Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn: Tìm trong “Cõi con người”

Thứ Ba, 17/07/2012, 16:30
Tôi không thể tưởng tượng ra thời gian biểu làm việc của Nguyễn Trọng Văn. Anh tất bật trong vai trò là Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Hà Nội, mà hàng năm cứ “sòn sòn” cho ra đời các tác phẩm văn học ở nhiều thể loại khác nhau.Trong gần 20 kể từ ngày anh cho ra mắt tập thơ đầu tay, đếm sơ sơ, anh đã là tác giả của 2 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết, 8 tập thơ, 1 tập trường ca… Quả là một sức làm việc vô cùng đáng nể.

Viết rất nhiều, nhưng cái tên Nguyễn Trọng Văn vẫn còn chút xa lạ với độc giả. Lý do rất đơn giản, anh ký quá nhiều bút danh. Nguyễn Trọng Văn có lẽ là một trong những nhà văn ký nhiều bút danh nhất. Tôi đã từng đọc truyện ngắn và thơ của Đoàn Thiện Vi, Từ Đỗ, Miên Đông, Tư Hoàng, Đức Cường, Trọng Nguyễn… và ít nhiều có ấn tượng, nhưng tuyệt nhiên không thể hình dung rằng đó chính là những gương mặt khác nhau của một người cầm bút có tên Nguyễn Trọng Văn.

Về chuyện này, Nguyễn Trọng Văn giải thích: “Hồi mới viết, mình ký Nguyễn Trọng Văn gửi đi mấy nơi nhưng không được in. Chợt nghĩ, hay là mình mới ti toe viết mà đã ký chữ Trọng Văn xem ra nghiêm trọng quá. Thế là mình đổi bút danh thành Đoàn Thiện Vi. Quả nhiên bài gửi đâu được đăng đấy. Sau này mỗi lần hoàn thành một tác phẩm mình thường nghĩ đến một cái tên mới, không lặp lại cái cũ. Nhiều tên ngẫm cũng có cái hay, là mình chẳng bị sức ép gì trong lúc viết, mà khi nào cũng như vừa mới bắt đầu với nghề”.

Có người lại bảo, Nguyễn Trọng Văn làm thế là không khôn ngoan. Anh ký nhiều tên, ắt hẳn là không tập trung, khó nổi tiếng. Giả sử tất cả mọi sáng tác của anh ngay từ đầu đều lấy tên Nguyễn Trọng Văn, thì có lẽ bây giờ anh đã danh nổi như cồn trong làng văn rồi. Nguyễn Trọng Văn chỉ cười hóm hỉnh. Anh bảo, với người viết, điều quan trọng nhất là còn viết được. Sự nổi tiếng cũng có nhiều cách, nhưng ngẫm đến cùng, nó cũng vô nghĩa thôi nếu mình không tạo ra được những giá trị thật. Mà những giá trị thật thì để ở góc nào nó cũng vẫn sáng, có gì mà phải bận lòng nhiều.

Theo đánh giá của nhiều bậc đàn anh trong nghề, Nguyễn Trọng Văn gây ấn tượng ngay từ tác phẩm đầu tiên, tập thơ Cõi con người. Nghe đâu nó đã từng lọt mắt xanh Hội đồng giải thưởng Hội Nhà văn năm 1994. Năm ngoái, trường ca - tùy bút thơ Tổ Quốc - Đường chân trời của anh cũng gây một cảm xúc mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Đây là một trong số rất ít trường ca hay nhất về chủ đề biển đảo trong văn học Việt. Nhưng Nguyễn Trọng Văn chưa khi nào chạm tay vào giải thưởng văn chương. Không ít người tiếc cho anh. Nhưng Nguyễn Trọng Văn không để tâm lắm đến chuyện này. Viết xong một tác phẩm, anh thường quên nó đi rất nhanh, vì sau đó, rất nhiều ý tưởng mới đã bắt đầu hoài thai, đòi được ra đời dưới một thể loại khác. Và như một minh chứng, mới đây nhất, Nguyễn Trọng Văn cho ra mắt độc giả tiểu thuyết ngụ ngôn Linh ứng. Anh cũng đã hoàn thành bản thảo hai tập truyện ngắn và một tiểu thuyết mới, sẽ tiếp tục đến với bạn đọc trong nay mai.

Quay trở lại Trường ca Tổ Quốc - Đường chân trời, tác phẩm được Nguyễn Trọng Văn ấp ủ viết sau chuyến đi công tác ở Trường Sa. Có người ngạc nhiên về một cuốn sách hay ra đời chỉ sau một chuyến đi thực tế. “Tổ Quốc căng như một cánh buồm/ Thẳng hướng ra khơi/ Đất nước ta là chuyến đi dài/ Mấy ngàn năm không nghỉ”… Những câu thơ nồng nàn tình yêu quê hương và khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo ấy ngân lên trong trái tim người cầm bút Nguyễn Trọng Văn thực ra lại được bắt nguồn từ một căn nguyên khác.

Nguyễn Trọng Văn đã từng là một người lính. Anh có 17 năm trong quân ngũ. Bởi vậy, không hề ngẫu nhiên mà cảm hứng về quê hương đất nước cũng như hình ảnh người lính xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm của anh. Đó chính là một phần của cuộc đời anh, là phần đời không ngắn anh đã đi qua và trải nghiệm.

Nguyễn Trong Văn kể lại: “Trong chiến tranh biên giới, tôi và đồng đội đã nằm hàng tháng trời trong bùn, trong mưa, trong cả máu của anh em chiến sĩ, để quyết tâm giữ vững từng tấc đất quê hương. Hàng tháng trời không thay quần áo, đến nỗi khi trở lại đơn vị, tất cả những mùi bùn, mùi máu đã ngấm vào da thịt chúng tôi. Đi cắt tóc, người thợ thỉnh thoảng cứ phải quay mặt đi, vì cái mùi khó chịu từ cơ thể chúng tôi, cho dù chúng tôi đã tắm xà phòng nhiều lần. Thực tế ấy là có thật. Những gian khổ, hy sinh chỉ làm cho người lính chúng tôi thêm quyết tâm phải giữ cho bằng được mảnh đất thiêng liêng mà cha ông ta bao đời đã để lại. Bởi vậy, khi đến Trường Sa, gặp những người lính đang canh giữ vùng trời biển đảo, nghe những câu chuyện hy sinh của họ, tôi như gặp lại chính mình. Và tôi thấy mình mắc nợ những người lính ấy. Phải viết về những con người bình dị nhưng kiên cường nơi hải đảo xa xôi là ý nghĩ quyết liệt giục giã tôi phải viết. Kết quả là Trường ca Tổ Quốc - Đường chân trời đã ra đời”.

Năm 1991, người lính Nguyễn Trọng Văn rời quân ngũ, khi đang đeo quân hàm Thiếu úy. Phục viên với 1,8 triệu đồng được cấp phát, anh trở về nhà. Đầu tiên anh đưa vợ 100 ngàn đồng để chị mua trứng vịt lộn bồi dưỡng, lúc đó chị đang mang thai đứa con đầu lòng. Tiếp đó là biếu mẹ vợ và mẹ đẻ, mỗi người cũng 100 ngàn đồng. Số tiền còn lại anh mua chỉ vàng cất đi làm vốn. Và tự giải quyết công việc sinh nhai trước mắt cho mình bằng cách mua một cái bơm ra ngồi trước vỉa hè để bơm vá xe đạp kiếm tiền. Bạn bè đến chơi nhìn cảnh ấy thì ái ngại, bảo anh phải kiếm việc khác mà làm chứ, vì anh đã tốt nghiệp Trường Sĩ quan pháo binh, và Đại học Tổng hợp Văn, tri thức có kém gì ai đâu. Như sực tỉnh, Nguyễn Trọng Văn nghĩ phải tìm một công việc khác. Có người giới thiệu anh đi làm bảo vệ ở một cơ quan. Nhưng nghĩ vợ sắp đẻ, làm bảo vệ cả ngày phải ngồi một chỗ, không phục vụ vợ con được, anh xin thôi. Khi ấy anh cũng không hề hình dung là mình sẽ đi làm báo.

Rồi tình cờ gặp nhà thơ Giáng Vân, nghe chuyện, chị đưa cho anh một giấy giới thiệu để anh đến các cơ sở vừa là đưa báo cho họ, vừa là để tìm hiểu thực tế viết bài. Từ hôm đó, anh bộ đội phục viên Nguyễn Trọng Văn mỗi sáng hối hả trên chiếc xe đạp cà tàng, đến từng địa chỉ đưa báo và lấy tư liệu. Trưa về cơm nước, giặt giũ chăm vợ con xong, anh lại hối hả đến các cơ sở. Và tối về là chong đèn cày bài để nộp cho tòa soạn. Nghề báo dần dần đã trở nên thân quen, gắn bó. Nguyễn Trọng Văn chuyển về làm việc ở báo Thiếu niên Tiền phong, sau đó là tạp chí Nhân đạoĐài truyền hình Hà Nội. Anh đi học thêm ngành Báo chí ở Học viện Báo chí - Tuyên truyền Hà Nội, rồi Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Không chỉ viết, anh còn làm phóng sự truyền hình, phim tài liệu… rất có tiếng vang.

Nhưng bên cạnh công việc vất vả, bận rộn của người làm báo, nhất là làm báo hình, Nguyễn Trọng Văn vẫn dành một khoảng trời đủ rộng rãi cho tình yêu văn chương. Anh viết nhanh, viết khỏe, sung sức ở nhiều thể loại: thơ, trường ca, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết… Có cảm giác như trong con người cầm bút tuổi ngoài 50 này, lúc nào các ý tưởng cũng chật ních, đòi được hiện lên trên trang giấy. Với không ít nhà văn, việc viết giống như một nghi lễ. Họ phải dành thời gian, không gian hợp lý thì mới có thể ngồi vào bàn, chỉ để viết và quên hết mọi sự trên đời. Nhưng Nguyễn Trọng Văn không phải kiểu nhà văn ấy. Và nếu có thì điều kiện công việc cũng không cho phép anh được làm thế. Vì anh quá bận rộn, quá nhiều việc phải giải quyết trong một ngày.

Tôi đã rất kinh ngạc khi nghe Nguyễn Trọng Văn kể về cái sự viết của anh. Cơ quan thì đông, phòng làm việc lại chật chội, chứa đến 30 con người và ai cũng hối hả. Trưởng ban Nguyễn Trọng Văn ngồi trong khung cảnh ấy, vẫn duyệt tin bài, chương trình để kịp lên sóng, và vẫn sáng tác đều đều. Anh kể: “Khi viết tiểu thuyết, tôi ra hạn định cho chính mình là mỗi ngày phải viết một chương. Viết trên máy tính, rồi để đấy, tối về nhà ngồi ngẫm nghĩ lại các tình tiết, đường dây câu chuyện, thấy có gì còn gợn, chưa ổn thì ghi ra một mẩu giấy, sáng hôm sau đến cơ quan, bật máy tính lên và sửa. Hôm nào tôi cũng phải viết, nếu bí không viết được thì phải sửa những trang đã viết. Tôi tự rèn mình như vậy. Được cái tôi là người viết nhanh. Tôi nghĩ thì lâu, ấp ủ một tác phẩm có thể là mấy năm trời, nhưng tôi viết thì nhanh và đầu óc luôn để tâm vào vấn đề đang viết. Vậy nên, tiểu thuyết tôi chỉ viết trong khoảng 2-3 tháng là cùng. Còn trường ca thì cũng chỉ trong 15 ngày là viết xong”.

Nguyễn Trọng Văn là một người cầm bút đi tiên phong trong nhiều thể loại. Tổ Quốc - Đường chân trời được anh gọi là trường ca - tùy bút thơ. Mới đây, Linh ứng được xuất bản dưới hình thức là một tiểu thuyết ngụ ngôn. Tiểu thuyết ngụ ngôn đúng là một khái niệm hoàn toàn mới về thể loại văn học. Lấy cảm hứng từ chuyện Hà Nội phân làn đường cho xe máy và ô tô, Nguyễn Trọng Văn tư duy một cuốn tiểu thuyết mà bối cảnh của câu chuyện lại là một vùng thảo nguyên xa lạ có tên là Mut ma xa.

Những câu chuyện thú vị liên quan không chỉ đến con người mà còn liên quan đến thiên nhiên, loài vật được miêu tả có phần hư - thực theo kiểu ngụ ngôn, để rút ra những bài học quý được khéo léo lồng ghép trong từng chương của tiểu thuyết. Độc giả vừa lạ lẫm lại vừa thích thú khi theo dõi câu chuyện.

Đọc Linh ứng, thấy Nguyễn Trọng Văn quả thực là một người viết có trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Những tưởng công việc làm báo với những sự kiện trần trụi đã lấy mất đi sự hồn nhiên trong anh. Chẳng phải ở nhiều tác phẩm văn học của chúng ta hôm nay, ngay cả không ít các tác phẩm viết cho thiếu nhi cũng đang mất đi điều này hay sao? Giữ được cân bằng trong cuộc sống, ứng xử với công việc cuộc đời đủ thông minh, nhân ái, để cảm xúc luôn tươi mới là một việc khó không khác gì đi trên dây.

Đọc tác phẩm của Nguyễn Trọng Văn không khó để nhận ra thế mạnh của anh là tính triết luận, triết lý sự đời. Không chỉ trong văn xuôi, mà ngay cả trong thơ anh cũng đậm đặc yếu tố này. Luận - là tên một bài thơ tiêu biểu cho phong cách viết giàu tính triết luận của Nguyễn Trọng Văn: “Người chết thì chết rồi/ Dĩ nhiên như thế/ Những người sống đến bên/ Và nói những câu văn vẻ/ -Còn tệ hơn lời nói sau lưng/ Những người sống đến bên/ Và nói những câu mủi lòng/ -Còn tệ hơn lãng phí/ Đất lặng lẽ/ Ôm vào mình/ Có một hôm cũng thật vô tình/ Trong buổi đi chơi dài dòng tôi thấy/ Trên mộ ấy/ Nở khóm hoa gai…”. Người ưa triết luận, nếu không tỉnh táo, rất dễ rơi vào khô khan, giáo điều. Nhưng ở Nguyễn Trọng Văn, thật may là điều này không xảy ra. Khả năng tưởng tượng phong phú và thiên hướng triết luận đã thực sự hòa quyện một cách tinh tế trong các trang viết của anh, tạo nên một phong cách riêng khó trộn lẫn.

Mỗi người cầm bút rất cần tìm lấy một con đường riêng để đi, và để khắc tên mình trong cõi riêng biệt ấy. Nguyễn Trọng Văn đã chọn một lối riêng để trình bày một đời sống tinh thần giàu có cùng những suy ngẫm, trải nghiệm của rất nhiều năm tháng vất vả đi tìm kiếm những giá trị Thật trong Cõi con người. Ngồi với bạn, anh “khoe”, mình đang viết sung sức, tràn đầy năng lượng. Chúc cho anh sẽ luôn luôn ở phong độ ấy, đủ để đắm đuối với văn chương mãi mãi như tình đầu…

B.N.T.
.
.