Nhà thơ, NSND Lê Huy Quang: Không bao giờ bi quan!

Thứ Sáu, 01/01/2010, 09:51
Nhà thơ, NSND Lê Huy Quang tâm sự: "Khi tôi ngoài 20 tuổi thì may mắn là tôi đã được gần gụi với nhiều nhà thơ đàn anh rất tuyệt vời. Tôi đã học được ở những bậc đàn anh ấy rất nhiều điều, học được về sự từng trải của cuộc sống, nhưng đặc biệt lòng đam mê nghệ thuật. Và có một điều như thế này, tôi nhận thấy các anh không bao giờ bi quan chán nản với cuộc sống cả…"

Trong con mắt của không ít người trong và ngoài giới văn nghệ, Lê Huy Quang hình như vẫn được hình dung như một gã trai lập dị: ngay cả bây giờ, khi anh đã ngót nghét lục thập nhưng anh vẫn giữ nguyên cho mình một tính cách trẻ trung không giống ai cả trong sáng tạo lẫn đời thường.

Tôi đồ rằng, dù anh có được thêm bao nhiêu danh hiệu nữa và bao nhiêu thẻ hội viên của các Hội sáng tạo văn học nghệ thuật đi nữa (anh giờ mới là hội viên của 7 Hội, từ Hội Sân khấu, Hội Nghệ sĩ Tạo hình đến Hội Nhà văn và những gì gì nữa), thì anh vẫn không thể là một quý ông đạo mạo. Có chăng, càng đứng tuổi, Lê Huy Quang càng trở nên đằm thắm hơn trong cách ứng xử với đồng nghiệp. Tôi từng biết có giai đoạn anh rất nóng tính, quyết liệt, ngay cả khi không hẳn đã có lý.

Giờ thì NSND Lê Huy Quang nhìn mọi sự dường như trung dung hơn, nhẫn chịu hơn. Anh vẫn có thể cười được một cách hiền lành ngay cả khi nếu có ai đó trong giới đồng nghiệp, ít tuổi hơn anh, tài năng không hẳn đã bằng anh, táo gan "vuốt mặt không nể mũi". Tôi thích một Lê Huy Quang quyết liệt trong sáng tạo và cũng thích một Lê Huy Quang lành hiền trong sinh hoạt…

Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra ngay sau khi Đại hội lần thứ 7 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu vừa hết thúc tại Nhà hát thành phố Hà Nội. Tất nhiên, trò chuyện với một họa sĩ sân khấu có hạng như Lê Huy Quang, tôi không thể không nói tới sự kiện đó.

PV: Đại hội Hội Sân khấu vừa rồi anh tham dự có đủ không? Anh cảm nhận thế nào?

NSND Lê Huy Quang (NSND LHQ): Chúng ta đều biết, Hội là mái nhà vui của anh em trong làng sân khấu và cũng là một tổ chức chính trị xã hội nghiệp vụ. Thế nên Đại hội là phải thể hiện được cái tinh thần đó. Năm nay, Đại hội của Hội Sân khấu là Đại hội mở đầu trong làng văn học nghệ thuật, lại là Đại hội đầu tiên trong thời hội nhập WTO nên anh em trong nghề và những ai yêu sân khấu quan tâm nhiều đến nó cũng là điều dễ hiểu. Cá nhân tôi thấy cũng vui thôi. Anh em mọi miền, cũng khoảng 500 đại biểu, thuộc mọi loại hình nghệ thuật sân khấu, từ mọi vùng miền về, có nhiều thế hệ, về với nhau thì thứ nhất là vui cái đã.

PV: Trong các kỳ đại hội của Hội Văn học nghệ thuật, một trong những công việc thu hút được sự chú ý là chuyện nhân sự, tức là chuyện làm sao bầu được ra một người cầm cân nảy mực xứng đáng. Thế trong Đại hội của Hội Sân khấu thì sao?

NSND LHQ: Kỳ này, trước khi khai mạc Đại hội, anh em trong giới cũng đã phong thanh nghe và hiểu rằng, chắc anh Trọng Khôi (NSND Trọng Khôi, - HTQ) đã hai khóa làm Chủ tịch, có nhiều đóng góp và làm được rất nhiều việc tốt cho Hội rồi, chắc sẽ thôi không đảm đương chức vụ này tiếp nữa. Và anh em cũng phong thanh biết rằng, anh Tiến Thọ (NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL - HTQ) cũng đã sắp tới thời hạn nghỉ hưu và nếu được Đại hội tín nhiệm thì đảm đương chức vụ Chủ tịch Hội thì tốt… Bởi vậy nên mọi người cũng khá thoải mái trong câu chuyện này, nói chung không có gì quá căng thẳng.

PV: Anh trong Đại hội vừa rồi đã gặp lại nhiều bạn bè cũ cùng sống với mình thời trai trẻ, "thời thanh niên sôi nổi" - tôi biết rằng thời thanh niên của anh thì cực kỳ sôi nổi rồi… Giờ quan hệ của anh với họ như thế nào?

NSND LHQ: Vui lắm. Lứa chúng tôi bây giờ đều ngót nghét 60 rồi. Các anh lớn tuổi hơn thì có những Trần Tiến, Thế Anh, Đoàn Dũng... Chúng tôi chơi với nhau đã lâu lắm rồi. Giờ thì tóc ai cũng đã điểm bạc…

PV: Thậm chí có người còn rất bạc…

NSND LHQ: Thậm chí có người rất bạc, có người tóc hoa râm, có người cũng đã "tóc bạc nhuộm lại thành xanh"… (cười vui vẻ).

PV (cũng cười):…

NSND LHQ: Nhưng mà tất cả chúng tôi khi gặp lại nhau đều thấy vui lắm. Vì bây giờ thì còn ai ham hố gì nữa, tất cả đều có những giai đoạn cống hiến hết mình cho sân khấu rồi, lại là những giai đoạn rất vinh quang, giai đoạn hoàng kim của sân khấu Việt. Thế nên đến Đại hội, mọi người chúng tôi đều chỉ mong sao tìm ra người kế cận có đủ tâm, có đủ tài để dẫn dắt con thuyền của Hội đi lên phía trước. Nhất là trong giai đoạn sân khấu hiện nay, khi mà người ta nói là, sân khấu đang xuống cấp, nên không có khán giả, hay khán giả đang quay lưng lại, kịch bản yếu kém, đạo diễn cũ không có mảng miếng gì mới, thiết kế mỹ thuật cũng cũ, âm nhạc lặp đi lặp lại…

Cá nhân tôi cho rằng, Ban chấp hành mới của Hội Sân khấu cũng có khá nhiều việc phải làm, nếu mà định làm… Nói thật, tôi cũng từng ở Ban Chấp hành Hội, khóa 3, từ khi còn rất trẻ, ngoài 30 tuổi thôi. Tôi thấy là, nhiều khi nói thế thôi, chứ không phải giai đoạn nào Ban Chấp hành cũng có nhiều việc để làm đâu, ngoại trừ một năm họp 2 kỳ, nếu người ta quan niệm rằng xây dựng Ban Chấp hành cho đủ thành phần, cơ cấu vùng miền, cơ cấu ngành nghề...

PV: Tôi trộm nghĩ thế này này, thực ra, cuộc sống nghệ thuật là do tất cả mọi người làm nghệ thuật chung tay gây dựng nên chứ còn Hội ư, Ban Chấp hành ư, đó chỉ là những nhân tố hỗ trợ, giúp đỡ khi khó khăn, chứ bản thân những tổ chức ấy không phải là quyết định để xây dựng một nền nghệ thuật đúng tầm của xã hội. Không thể dựng lên cuộc sống cho ai được, kể cả trên sân khấu lẫn cả ngoài cuộc đời, nếu những người trong cuộc không tự nỗ lực. Nếu anh không nỗ lực sáng tạo, tôi không  nỗ lực sáng tạo thì không một Hội nghề nghiệp nào có thể thay chúng ta, thay các nghệ sĩ làm việc này. Có đúng vậy không anh?

NSND LHQ: Nhất trí hoàn toàn với Hồng Thanh Quang! Không có một cơ chế nào, một tổ chức nào "đẻ" ra tài năng nghệ thuật, nhân cách nghệ sĩ, tài năng nghệ sĩ, mà chỉ có thể hỗ trợ để tài năng nghệ thuật được vươn lên tới đỉnh điểm sáng tạo của mình.

PV: Nói thật, tôi rất hoài nghi quan điểm cho rằng, cứ tạo điều kiện cho nghệ sĩ thì nghệ sĩ sẽ phát triển được tài năng. Thực tế cho thấy, lắm khi nghệ sĩ càng cùng quẫn thì càng dễ sáng tác nên được tác phẩm để đời… Cái chính là có cái tầm, cái tâm, cái tài thiên phú hay không, có đúng vậy không anh?

NSND LHQ: Anh nói không chỉ đúng với nghệ sĩ nước ta, có lẽ cả thế giới. Những tác giả lớn, những thiên tài, những nhà văn lớn viết nên những tác phẩm lớn nhất của họ là trong giai đoạn khốn khổ khốn nạn nhất của đời họ, như Picasso lúc không có màu để vẽ và Victor Hugo cũng không có bánh mì mà ăn… Với chúng ta thì tôi cho là thế này, những điều kiện vật chất mà Nhà nước, mà Hội tạo ra cho nghệ sĩ thì cũng chỉ là cái dấm ớt để thêm vào mà thôi, mì chính dấm ớt thôi, chứ không phải là yếu tố quyết định để có một món ăn ngon…

PV: Tác phẩm được làm nên chủ yếu nhờ tài năng cộng lao động nghệ thuật...

NSND LHQ: Tài năng cộng lao động nghệ thuật… Mà người có tài năng chính là người có tâm, có nhân cách…

PV: Anh biết không, tôi vẫn rất thích câu thơ của Chế Lan Viên ngày xưa, viết trong bài "Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?". Câu thơ đó là: "Những ngày ta đang sống đây là những ngày đẹp nhất". Tôi hiểu câu thơ đó như sau: những ngày ta đang sống khi ta còn khao khát sáng tạo, còn dào dạt sức khỏe tinh thần và thể lực thì đấy là những ngày đẹp nhất. Tôi nghĩ, không có tài năng lớn nào được hình thành chỉ bằng sự hờn giận cái hoàn cảnh, cái điều kiện mà mình đang sống trong…

NSND LHQ: Đúng quá!

PV: Và tài năng lớn là tài năng ở trong bất kể hoàn cảnh nào cũng thể hiện được mình. Chứ còn về mặt nguyên tắc thì ai mà chẳng có tiềm năng lớn, nhưng một tiềm năng lớn mà không vươn lên được thành tài năng lớn và cho ra những tác phẩm lớn thì có gì mà vỗ ngực…

NSND LHQ: Hồng Thanh Quang lại nói đúng rồi (cười).

PV: Xin lỗi, tôi không định để anh dễ dàng đồng ý với mình như thế… Thực ra, tôi rất quý trọng những người trong hoàn cảnh khó khăn, trở ngại, thậm chí bất trắc mà vẫn làm được việc họ muốn. Và nói không để lấy lòng anh, anh cũng là một người vươn lên từ những khó khăn. Hình như anh sinh ra không phải ở Hà Nội?

NSND LHQ: Đúng, tôi sinh ra ở quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Nghệ An.--PageBreak--

PV: Đến năm bao nhiêu tuổi anh dấn thân ra Hà Nội?

NSND LHQ: Khoảng 20 thôi…

PV: Đấy là giai đoạn ở Hà Nội hầu như tất cả chúng ta đều rất khổ sở và vất vả, thiếu thốn đủ thứ… Nhưng tôi vẫn cho rằng, thời đấy, đời sống văn học nghệ thuật đã rất là sôi động. Có những tác phẩm làm ra hồi đấy đã được công nhận rồi nhưng ngay cả trong những cái còn chưa được công nhận thì cũng có không ít hạt vàng trong cát mà tương lai sẽ tìm hiểu và tấm tắc ca ngợi… Bây giờ, anh hình dung ra thời trai trẻ ấy của anh thế nào?

NSND LHQ: Tôi nói câu này nghe có vẻ sách vở, có vẻ khuôn sáo nhưng thật ra, nếu được đánh đổi lại thì bản thân tôi thấy, những năm 60-70 đã là những năm tháng đẹp nhất của đời tôi, mặc dù phải ghi nhận đó là thời kỳ hết sức gian khổ khi cả dân tộc đang chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Đến bây giờ, mỗi cá nhân chúng ta thì anh em mình cũng bằng bàn tay mình thôi, không ai cho không cả, cũng có nhà cửa đàng hoàng hơn, có điều hòa, có laptop, có máy nghe nhạc, có tất cả, nhưng hình như thiếu một cái gì đấy thật sâu thẳm, một cái nhịp đập của tâm hồn nào đấy, một trái tim nào đấy rất ít có lại…

PV: Theo tôi, cái điều đấy không có nghĩa là hôm nay kém hôm qua mà chỉ vì hôm nay anh thiếu cái tuổi trẻ của anh thôi, bởi vì những ngày ta trẻ là những ngày đẹp nhất!     

NSND LHQ: Nói như thế không có nghĩa là bây giờ không đẹp, không có nghĩa là bây giờ người ta sống hời hợt, sống không còn tâm hồn. Mỗi một giai đoạn tạo nên một thế hệ và mỗi thế hệ có một cách tồn tại, suy nghĩ và sáng tạo khác nhau. Thậm chí nhịp đập của con tim cũng khác… Nhưng thế hệ nào cũng có những cái đầu đầy kiến thức, những trái tim đầy cảm xúc, không thể so sánh để bảo bây giờ lớp trẻ sung sướng, đầy đủ vật chất nhưng lại nghèo nàn về tinh thần thế này... Nói vậy là cực đoan!

PV: Bây giờ anh nhớ lại những người anh, người bạn của thời anh trai trẻ như thế nào?

NSND LHQ: Khi tôi ngoài 20 tuổi thì may mắn là tôi đã được gần gụi với nhiều nhà thơ đàn anh rất tuyệt vời. Các anh ấy lúc đó chỉ mới trên 30 gần 40 tuổi thôi. Tôi cũng được ở gần họa sĩ Bùi Xuân Phái, tôi là người bạn vong niên của ông. Tôi đã học được ở những bậc đàn anh ấy rất nhiều điều, học được về sự từng trải của cuộc sống, nhưng đặc biệt lòng đam mê nghệ thuật. Và có một điều như thế này, tôi nhận thấy các anh không bao giờ bi quan chán nản với cuộc sống cả, mặc dù như chúng ta biết, cuộc sống ngày đó đâu có dễ dàng gì với các anh ấy…

PV: Nhiều khó khăn vất vả, nhiều hạn chế mang tính thời sự…

NSND LHQ: Khó khăn đủ thứ. Và tôi có kỷ niệm. Ở gần nhà anh Bùi Xuân Phái có bếp ăn tập thể, tôi vẫn ăn cơm ở đấy, mỗi tháng 15 đồng, thỉnh thoảng tôi mời các anh ấy ra ăn cơm với tôi… Và tôi thấy các nghệ sĩ lớn ấy không bao giờ kêu ca về cái sự vất vả khổ ải, coi như là đương nhiên phải thế. Sống thiếu thốn vậy nhưng họ vẫn sáng tạo, vẫn có những câu thơ mới, những bức tranh mới, mà bây giờ chúng ta coi là tuyệt tác… Rất nhân cách! Đấy chính là cái mà tôi đã học được ở các anh ấy, chứ còn về tài năng thì thôi không dám nói là mình học được cái gì, bởi vì tài năng biết thế nào mà học… Tôi học được một cách sống vượt lên những lúc khó khăn nhất…

PV: Anh là họa sĩ nhưng anh tham gia đời sống sân khấu từ hồi trẻ. Những ai trong làng sân khấu gây ấn tượng mạnh với anh?

NSND LHQ: Đó là thời của những Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Học Phi, thời của các anh Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang... Người trẻ nhất trong họ bây giờ cũng đã trên dưới 80 đấy.

PV: Nhiều người đã mất rồi…

NSND LHQ: Anh Đình Quang vẫn khoẻ… Phải nói rằng, lớp người ấy cũng lấy lòng đam mê nghệ thuật để đốt cháy lên trong cuộc sống hàng ngày. Gặp nhau ngày đó, thì cũng đều chỉ nói nghệ thuật, hầu như không thấy kêu ca, không thấy buồn khổ, không thấy thiếu thịt, thiếu gạo, thiếu may ô… Quên mọi sự để làm sân khấu… Mặc dù không muốn so sánh đâu nhưng hình như bây giờ không được như hồi ấy…

PV: Phải chăng thời ấy chúng ta đã sống nhịp điệu nó chậm hơn bây giờ, làm một tác phẩm nó kỹ hơn bây giờ, sâu hơn bây giờ, cho nên những ấn tượng nó lâu bền hơn bây giờ, có phải không anh?

NSND LHQ: Có lẽ là đúng, bởi vì con người khi được đặt vào một hoàn cảnh xã hội, một thời gian thời điểm và xã hội khác nhau, thì nó phải khác nhau. Nhịp sống ngày đó thì đi xe đạp, muốn gặp nhau thì không thể có điện thoại mà phải đến tận nhà tìm… Nhịp sống chậm hơn nên tiết tấu của vở diễn đó nó cũng chậm hơn và nói như Hồng Thanh Quang, thì cũng vì thế nên làm cái gì cũng kỹ hơn và cũng vì thế mà tự nhiên thấy hình như là mình cũng tâm huyết, tốn công sức hơn… Điều kiện xã hội thế nào thì con người có cách hành xử ấy. Và cách hành xử đó chắc chắn tác động đến phong độ nghệ thuật…

PV: Thực ra mà nói, trong cuộc sống hiện tại, đôi khi một người như tôi thấy không được thoải mái lắm. Bởi vì, hình như nhiều người trong chúng ta đang phải thi đua nhau quá ở những chỉ số phát triển: làm ra được nhiều tiền hơn, đi xe phải đắt tiền hơn, lên chức phải cao hơn, rồi tác phẩm phải đồ sộ hơn, tác phẩm phải có ở nhiều nơi hơn… Trong khi đó, không nhiều người để ý đến việc, cái sự nhiều ấy có làm cho trái tim mình cảm thấy hạnh phúc thực sự hay không… Không nhiều người quan tâm tới cái giá quá đắt về tinh thần mà chúng ta phải trả cho những hào nhoáng vật chất chưa chắc đã là thiết thân… Tôi đôi khi có cảm giác rằng, cái xã hội loài người nói chung, nếu tiếp tục đi theo con đường văn minh phương Tây thế này, thì đến lúc nào đấy ta sẽ cảm thấy rất chống chếnh, bởi vật chất nói cho cùng không thể thay thế được tinh thần. Mà tôi thấy, hiện nay ở nước ngoài nhiều người đã phải đối mặt với điều đó rồi…

NSND LHQ: Tôi nghĩ, tất cả sự gấp gáp như Hồng Thanh Quang nói vừa rồi, chúng ta bao giờ cũng đi sau phương Tây ít nhất là vài chục năm, có những cái họ bỏ đi rồi thì một số người ở mình đang đưa trở lại, cứ ngỡ như đó là mới (tôi đang nói về đồ dùng vật chất thôi). Tôi cũng như anh cũng có cảm giác rằng, một số người trong chúng ta hình như cứ chạy theo cái bề nổi bên ngoài. Ngay cả con người nghệ sĩ bây giờ cũng hình như thiếu đi một cái gì đó của sự lặng lẽ, sự cô đơn, sự tự mình trải nghiệm mình, mà lắm khi cứ hoắng cả lên, rồi cứ lập ngôn, cứ nói cái gì cũng ghê, cứ nói đến lĩnh vực nào cũng kinh hoàng… Tôi cảm thấy nếu người nghệ sĩ thiếu đi sự lặng lẽ, sự cô đơn, sự trải nghiệm thì là dở lắm. Ngay cái mỉm cười một mình cũng rất quan trọng, cái tự mình nhỏ một giọt nước mắt riêng tư không ai nhìn thấy… Người nào không còn buồn nữa, không còn khoảng lặng nữa, chắc chắn không thể có những tác phẩm hay. Ngay tôi bây giờ lắm lúc cứ nghĩ, cần một khoảng lặng quá, cần một sự yên tĩnh đến kỳ lạ…

PV: Sau khi anh nghĩ thế, anh lại tiếp tục lao mình vào cuộc sống đầy sôi động (cười)…

NSND LHQ: Đấy, đấy, vì tôi với anh đang nói chuyện với nhau đây đã có tới 5-6 cuộc di động gọi tới rồi cơ mà… Ngày xưa không có thế. Ngày xưa anh em ta ngồi cả ngày không ai biết chúng ta đang ở đâu, và đi ra phố không ai nhận ra mình…

PV: Bây giờ đi đâu làm gì cũng có người chỉ mặt…

NSND LHQ: Ngày xưa người ta quan niệm, một nhà thơ nổi tiếng, một họa sĩ nổi tiếng cũng bình thường thôi, cũng như mọi người thôi, rất bình thường, rất giản dị… Rất dễ gặp ông Phái ở ngoài đường khi ông đi mua mấy cân gạo…

PV: Thời Nguyễn Bính, các nhà văn nhà thơ cùng lắm là được mấy chị em ở xóm Ngự Viên biết thôi (cười). Còn bây giờ thì nhà văn nhà thơ đi đâu ai cũng biết…

NSND LHQ: Đi đâu ai cũng biết, chính cái đó là dở…

PV: Và cái danh vọng ảo đó "giết" chúng ta, sẽ "giết" chúng ta...

NSND LHQ: Đấy, đấy!

PV: Nhà văn nhà thơ không bao giờ là người của công chúng cả, không nên thế…

NSND LHQ: Không bao giờ là người của công chúng cả, có lẽ thế là đúng…

PV: Tôi đã đọc nhiều bài thơ của anh. Tôi có cảm giác thế này, thơ của anh, cũng như phong cách sống của anh, dị thường lắm… Không hiểu thơ anh thì không khó giễu một số câu, một số bài của anh vì cái sự dị thường đó… Nhưng theo tôi, đấy là sự dị thường nảy sinh từ bản thể, từ chất con người của anh, chứ không phải do du nhập từ bên ngoài vào. Và đấy là cái mới anh đóng góp cho thơ… Theo tôi, một số người cố chủ trương du nhập những sự dị thường từ bên ngoài vào để như là làm tân tiến, những sự dị thường mà thực ra ở nơi chúng sinh ra đã trở thành lỗi thời, là bởi mặc cảm của những người bị ở "ngoại ô nghệ thuật" nhưng lại rất muốn vào "nội đô nghệ thuật". Anh nghĩ thế nào?

NSND LHQ: Tôi tự nhận thấy là những việc tôi làm trong thơ nó cũng bình thường thôi, là do chính tôi như thế. Chứ không phải tôi muốn nêu ra một chủ thuyết, một phương pháp nghệ thuật mới nào…--PageBreak--

PV: Vâng, cho nên trong việc sáng tạo, cái chính không là anh đi theo phương thức nào, con đường nào, nhưng cái chính là, anh cống hiến phần tinh hoa, tài năng nhất của anh vào trong nghệ thuật. Còn nó sẽ thành cái gì đấy thì có lẽ để cho công chúng và những nhà phê bình nghệ thuật họ tính… Chứ khi chúng ta bắt đầu bảo tôi viết theo phương pháp này thì chúng ta đã bắt đầu trở thành cũ kỹ rồi và thành bắt chước rồi.

NSND LHQ: Thì là cũ rồi…

PV: Như thế không hay!

NSND LHQ: Nhất trí như thế! Bây giờ thế này, ông Picasso trước hết hãy là ông Picasso đi, ông Bùi Xuân Phái trước hết hãy là ông Bùi Xuân Phái đi! Còn bây giờ chúng ta đánh giá ông ấy là do thời gian cũng như do công chúng, chứ không phải tự chính ông ấy nhận như thế.

PV: Đúng rồi, và hãy để cho những người viết luận văn họ tự xác định đấy là cái gì. Chúng ta không nên vội vã xác định. Chúng ta vội xác định là chúng ta tự bó buộc mình. Anh sáng tạo anh tự xác định phương pháp của anh là anh tự bó buộc anh vào một khuôn khổ rồi, có đúng không anh?

NSND LHQ: Đúng rồi!

PV: Ngày xưa anh có thân với anh Lưu Quang Vũ không?

NSND LHQ: Ngày xưa thì phải nói thế này, tôi chơi với Lưu Quang Vũ từ những năm 67-68; ngày ấy thì đói lắm, chúng ta biết rồi. Vũ nằm trong một hoàn cảnh mà chúng ta cũng đã biết rồi…

PV: Không cần nhắc lại!

NSND LHQ: Chẳng cần phải nhắc lại. Khi chúng tôi mới chơi với nhau, Vũ đã về Hà Nội rồi. Đó là giai đoạn tôi là người đã có lương, hay đi vẽ pano, quảng cáo, vẽ tranh cổ động… Thỉnh thoảng tôi vẫn kéo Lưu Quang Vũ đi "bôi màu" với tôi vì Lưu Quang Vũ rất có năng khiếu hội họa. Anh ấy rất thích họa, và bản thân anh ấy cũng đã tự vẽ rồi. Hai chúng tôi đi lang thang nhiều lắm, rất gần gũi nhau…

PV: Nói thật với anh là tôi không được biết trực tiếp về anh Lưu Quang Vũ nhưng tôi đọc rất nhiều về anh Lưu Quang Vũ và tôi rất yêu quý Lưu Quang Vũ. Nhưng tôi lại không thích một xu hướng hiện nay là, một số người cứ muốn "huyền thoại hóa" Lưu Quang Vũ lên để làm sang cho chính họ. Anh là người thân với Lưu Quang Vũ, anh là người trung thực, tôi tin anh là người trung thực, anh có thể kể cho tôi biết những gì thực sự là hình ảnh thật của anh Lưu Quang Vũ thời ấy, như một nhà thơ, như một thi sĩ?

NSND LHQ: Chính Hồng Thanh Quang nói điều mà lâu nay mình cũng thấy không thích. Đọc ở báo chí, trên nhiều báo, có một số người thật ra ngày ấy đâu có chơi thân với Lưu Quang Vũ, không hiểu, không gần mà sau này cứ viết như là tâm giao lắm. Thật ra là cũng huyền thoại hóa, chứ thật ra bản thân người như Lưu Quang Vũ cũng hết sức giản dị, hết sức dung dị, Vũ không bao giờ vỗ ngực cái gì cả…

Ngay cả chuyện viết kịch của Lưu Quang Vũ cũng thế, lý do ban đầu cũng giản dị thôi. Vũ bắt đầu là làm thơ. Nhưng làm thơ thì chúng ta biết rồi, ngày đó là đói. Đến năm 1976, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thành lập Tạp chí Sân khấu do nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình làm Tổng Biên tập. Anh Xuân Trình đã đưa Lưu Quang Vũ về. Chính thức từ năm đó, Lưu Quang Vũ mới bắt đầu có được đồng lương đầu tiên của một người đi làm biên chế nhà nước.

Lưu Quang Vũ làm thơ nhưng tôi cho là thế này, trong máu Lưu Quang Vũ là có gen di truyền của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Cho nên Vũ đã có máu sân khấu. Khi về Tạp chí Sân khấu, một môi trường rất tốt, được đi xem các vở diễn thì Vũ bắt đầu viết về sân khấu, viết về chân dung các nghệ sĩ và Vũ viết rất hay. Từ đó Vũ bắt đầu thích sân khấu nhưng thoạt đầu chưa viết kịch gì cả. Nhưng lúc đó ai cũng hiểu, nếu làm thơ là đói, nhưng nếu làm báo thì có tiền, nếu viết kịch thì sẽ có tiền…

PV: Có tiền hơn nữa…

NSND LHQ: Có tiền hơn nữa. Những năm 80, tôi làm họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu, cũng chỉ sống bằng nghề sân khấu chứ ngày ấy làm gì có bán tranh được. Tôi mới nói với Vũ, Vũ viết đi. Sau mấy năm làm Tạp chí Sân khấu, Vũ có điều kiện hiểu thế nào là mâu thuẫn, thế nào là kịch, thế nào là đối thoại, thế nào là lời thoại, Vũ lại có điều kiện thuận lợi vì là nhà thơ, lời thoại của Vũ sẽ bay bổng hơn, trữ tình hơn, lãng mạn hơn, hay hơn các nhà viết kịch khác, đó là lợi thế của nhà thơ. Và Vũ bắt đầu viết. Vở đầu tiên là một vở cũng là viết cùng mấy người, về Lý Tự Trọng. Chị Phạm Thị Thành đạo diễn.

PV: Nghệ sĩ Bằng Thái đóng vai Lý Tự Trọng hay sao đấy nhỉ?

NSND LHQ: Không, Bằng Thái đóng phim Lý Tự Trọng, còn đây là kịch của Nhà hát Tuổi trẻ. Vở Lý Tự Trọng tham gia hội diễn năm 80 đầu tiên là đặt viên gạch cho Lưu Quang Vũ bắt đầu trở thành kịch tác gia. Và đây cũng nói thật là, sau này cũng vậy thôi, khi Vũ viết vở này, vở kia trước niềm vui sáng tạo, đương nhiên, nhưng cũng có một…

PV: Nhu cầu kiếm sống?

NSND LHQ: Có một nhu cầu kiếm sống.

PV: Cái đó là bình thường.

NSND LHQ: Và đấy là hết sức bình thường. Không nên nghĩ rằng nếu chúng ta vì nói đến chuyện ấy mà làm mất đi một Lưu Quang Vũ, không phải thế. Nhà thơ thì nghèo rồi, viết kịch hồi đó một vở nhuận bút là khá. Vũ là người thông minh, bằng sự thông minh, bằng sự tài hoa của một nhà thơ, bằng máu sân khấu, qua mấy năm làm tạp chí anh đã hiểu sân khấu thì kịch của anh bắt đầu khẳng định được một vị trí riêng… Kịch của Lưu Quang Vũ lúc đó phải nói đặt được vấn đề nóng bỏng…

PV: Với những chủ đề mang tính thời sự…

NSND  LHQ: Những chủ đề mang tính thời sự.

PV: Và đúng giai đoạn xã hội đang chuyển mình, cần tới những cái đó. Đấy không chỉ là thành quả của một mình tài năng Lưu Quang Vũ mà cả những điều kiện xã hội lúc đấy nữa. Thời thế tạo anh hùng mà.

NSND LHQ: Những vở kịch của Lưu Quang Vũ rồi thời gian sẽ đánh giá thôi. Nhưng mà rõ ràng ngôn ngữ kịch lúc đó nó hợp với giai đoạn đương thời. Và con người lúc đó hết sức bức bách của một sự gì đó phải đổi mới, phải thay đổi, thì những vở kịch của Lưu Quang Vũ…

PV: "Gãi đúng chỗ ngứa"?

NSND LHQ:  "Gãi đúng chỗ ngứa"…

PV: Vâng. Trong cuộc sống đời thường, anh Vũ là người thế nào. Người ta nói, anh Vũ cũng là người, như nhiều nhà thơ khác, cũng rất dễ dãi trong những lời hứa, nhưng không phải lúc nào cũng đủ thời gian để thực hiện những lời hứa của mình, có đúng thế không?

NSND LHQ (cười): Tốt tính, cả nể. Anh ấy hay hứa và cũng hay thất hứa lắm.

PV: Cũng chỉ vì anh ấy rất thích làm cho người khác vui, không muốn làm ai phật ý…

NSND LHQ: Không muốn làm phật ý ai. Rất chiều bạn nhưng không muốn mất lòng và cứ hứa thôi. Hay với các đoàn đến lấy kịch bản cũng vậy thôi... Thực ra Vũ là người như thế này, bình dị lắm, giản dị, Vũ cũng chưa bao giờ tự vỗ ngực về thơ Vũ đâu. Và ngay thời đó cũng chưa bao giờ, những năm 80, có khi một năm Vũ có tới 10 vở được dựng, nhưng Vũ chưa bao giờ tự nhận là nhà viết kịch lớn lao… Tôi thấy Vũ lúc ấy cũng chỉ cười cười, bảo, cũng có một nhu cầu phải kiếm sống…

PV: Xin cảm ơn anh!

H.T.Q. (thực hiện)
.
.