Nhà thơ Lưu Quang Vũ: Tháng ngày lận đận

Thứ Ba, 10/05/2005, 21:56
Đi chơi lòng vòng phố xá, rồi Lưu Quang Vũ đưa tôi về căn phòng anh ở, tại 96 Phố Huế. Căn phòng nhỏ hẹp trên gác, nhưng ấm cúng. Khi ấy, Tố Uyên đang bế con - cậu con trai, tên gọi là Kít, chừng một tuổi. Tố Uyên là diễn viên điện ảnh đương nổi tiếng, xinh đẹp, sinh con lại càng xinh hơn.

Vũ giới thiệu:
- Đây là anh Trang, làm thơ, ở Bắc Ninh, cùng quê Đỗ Chu.
Tố Uyên đang nựng con, reo lên:
-Ồ, Bắc Ninh à, vậy nhà anh có trang trại không? Bữa nào, Vũ và Uyên sang thăm quê anh nhé!
Vũ nói:
- Quê anh Trang ngay Từ Sơn, một làng cổ đất chật người đông, có phải trung du rừng núi đâu mà có trang trại.

Uyên cười tươi. Vũ mỉm cười đón con từ tay Uyên. Anh âu yếm hôn lên vầng trán thằng bé. Thằng bé trắng trẻo, bụ bẫm, nom như một thiên thần bé nhỏ. Tôi thầm nghĩ, đôi vợ chồng Uyên - Vũ sống quá hạnh phúc, thực là trai tài gái sắc. Ấy mà tôi đâu có biết, ngay thời điểm đó, hạnh phúc gia đình họ đã có mầm mống rạn vỡ.

Khi tôi chập chững bước vào con đường văn chương thì Vũ đã nổi tiếng lắm! Phải thừa nhận, khi tập thơ "Hương cây - Bếp lửa" của Lưu Quang Vũ và Bằng Việt ra mắt bạn đọc năm 1966, thì không khí văn chương của cánh trẻ tại Hà Nội xôn xao hẳn lên. Mà không riêng gì tại Hà Nội, ở Hải Phòng, ở Quảng Ninh, ở Bắc Ninh, cánh anh em tập tọe viết lách, hễ gặp nhau là xôn xao bàn tán về tập sách đó. Nó là giọng điệu trẻ trung, đắm say quê hương đất nước, là những nghĩ suy trăn trở của thế hệ trẻ trước các biến cố lịch sử.

Tôi quen Vũ, khi Vũ đã đi qua những vinh quang đó. Trong con người Vũ đã có chút gì hồ nghi, chán chường. Chúng tôi thường tụ tập ở nhà Lâm bên phố Triệu Việt Vương. Lâm ở cùng bố mẹ, nhưng có một phòng riêng trên gác. Lâm khi ấy đang làm nhân viên cho một nhà máy, nhưng Lâm rất yêu văn học, tự học tiếng Nga và dịch được thơ Esenin từ tiếng Nga. Bạn bè vẫn quý Lâm, gọi là "Lâm râu". "Lâm râu" rất quý bạn bè văn chương. Đặc biệt, Lâm rất chiều Lưu Quang Vũ.

Căn phòng Lâm ở nho nhỏ, có kê chiếc giường cá nhân, một giá sách, một cái máy quay đĩa chạy kim và trên tường treo rất nhiều tranh. Đa phần là tranh của Vũ. Ngoài ra, là tranh của Nguyễn Thị Hiền. Hiền ngày ấy vẽ rất đẹp. Những cô gái trong tranh của Hiền thường có cặp mắt mở rất to, thảng thốt và đăm đắm. Vũ cũng vẽ. Vẽ nhiều, thường là tranh trừu tượng. Có tranh, Vũ chép lại tranh của danh họa Picasso và Matisse mà Vũ thán phục.

Uống nước chè nhạt, hút thuốc vặt, rồi Vũ giở sổ tay đọc thơ cho chúng tôi nghe. Giọng Vũ nhỏ nhẹ, trầm trầm.
Anh lên xứ Đoài xưa
Ba Vì mây trắng
Nhớ mặt em gầy sau lá mưa
Lênh đênh bến nước Trung Hà
Những chị buôn chè
Ngủ hè phố cũ
Con bò gầy đói cỏ
Đi trên đồng mê man...
(Không đề)
Câu thơ chứa chất đầy cảm xúc bảng lảng, xót xa mà đắm say. Câu thơ chứa đầy tâm trạng hoang mang, run rẩy.
Những bài thơ viết về tình yêu đầy quặn thắt, khác hẳn cái trạng thái trong trẻo, mê đắm thuở nào.
Muốn lên tàu đi đâu thật xa
Nhưng nhà ga đã sụp
Ngã tư nhớ em
Vừa thương vừa trách giận
Sao chân em giẫm đạp
Lên những gì tôi yêu.
(Ngã tư tháng Chạp)
Rồi những câu thơ tả trần trụi thời cuộc. Chiến tranh, cái chết, đạn bom và thân phận nhỏ bé của con người... Nó có gì rất khác những vần thơ hào hùng, hừng hực khí thế của lớp người ra trận.
Có những lúc tâm hồn tôi rách nát
Tôi biết làm gì, tôi biết đi đâu?

Thoạt đầu nghe Vũ đọc, chúng tôi chưa hiểu, chưa cảm hết, thấy có phần hoang mang. Nhưng rồi nghe lại, đọc lại, thì thấy có giằng rịt lấy trái tim mình, mặc dù đôi lúc thấy buồn đến vữa cả người ra. Ấy mà vẫn không bỏ đi, vẫn có nhu cầu đọc lại, dù là đọc túm tụm với mấy bạn bè...

Vũ cảm thấy như không ai hiểu mình, nên Vũ càng buồn hơn. Bạn bè lớp ấy thì tưng bừng ra trận. Mỗi bận có đứa nào được vào chiến trường, làm xôn xao cả bọn. Có rất nhiều chuyện cảm động của các cuộc chia tay ấy.

Đấy là buổi tiễn Nguyễn Khắc Phục vào chiến trường, cả bọn tiễn Phục lên ôtô đầy lá ngụy trang ở Công viên Thống Nhất, Vũ mới kịp quay về căn buồng 96 Phố Huế của mình với tâm trạng nôn nao khó tả, đã có người dồn dập gõ cửa. Đó là một thầy giáo già, mái tóc muối tiêu, cặp kính trắng lập cập đưa cho Vũ gói lương khô. Ông giáo già cho biết, có gặp đoàn quân ở Ngã Tư Vọng, một anh lính trẻ dúi vào tay ông gói quà nhỏ, nhờ ông chuyển giúp theo địa chỉ "Vũ, 96 Phố Huế". Anh lính vội theo đoàn quân ra trận, còn ông già chưa kịp biết tên người ấy là ai, chỉ biết cầm gói quà đó và chuyển tận tay người nhận theo địa chỉ.

Tình cảm của người dân với người lính, tình cảm của người bạn với người bạn khi đó cao đẹp thế. Chả là Nguyễn Khắc Phục được phát mấy gói lương khô để vào chiến trường, nhớ Lưu Quang Vũ, Phục liền gửi về cho Vũ một phần. Vũ nhận gói lương khô mà ngơ ngẩn nhớ bạn. Vũ rất muốn hòa nhập vào không khí hành quân hừng hực ấy, nhưng rồi Vũ lại cảm thấy hoang mang. Bi kịch gia đình riêng của Vũ, như kéo Vũ đi theo một hướng khác.

Chúng tôi không thể tin Vũ và Uyên chia tay nhau nhanh chóng thế, mặc dù cuộc chia tay là điều tất yếu. Bài thơ "Từ biệt" viết cho Tố Uyên, đó là cả tâm hồn tan nát của Lưu Quang Vũ. Biết làm sao được, cái gì đến, rồi nó phải đến. Vũ yêu Uyên đến đắm say, Uyên cũng yêu Vũ đến ngây ngất. Nhưng khốn nỗi hai tình yêu ấy không còn đồng hành nữa, mà đã lệch nhịp. Cái Vũ cần, Uyên không có. Cái mà Uyên có, Vũ lại không màng nữa. Đôi vợ chồng nghệ sĩ này chia tay là đương nhiên.

Thôi nhé, em đi
Như một cánh chim bay mất
Phòng anh chẳng có gì ăn được
Chim bay về những mái nhà vui.

Nghĩa gì đâu kỷ niệm tháng năm dài
Lời thương mến nhớ lại thành chua chát
Lòng ta cạn hay đời quá hẹp
Nghĩ cho cùng, nào dám trách chi em.
(Từ biệt)

Tại căn phòng Vũ ở, mọi vật như đã đảo lộn. Bức tranh màu sáng như đã hạ xuống, treo bức tranh màu trầm. Lọ hoa không còn cắm hoa tươi. Duy chỉ có bài thơ "Tự do" do Vũ sưu tầm ở đâu về, là căng treo quanh nhà. Bài thơ được viết chữ to, in trên nền giấy màu xanh có minh họa chim, hoa và các vì sao, dài như một tấm phướn căng hiên ngang quanh căn phòng.

Trên chân trời
Ta viết tên em
Tự do!

Tự do là niềm khao khát, niềm an ủi với Lưu Quang Vũ. Căn phòng nhỏ của "Lâm râu" ở Triệu Việt Vương, chiếc máy quay đĩa cổ lại phát lên bản nhạc của Mozart, Schubert, Beethoven và Tchaikosky... Những bản nhạc thơ mộng nhẹ nhàng và dữ dội. Vũ ngồi lặng lẽ góc phòng, lúc ôm mặt gục đầu trên đầu gối, lúc Vũ ngửa mặt, tay vuốt ngược tóc, đôi mắt sáng bừng, xa xăm. Cái kim máy hát mòn, gãi trên đĩa than đã cũ xước, tạo âm thanh lạo xạo. Vũ đứng bật dậy, hai tay đút túi quần, đi loanh quanh trong căn phòng...

Vũ lặng lẽ viết. Viết dồn dập. Anh không gửi thơ tới các tòa báo nữa. Anh viết thơ để đọc cho nhóm bạn bè thân nho nhỏ của anh. Gặp bạn bè thân, anh đọc thơ với giọng điệu nồng nàn quặn thắt.

Căn phòng của "Lâm râu", nó như ngôi nhà của Vũ, khi ấy thỉnh thoảng có một thanh niên người Huế, vốn là sinh viên trong thành, rồi lên rừng và ra Bắc học tập. Anh này cũng khá am hiểu văn học nghệ thuật, thường hay đàm đạo văn chương chữ nghĩa với Vũ. Trường phái triết học này, đạo phật kia, họ bàn bạc và tranh luận khá sôi nổi. Khi ấy có cả Khuê nữa.

Lê Minh Khuê, cô gái có hai bím tóc tết đuôi sam và ánh mắt mở to, nhìn đăm đắm và quả quyết, với các trang viết về thanh niên xung phong thật lôi cuốn chúng tôi. Khuê từng ký bút danh là Vũ Thị Miền, với một đôi bài bút ký in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, được mọi người chú ý. Nhưng phải ghi nhận, khi cái tên Lê Minh Khuê xuất hiện, là lúc văn của Khuê mới xuất thần hơn. Tôi biết là Vũ cũng quý văn của Khuê lắm. Khuê ngồi trước bạn bè thường ít nói, chỉ nhoẻn cười, rồi đôi mắt lại nhìn xa xăm.

Sau thời gian rời quân ngũ, công việc không ổn định, Vũ có nhu cầu muốn đi làm. Anh đã gõ cửa nhiều cơ quan, xin làm tạm một số việc, nhưng cũng chẳng đâu vào đâu cả. Vẽ áp phích, làm thợ kẻ chữ, đi bồi bục kệ triển lãm, làm nhân viên ở phòng tuyên truyền một cơ quan đường sắt... Chỗ nào cũng được dăm tháng, rồi có thể Vũ chán cơ quan hoặc cơ quan chán Vũ. Vũ là người ham làm việc, chứ không phải là người ngại việc. Chỉ có điều, mọi việc hình như chưa phù hợp với Vũ. Bí bách, Vũ phải đến gõ cửa xin việc cái tờ báo ngành mà tôi đang làm. Tôi nhớ đấy là buổi sáng mùa đông, hè phố xao xác gió.

Như để tăng sự quyết tâm, Lưu Quang Vũ rủ Xuân Quỳnh đi cùng. Vũ vào gặp ông Phó Tổng biên tập tờ báo tôi làm. Ông này là người trọng văn nghệ sĩ, khi nghe Vũ ngỏ ý xin vào làm việc, nhất là lại có Xuân Quỳnh bảo lãnh, ông phấn khởi lắm. Tuy nhiên thời bao cấp đó, ông Phó Tổng biên tập cũng chả có đủ thẩm quyền để nhận người, vì chỉ tiêu lao động là do cấp cơ quan chủ quản điều tiết. Lại thêm một lần lỡ hẹn.

Tài năng đến như Lưu Quang Vũ, xin vào làm một tờ báo ngành còm cõi mà cũng trượt. Chúng tôi ái ngại quá. Vũ lại thêm một lần buồn chán. Khi kéo nhau ra khỏi tòa soạn ở mặt phố Hàng Gai, chúng tôi tạt vào quán chè chén góc phố, nơi có nhiều người thợ tiện đang tiện gỗ. Phoi gỗ bay loạn xạ. Ngồi trên chiếc ghế đóng bằng gỗ ván thùng, Vũ nâng chén trà nóng trên tay, không uống, không nói lời nào, mắt nhìn mông lung.

Như để lấp đi sự buồn nản, Xuân Quỳnh nói "Mình lại đưa anh Vũ đi xin việc nơi khác!". Tôi không biết nên nói điều gì, vì nếu có nói an ủi nhau lúc ấy cũng là thừa thãi. Tôi chỉ thở dài.

Vũ trở về căn phòng chuồng chim trên gác ở ngôi nhà 96 Phố Huế của mình. Căn phòng có dăm sáu mét vuông, vốn quá hẹp mà độ này thành rộng hoang vắng.

Đấy là giai đoạn Lưu Quang Vũ cô đơn nhất, cũng lại là hạnh phúc nhất. Bạn bè đã dành cả tình cảm đẹp đẽ cho anh. Cũng từ giai đoạn đó, có một người phụ nữ xinh đẹp, tài danh đã dành cả tình cảm thiêng liêng cho anh. Ấy là tình cảm của người chị với người em. Tình cảm của người em gái với người anh. Tình cảm của người bạn cho người bạn. Tình cảm của thi sĩ gửi cho thi sĩ. Tình cảm của người yêu dâng hiến cho người yêu. Tình cảm ấy vượt qua mọi ngăn cản, cách trở. Đấy là mối tình định mệnh. Đấy là mối tình trời cho. Người phụ nữ đó, là thi sĩ Xuân Quỳnh.

Thi sĩ Xuân Quỳnh đã đánh thức, đã tôn vinh tâm hồn thi sĩ Lưu Quang Vũ của những năm tháng ấy. Cả hai cùng phát sáng, cùng chắp cánh bay cao trong vòm trời thi ca lồng lộng. Họ như muốn vượt cõi nhân gian bé nhỏ..

Vũ Từ Trang
.
.