Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Bề ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm…
Ngôi nhà chung cư ở gần hồ Tây lộng gió rất hợp với tâm hồn mơ mộng của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Sau nhiều lần chuyển nhà, giờ đây bà đã tìm cho mình một chốn “an cư”, để có thể “lạc nghiệp” với thơ ca, với Facebook, với những cuộc gặp gỡ, với những giấc mơ đã đến trong cuộc đời, cả những giấc mơ chưa bao giờ trở thành hiện thực của nữ nhà thơ nhiều nỗi đau, nhiều nỗi cô đơn ẩn trong niềm đam mê và sự yêu đời dường như chưa bao giờ nhạt phai trong suốt chặng đường mấy chục năm đã sống…
Một buổi chiều Hà Nội ấm áp không khí mùa xuân, tôi ngồi cùng bà ăn một bữa cơm đạm bạc trong căn nhà trên tầng cao gọn gàng, xinh xắn. Đã lâu lắm rồi, tôi mới lại được ngồi thưởng thức những món ăn Hà Nội trong một không gian êm ái như thế để có thể ngắm nhìn không gian Hồ Tây từ trên cao với sự lãng mạn cố hữu của nó. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhanh thoăn thoắt nấu nướng, vừa đi lại, vừa kể chuyện, vừa đùa vui như Tết, vui như thể tất cả mọi thăng trầm trong cuộc đời của bà đã đi qua nhẹ bẫng tựa lông hồng…
Nữ nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nổi danh với bài thơ Hương thầm một thời làm ấm lòng những người ra trận. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, bài thơ được bà làm tặng cho một chàng trai nào đó, nhưng thực ra, đây là bài thơ bà viết tặng người em trai đi bộ đội (năm 1969). Một năm sau, bài thơ được giải Nhì của Cuộc thi thơ của báo Văn nghệ.
Năm 1974, người em trai của bà hy sinh, bà cũng không hay biết người em ấy đã từng một lần được đọc bài thơ ấy hay chưa. Chính vì thế, mới đây, người em trai kế đã khắc bài thơ lên đá và đặt ở nghĩa trang liệt sĩ A Lưới, nơi người em trai đã hy sinh nằm lại.
Bà từng chia sẻ: “Mẹ tôi khi còn sống vẫn thường nhắc nhở anh chị em chúng tôi rằng, cậu ấy là người đã gánh hết mọi khó khăn vất vả của gia đình. Tôi thương, nhớ cậu ấy vì trước ngày hy sinh chưa yêu, chưa lập gia đình.
Bài thơ Hương thầm tôi viết sau ngày em trai đi bộ đội, “cửa sổ” hay “hương bưởi” là một cái cớ để bày tỏ sự yêu quý của tôi với em trai mình. Tôi viết một bài thơ rất thật về gia đình mình nhưng vào những năm tháng chiến tranh ấy, bài thơ lại mang hơi thở của cuộc sống. Tôi viết rất tự nhiên với những cảm xúc riêng của mình và không nghĩ rằng bài thơ lại thành công và để lại dấu ấn đậm nét như thế”.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng trồng trên ban công nhà mình một cây bưởi trĩu quả và chăm bón nó như một đứa con tinh thần yêu thương của mình. Cuộc sống của một nữ thi sĩ nhiều xúc cảm trước cuộc đời, trước thiên nhiên đã giúp bà sau này có nhiều bài thơ hay hơn nữa, đẹp hơn nữa về những điều giản dị xung quanh mình. Thành công của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là bà đã viết về những điều tưởng như giản dị, đời thường ấy trở thành một biểu tượng đẹp trong thơ ca bằng chính cách nói đầy hóm hỉnh và chân thành của mình.
Ngay cả câu chuyện tình yêu, những câu thơ yêu của bà cũng đầy nét riêng bởi sự hồn nhiên của nó: “Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với người nào khác em/ Hàng cây nay đã lớn lên/ Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau/ Hai ta không biết vì đâu/ Hai con đường rẽ ra xa nhau hoài/ Nếu cùng người mới dạo chơi/ Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu…”.
Là một người đàn bà sống và yêu hết mình, nhưng trong tình yêu, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là người gặp nhiều trắc trở. Có một mối tình đẹp và lãng mạn với nhà thơ Thi Nhị, một người đàn ông yêu thương, tôn trọng và chiều chuộng bà… tưởng sẽ có được một cuộc đời viên mãn, một tình yêu viên mãn, thì ông lại ra đi, bỏ lại bà với cả một cuộc đời dài dặc từ năm 36 tuổi. Nhà thơ Thi Nhị ra đi vào đúng lúc bà vừa cùng bè bạn vào miền Nam dự trại sáng tác (năm 1979).
Hồi ấy đường sá xa xôi, tàu chậm, không điện thoại, không e-mail, nên khi nữ nhà thơ trở về, thì ông đã mồ yên mả đẹp như muốn tránh mặt không để vợ buồn. Đó là một buổi tối trời đất như đổ sụp khi bà ngồi bên mộ chồng giữa nghĩa trang trống vắng mà khóc cho nỗi cô quạnh phủ cả bờ vai trong đêm lạnh. Đó là những ngày tháng khủng khiếp tưởng khó có thể vượt qua trong cuộc đời bà.
Bà đã khuỵu đau, rồi vịn câu thơ đứng dậy: “Căn phòng vắng một người/ Bỗng trở nên trống vắng/ Không còn gì ấm cúng/ Không còn gì vui tươi/ Bữa ăn vắng một người/ Tìm đâu ra mùi vị/ Khói cơm cay mắt thế/ Bây giờ em mới hay/ Hun hút hai hàng cây/ Gió thổi dài ngơ ngác/ Thành phố vắng một người/ Đường không ai dạo chơi/ Một người mang đi hết/ Bao nhiêu là thông minh/ Chẳng còn ai hóm hỉnh/ Ai cũng đều nhạt tênh/ Tấm ván nằm chông chênh/ Sao rơi như nước mắt/ Lòng em nghiêng về anh/ Để tháng ngày vắng ngắt/ Đi dọc dài đất nước/ Không còn ai đón đưa/ Không còn ai chờ đợi/ Không ai mà viết thư/ Dẫu bao nhiêu bài thơ/ Chỉ mình em đau xót/ Một mình như trái đất/ Em bây giờ không anh…”.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn ở vậy nuôi cô con gái hồi ấy mới 6 tuổi ăn học nên người. Vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa viết văn làm báo… đã khiến tuổi xuân của bà trôi qua trong lặng thầm, những giấc mơ trôi qua lặng thầm, những ước vọng trôi qua lặng thầm, những nỗi đau cũng trôi qua lặng thầm như một giấc chiêm bao. Đôi khi bà giật mình vì ngoảnh đi ngoảnh lại, đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, những mùa xuân cuộc đời trôi qua chóng vánh.
Bây giờ, mỗi khi có ai đó nhắc đến những người đàn ông, bà chỉ cười đùa vui: Có ai thèm để ý đến “bà già” này nữa! Là nói vậy, nhưng tôi biết chắc rằng, có nhiều người đàn ông đã đến, ngưỡng mộ bà, yêu thương bà thật lòng, nhưng vì hạnh phúc của con, vì nghĩ đến sự thiệt thòi của cô con gái bé nhỏ nên bà đành giấu trong lòng nỗi niềm yêu thương riêng tư để chăm sóc con nên người.
Bởi vậy, mà trong suốt những tháng ngày qua, Phan Thị Thanh Nhàn là người phụ nữ đầy bản lĩnh, tự biết cách làm cho mình vui, an phận với hoàn cảnh của mình, đi bên cạnh cuộc đời và nhận lấy những thứ mà cuộc đời dành riêng cho bà. Bà biết cách tôn trọng từng khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời, dù đó chỉ là một phút giây yêu, dù chỉ là một phút giây hạnh phúc. Trong một bài thơ bà viết: “Rồi có thể ta nhìn nhau ngượng ngập/ Anh đi cùng cô gái khác xinh tươi/ Tôi cố để không rơi nước mắt/ Còn ai đâu thương mến dỗ cho nguôi/ Rồi có thể vợ và con ríu rít/ Anh nhẹ nhàng quên hết chuyện đôi ta/ Anh hối hả đón cuộc đời hạnh phúc/ Tôi bàng hoàng mãi chẳng hiểu ra/ Rồi có thể đắng cay và đơn độc/ Sao hôm nay tôi vẫn thấy yêu đời/ Mỗi ngày sống có bao điều đẹp quá/ Khi chiều về anh nháy mắt chào vui/ Chỉ một phút sống cùng nhau như thế/ Tôi đã mang theo đến trọn đời”.
Tôi hỏi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, có mùa xuân nào đáng nhớ trong cuộc đời bà mà bà vẫn lưu giữ trong ký ức? Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ: Đó là Tết năm 1985 khi tôi về công tác cùng cơ quan Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và báo Người Hà Nội với nhà văn Tô Hoài. Trước Tết, khi tôi đang chuẩn bị dự liên hoan ở cơ quan thì nhận điện thoại bác Tô Hoài nói nếu rỗi thì sang Hội nhà văn lúc đó ở 65 phố Nguyễn Du, bác đang trực bên ấy. Thế là tôi bỏ cuộc liên hoan ở báo, rẽ qua quầy hoa chỗ góc phố Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay, chọn mua một bông hồng thật đẹp và tươi rói, định sang tặng nhà văn.
Khi đến, tôi thấy Tô Hoài đang ngồi một mình, than: “Tết nhất, “nó” bắt mình trực thế này, cô bảo có khổ không? Thế nào, cô đã chuẩn bị gì cho Tết chưa?”. Tôi vẫn cầm bông hồng trên tay, đành đặt xuống bàn, cười hỏi lại: “Thế anh đã chuẩn bị gì chưa ạ? Em không hỏi chuyện ở nhà đâu, vì có chị và các cháu lo rồi, em chỉ hỏi chuyện mẹ anh và chuyện... đi chơi Tết thôi”.
Nhà văn cười rủ tôi ra công viên Thống Nhất ngắm hoa đào: “Đúng là tôi chẳng biết gì việc nhà. Bà ấy và các cháu chăm lo hết mọi thứ, chỉ có điều là bà cụ nhà tôi dạo này không khỏe, nên tôi cũng chẳng dám đi đâu xa cô ạ!”. Tôi tâm sự cùng ông: “Em từ dạo đi lấy chồng, mới thật biết thương mẹ. Nhưng mẹ em còn nhanh nhẹn và chăm em hơn là em chăm mẹ anh ạ. Em cứ về thăm là mẹ tìm nhà có cái gì bắt em ăn ngay”. “Rồi cũng đến lúc cô giống tôi, lúc nào cũng thấp thỏm chẳng biết mẹ còn ở với mình được mấy ngày nữa...”, ông bảo.
Chúng tôi ngồi chuyện trò linh tinh, đến lúc đứng lên để đi sang công viên Thống Nhất xem hoa đào, nhà văn thấy tôi cầm bông hoa (mà lúc đó tôi định đưa tặng), thì cười: “Hoa hồng chóng tàn lắm, cô biết không?”. Thế là tôi không dám tặng Tô Hoài nữa, mà lúc đi qua cổng, đưa cho một cháu gái đi ngang (!). Cháu cứ ngơ ngác rồi cười rất tươi để cảm ơn. Hôm đó về, tôi viết bài thơ Bông hồng không tặng.
Bài này đã đăng báo nhiều lần, nhưng tôi chưa bao giờ nói với nhà văn là tôi làm tặng bác: “Hẹn gặp anh trước Tết/ Mang theo một đóa hồng/ Bao nhiêu lời chúc đẹp/ Định nhờ hoa nói giùm/ Chuyện trò bâng quơ mãi/ Mẹ già thêm tuổi trời/ Những hàng cây Hà Nội/ Việc đang làm nay mai.../ Biết đời anh từng trải/ Công với việc ngập đầu/ Vẫn tấm lòng ưu ái/ Đôi mắt nhìn xa sâu/ Tay cầm hoa bỗng ngượng/ Ý nghĩ mình trẻ con/ Anh sẽ cười nếu tặng/ Hoa hồng nhung chóng tàn/ Đem hoa về thôi nhé/ Đóa hồng vô duyên ơi/ Hoa đâu còn ý nghĩa/ Khi ở bên một người...”.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thường tự xưng hô với lớp trẻ bằng cách giễu mình là “bà già” nhưng đối với tôi, bà luôn là một người phụ nữ đầy sức trẻ, sẵn sàng sẻ chia cùng lớp con cháu nhiều nỗi niềm. Bà chăm tập thể thao, chăm bơi lội và nhảy đầm nên bà vẫn đi xe máy đến tận các vùng miền xa để có thể ngắm một vườn đào, thăm thú một cảnh đẹp. Bà là người phụ nữ nhiều nỗi gian truân, dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn luôn yêu đời, lạc quan sống đủ đầy, đàng hoàng với đồng lương hưu và tiền nhuận bút làm thơ, viết báo.
Chỉ có một điều khiến bà trăn trở là chuyện người con gái đã ở tuổi “cập kê” vẫn chẳng chịu lấy chồng để cho bà có cháu chắt bế ẵm. Bà vẫn đùa vui mỗi khi cần “giục” con đi lấy chồng: “Mày định biến nhà mình thành căn nhà của hai bà già à?”…
Là nói thế, nhưng đằm sâu trong lòng bà, một người phụ nữ hay cười, hay làm người khác vui là một tâm hồn nhiều đa đoan, nghĩ suy, đôi khi bà cười nhưng trong lòng “khóc thầm” vì nhiều nỗi khổ không dễ sẻ chia… Và tôi biết rằng, ở trên căn nhà cao rộng ấy, bà gửi gắm được nhiều điều thầm kín cho mây trời, sương gió, tới cả tấm lòng bao dung, yêu thương của người chồng đã đi xa đang lắng nghe như một lời đồng vọng xuyên thấu qua đất trời bao la…