Nhà thơ Phạm Đức: Đời nổi bão vẫn say thơ và mê trâu

Thứ Năm, 10/03/2011, 14:59
Lúc nào trên khuôn mặt nhà thơ Phạm Đức cũng hiện diện một nụ cười lạc quan. Điều đó đã giúp cho ông sống tốt để có thể làm những gì mình thích trong cuộc đời ông đầy bất trắc. Ông có thơ và thơ ở trong ông, thơ an ủi ông và ông gìn giữ thơ. Khoảng hai mươi năm nay, ông còn say trâu, mê trâu và sưu tầm trâu.

Lạc quan trong bão đời

Mười năm trước, khi gặp Phạm Đức ở NXB Thanh Niên, nụ cười đầy nhân hậu của ông đã làm cho một người chập chững làm thơ như tôi cảm mến. Những ngày đón xuân Tân Mão, gặp lại ông khi tôi đã có trong gia tài vài tập sách, lão nhà thơ cũng đã nghỉ hưu, ông vẫn chào đón tôi bằng nụ cười ấy, ánh mắt ấy.

Ông thích người trẻ; còn tôi yêu cái sự ân cần, dễ gần của ông. Và cũng phải đến mười năm, tôi mới dám hỏi chuyện riêng tư, gia đình của ông, để rồi, chính tôi đã phải nghẹn ngào nuốt vội những giọt nước mắt vào trong khi biết đời ông nhiều bão gió hơn tôi tưởng. Hai lần xây dựng gia đình, thì hai lần người đàn bà chủ động đưa đơn ra tòa ly hôn.

Hai lần ông đều tìm hiểu kỹ lưỡng và phải rất khó khăn mới cưới được vợ. Vậy mà hạnh phúc cứ thế giã biệt ông. Với người vợ trước, Phạm Đức có được hai người con, sau khi chia tay, con trai theo mẹ, còn con gái theo bố. Người đàn ông làm thơ đa cảm đa tình, tục huyền với một người đàn bà đã qua một lần đò, những mong tìm lại được hạnh phúc cho đời mình.

Nhưng, như một định mệnh nghiệt ngã của số phận đàn ông làm thơ, hay một trớ trêu tai hại của số kiếp, ông cũng không giữ nổi người vợ thứ hai quyết chia đôi tình vợ chồng. Ông cho biết, lý do để người đàn bà đó bỏ đi, chỉ vì ông quá lành hiền và vì kinh tế không đủ để thực hiện những nhu cầu cần thiết hơn.

Nhà thơ Phạm Đức và trâu.

Khi ấy sống không nhà, ông phải xin cơ quan là NXB Thanh Niên cho ở nhờ hai năm trời, rồi được phân căn nhà tập thể hơn 50m2. Kể ra những chuyện đó, ông đã làm chủ được cảm xúc, nhưng kèm theo đó là một chút trách móc bản thân mình. Ông trách mình đã không làm chủ được tình huống, đã chẳng giải quyết ổn thỏa chuyện gia đình. Tôi nghĩ, vậy thì ông mới là nhà thơ.

Ông không thể trách mình mãi thế và chẳng ai có thể trách được. Tính ông cần mẫn, lặng lẽ và khiêm nhường, và vết thương lòng của ông đã được khỏa lấp bằng sự tha thứ, cho thanh thản. Sau này, cũng có vài sự dẫn mối, nhưng nhà thơ nhận thấy sự bất tiện của những mối duyên đó, ông âm thầm yêu và làm thơ. Ông làm bạn với sự bình yên trong không gian riêng của mình và tìm thấy niềm an ủi trong đó.

Thế nhưng, cuộc đời của nhà thơ Phạm Đức đâu chỉ có ngần ấy sóng gió. Giờ hơn 60 tuổi, ông vẫn phải đi thuê nhà. Ông đã từng có nhà cơ quan cấp, nhưng vì gia đình, ông đã phải bán. Sau khi về hưu, năm 2008, ông mua vội một căn nhà cấp 4 ở khu phố Bùi Xương Trạch, nhưng trong diện giải tỏa, lại phải bán vội nhà. Giờ thì số tiền nhỏ ấy chẳng đủ để mua một miếng đất con con ở cái thành phố một tấc đất mấy tấc vàng này!

Tuyên ngôn yêu

Nếu không có thơ, hẳn là Phạm Đức đã không có được nụ cười nhân hậu đến thanh thản ấy. Ông thấy đời mình là một bài thơ dài và nó an ủi ông như chính ông đã an ủi mình. Ông làm thơ không cầu kỳ, chẳng nệ kỹ thuật, mà thơ trong ông cứ bật ra mỗi khi xúc động, day dứt.

Mấy chục năm làm thơ, gia tài của ông là hơn chục tập in riêng. Nó minh chứng một chất thơ hồn hậu, khao khát tình yêu đích thực. Nó minh chứng cho một hồn thơ ào ạt, chân chất và một tình yêu bền bỉ với thơ. Thơ ông có nỗi buồn như gió mây, có nỗi nhớ như bão táp, có hy vọng như mưa mềm mùa xuân, có hồ hởi như chim báo nắng và nó xoáy vào cảm thức của người đọc.

Dù vậy, đôi khi ông thấy không thể làm thơ vì cảm xúc bị mòn, chai cứng. Khi đó, ông sẽ đi đâu đó để tìm kiếm vốn sống, cảm xúc. Bởi chỉ có như thế mới làm mới được mình, mới nạp được những cảm xúc mới, để bật ra những câu thơ có cảm xúc.

Nói đến Phạm Đức là người ta nhớ đến bài "Đơn phương", là bài thơ mà một thời nhiều sinh viên thuộc nằm lòng, vì nó được chép trang trọng trong những cuốn sổ tay của họ. "Tôi tìm em, em tìm ai/ Để đôi khi tiếng thở dài hoà chung/ Gần nhau mà chẳng yêu cùng/ Đơn phương tôi cứ thuỷ chung một mình/ Trái tim tôi vẫn để dành/ Cho em, người vốn vô tình với tôi/ Còn em lại đến với người/ Tôi không ghen, chỉ buồn thôi thật buồn…".

Bài thơ như một tuyên ngôn về tình yêu của Phạm Đức, nó cho thấy ông có cách yêu và cách nghĩ về tình yêu thật thoáng. Với ông, đơn phương là đặc trưng và là bản chất của tình yêu. Yêu là cho chứ chưa cần đền đáp, cho tức là được, là được yêu. Vâng, và yêu là vươn đến những điều tốt đẹp, những thánh thiện, nhân nghĩa…

Với một người trẻ như tôi, thực sự cũng chẳng có cách quan niệm tình yêu "mềm mại" như thế. Một quan niệm yêu không mảy may toan tính, nó có sự hồn nhiên như ý nghĩ của một cậu bé: Cái được, đó là được yêu. Vậy nên, có thể ông đã có nhiều những tình yêu như thế mà chưa thổ lộ.

Phạm Đức quê gốc ở Gia Lộc (Hải Dương), ông sinh năm 1945 tại thị xã Hải Dương. Khi còn là một cậu bé, Phạm Đức theo gia đình tản cư về Hải Phòng và học ở đó. Bài thơ đầu tay có tên "Những em bé" in trên báo Văn nghệ năm 1963 khi ông là học sinh lớp 10 Trường Cấp III Ngô Quyền.

Nhà thơ Phạm Đức kể: "Khi ấy nhà trường và Đại sứ quán Tiệp Khắc phát động cuộc thi thơ. Tôi lấy cảm hứng từ một bức ảnh mô tả một ngôi làng bị phát xít Đức tàn phá. Bài thơ được giải nhất. Tôi học xong thì đi bộ đội, phải mãi sau này mới biết mình đã có thơ in và được giải".

Sau bài "Những em bé", Phạm Đức say thơ và truyện đồng thoại hơn, khi đi bộ đội, trong ba lô của ông lúc nào cũng có tập thơ. Ông viết nhiều và chủ yếu dùng loại giấy nhỏ, một mặt, chính là những tờ hóa đơn cũ mẹ ông xin về.

Năm 1975, ông về công tác tại NXB Thanh Niên, đồng thời vừa học đại học, khi học tiếp Khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du, ông bị gián đoạn, phải sang Liên Xô học Trường Đoàn cao cấp gần một năm, rồi về học gối vào Khóa III Trường Viết văn Nguyễn Du. Những năm tháng ấy cho ông kinh nghiệm, bạn bè và hun đúc cho ông chất thơ của riêng ông.

Mê trâu

Ngoài say thơ, nhà thơ Phạm Đức còn mê trâu, sưu tầm trâu. Ông nói rằng, thú sưu tầm đó đến với mình tình cờ khi ông còn ở ngôi nhà tại phường Cống Vị, quận Ba Đình từ năm 1990. Lúc đó, ông chỉ nghĩ tại sao mình không chọn một con vật cho riêng mình, để sưu tầm cho đời sống phong phú hơn.

Ông tuổi Dậu, nhưng sưu tầm gà thì thật khó đa dạng. Thế là ông đã chọn sưu tầm tượng trâu. Đến nay, bộ sưu tập của ông vẫn còn hạn chế, nhưng đã có hơn hai trăm bức tượng ở nhiều chất liệu như: đá, gỗ, sành, gốm, sừng, thủy tinh, thiếc, vải, tre…

Những chú trâu với nhiều kích cỡ, từ bằng bắp chân đến ngón tay út, hay màu sắc của chúng dưới bàn tay của các nghệ nhân dân gian cũng được cách điệu. Ngoài đời, chỉ có trâu đen và trâu trắng, ngoài hai màu đó ra, trâu trong bộ sưu tập của Phạm Đức có cả màu tím, đỏ, phớt vàng, mỡ gà…

Con trâu là loại động vật hiền lành, khi nó hiện diện trên giá sưu tầm của Phạm Đức, nó cũng thể hiện đầy đủ tính cách và cho ông thấy đầy đủ cảnh sinh hoạt đời sống, hiện thực xã hội. Tôi thích thú quan sát và nhận thấy ở những con trâu ấy tất cả các dáng vẻ như sung sướng, sảng khoái, hưng phấn, thanh thản, có con lại mệt mỏi, dữ dằn.

Nhưng dù sao bản chất của trâu vẫn là lành hiền, là lặng lẽ, cần cù chăm chỉ. Chỉ vào những chú trâu, Phạm Đức cho biết: "Nhìn vào những chú trâu là nhìn thấy ngay cảnh sinh hoạt của người nông dân và loại động vật rất gần gũi với con người. Ví như cảnh chú bé thổi sáo trên lưng trâu, đám trẻ nô đùa bên đàn trâu, trâu mẹ vờn nghé con, con trâu kéo cả khối vàng lớn… nó cho thấy sự bình yên, no đủ của xã hội".

Các nhà nghiên cứu văn hóa, triết học thường nhắc đến chi tiết Lão Tử cưỡi con trâu rời khỏi Trung Hoa. Còn Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, anh ruột Trần Hưng Đạo thì coi con trâu đất chính là Phật. Các bậc cao nhân ấy chắc chắn đã tìm thấy ở con trâu những đặc trưng phù hợp với đạo lý sâu xa của mình.

Với Phạm Đức cũng vậy, từ những chú trâu, ông cũng tìm ra đạo lý sâu xa cho riêng mình, để sống tốt hơn. Thực sự, trâu không mang lại cho ông tiền bạc, không cho ông nhà để ở, trâu lại ngốn tiền bạc, thời gian và bắt ông đắm chìm trong những khu chợ, những buổi triển lãm, những ngày vất vả kiếm tìm.

Nhưng trâu cho ông thanh thản, trâu làm bạn chia sẻ và trâu cho tiếng cười. Sau nhiều lần chuyển nhà, rồi điều kiện sống không cho phép ông sưu tầm những chú trâu gốm lớn, hay những bức tranh trâu đang cày bừa dưới đồng để đa dạng hơn bộ sưu tập.

Nhưng ai mà biết được, khi đầy đủ điều kiện vật chất, nhà cửa, Phạm Đức có còn sưu tầm trâu nữa không, hay một thứ gì khác quý giá hơn. Phạm Đức nhớ và yêu những con trâu của mình đến nỗi, khi nhờ con cháu mang ra vệ sinh, rồi xáo trộn lại vị trí, nhưng ông sẽ nhận ra nếu thiếu một con. Đó có thể là khả năng của những nhà sưu tầm?

Vĩ thanh

Ai đó nói, người ta cần sống nhiều chứ không cần sống lâu. Nhà thơ Phạm Đức chưa phải là người quá cao tuổi, còn tâm hồn ông thì còn căng nhựa sống, còn tràn hồn thơ. Ông đã sống nhiều hơn số tuổi của mình và nếm trải biết bao cay đắng. Mà ở ngoài kia, xuân ấm đang về, ông cũng muốn cất gọn ghẽ những ký ức không vui vào một ngăn nào đó của con tim, để sống bình yên những ngày sắp tới.

Suốt mười năm quen biết, mỗi lần gặp, ông đều đãi tôi một ly rượu, dù ông không phải là người nghiện rượu. Ông thích rượu nhưng uống rất ít. Và khi còn thích được rượu thì chắc chắn còn hào hứng làm thơ, say thơ và cảm nhận được sâu sắc cái tinh túy của trời đất.

Căn nhà nhỏ ông thuê và sống một mình ở con ngõ trong phố Định Công Thượng có rượu và thơ, có những chú trâu ngô nghê, bình thản và có tâm hồn ông, có sự ấm cúng của riêng ông. Bao nhiêu năm, Phạm Đức gìn giữ cái "bí kíp" của mình: "Yêu là cho chứ không phải nhận về". Và biết đâu đấy, khi lặng lẽ ở một mình, hiện tại ông đang đơn phương yêu một ai đó. Hỏi thì ông chỉ cười, và cười, rất Phạm Đức

Nguyễn Văn Học
.
.