Nhà thơ Tế Hanh: Những cơn chuếnh choáng trắng tinh của bão tố

Thứ Bảy, 20/10/2007, 07:30

Yêu thơ Tế Hanh, cảm cái tâm hồn tinh tế mảnh như một sợi tơ trời có thể ngân rung lên trước một xao động nhỏ, tôi thuộc khá nhiều thơ ông, chép vào sổ tay không biết bao nhiêu những bài thơ tình trong veo, tinh khôi và dịu ngọt. Tôi uống thơ ông như thể được uống những giọt sương ban mai đẹp đẽ tinh khiết.

Tôi yêu những bài thơ tình của nhà thơ Tế Hanh từ những ngày đang còn ở trên giảng đường đại học. Những câu thơ viết về tình yêu của ông hồi đó đã ám ảnh tôi sâu lắm... đã mang hồn tôi chới với trong những giấc mơ về tình yêu.

Thế nhưng, thi sỹ còn có những bài thơ, những câu thơ đóng đinh vào cuộc đời "buồn bã" của những lũ học sinh nhà quê nghèo ra trọ học nơi thị thành.

Những câu thơ mà không chỉ có thế hệ của ông, của tôi đồng cảm mà cho đến tận hôm nay tôi tin rằng vẫn còn nằm lòng trong bao nhiêu mảnh hồn lưu lạc nơi phố thị: "Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu/ Ngàn đời không đủ sức đi mau/ Có chi vướng víu trong hơi máy/ Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau".

Yêu thơ Tế Hanh, cảm cái tâm hồn tinh tế mảnh như một sợi tơ trời có thể ngân rung lên trước một xao động nhỏ, tôi thuộc khá nhiều thơ ông, chép vào sổ tay không biết bao nhiêu những bài thơ tình trong veo, tinh khôi và dịu ngọt. Tôi uống thơ ông như thể được uống những giọt sương ban mai đẹp đẽ tinh khiết.

Rồi những năm tháng trên giảng đường đại học cũng qua mau, cuộc sống kéo về với cấp tập mưu sinh cơm áo. Tôi không hề biết trước sẽ có một ngày nào đó như ngày mưa hôm nay, tôi trở thành một cư dân của đất Hà thành.

Tôi đi dưới Hà Nội ướt lướt thướt trên những tàn cây của con phố Nguyễn Du, Thiền Quang, Nguyễn Thượng Hiền. Và tôi cũng lướt thướt nước mưa đứng tần ngần trước ngõ số 10 Nguyễn Thượng Hiền.

Mỗi lần qua ngõ 10 Nguyễn Thượng Hiền, trong tôi có một nỗi gì đó không tả được cứ thắt lại, quay quắt. Một ngõ nhỏ nổi tiếng mà ắt hẳn không phải mấy ai cũng biết.

Ngay bản thân tôi khi chưa tìm đến đây, thì tôi cũng như dòng người nườm nượp ngược xuôi kia lãnh đạm đi qua như chưa bao giờ biết có một con ngõ chứa đựng nhiều trầm tích văn hoá và số phận của những con người danh nhân đất Việt. Nơi đây chứa đựng tới 3 con người, 3 số phận tài hoa xứng đáng là danh nhân Việt Nam. Đó là danh họa Trần Văn Cẩn, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhà thơ Tế Hanh.

Cả ba ông đều được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Chỉ có điều hai người đã về với thiên cổ khá lâu. Chỉ còn lại mình thi sỹ Tế Hanh chơi vơi trong cái khoảng không giữa đi và ở. Với thân thể thì còn ở lại, nhưng cái "mảnh hồn làng" của ông thì đã bị những bạn hữu đi trước rủ rê phiêu du đâu đó trong cõi thơ và cõi mộng gần chục năm nay rồi.

Tôi bước vào căn nhà của vợ chồng thi sỹ Tế Hanh, cũng như bước vào đâu đó trong những góc khuất riêng tư của những người nổi tiếng nơi đây. Sẽ là đau đớn một nỗi xót xa không tả được cứ len lên thắt chặt lồng ngực của mình khi tôi nhìn thấy thi sỹ và cái nơi chốn mà kể từ ngày ông tập kết ra Bắc, gia đình ông, vợ chồng rồi con cái ông lớn lên trưởng thành dễ đến 50 năm trong hai chục mét vuông nhà.

Không phải tại vì bây giờ các con đã lớn, đã rời khỏi chiếc tổ của cha mẹ, chỉ còn lại hai ông bà già bên nhau nên mọi thứ đều xưa lắm, cũ kỹ, già nua như chính vợ chồng nhà thơ Tế Hanh. Ở đây, trong ngôi nhà cũ kỹ này, mọi đồ vật ít ỏi và giản đơn để phục vụ cho cuộc sống của một cặp vợ chồng già, đều thuộc về 50 năm trước.

Một thi sỹ vào loại bậc nhất trong phong trào Thơ mới và thơ sau cách mạng để lại cho đời bao nhiêu áng thơ hay, bao nhiêu pho sách quý, bao nhiêu vẻ đẹp giản dị và lộng lẫy của tình yêu thương con người và cuộc sống đã sống một đời sống bình thường nếu không muốn nói là tùng tiệm trong một góc nhỏ của Hà thành sôi động.

Trên tấm phản ở góc nhà giờ biến thành nơi để rau quả, thức ăn, nhà thơ đã từng cúi rạp mình lên đó để viết hằng đêm. Viết khi các con đã học xong lên giường đi ngủ, khi vợ đã yên giấc, một mình ông trầm tư với cái cõi sống bao la này mở tâm hồn mẫn cảm của mình mà thâu nhận hết những gì rung động.

Vợ chồng nhà thơ Tế Hanh và tác giả bài viết. Ảnh: M.T.

Giờ đây, khi các con cháu đủ tiền để mua thêm cho ông 20 mét vuông nhà nữa ở bên trong, đã có dư giả khoảng không gian để có thể kê cho thi sỹ một chiếc bàn viết, một góc làm việc thì thi sỹ Tế Hanh đã nằm xuống, như là yên ngủ.

Ông đang lặng lẽ từng chút một rời xa cái đời sống bề bộn này, rời xa cả những người ruột thịt yêu thương, rời xa chúng ta vào một ngày xa xăm nào đó Hà Nội nín gió và chắc hẳn trời sẽ quang mây tạnh, trong vắt như mặt nước Hồ Gươm để đón một tâm hồn thi sỹ trong trẻo và chan chứa tình yêu con người, cuộc sống vào vũ trụ bao la này.

Tôi cứ nghĩ mãi về cuộc đời và số phận của bao nhiêu thi sỹ tài hoa bậc nhất ở đất Hà thành này, cuộc sống của họ sao mà dông bão. Mỗi một thi sỹ sinh ra đã chở nặng những đau thương của kiếp nhân sinh trong cuộc đời này rồi, bản thân họ đã chịu đày ải bởi những câu thơ rút hồn ra để viết rồi, vậy mà đời thực, số mệnh không buông tha họ, tiếp tục đày ải họ vào những bất hạnh không tránh nổi.

Thi sỹ Tế Hanh bị mù từ khi ông vẫn còn rất sung sức. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông vào khoảng tuổi 60, cặp mắt nâu tuyệt đẹp của ông đã bị đau. Do không gặp đúng thầy, đúng thuốc, đôi mắt trong tha thiết của ông cứ thế mù dần.

Tế Hanh đã sống trong nỗi buồn trĩu nặng suốt mấy chục năm sau đó cho đến khi ông thuộc về cõi mê. Mù khi sức khỏe còn mạnh, tâm hồn còn dào dạt nhựa sống và quan trọng là lúc đó trái tim thi sỹ vẫn còn ngân lên những thanh âm khao khát thì đau khổ đến chừng nào đây.

Tôi nhớ Tế Hanh có một bài thơ nói về sự mù của mình, đọc lên đã rớt nước mắt: "Bạn tặng tôi tập thơ/ Nhưng tôi không đọc được/ Nước mắt tôi thầm ướt/ Không giấu nổi đau buồn/ Tôi đã nhờ vợ con/ Đọc giùm khi rỗi rảnh/ Nhưng mà thơ khó tính/ Đòi hỏi sự lặng im/ Tôi phải tự mình xem/ Tìm ra bao bí mật/ Đọc lên thơ sẽ mất/ Bao uẩn khúc tâm hồn".

Mù dễ đến gần 20 năm, rồi đột ngột ông bị trọng bệnh, ngay cả khi sức khỏe đang vô cùng dồi dào.--PageBreak--

Hôm đó bà Trần Thị Lâm Yến, vợ ông còn nhớ Hội Nhà văn tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm đường Trường Sơn.

Mặc dù rất thương ông nhớ bạn nhớ bè nhưng bà Yến đã cản ông đừng đi vì mắt mũi như vậy, sức khỏe không tốt, song suốt từ chiều, Tế Hanh đã năn nỉ vợ: "Em cho anh đi một lúc, bạn bè Trường Sơn của anh nhiều lắm, anh muốn gặp lại họ, cầm tay họ một chút cho đỡ nhớ".

Bà Yến thương chồng, cho nhà thơ đi. Suốt cả ngày hôm đó, Tế Hanh ra vào bắt vợ chọn cho mấy bài thơ đọc thuộc để đến hội trường đọc cho mọi người nghe. Chọn đi chọn lại, bài nào bà Yến đọc lên, Tế Hanh cũng lắc đầu.

Mãi sau ông tự mình lục trí nhớ được một bài rồi cứ thế nằm trên giường trên ghế lẩm nhẩm đọc thuộc, lẩm nhẩm ướm trước những lời phát biểu.

7h tối, xe của Hội Nhà văn đến đón, 9h, từ hội trường bác sỹ đã điện về báo tin nhà thơ bị xỉu ngay trong buổi lễ. Tế Hanh được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị cấp cứu. Nhà thơ Tế Hanh bị đứt mạch máu não. Ông hôn mê sâu.

Sau 1 tháng cấp cứu và hai tháng điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị, nhà thơ Tế Hanh đã từ chối đám tang của gia đình người thân lo chuẩn bị cho mình để tỉnh lại và sống tiếp. Gia đình đưa ông về nhà chăm sóc.

Được ba năm, nhà thơ đã nhúc nhắc ngồi dậy đi lại xê dịch đôi chút, và nói chuyện được. Cứ tưởng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn lên, thế nhưng chỉ một thời gian sau, ông bị ngã tiếp lần hai, và lần này thi sỹ Tế Hanh  lại hôn mê sâu, bác sỹ phải mở đường cổ để thở. Ông sống hoàn toàn đời sống thực vật từ bấy đến nay cũng dễ đã 5 năm rồi.

Tổng cộng là gần 30 năm bị mù, hơn 10 năm nằm liệt giường mê mê tỉnh tỉnh. Kiếp người của nhà thơ như Tế Hanh nào có ít tang thương, u buồn. Mà sự tang thương u buồn ấy nào đâu đến muộn. Ngay từ đầu đời, thi sỹ Tế Hanh đã vướng vào nỗi éo le đau xót của một chuyện tình dang dở.

Nỗi đau ấy lặn sâu vào những câu thơ đầm đầm nước mắt: "Sinh con chưa biết mặt con? Con sinh gặp cảnh nước non cách vời/ Thân con bé bỏng cuộc đời mênh mông/ Mấy năm đau khổ chiến tranh/ Bao nhiêu nước mắt cũng đành lặng im/ Cha vẫn giữ trong tim thắm đỏ/ Tình thương yêu con nhỏ con ơi/ Ngọn đèn khuya ánh sao trời/ Chứng minh im lặng những lời của cha".

Bà Trần Thị Lâm Yến, người vợ tảo tần và hiền thảo của nhà thơ Tế Hanh cũng đã bước sang tuổi 80. Mái tóc đã bạc trắng phau nhưng gương mặt đôn hậu của bà thì vẫn còn lưu giữ những ký ức của một người phụ nữ nhan sắc mặn mòi.

Ra Hà Nội hơn 50 năm, nhưng giọng nói Bình Định bà vẫn giữ, tâm hồn thiệt thà, chất phác và hồn hậu của bà vẫn nguyên vẹn trong từng lời ăn tiếng nói, trong câu chuyện về tình yêu lớn của bà đối với nhà thơ Tế Hanh.

Bà kể, những ngày đầu ông bị mê mê tỉnh tỉnh, sáng ra ông cứ gọi bà lại và bảo bà chuẩn bị mấy cái ghế, dọn phòng và pha nước mua hoa quả để lát nữa đón khách là mấy nhà thơ trẻ. Bà hỏi ông, ông mời họ đến à, Tế Hanh cười, không, họ tự đến đấy, họ mê thơ tôi, muốn đến đây nói chuyện và nghe tôi đọc thơ mà.

Bà nghe ông, lúc cúc soạn sửa, chờ mãi từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều không thấy mấy nhà thơ trẻ đâu. Thì ra trong cơn mê ông tự nghĩ ra vậy rồi dặn bà y như thật.

Những ngày mê, ông sống bằng những ký ức. Ký ức xưa cứ chầm chậm trôi ngược trở lại trong trí nhớ của ông hiện tại. Ngày xưa khi ông còn khỏe, các bạn thơ đến nhiều, nhất là các nhà thơ trẻ, ông quý họ lắm, chiều và cưng họ lắm. Giờ đây, chắc là trong cơn mê, ông càng nhớ tới họ nhiều hơn.

Bà Yến ngậm ngùi: Ông ngã bệnh đột ngột quá, thành ra bản thảo và tác phẩm của ông, bà không có cách gì tiếp quản được. Mặc dù suốt những năm về hưu, bà là thư ký riêng cần mẫn của ông, phục vụ ông như phục vụ một con trẻ từ cơm áo, tắm giặt đến đọc thơ đọc báo cho ông nghe, rồi ghi chép lại những gì ông viết, đọc đi đọc lại cho ông sửa.

Khi ông mù, ông có cách sắp xếp bản thảo và tác phẩm của mình theo một kiểu của người mù, bà không dám động đến vì ông sẽ mất dấu không tìm được. Lúc ông trọng bệnh thì bà mải mê chạy chữa cho ông, đến lúc ông mê hẳn, ở nhà thì bà chẳng còn biết thế nào mà lần trong cái đống bừa bộn chữ nghĩa của ông nữa.

Bà Yến bây giờ cũng đã yếu lắm rồi, đi lại phải chống gậy. Đêm nào bà cũng nằm ngủ cạnh ông, lật qua lật lại cái cơ thể trộm vía vẫn còn to khỏe của ông để  da thịt khỏi bị loét. Cũng lại trộm vía, nằm gần chục năm nay mà nội tạng của ông không hề có bệnh tật gì, ông vẫn lật qua lật lại được, da dẻ vẫn thắm đỏ, không bị sao cả. Được như vậy là kỳ tích của bà chăm ông, kỳ tích của một tình yêu thương sâu như biển cao như núi.

Tôi viết những dòng này gửi tặng thi sỹ Tế Hanh. Một tâm hồn thơ tôi tìm thấy ở đó "những cơn chuếnh choáng trắng tinh của bão tố".

Ngày xưa tôi đọc những câu thơ này của ông: "Tôi phải làm thế nào/ Khi tôi bảy mươi, tám mươi tuổi/ Người ta vẫn còn đọc thơ tôi". Nhà thơ Tế Hanh ơi, quê tôi cũng gần biển, trước làng có con sông vắt ngang. Mỗi lần ra Hồ Gươm nhớ quê, tôi lại đọc câu thơ này: Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông"

.
.