Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Viên sỏi sót lại trên chiếc sàng tử thần

Thứ Năm, 21/05/2009, 10:54
Có một lần, ông nói với tôi, trong cuộc chiến mà ông đã trải qua, không biết bao nhiêu lần gặp nạn trên đường hành quân, ông đã may mắn thoát chết một cách thần kỳ khi bên cạnh ông, đồng đội đã ngã xuống. Ông ví mình là viên sỏi còn lại trên chiếc sàng tử thần.

Viên sỏi may mắn ấy là ông đã đi qua những giây phút khủng khiếp nhất của chiến tranh để rồi náu mình trong sự tĩnh lặng của đá. Nhưng tận cùng sự im lặng ấy, ông như người không thể thoát khỏi những hồi ức chiến tranh. Những hồi ức như một cơn mơ dài. Và trong cơn mơ sâu thẳm trong cõi tâm linh ấy những giai điệu thơ ạt ào tuôn chảy như không thể dứt.

Với nhà thơ Nguyễn Bính

Tôi tự nghĩ, Nguyễn Đức Mậu sinh ra không phải để làm một nhà thơ cho dù tâm hồn ông ngay từ đầu đã thuộc về thơ bởi tình yêu mà ông dành cho thơ. Chính chiến tranh đã tạo nên một nhà thơ Nguyễn Đức Mậu mặc áo lính. Nhưng, tận sâu trong cội nguồn của những bí ẩn sâu xa ấy, Nguyễn Đức Mậu đã gặp được một người quan trọng để có thể thay đổi cuộc đời ông.

Nếu không có cuộc gặp gỡ ấy, không có cuộc chiến ấy, biết đâu Nguyễn Đức Mậu giờ đã là một nghệ nhân của nghề trồng hoa? Nguyễn Đức Mậu sinh ra ở một ngôi làng nổi tiếng về trồng cây cảnh ở làng Vị Khê ven sông Hồng của huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định.

Tuổi thơ là những ngày ngụp lặn bên sông, ươm hoa và trồng cây cảnh. 15 tuổi cậu thiếu niên thư sinh Nguyễn Đức Mậu đã biết gánh hoa đi bộ 17 km sang Thái Bình để bán. Nhà ông có nghề trồng cây cảnh, vốn chăm chỉ, tính tình lành hiền, nên Nguyễn Đức Mậu được ông cụ thân sinh chọn truyền nghề cho. Lớn lên trong một không gian thanh bình và không kém phần lãng mạn của nghề trồng hoa, Nguyễn Đức Mậu càng để cho tâm hồn mình rộng mở với thiên nhiên hoa lá.

Từ nhỏ đã có thơ đăng báo, thích làm thơ và đam mê đọc thơ. Cho đến bây giờ, Nguyễn Đức Mậu vô cùng hàm ơn người thầy đầu tiên Trần Văn Gia, người đã phát hiện ra những năng khiếu thiên bẩm về thơ ca ở cậu học trò nhỏ Nguyễn Đức Mậu. Quý mến học trò cưng, nhìn thấy những khả năng trời phú, ông đã bảo với học trò cưng chuẩn bị lấy dăm bài thơ rồi đưa trò đến gặp gỡ nhà thơ Nguyễn Bính lúc này đang sống ở quê nhà.

Lần gặp gỡ đầu tiên rất ấn tượng. Nguyễn Đức Mậu kể rằng: Hôm đó trời nóng, Nguyễn Bính vận chiếc quần đùi trắng, dáng người gầy gò, răng ám khói thuốc lào, mái tóc cắt bốc. Năm đó tôi 15 tuổi, Nguyễn Bính mới 46 tuổi mà trông ông già như một ông lão hom hem.

Tôi đâu biết, những tháng ngày ở trong ngôi nhà quê nơi chợ Rồng Nam Định chính là những năm tháng cuối đời của nhà thơ tài hoa mà có cuộc sống bần hàn nghèo túng. Nguyễn Bính pha chè vụn mời thầy trò chúng tôi. Loại chè mà uống vào thì vụn chè bám đầy răng nhưng hồi đó thế là đã sang lắm.

Nguyễn Bính trầm ngâm ngồi nghe thơ của người bạn nhỏ là tôi với một thái độ rất tập trung. Nghe tôi đọc thơ xong, ông bảo: "Nếu muốn làm thơ thì cháu phải đọc nhiều, học nhiều, và phải dám chịu những thất bại. Thành được nhà thơ khó lắm". Từ đó trở đi, mỗi khi làm được một bài thơ mới, Nguyễn Đức Mậu lại xăm xắn háo hức đi bộ đến nhà của Nguyễn Bính để đọc cho ông nghe.

Nhà Nguyễn Bính nhỏ, đơn sơ, vật dụng trong nhà không có gì đáng giá. Trên tường nhà để che những vết tróc lở, ông dán đầy những bài thơ của ông. Nguyễn Đức Mậu không thể quên được chiếc hộp bích quy to đặt trên bàn trà cũng vừa là bàn viết và tiếp khách, trong đó Nguyễn Bính đựng đầy thơ. Nguyễn Bính cũng đọc cho người bạn nhỏ nghe những bài thơ ông vừa mới viết.

Thơ Nguyễn Bính buồn, lại càng buồn hơn trong những năm tháng cuối đời. Ngày đó, Nguyễn Bính làm biên tập cho tạp chí "Lời ca sông Vị" của Ty Văn hóa Nam Định. Ông làm công nhật, đi làm ngày nào hưởng lương ngày đó. Quý mến người bạn nhỏ yêu thơ, Nguyễn Bính đã giới thiệu Nguyễn Đức Mậu với bạn bè văn chương Bắc Hà thời đó như: Chu Văn, Hồng Vũ, Vũ Quốc Á...

Được gặp gỡ những người bạn văn lớn, cậu thiếu niên Nguyễn Đức Mậu như con cá nhỏ gặp được sông lớn, tâm hồn bay bổng, trí tuệ mở mang nhiều điều. Nguyễn Đức Mậu thừa nhận rằng: Chính Nguyễn Bính là người thầy đầu tiên dạy cho ông cách làm thơ, truyền cho ông những thủ thuật trong câu từ, chọn ý tứ, gieo vần điệu, và tìm từ ngữ.

Tôi học được ở Nguyễn Bính chất nho trong văn chương và sáng tác, đặc biệt là văn chương cổ, nó giúp cho tôi luyện từ ngữ, vần điệu chắc chắn, và tạo cho tôi một sự vững vàng trong nghề. Tôi nắm vững thơ Đường cũng là từ Nguyễn Bính. Gần 3 năm đi lại với ông, tôi thu nhận được cho mình rất nhiều kiến thức về thơ ca. Trước khi nhập ngũ, tôi có đến nhà từ biệt Nguyễn Bính.

Hôm đó, Nguyễn Bính vừa đi mua đường về, do không mua được, ông ngồi buồn làm câu đối mà cho đến giờ không mấy ai có được vế đối hay để đáp lại: "Đi chợ Chủ mua đường, đường không mua được chỉ mua đường".

Ông đọc cho tôi nghe câu đối, bảo tôi họa, rồi pha trà vụn tiếp tôi. Nâng chén trà lên, Nguyễn Bính đọc một khổ thơ ông vừa viết: "Vừa tính chuyện cơm lo chuyện nước/ Lại buồn khi đậu tiếc khi bay/ Có đâu thơ thẩn hoài như vậy/ Không lẽ loanh quanh suốt tối ngày". Ngờ đâu, khi tôi nhập ngũ được mấy ngày thì nghe tin Nguyễn Bính mất. Ông hưởng dương 48 tuổi.--PageBreak--

Chiến tranh như một cơn mơ dài

Con đường đời của Nguyễn Đức Mậu gắn liền với binh nghiệp và văn nghiệp. Văn chương đã lựa chọn ông như số phận của ông không thể khác. Mười tám tuổi, ở lứa tuổi thanh tân đẹp đẽ nhất của đời người, Nguyễn Đức Mậu cầm súng ra trận. Ông có mặt trong đội hình sư đoàn chủ lực trong chiến tranh, Sư đoàn 312 anh hùng.

Bước chân của Nguyễn Đức Mậu từng lặn lội ở hầu hết các chiến trường gian khổ và ác liệt: Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào), Quảng Trị, Khe Sanh, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cuối cùng là Sài Gòn trong mùa xuân năm 1975... Tuổi trẻ của ông đã thuộc về những ký ức chiến tranh không thể nào quên.

Và tôi có cảm tưởng như, chiến tranh dẫu đã lùi xa, câu chuyện về Trường Sơn năm xưa giờ đã lùi sâu cách nay hơn một phần ba thế kỷ, nhưng Nguyễn Đức Mậu thì vẫn vậy, ông như vừa mới khoác chiếc ba lô đẫm mồ hôi và gió bụi, bộ quân phục khét lẹt mùi bom đạn, và gương mặt sạm đen bước ra từ một cách rừng chằng chịt hố bom.

Và người lính ấy mang gương mặt của chiến tranh chưa dứt, những suy tưởng vẫn trở đi trở lại day dứt với miền ký ức không thể nào quên ấy. Chiến tranh như một cơn mơ dài với Nguyễn Đức Mậu, một cơn mơ bi tráng mà ông như một kẻ độc hành cuối cùng trong những cánh rừng lửa cháy ấy. Chiến tranh khắc sâu trong trí não của Nguyễn Đức Mậu, ở những vùng nhạy cảm nhất trong tâm hồn mong manh và đau đớn của một thi sỹ.

Nguyễn Đức Mậu kể rằng, khoảng thời gian ở Lào, công việc hằng ngày của ông là đi khiêng xác đồng đội về nghĩa trang biên giới để chôn cất. Sau mỗi trận đánh, những cánh rừng còn nghi ngút khói, lửa cháy và mùi bom khét lẹt, hoà lẫn với mùi máu của đồng đội, ông cùng với những người lính sống sót sau cuộc chiến mang chiếc băng ca đi thu lượm thi thể đồng đội.

Có những trận đánh lấy được thi thể về để mai táng ngay. Nhưng có những trận đánh phải mất vài ba hôm sau, khi quân địch đã rút đi, ông mới lần trở lại chiến trường để tìm thi thể đồng đội. Những cái xác nằm ngổn ngang trên lá rừng, trong cơn mưa rừng thun thút gió đã bắt đầu thối rữa. Mùi tử khí, mùi chết chóc bao trùm lên những cánh rừng…

Lần mò trong rừng sâu để bọc lại những thi hài và mang ra tận nghĩa trang biên giới để chôn cất. Nước mắt hoà lẫn với máu, nỗi đau thương dồn nén đến tận cùng. Bài thơ "Nấm mộ và cây trầm", hay "Màu hoa đỏ" đã ra đời trong một hoàn cảnh bi tráng như vậy.

Chiến tranh đã lùi sâu vào ký ức, nhưng với Nguyễn Đức Mậu thì chiến tranh như chưa bao giờ nguôi tắt trong tâm tưởng. Mới đây, năm 2008, ông viết trường ca "Mở bàn tay gặp núi". Những câu thơ đọc lên trào nước mắt: "...Đường xuống cõi âm chênh vênh miệng vực/ Dường như có cả những bãi mìn và những phễu bom rơi/ Lẽ nào, lẽ nào ở dưới đất sâu chiến tranh chưa chấm dứt/ Những người lính không tìm được xác mình, chết không nhắm mắt/ Chết còn nghe đá núi sập ngang người…?/ Tên tuổi họ khắc lên cây/ Cây đã liền dòng nhựa/ Khắc lên đá xanh/ Đá đã phủ rêu rồi/ Tên tuổi họ khắc lên cán xẻng và báng súng/ Cán xẻng vẹt mòn/ Báng súng bóng mồ hôi". Trường ca được ví như một bảo tàng ký ức về Trường Sơn bằng thơ mà Nguyễn Đức Mậu, người khôi phục những bảo tàng ký ức về những năm tháng kỳ diệu của thế kỷ XX, bằng chính tâm hồn mình.

Lặng lẽ Nguyễn Đức Mậu

Sẽ hoài công nếu tôi muốn tìm vóc dáng của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ở ngoài đời như hình dung về người đàn ông hiện lên sau những bài thơ tôi đã đọc. Những bài thơ mà trong đó, nhân vật tôi, người thanh niên trai trẻ đắm say với tình yêu cuộc sống, người lính quả cảm nhưng cũng rất đỗi nhạy cảm trong chiến trường, người đàn ông từng trải trận mạc, từng trải sinh tử đã trải tâm hồn mình trong miên man những câu thơ ám ảnh bao thế hệ trong và sau cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt.

Và sẽ còn là một nỗi ám ảnh lâu dài cho những ai của thế hệ ngày mai muốn biết về quá khứ đau thương của dân tộc. Nhưng nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trước mặt tôi lại hoàn toàn khác. Cái người đàn ông đã viết nên hàng nghìn câu thơ hay về chiến tranh trước mặt tôi dáng dấp thư sinh, nho nhã, nước da trắng, giọng nói nhỏ nhẹ, dáng điệu khoan hòa lành hiền.

Ông kiệm lời và thường không nói gì nhiều hơn về mình ngoài công việc của một người biên tập thơ mẫn cán và bận bịu. Khối lượng công việc đồ sộ của một người làm thơ có tâm và có tài đã nuốt chửng Nguyễn Đức Mậu trong những bận rộn thường nhật ở một toà soạn tạp chí lớn, và ở Hội Nhà văn.

Làm việc nhiều, viết nhiều, viết khoẻ với một nội lực ghê gớm, và hiếm có một nhà thơ nào có nhiều giải thưởng lớn như Nguyễn Đức Mậu trong hành trang đời thơ của mình: Giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ, Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ, Giải thưởng Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Văn học về đề tài chiến tranh của Hội Nhà văn, giải thưởng ASEAN...

Thành danh, và từng trải, Nguyễn Đức Mậu lại chọn một lối sống lặng lẽ. Với Nguyễn Đức Mậu khó nhất, đáng ngại nhất là khi nói về bản thân mình. Ông sẽ không nói gì hơn khi đã lựa chọn thơ làm nơi ẩn náu của tâm hồn mình, những câu thơ sẽ nói hộ ông tất cả

.
.