Nhà thơ Nguyễn Thái Dương: Từ trong thân hữu

Thứ Sáu, 05/08/2016, 16:12
Không như người sáng tác cùng thế hệ, Nguyễn Thái Dương là người trước nhất muốn đổi mới một thể loại thơ. Ý thức này âm ỉ trong anh nhiều ngày tháng. 

Loáng một cái mà đã nửa đời người. Thế hệ làm thơ trưởng thành sau 1975 của chúng tôi đã bước qua tuổi 50. Chao ôi! Xuân xanh trái chín cái nỗi gì nữa ở tuổi này? Già rồi chăng? 

Vì thế trong bài thơ khai bút đầu năm nọ, từ rét buốt của gió sóng bên bờ sông Hàn (Đà Nẵng), tôi nhắn qua điện thoại cho nhà thơ Nguyễn Thái Dương: "Chân trời trắng ngọn cỏ lau/ Ngày vui qua vội, chiêm bao nhạt nhòa/ Tưởng rằng mới khóc oa oa/ Xuân xanh Mậu Tý đã là 50". 

Không ngờ chỉ một vài phút sau, anh nhắn lại, cũng bằng thơ: "Mới vừa nửa thế kỷ thôi/ Đang vui sao lại đứng, ngồi đăm chiêu?/ Mắt còn sớm, tóc chưa chiều/ Lòng hừng đông giữa thương yêu sông Hàn/ Cớ gì thi sĩ hoang mang/ Rằng "vui qua vội" buồn đang loang vào?/ Tiếng oa oa thật ngọt ngào/ Vang lên hóa giải biết bao nỗi niềm".

Đọc thơ của bạn mà ứa nước mắt. Chơi với nhau bao nhiêu năm, phải hiểu lắm mới có thể viết "Tiếng oa oa thật ngọt ngào". Tính cách của nhà thơ Nguyễn Thái Dương là vậy. Luôn điềm tĩnh và chia sẻ với bạn hữu. Cẩn trọng và chu đáo. Lặng lẽ và nói ít. Một "đặc điểm" dễ nhận ra ở anh vẫn là... nói ít! 

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng thường… cà khịa: "Ngồi nhậu với Nguyễn Thái Dương đôi khi... hơi bị chán!". Tôi gật đầu, bởi trong lúc những đệ tử Lưu Linh hào hứng có thể tuyên bố vung vít bán cả trời, thì anh vẫn ngồi cười một cách… im lặng. Thậm chí, trong cuộc sống riêng chẳng bao giờ anh muốn làm phiền đến người khác. 

Mới trước tết đây thôi, chẳng rõ đi đứng thế nào mà anh vấp té cầu thang, chân phải bó bột, nằm nhà cả tháng trời nhưng anh vẫn "thin thít như thịt nấu đông", không thông báo cho bất cứ ai. Khi bạn bè biết, trách, anh cười khì: "Sợ bạn bè bỏ việc đến thăm mình, mà cuối năm thì ai cũng bận bịu cả. Hơn nữa nhà mình xa...".

Trước năm 1975, trên căn gác nhỏ đìu hiu ở đường Lý Thái Tổ, có một cậu sinh viên từ Quy Nhơn vào Sài Gòn trọ học. Sinh viên thời ấy vốn nhiều mơ mộng, họ thích đọc những Jean Paul Sartre, Albert Camus hoặc Henry Miller... và làm thơ, làm báo. 

Cậu sinh viên xa nhà ở trọ cũng vậy. Một mình cậu đã trần trùng trục viết bài, sửa bản in rồi đem phát hành tập san Vỡ đất. Tất nhiên, tờ báo này lúc ấy chỉ in typo và phát hành trong… nội bộ nhóm thân hữu Đập Đá, Bình Định của quê cậu. Mà hồi đó, cũng như nhiều "mầm non văn nghệ" khác, cậu sinh viên này ký bút danh thật oách: Nguyễn Mặt Trời! Và có thơ in báo hẳn hoi.

Thuở mới vào trung học, tôi đã được đọc bài thơ Cọng cỏ thơm ký tên Nguyễn Mặt Trời in trên tạp chí Thời Tập do nhà văn Viên Linh chủ trương. 

Thơ rằng: "Một chớp đỏ phương đông/ Giữa đồng không mông quạnh/ Sương mấy vòng sụp lạnh/ Tung chăn nhìn hoa bay/ Em, một loài phương thảo/ Thơm giọt nắng đầu cành/ Em, loài hoa mộng ảo/ Những đêm trời sáng trăng". 

Bài thơ in trên số báo ra ngày 15/11/1974. Nhớ, vì đó là số báo Thời Tập đặc biệt có chủ đề Nguyễn Tuân, thanh âm và nhan sắc. Mà nhắc đến nhà văn bậc thầy Nguyễn Tuân là Nguyễn Thái Dương "mê tít", chính vì thế được in bài thơ trên số báo này với anh mãi là một kỷ niệm đẹp. 

Anh tâm sự: "Vào những năm 1970 của thế kỷ trước - chiến tranh với các phong trào phản chiến, Hát cho đồng bào tôi nghe, Về nguồn… nổi lên rất rầm rộ ở miền Nam... Là một sinh viên, tôi cũng có những niềm thao thức, những lựa chọn. Dù chưa biết phải làm gì nhưng tự cảm thấy đứng ngoài cuộc là một sự lạc lõng, lỗi nhịp. Tôi đã cầm cây bút lên để sáng tác là vì thế. Và có ngờ đâu cái nghiệp viết lách theo mình đến tận bây giờ".

Sau năm 1975, chàng sinh viên này tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP HCM và về dạy học ở trường huyện miền biển Duyên Hải và bắt đầu xuất hiện bằng tên thật Nguyễn Thái Dương dưới các bài thơ mới. 

Chừng vài năm sau, anh về trường PTTH Lê Quý Đôn làm chủ nhiệm và dạy lớp chuyên văn đầu tiên của TP HCM. Dấu ấn của những năm tháng này khá đậm nét trong tập thơ đầu tay Bầu trời thơ, hạt bụi thơ (1987). 

Loáng một cái mà đã hai mươi năm! Mới đây thôi, trước tết Mậu Tý, tôi và đạo diễn Trần Tuấn Hiệp đi thực hiện những thước phim tài liệu Sài Gòn ký sự (VTV). 

Khi dừng chân trước "phố thư pháp" ngay trước nhà văn hóa Thanh niên, anh Hiệp có hỏi một "ông đồ trẻ": "Thông thường các bạn trẻ hay đến đây thuê viết những câu thơ nào?". Tôi nghe kể một vài tên tuổi thi sĩ lừng danh và: "Dạ, họ còn nhờ bọn em viết hai câu thơ:

Cha là bầu trời thơ, thơ con là hạt bụi
Con lẫn vào cha từ bé đến muôn đời".

Đó là thơ của Nguyễn Thái Dương. Tôi nghe mà mừng cho bạn. Có lần anh bảo: "Thật không công bằng nếu văn học chỉ chú tâm đến người mẹ mà hờ hững với người cha, bởi cả cha lẫn mẹ đều tạo nên hình hài đứa con". 

Đành rằng như thế, nhưng ít ai biết rằng, anh viết về cha cũng từ thôi thúc của người con sớm tạm biệt vòng tay cha thuở anh mới... lên ba! Ngày ngày tháng tháng "nâng bát cơm lên đã thấy bóng cha rồi" đã giúp anh có được bài thơ hay. Sau tập thơ đầu tay, anh lại có Chút tình riêng thuở ấy, Cổ tích về quả banh (thơ thiếu nhi), Uốn khúc (thơ), Quanh chuyện viết văn làm thơ, Khi chúng ta bước đầu cầm bút (tiểu luận),... 

Không như người sáng tác cùng thế hệ, Nguyễn Thái Dương là người trước nhất muốn đổi mới một thể loại thơ. Ý thức này âm ỉ trong anh nhiều ngày tháng. Rồi một hôm nơi quán Đo Đo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, anh đã chiêu đãi một chầu nhậu "hoành tráng" để... mời bạn bè nghe một loạt thơ mới. Anh chọn thể loại lục bát truyền thống để thổi vào đó một hồn mới và kỹ thuật mới. Chẳng hạn, đây là "lục bát trắc":

Xuống trăm ghềnh, lên nghìn thác
Vượt không qua lời giảo hoạt Lý Thông.

(Thạch Sanh)

Lá đa ơi, đừng rơi mãi
Tiếng chổi khàn, cháu chắt sãi đang khua...

(Sãi)

Sợi dây dài, lòng không thẳm
Tiếc rẻ gì, anh dấm dẳng giếng nông?

(Giếng)

Hoặc đây là "lục bát cặp":

Mong tròn tháng, đợi tròn ngày
Không bằng mơ cạn một giây bất ngờ

o

Mai này mai một ngày xưa
Tiễn đưa nhau để chờ đưa tiễn mình

o

Mình đang xuôi dọc con thuyền
Sao đò người ấy trùng triềng sang ngang?

Cứ mỗi cặp lục bát là một tứ thơ mới nằm chung trong trong tổng thể của một bài thơ. Không dừng lại đó, anh còn tiếp tục "tung tẩy" với "lục bát trắc tứ tuyệt", chẳng hạn:

Ngỡ như không còn sương khói
May còn hơi thở được gối hơi thở
Tưởng như không còn trăn trở
May còn giây phút nức nở vào nhau.

(Ngỡ)

Ngoài thơ, Nguyễn Thái Dương để lại cho thế hệ cầm bút sau nhiều kỷ niệm đẹp và lòng biết ơn. Chính anh là một trong những người có công đầu trong việc tạo dựng và "nuôi dưỡng" Vòm Me Xanh. 

Bút nhóm này là một "đặc sản" của Báo Mực tím, ra đời trong thập niên 1990 mà bấy giờ anh đang là Thư ký tòa soạn. Nơi này đã quy tụ và hình thành nên những cây bút mà bây giờ đã có tên tuổi như Nguyễn Danh Lam, Gia Bảo, Nguyễn Khắc Cường, Quốc Sinh, Tiểu Nhật, Nguyễn Hữu Hồng Minh... 

Anh bảo: "Hồi ấy, mỗi tháng một lần vào Chủ nhật cuối, các em đã quy tụ về sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt là cùng đọc và góp ý những sáng tác mới; hoặc nghe các nhà văn, nhà thơ đi trước nói chuyện về nghề văn...". Đến nay, bút nhóm này vẫn còn sinh hoạt như thế, dù anh không còn là "chủ xị" nữa.

Năm tháng đã đi qua vội vàng. Sực nhớ lại ngày đầu sau năm 1975, cái thuở trai tráng nhiều trăn trở với bao nhiêu kỷ niệm, Nguyễn Thái Dương trầm ngâm: "Tôi vẫn nhớ, vẫn thương hình ảnh tuổi trẻ của thế hệ mình. Đó là một Nguyễn Nhật Ánh, một Bùi Chí Vinh đạp xích lô kiếm sống và có hôm đạp xe vào thẳng căng-tin tòa soạn uống cà phê sớm. 

Một Phạm Sỹ Sáu từ chiến trường Campuchia về mở túi dết lấy bịch thuốc rê vấn hút, điếu nào điếu nấy to bè như ngón chân cái. Một Cao Huy Khanh mê World Cup đi đâu cũng trùi trụi cái quần jeans bạc phếch, trên quần ghi luôn tỷ số các trận đấu. Một Đoàn Vị Thượng dạy học, túi quần lúc nào cũng láp nháp mấy viên phấn gãy vì anh lo lên lớp mà thiếu phấn giảng bài. 

Một Đoàn Thạch Biền "nghiêm túc" không bao giờ rời bỏ bộ quần áo xanh công nhân trông rất tức cười mà đáng yêu. Một Võ Phi Hùng có chiếc xe đạp cà tàng mà ruột xe bị mọt, vá hoài vẫn vậy nên lúc nào cũng kè kè theo cái bơm xe. Một Thanh Nguyên có hai bàn tay luôn lấm lem mực ở xưởng sơn mài...

Vậy đó, nhưng tình yêu văn chương vẫn say mê, không toan tính, không mặc cả...". Loáng một cái mà thế hệ chúng tôi đã bước qua cái tuổi năm mươi. Và Nguyễn Thái Dương vẫn là người trước nhất trong thế hệ chúng tôi được vinh dự lên chức... ông ngoại! Anh bảo: "Vậy là vui".

Thời gian qua nhanh. Gần đây nhất, tưởng rằng bạn mình đã ít làm thơ. Nào ngờ, anh "tung" ra tập thơ thiếu nhi mà bạn thơ Cao Xuân Sơn trực tiếp nhận bản thảo và thích thú: Thời gian trốn ở đâu? (NXB Kim Đồng). 

Hào hứng với sự trở lại sau gần 20 năm Nguyễn Thái Dương không in tập thơ nào, nhà phê bình Huỳnh Như Phương ghi nhận: "Nhận định về tập thơ Thời gian trốn ở đâu? của nhà thơ Nguyễn Thái Dương, nhà phê bình Huỳnh Như Phương đã viết: "Nhà văn Tô Hoài có lần bảo rằng viết cho tuổi thơ phải cố gắng đạt ít nhất hai điều: Nghịch và đẹp”.

Tập thơ này đáp ứng hai yêu cầu đó. Tuổi thơ mà không nghịch thì đâu là tuổi thơ. Viết cho tuổi thơ mà nghiêm nghị thì sẽ mất vui, như viết cho "ông cụ non". Thật vậy, tính chất dí dỏm, tươi trẻ chan chứa, hài hòa trong tập thơ này. 

Chẳng hạn, niềm vui ngày đầu tiên đi học của cháu, nhà thơ "phong" cho chức danh "hoàng thượng đi khai trường": "Người đâu, chuẩn bị… cơm sườn/ Trẫm xơi rồi trẫm tới trường mầm non".

Và anh giải thích cho cháu về khái niệm thời gian: "Thời gian là một nụ cười/ Nở ra từ tiếng khóc hồi... bi bô/ Từng giây từng phút từng giờ/ Trôi qua có nghĩa... đừng mơ ngược về/ Hiểu rồi, cháu thấy… dễ ghê:/ Thời gian trốn giữa bốn bề không gian. Thời gian qua nhanh. Mà vui thật đấy chứ. Mới đây thôi chừng… mươi năm, anh còn làm ngựa cho con mình cưỡi trên lưng và ước mơ:

Mai này cha quỵ chân bon
Con lại làm ngựa cho con cháu mình.

Thì nay niềm vui đã hiện hữu trong đời...  Thấy vậy là vui.

Lê Văn Nghệ
.
.