự định vị mình không phải là người số một trong trường văn trận bút. Cái sĩ diện và ảo tưởng dường như đã thoát bỏ khỏi Thanh Quế tự khi nào mà chính ông cũng không hay. Văn nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ tỉnh lẻ, dễ sinh ảo tưởng thành vĩ nhân.
Làm được dăm bài thơ, được một nhà thơ trung ương nhận xét và khen ngợi, ngay lập tức nghĩ mình là nhất. Không phải ai cũng đủ bình tĩnh để nhận ra đó là những lời khen ngợi xã giao và ta vẫn chỉ mới bơi quanh một cái ao làng và lâu ngày bị "nhà quê hóa" trước những dòng chảy mới của văn chương.
Thanh Quế thoát khỏi được "vòng vây" đó bởi ông đã có thời gian dài làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại Hà Nội. Và ông cũng đã tự thuyết phục được những người làm nghề bằng những tác phẩm cụ thể, thay vì những lời lẽ bông phèng.
Làm quan chức văn nghệ, lại làm một tờ báo văn nghệ địa phương, cái khó khăn nhất là làm sao tạo dựng được một diễn đàn văn nghệ xôm tụ, nhưng đồng thời không trở thành diễn đàn với thái độ cực đoan.
Nhà văn, với sự cực đoan trong sáng tạo của mình, khi bước vào lĩnh vực quản lý đã không ít người phải trả giá. Thanh Quế đã từng chịu những hình thức kỷ luật, tưởng như phải trắng tay rời khỏi giới văn nghệ. Năm 1989, ông cho đăng một bài viết chống tham nhũng mang tên "Hoàng hôn quê ngoại".
Bài viết đã có những chi tiết hư cấu quá lên. Và ông đã bị lãnh đạo một huyện kiện. Và một truyện ngắn khác cũng làm ông mệt mỏi. Đã có khi ông phải hằng ngày lên văn phòng Tỉnh ủy, ngồi viết kiểm điểm, trong vòng một tháng. Khi ấy, người ta nói sẽ cách chức ông. Và ông cũng không buồn nhiều, chỉ nghĩ đơn giản là ông sẽ làm một công việc khác và viết văn.
Nhưng những gì là khuyết điểm thì ông vẫn nhận, nhận một cách thành thật, không phải vì sợ mà chỉ vì muốn sòng phẳng công và tội mà thôi. Vậy mà lãnh đạo hiểu lòng, ông thoát nạn, chức vụ vẫn còn.
Thanh Quế nói, ở đời, cái chuyện dâu bể không tính trước được, tự đến tự đi, âu may cũng là cái lẽ trời. Ông làm việc và làm việc, dường như Thanh Quế không mảy may nghĩ suy nhiều về được và mất.--PageBreak--
Tôi hỏi ông nhiều về Phan Tuy An. Cậu bé thần đồng thơ năm xưa nay đã trở thành sinh viên đại học. Tuy An đang chuẩn bị hành lý để trở lại Huế, tiếp tục những ngày sinh viên của mình. Cậu đã khác xa lần đầu tiên tôi gặp ở Hội nghị những người viết văn trẻ 2001.
Khi ấy Tuy An 14 tuổi, nhút nhát, rụt rè, đọc "Chú mèo ham ăn" ngập ngừng giọng đặc chất Quảng. Năm ấy, người ta liên tục đưa ra danh sách những nhà văn trẻ tham dự hội nghị và nhà văn trẻ nhất được công bố trên báo chí, cũng như được đọc trong bài diễn văn hội nghị của nhà văn Nguyễn Trí Huân là một cô gái đến từ Hà Tây.
Năm đó cô 16 tuổi với truyện ngắn đầu tay mỏng mảnh. Nhưng trong đêm giao lưu thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã giới thiệu Phan Tuy An, cậu bé từng được mệnh danh là thần đồng thơ. Tuy An làm thơ năm lên 9 tuổi, cho tờ bích báo của lớp. Và cha cậu đã mang bài thơ cho các đồng nghiệp đọc.
Rồi bài thơ được đăng báo. Thời điểm đó Tuy An làm thơ khá đều, những bài thơ giản dị nhưng đều rõ ràng về mặt lập ý. Dường như điều này cậu thừa hưởng từ cha mình. Tuy An xuất hiện trong hội nghị rụt rè và tội nghiệp.
Dường như mọi việc diễn ra không như mong muốn của cậu, nó buồn tẻ và xa lạ, nó không phải là điều mà cậu quan tâm. Tuy An đi tìm mua những chiếc mặt nạ vì đã hứa mua quà cho bạn học. Và cậu đến dự hội nghị vì được đi Hà Nội, chứ không mang sứ mệnh của thần đồng.
Nhưng mọi chuyện đã không đơn giản thế. Sau này, đã có tờ báo viết về cậu với sự châm biếm của người lớn. Người ta nghĩ rằng, chính cha cậu, nhà thơ Thanh Quế đã tác động để cậu được có mặt trong hội nghị. Và cha cậu cũng muốn tạo dựng một thần đồng thơ của thế hệ mới.
Nhưng những cái đó có vẻ ngoài tầm với của Thanh Quế. Khi bài báo đó ra ông đã châm lửa đốt, ông không muốn những điều ấy ảnh hưởng tới tư duy sáng tạo của con mình và biến những dư luận thành áp lực đối với con. Phan Tuy An đã không bị "áp lực thần đồng" đánh gục.
Bởi cậu không bao giờ nghĩ mình là thần đồng. Và thơ chỉ là một người bạn đường, bên cạnh niềm đam mê lớn nhất đời cậu là hội họa. Khi người ta đang lo lắng trên mặt báo về "thần đồng thơ biến mất' thì Phan Tuy An được ba gửi ra Hà Nội nhờ họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phạm Viết Hồng Lam dạy vẽ với mong ước được thi đậu vào Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu.
Và chưa bao giờ cậu rời giá vẽ vì mê thơ. Nhưng Tuy An đã không còn viết thơ hai năm nay nữa. Nhà thơ Thanh Quế bảo, thi thoảng ông hỏi con, dạo này có viết được gì không? Nó nói, không viết gì, tịt rồi. Và ông cười. Trong thâm tâm ông vẫn muốn Tuy An theo thi ca.
Nhưng chưa bao giờ ông áp đặt con mình vào trong khuôn khổ. Ông cũng không bao giờ muốn con mình phải mang một thứ danh hão trong thời buổi người ta có thể dựng được mọi thần đồng. Tuy An, nói theo một cách nào đó, đã trở thành "thần đồng thơ" của giới truyền thông.
Xuất hiện sớm quá cũng không hẳn đã tốt. Người ta đã từng thấy những Cẩm Thơ, Bích Hiền... làm thơ rất sớm rồi cũng tự bặt tiếng và tìm niềm đam mê trong những lĩnh vực khác. Ngay cả như Trần Đăng Khoa, giờ đây rất hiếm khi thấy anh làm thơ nữa. Nuôi dưỡng thi ca thực sự không phải chuyện giản đơn.
Dẫu vậy, Tuy An đã không chịu sức ép của một thần đồng. Cậu nói, giờ cậu chỉ đọc và mong muốn viết những bài thơ khác xưa. Khi mọi thứ chưa thực chín thì không bao giờ ép. Tuy An giờ đã là một chàng trai cao lớn, hoàn toàn không còn hình bóng chú bé rụt rè cách đây 7 năm.
Với Tuy An, mong ước lớn nhất là học xong Mỹ thuật và cậu muốn vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Cậu không ép mình lựa chọn thi ca.
Tôi hỏi nhà thơ Thanh Quế, rằng làm cha thần đồng có thú vị không? Ông cười, không thể nói là không thú vị. Nhưng rồi trên đường tôi về lại Hà Nội, ông lại gọi điện, nói "tha" cho Tuy An hai chữ thần đồng, "nó nói nó ngại lắm, mà dạo này nó có viết gì nữa đâu".
Bởi ông không muốn coi đó là áp lực với con và thực sự ông không coi chuyện con mình có phải thần đồng hay không làm trọng. Tôi nghĩ rằng, tôi hiểu được những tâm sự âm ỉ trong lòng người cha này. Ông thực sự muốn con mình làm một nhà thơ lớn.
Nhưng ông lại không muốn lôi con vào trong vòng xoáy của danh vọng và những ảo tưởng. Ông muốn con được sống như chính mình. Tôi cũng biết, cha con ông đều giấu mình, không muốn ồn ào với chuyện văn chương.
Và họ, trong lúc này dường như ngừng viết. Nhưng thi ca là mạch ngầm bí ẩn hiếm khi cạn kiệt. Khi nào tâm hồn báo động, nó khắc tự quay về...