Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn không... thanh nhàn

Thứ Năm, 10/03/2005, 08:40

Chị là một người phụ nữ Hà Nội đa cảm mà nghiêm túc, vất vả mà thanh lịch. Thơ dịu dàng, đời nhiều sóng gió nhưng vẫn có gì đó rất riêng, vừa giống vừa khác xa cái tên ký trên những bài thơ...

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét: “Với Thanh Nhàn, thơ như lý lịch cuộc đời. Đó là một hướng đi đúng, nhất là đối với những cây bút nữ, vốn mạnh cảm xúc nội tâm”. Và nội tâm ấy càng cố giấu càng lan tỏa như hương hoa bưởi trong thơ của chị.

Thơ là lý lịch cuộc đời

Mọi người đều biết đến tên nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn qua ấn tượng về bài thơ Hương thầm. Người ta còn biết rằng có những người lính trẻ khi ngã xuống còn nguyên bài thơ này trong balô như một nỗi niềm yêu dấu để động viên, khích lệ. Bài thơ về hương bưởi ấy nhắc nhớ những phút người chiến sĩ đã nhờ thơ mà dịu lòng trong đạn bom, khói lửa.

Nhưng không phải ai cũng biết bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào? Những nhân vật của bài thơ là ai?

Khung cửa sổ hai nhà cuối phố là cửa sổ ở phố Yên Phụ (Hà Nội) nơi gia đình chị sống. Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp trong bài thơ là em trai thứ 6 của nữ thi sĩ và cô bạn. Anh đã lên đường khi lời yêu còn chưa lên môi. Chỉ có tấm lòng của người chị đa cảm, lãng mạn để cho hương bưởi trong khăn tay cô gái hàng xóm tiễn em mình.

Một thời gian sau, từ chiến trường khốc liệt, anh đã viết thư về cho chị gái: “Em nghe đài ngâm bài thơ Hương thầm của chị”. Chị Nhàn chưa kịp viết thư cho em rằng: “bài thơ viết về em đó”, thì người em trai vui tính Phan Hữu Khải của chị đã hy sinh. Không gì tả hết nỗi đau của cả gia đình. Và cô gái chưa kịp nhận, ngỏ lời yêu không được nhà thơ báo cho biết cô đã là nhân vật chính của bài thơ đoạt giải nhì trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969.

Không thể ngờ bài thơ đã đúng như cái tên Hương thầm cứ lặng lẽ đến mức ngay cả những người trong cuộc “tử biệt, sinh ly” cũng không hề biết. Và rồi người ta hình dung ra nữ sĩ đã làm bài thơ về cuộc tiễn đưa của chính mình. Họ còn cho rằng người đi ấy là mối tình thầm của chị.

Một lần, những người làm truyền hình xin tác giả tên của người con gái nhà bên để đi tìm nhân vật của bài thơ nhưng nhà thơ đã ngăn rằng: “Thôi! Ba mươi năm qua rồi. Người ta cũng có con có cháu. Khơi làm chi chuyện đã qua. Có khi mình nghĩ họ yêu thầm chứ chắc gì đúng. Em mình thì hy sinh rồi, cô ấy cũng còn gia đình gắn bó cả đời với cô ấy. Mà ai đã sống trong những tháng ngày chống Mỹ cũng hiểu được rằng, đó chỉ là cơn cớ chứ biết bao đôi lứa đã chia tay thầm lặng như thế, cũng nên thơ. Không nên cụ thể hóa, vì việc phát lên tivi một bà già ngoài năm mươi cũng có thể gây phản cảm cho người xem. Hãy cứ để cho cô gái và hương bưởi thuở đó còn tươi trẻ như những người lính vì Tổ quốc mà ra đi để còn mãi tuổi thanh xuân”.

Chính nhà thơ đã luôn đứng khóc ròng mỗi khi nhìn những đoàn tàu trở các chiến sĩ trẻ đi vào phía Nam. Họ phơi phới và trẻ lắm... Mỗi lần gặp một đoàn tàu như thế là chị lại khóc vì nghĩ đến trong số họ sẽ có những chàng trai không về. Chỉ có một chuyến tàu đưa em trai nữ sĩ đi nhưng biết bao nhiêu chuyến tàu lại đưa những người em, người con trong các gia đình khác, đều máu thịt đều thân thương cả. Muôn người một lòng, khí thế lắm nhưng cũng thương yêu xót xa lắm!

Nhưng bài thơ trên chỉ là một trong những sáng tác của nhà thơ. Những bài khác cũng được người yêu thơ ghi nhớ. Trong sổ thơ của các thế hệ sinh viên khó thiếu bài Con đường. Đây là một bài thơ mang dự cảm buồn của cô gái lo ngày phôi pha nên cố dặn người yêu “Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em. Ôi những con đường của tình yêu làm sao riêng biệt!” Dự cảm ban đầu lẽ nào là nỗi buồn mãi về sau?

Một kỷ niệm đáng nhớ với công an

Mới đây, tôi gặp nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong một tình huống bất ngờ. Đó là khi chị đang bị Công an phường Hàng Buồm giữ xe máy vì chị đang từ từ, chậm chậm vượt đèn đỏ. Hẳn chị đang mơ hồ theo đuổi tứ thơ hoặc nghĩ ngợi vẩn vơ. Vào đến nơi, tôi thấy chị cứ lăm lăm cái ví để xin nộp phạt. Đồng chí Công an nghiêm mặt thông báo giữ xe 15 ngày và nộp phạt theo quy định ở Kho bạc. Nhà thơ bối rối nhìn tôi cầu cứu.

Tôi nói với người đang thi hành nhiệm vụ: “Thưa anh, đây là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Chị đang trên đường đến họp ở trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ Thuật Hà Nội. Tác giả của bài Hương thầm đấy ạ! Người Công an nói: "Nhà thơ hay ai cũng bình đẳng trước phát luật”. Tôi thấy anh Công an khoảng trên 40 tuổi thuộc thế hệ mê bài Hương thầm thì càng tự tin. Tôi đọc luôn hai câu thơ giữa đồn công an: Khung cửa sổ hai nhà cuối phố/ Không hiểu vì sao không khép bao giờ. Anh trực ban chớp chớp mắt. Anh Công an đang thụ lý vụ việc im im... Tôi nói thêm: “Một người như chị Nhàn thì không thể cố tình vi phạm pháp luật đâu. Xin các anh chiếu cố”. Chị Nhàn cứ can: “Đừng! Đừng nói chuyện thơ. Tôi xin lỗi, tôi cẩn thận chăm chú nhìn đường quá không nhìn lên trên cột đèn... Tôi biếu các anh tập thơ của các nhà thơ nữ Hà Nội vừa lấy từ nhà in về”. Người đang làm nhiệm vụ khẽ bảo: “Chị cất thơ đi”.

Sau một hồi giải quyết các trường hợp vi phạm khác, anh Công an nhẹ nhàng: “Chị cứ về 19 Hàng Buồm họp, 11 giờ mời chị quay lại”. Đến trưa thì nhà thơ đã được nhắc nhở tận tình và linh động cho chị nhận lại xe. Chị lại đưa tặng tập thơ và lần này thì được đón nhận rất vui vẻ. Thì ra, bên cái lý, các đồng chí Công an cũng có cái tình và nể tài nhà thơ. Chuyện vi phạm với những người như chị là hy hữu. Chị nói: “Mình sai nhưng họ cũng hiểu mình lớ ngớ một tẹo chứ không cố tình. Đến giờ, mình đi ra đường đều cẩn thận. À mà này, Công an cũng thích thơ lắm đấy nhé!”.

“Hình như mình vẫn cô đơn giữa đời”

Chồng chị - nhà thơ Thi Nhị qua đời khi chị mới 32 tuổi. Gần 30 năm một mình nuôi con gái chống chọi với nỗi cô đơn, chống chọi với những yêu thương không bến để nương neo mà chị vẫn là chị vui vẻ, khiêm nhường. Niềm vui của chị là thỉnh thoảng mẹ chị đến ở chơi cùng con, cháu. Bà đã 87 tuổi, chồng qua đời sớm, bà ở vậy, cả đời tảo tần một mình nuôi tám đứa con trưởng thành. Đến giờ, bên cạnh nỗi nhớ thương người con trai hy sinh vì Tổ quốc bà vẫn thầm lo cho người con gái yêu thương ở tuổi lên bà mà vẫn lẻ loi. Hiện nay, nhà thơ đang sống cùng cô con gái làm nghề dạy học. Lòng mong con có nơi có chốn, lại thoáng lo lúc con theo chồng thì chị sẽ sống một mình lặng lẽ. 

Có người tốt lắm, rất thương mẹ con chị lắm nhưng hoàn cảnh không thuận, nên chị vẫn ở vậy. Tôi cứ ngỡ chị thấy đời mình buồn khổ lắm. Nhưng không. Nhà thơ đã nói: “Chị cũng bằng lòng vì đã được làm đúng nghề văn, nghề báo mà mình yêu thích, được làm thơ và sống trong những yêu thương của người thân và bè bạn. Có lẽ chị không định chung sống với ai nữa”. “Từng trải rồi, có thể sống không cần đàn ông” - Chị bộc bạch. Nhưng tôi hiểu đó chỉ là sự cố gắng vì hoàn cảnh “ở lâu trong cái khổ chị quen rồi”. Tôi còn biết những chuyện thương lắm, đến mức tôi thiết tha mong có người đàn ông tốt che chở (dù chỉ bằng tinh thần) cho chị lúc... chiều rơi.

Có chuyện rằng: Một người ngỏ lời với chị, chị đã cảm động và thấy thân thương tha thiết chỉ vì thấy nhà người ấy có cây bưởi trước cửa. Sau này “sự” ấy không tròn, chị vẫn chỉ mong ước có chỗ đất nào trồng lên một cây bưởi. Tôi bỗng nghĩ đến hành trình chung cư nhà chị thì lấy đâu ra chỗ cho một cây bưởi đến mùa tỏa hương.

Chị còn ao ước: “Giá như mình đi làm về có người ngồi đợi, lúc mình nấu cơm, rửa bát có người ngồi gần đó nói chuyện. Hoặc là khi nào mình đi công tác có người dậy sớm dắt hộ xe để đi ra nơi tập trung của Hội Nhà văn”. Những điều ước nhỏ bé quá đến mức làm người đang sống bình thường hiểu mình hạnh phúc biết bao so với chị!

Thơ và đời như vậy nhưng thời gian thì cứ trôi lạnh lùng. Người đàn bà thân thiện là thế, đại diện cho một thế hệ lãng mạn và cam chịu là thế, lại tiếp tục với hương thầm trong những đêm thao thức: Người yêu ngày ấy đâu rồi/ Chỉ câu thơ sống cùng tôi tuổi già

Nguyễn Kim Anh
.
.