Nhà thơ Nga Bulat Okudzhava: Tử tế mới yêu

Thứ Năm, 23/05/2013, 14:44

Không biết tôi có chủ quan hay không nhưng tôi luôn tin rằng, ai từng du học ở Liên Xô cũ đều không thể không biết tới nhà thơ, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Bulat Okudzhava. Ông là một cựu chiến binh trong Chiến tranh Vệ quốc, sinh ra lại đúng ngày 9/5, ngày mà từ năm 1945 đã trở thành dịp kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trước chủ nghĩa phát xít (tất nhiên, năm sinh của ông không phải là năm 1945 mà là năm 1924).

Ông đã mất năm 1997 nhưng mỗi dịp tháng 5 về, người Nga lại nhớ tới ông như một tác giả của những ca khúc thơ mà cho tới giờ vẫn là những miền cứu rỗi phần hồn thanh tịnh trong những phút gian nguy. Ý tưởng chính trong mọi sáng tác của ông là sự tử tế và thiện tâm không bao giờ là vô ích, ngay cả khi ta chỉ là “Chú lính giấy”.

Bắt đầu gian khó

Cha của Bulat Okudzhava là một cán bộ đảng Cộng sản có tên tuổi ở Gruzia. Mẹ là người Armenia. Cha mẹ nhà thơ tới Moskva từ thành phố Tiflis (tên cũ của thủ đô Gruzia, Tbilisi) để học trong một khóa đào tạo tại Trường Đảng.

Khi thi sĩ tương lai cất tiếng chào đời ngày 9/5/1924 ở Moskva, ông được cha mẹ đặt tên khai sinh là Dorian để kỷ niệm nhân vật chính trong tiểu thuyết duy nhất được công bố Bức chân dung của Dorian Gray của nhà văn Ireland lừng danh Oscar Wilde (1854-1900)... Ngay từ lúc Bulat còn rất nhỏ, người cha đã được cử đi tới khu vực Cápcadơ để làm chính ủy sư đoàn, để vợ và con trai ở lại Moskva trong một căn hộ nhỏ tại  khu phố cổ Arbat...

Và cậu bé Bulat đã được gửi về Tbilisi để học tiểu học trong một lớp dạy bằng tiếng Nga. Rồi người cha được bầu làm Bí thư Thành ủy Tbilisi. Tuy nhiên, do mâu thuẫn với nhà lãnh đạo Đảng cao cấp nhất lúc đó ở nước cộng hòa Gruzia là Lavrenti Beria nên ông đã xin được chuyển công tác đi và được cử tới vùng Ural, tham gia xây dựng nhà máy xe hơi ở thành phố  Nizhny Tagil. Khi được cử làm Bí thư Thành ủy Nizhny Tagil, người cha đưa vợ con mình tới vùng Ural sống...

Những biến thái chính trị của năm 1937 đã khiến cả cha lẫn mẹ thi sĩ tương lai phải vào nhà giam. Rồi tới ngày 4/8/1937, do một lời buộc tội vu khống từ phía những kẻ xấu bụng, người cha đã bị xử bắn, còn người mẹ bị đưa tới trại tập trung Karlag nằm ở nước cộng hòa Kazakhstan xa xôi (bà đã bị giam ở đó tới năm 1955 mới được phục hồi trắng án).

Trong cảnh khốn cùng, cậu bé Bulat đã cùng bà nội trở về Moskva. (Sau này, Okudzhava rất ít khi kể về giai đoạn đen tối đó của tuổi thơ ông)... Tới năm 1940, Okudzhava chuyển tới Tbilisi sống nhờ những người họ hàng. Tại đó, thi sĩ tương lai đã vào học nghề thợ tiện trong nhà máy...

Sau khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bắt đầu (ngày 22/6/1941), Okudzhava, khi đó vừa bước vào tuổi 17, đã tình nguyện xin ra chiến trường và được sung vào biên chế của Sư đoàn Súng cối dự bị số 10. Sau hai tháng huấn luyện, thi sĩ tương lai được gửi tới mặt trận Bắc Cápcadơ. Ông từng là xạ thủ súng cối, rồi làm điện báo viên và đã bị thương ở gần Mozdok. Cũng ở ngoài chiến trường, Okudzhava đã sáng tác ca khúc đầu tay  năm 1943 Mặc áo bông ấm vẫn không sao ngủ được...

Tiếc thay, bản chép ca khúc này đã bị thất lạc... Chính vì thế nên sự nghiệp sáng tác ca khúc của Okudzhava được khởi nguồn từ bài hát thứ hai của ông, sáng tác năm 1946 Khúc ca sinh viên cổ kính... Tới năm 1956, Okudzhava đã xuất bản tuyển tập thơ đầu tay Trữ tình. Cũng trong thời điểm này, sau khi cha mẹ ông được minh oan, ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô...

Bulat Okudzhava thời trẻ.

Năm 1959, ông trở về Moskva và bắt đầu biểu diễn với những bài thơ tự phổ thành ca khúc cùng với cây đàn ghi ta. Trong giai đoạn này, ông đã viết được những ca khúc nổi tiếng nhất của mình... Kể từ đó, càng ngày, sáng tác của ông càng ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân Xôviết..

Trái tim mẫn tiệp

Okudzhava đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình với khu phố cổ Arbat của Moskva. Chính môi trường văn hoá Nga la tư thị thành cổ kính kết hợp với dòng máu Cápcadơ đã tạo cho cung đàn của Okudzhava những giai điệu độc đáo trong làng thơ Nga nửa cuối thế kỷ XX.

Khác nhiều tên tuổi thi nhân cùng thế hệ, ông không vươn tới sự đông đúc, náo nhiệt, mà dường như chỉ muốn thu hẹp không gian thưởng thức nghệ thuật của mình vào thính phòng và ấm cúng. Bài thơ nào của ông cũng mang trong mình một nhạc điệu riêng, không quá cầu kỳ, phức tạp, nhưng tinh tuý và tinh tế. Dường như ông trò chuyện riêng tư cùng công chúng, nói với họ những nỗi niềm của các tâm hồn hướng thiện phải trải qua mọi “lửa, nước và ống đồng” của cuộc sống đời thường vốn cam go cả về vật chất lẫn tinh thần.

Mảng đề tài chiến tranh cũng chiếm một phần quan trọng trong các sáng tác của Okudzhava và các bài thơ-hát về đề tài này của ông đã trở nên những điểm tựa tinh thần khá quan trọng cho người dân Liên Xô trước kia và người Nga hiện này để họ bảo tồn tính nhân đạo truyền thống của mình. Người lính già đầu bạc Bulat kể mãi những chuyện chiến tranh với nỗi xót xa và quả cảm khác thường, tạo nên những âm ba vô tận cho nhiều thế hệ người nghe và đọc thơ ông.

Tài năng và lòng thành thật bất chấp mọi hoàn cảnh đã giúp cho tên tuổi Okudzhava in hằn dấu ấn vào tâm trí công chúng, tạo cho ông một thành công hết sức bền vững. Ngay cả trong cơ chế mới của thời “hậu Xôviết”, Okudzhava mặc dù cũng phải bươn trải khá nhiều để vượt qua nững khó khăn vật chất và nhằm tạo dựng một đời sống dễ chịu hơn nhưng vẫn luôn luôn giữ cốt cách người lính của mình.

Ông từng tâm sự: “Tôi không phải là kẻ hiếu danh, mà chỉ là người trọng danh. Kẻ hiếu danh thích được tiếng, còn người trọng danh muốn giữ tiếng. Tôi đã không bao giờ quan tâm đến những chuyện ầm ĩ xung quanh tên họ tôi. Nhưng với tư cách tác giả, tôi thích thú khi người ta đối xử tốt với tôi...”.

Ông có quan niệm về người trí thức mà tôi rất thích: “Trí thức - đó trước hết là người luôn hướng tới tri thức. Đó là người chống lại bạo lực. Lắm khi một viện sĩ thì thất phu, còn một công nhân lại trí thức...”. Ông cũng nghĩ rất hay về khái niệm tự do: “Tự do - đó là thoải mái trong khuôn khổ luật pháp... Tự do trước hết là phải tôn trọng nhân cách cá nhân. Tôi sống trong khuôn khổ ý thức của mình, nhưng tôi không cho phép bản thân phá cảnh bình an hay lối sống của hàng xóm chỉ vì mình - đó chính là tự do”.

Ông cũng đã tỏ ra rất quyết liệt và sòng phẳng trong cách đánh giá con người nói chung. Khi nghe một phóng viên hỏi: “Ông có yêu con người không?”, Okudzhava đã thẳng thắn trả lời: “Tôi yêu những người tốt, chứ không yêu kẻ xấu. Không thể yêu tất cả mọi người, có những tên bất lương mà ghét bỏ, căm thù chúng không là tội lỗi. Tôi từng viết câu thơ như sau: Tôi không yêu toàn bộ nhân dân, mà  chỉ riêng rẽ một số người đại diện...”.

Ai đã từng qua chiến trường thì không bao giờ mềm yếu trước cái ác. Nhưng với cái thiện thì những người lính chân chính thường rất mềm lòng. Nhìn từ góc độ này, Okudzhava cũng không là ngoại lệ. Trong những năm tháng thời bình, ông đã viết nên bài thơ Chú lính giấy (bản dịch của nhà thơ Hồng Thanh Quang):

“Đã từng có một chú lính
Cực kỳ gan dạ, đẹp trai.
Nhưng chú chỉ là đồ chơi,
Thứ đồ chơi bồi bằng giấy.

Chú muốn cải tạo cuộc đời
Để ai nấy đều hạnh phúc.
Nhưng chú lấy đâu ra sức,
Chú là lính giấy - đồ chơi.

Chú sẵn sàng vì mọi người
Qua lửa khói và chết chóc.
Nhưng các anh toàn trêu chọc,
Coi thường chú lính - đồ chơi.

Nhưng điều bí mật của mình,
Với chú, các anh không nói,
Vì chú chỉ là đồ chơi,
Thứ đồ chơi bồi bằng giấy!

Muốn vào lửa ư? - Xin mời!
Lập tức đùng đùng chú cháy,
Chẳng mang lại lợi ích gì
Vì chú
                 chỉ là lính giấy!!!”

Có lẽ đến bây giờ vẫn không phải là lỗi thời cái ý thức trách nhiệm đầy nhân văn của những quân nhân: hoàn thành vô điều kiện chức phận của mình, dù có hy sinh, dù có thể ai đó từ bên ngoài nhìn vào tưởng như đó là những hành động vô nghĩa. Không vô nghĩa đâu thiện tâm, không vô nghĩa đâu những việc làm thiện chí. Bởi lẽ, như cha ông xưa từng nói, cứ làm điều thiện đi, không thành công thì ta cũng thành nhân! Chú lính giấy của Okudzhava đã là người sống và hy sinh theo đúng tư duy ấy....

Bulat Okudzhava qua đời ngày 12/5/1997 tại Paris...

Huyền Nga
.
.