Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh: "Phất phơ như ngọn cỏ may giữa trời"
Nhắc đến thơ tình người ta nghĩ ngay đến Xuân Diệu, kể đến thần đồng thơ chẳng ai khác là Trần Đăng Khoa, thơ quê người ta nghĩ ngay đến Nguyễn Bính, thơ điên có Hàn Mạc Tử, còn với Bảo Sinh, cùng với trăm ngàn nhà thơ nổi tiếng và im hơi khác, ông lại hiện lên là một nhà thơ kì lạ với những câu thơ dân gian phồn thực, ăm ắp nhục cảm.
Nhiều người thuộc thơ Bảo Sinh từ lâu rồi, nó chẳng giống ai, nửa tỉnh, nửa mê, nửa điên, nửa thực nhưng lại rất đời.
Bảo Sinh người Hà Nội gốc, ông vẫn giữ cốt cách thanh lịch, hoà nhã ấy trong phong thái từ tốn của mình. Nhà ông ở khuất nẻo trong con ngõ phố Trương Định với diện tích lên đến hơn 2000m².
Nhờ không gian rộng này mà năm nào sau Tết Nguyên đán, khoảng mồng 5 âm lịch tại đây được chọn là đại bản doanh, nơi gặp gỡ của các văn nhân tài tử thi thư, cùng trà dư tửu hậu có hát, ngâm thơ rộn ràng.
Sống giữa thủ đô, nơi tấc đất tấc vàng, sở hữu tư gia một không gian rộng mênh mông biển sở, lại biết thưởng thức ăn chơi có tổ chức, quả là một đại lão gia có máu mặt.
Bên ngoài với dòng chữ “Chùa Tề động vật ngã”, qua khung cửa bước vào là khoảng sân rộng với cây đa có hàng trăm năm tuổi, hồ nước trong mát, cây cối hoa lá xanh tốt rực rỡ um tùm.
Nơi đây, trước kia, ngày ông còn trẻ là khách sạn chó, mèo đầu tiên ở Hà Nội. Nơi phối giống của hai loại động vật gần gũi với con người và hốt ra bạc tiền, quả thật, thi sĩ nghèo là một khái niệm xa lạ với ông, ông là một người thức thời và có máu kinh doanh.
Nay, khách sạn dẹp một bên, ông để vẹn nguyên khu đất này làm nơi an nghỉ hoả táng, hoặc địa táng cho hai loài động vật. Tiếng kinh cầu từ ban gian thờ âm u tĩnh mịch vọng sang man mác buồn... Cũng là để kinh doanh, thu lợi nhuận và nguồn thu này có thể đề huề đủ đầy, sung sướng với một nhà thơ, và cho cả gia đình ông.
Ông mặc áo màu mận chín, ôm sát người, mắt lim dim khi nhìn ra khoảng không rộng lớn, gió đầu hè thổi, bên cạnh ông là mấy quyển vở học sinh dày hơn 100 trang, cùng với vài cây bút mực. Ông vẫn ngồi đây hằng ngày cho đến khi nào ý thơ bật lên thì ông cắm cúi viết.
Bên cạnh đấy là chiếc giường với tấm nệm trắng phẳng phiu, trên giường là quyển sách đang đọc dở Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Ông vẫn dành thời gian thư thái còn lại trong ngày để viết văn, làm thơ, đọc truyện.
Ở tuổi 40 gặp nhà thơ Bảo Sinh thấy ông khác, tuổi 60 thấy ông khác lắm, và lần này ở tuổi 80 thì thấy ông khác lạ. Ông như trầm xuống, mặc dù bản chất ông vốn là một người hoạt động nhiều và ít chịu ngồi yên, bằng chứng là ông có thể kinh qua rất nhiều nghề, nghề nào cũng có thể kiếm cơm được, điều đặc biệt hơn là chúng chả liên quan gì đến nhau.
Có lẽ khi con người ta càng nhiều tuổi thì càng ngộ ra nhiều điều, hình ảnh của quá khứ cứ chập chờn ẩn hiện. Ông chiêm nghiệm về cuộc sống trên những chặng đường đi và nhớ những quãng lầy của số phận.
Bảo Sinh lấy vợ từ khi rất trẻ, mới ngoài 20, rồi lên đường nhập ngũ, sau hai tháng vừa sinh bé gái đầu lòng thì vợ ông nhất mực chia tay ông. Vụ việc ly dị này ở thời chiến vào những năm thập niên 60 quả là việc động trời.
Ông ngẩn người nói với tôi: “Cũng là tại tôi luôn thích cái gì cũng phải đẹp, lấy vợ đẹp quá thì cuối cùng cũng không giữ được”.
Lần thứ hai Bảo Sinh lấy vợ, vợ kém ông 14 tuổi cũng là một dung nhan yêu kiều diễm lệ, lần này ông hạnh phúc với tổ ấm của mình, vợ lần lượt sinh cho ông 4 người con. Để có tiền cùng vợ gánh vác nuôi con, ông không ngại kinh qua các nghề từ vẽ truyền thần, đấu sĩ võ đài, thầy lang chữa viêm xoang, phế quản, và kiêm nghề phối giống động vật chó, mèo...
Quả thật, những ai biết đến Bảo Sinh, đều bảo ông giàu năng lượng nhưng trên tất cả thì ông lại yêu thơ, yêu những người bạn văn chí tình chí cốt, và đương nhiên ông cũng làm thơ.
Chẳng biết có phải do cuộc đời lang bạt kì hồ với nhiều nghề, lại lăn lộn sinh tử nhiều nơi nên thơ ông vừa ngang tàng, vừa rất đời, rất gần gũi, rất người, mọi người gọi ông là nhà thơ phồn thực.
Bỗng dưng ai lại thơ như thế này: “Gái ngoan chơi ở nhà trẻ/ Gái khoẻ chơi ở lầu xanh”, “Khôn gái khôn lợi khôn danh/ Khôn ba thứ ấy dễ thành lưu manh/ Dại gái dại lợi dại danh/ Dại ba thứ ấy dễ thành nhà thơ”.
Thật ra, ông đọc nhiều, và ngẫm ngợi nhiều. Ngẫm ngợi tưởng như có thể nát óc ra qua những mớ bòng bong, hỗn loạn mà ông vẫn thường hay bắt gặp ở cuộc đời.
Từ chuyện gia đình, vợ con, công việc, đồng nghiệp, việc đạo, việc đời, việc chơi, việc ăn, ngủ, nghỉ, đi karaoke, việc bồ bịch, trai gái, sư ông ở chùa, phật tử đến dâng hương, việc cô hồn các đảng, việc thần tiên trên trời, ma quỷ dưới âm ti địa phủ... chuyện gi gỉ gì gi cái gì ông cũng có thể suy nghĩ được rồi tất cả lại vào hết thơ: Thơ dân gian, Huyền ngôn, Huyền thi, phồn thực... với tính triết lý riêng của Bảo Sinh: “Điên vì gái, điên vì tiền/ Bây giờ lắm kẻ lại điên vì thiền/ Điên vì gái, điên vì tiền/ Còn có thuốc chữa, điên thiền thì không” hay “Khi đi vào cửa nhà thờ/ Hãy đi như đứa trẻ thơ về nhà”, hoặc “Tự trói thì gọi là tu/ Bị trói thì gọi là tù mọt gông”.
Và nhiều lúc cũng khiến cho người ta phì cười: “Mặt quá nghiêm nghị trên đời/ Như người bị trị đang ngồi vệ sinh”. Tưởng nhưng đơn giản nhưng không phải không đúng và luôn có lý:
“Yêu em thêm hiểu đạo trời/ Rằng ta cũng chỉ như người khác thôi/ Vĩ nhân quân tử trên đời/ Bên em cũng chỉ là người đàn ông”.
Năm 2011, Giáo sư - nhà toán học Ngô Bảo Châu phát biểu khi nhận căn nhà Chính phủ ta tặng, ông nói: “Tôi rất vinh dự nhận căn nhà này, ngoài ý nghĩa vật chất là cái tâm của nhân dân như lời cụ Nguyễn Bảo Sinh: “Khi mê bùn chỉ là bùn/ Ngộ ra mới biết trong bùn có sen/ Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm”.
Phát biểu với Giáo sư Hà Huy Khoái, Ngô Bảo Châu trình bày toán học Việt Nam cần trung thực chứ không ảo tưởng như nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh viết: “Tự do sướng nhất trên đời/ Tự lừa lại sướng bằng mười tự do”.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập yêu mến nhận xét về ông lão Bảo Sinh: “Một đời thơ người ta chỉ mong có vài câu thơ đóng đinh vào trí nhớ người đời là mừng lắm rồi, ông có đến vài chục câu, thậm chí vài trăm câu, phục lăn. Té ra vài câu được truyền tụng lâu nay: “Ra đường sợ nhất công nông/ về nhà sợ nhất vợ không mặc gì” là của Bảo Sinh.
Câu “Vợ là cơm nguội nhà ta/ Lại là phở tái thằng cha láng giềng” cũng của Bảo Sinh nốt. Nhiều câu buồn cười, cười đau, cười đắng... vui và hay, tài.
Có lẽ hay nhất câu này: “Cùng chung một chuyến đò ngang/ Kẻ thì sang bến người đang trở về/ Lái đò lái mãi thành mê/ Sang về chẳng biết mình về hay sang”. Thơ như vậy mà báo chí ngại in, nghĩ cũng lạ”.
Thật ra, báo chí cũng chẳng ngại thơ của Bảo Sinh lắm đâu, người ta vẫn thấy nhiều người viết và vẽ về ông, lấy những câu thơ của ông đăng trên các trang báo nhưng là để minh hoạ cho chân dung nhà thơ dân gian, nhà thơ phồn thực.
Bạn bè gặp nhau mỗi độ chuyện trò lại mang mấy câu thơ của Bảo Sinh ra đọc như một cách giải trí nhưng đằng sau đó có cái gì khiến cho ta trầm xuống, ngẫm ngợi, nghĩ suy.
Sau cả cuộc đời gió mưa, Bảo Sinh ở tuổi 80 vẫn có thói quen bát phố, và trùng điệp tư duy, giờ thì ông luôn miệng nói mình đã quy y tạo hoá là một bản thể tự nhiên nhất như câu thơ ông mới làm: “Tôi xin vào hội gió mây/ Phất phơ như ngọn cỏ may giữa trời/ Tôi xin để mặc tóc dài/ Quy y tạo hoá như loài rong rêu”.