Nhà thơ Lữ Thị Mai: Bỏ mặc cơn giông lớn dần trong tưởng tượng

Thứ Ba, 29/09/2015, 23:46
Trời cho người đàn bà làm thơ hai thứ, đó là đa đoan và ái tình. Ái tình thì trăm đường ái tình, vui thoáng chốc gầy hôm mai. Còn đa đoan thì lúc nào cũng chỉ có một cái hẻm dốc đó mà tìm về, mà nương náu, mà thu lu. Và trong chính cái mong manh muốt muột mơ hồ đó, chẳng hiểu làm sao đàn bà làm thơ càng gần với mép vực của đời sống. Một mép vực chơi vơi, dội ngược từ tiềm thức. Một cuộc chơi, ngay từ khi bắt đầu đã bị đoạt định bởi cảm xúc.

Lữ Thị Mai đã qua thời “em chỉ là hạt mầm cô đơn/ khóc trước sự thành tâm của cỏ”. Mai cũng đã thôi rao bán phố phường nỗi buồn của những cánh đồng. Sau cái thời mê man, bung bã cái nhìn quẩn quanh ấy, cảm xúc của Mai đã lặn vào sâu bên trong. Mai lẳng lặng đón nhận như một bí mật. Tưởng rất yên ắng như cái vỏ bề ngoài nhưng mà hình như chẳng phải. Một cơn giông khác đang lớn dần lên trong tưởng tượng, trong chính cái mong manh, mơ hồ của đàn bà làm thơ. “Mình vẫn đứng bên hồ/ cạm bẫy dụ người tò mò ở lại/ mưa đầu mùa láng lênh dự cảm/ cá nhỏ mắc câu chẳng thiết ưu phiền”. Mai đã giới thiệu về mình như thế trong Mở mắt rồi mơ, tập thơ thứ hai sắp ra mắt của mình.

Mai bộc bạch nghĩa là Mai đang đối diện nó, không lẩn trốn. Nhưng một người đàn bà đối diện chính mình thì sẽ thế nào, tôi không dám nghĩ tiếp. Vì biết đâu, chưa đi hết lưng chừng ý nghĩ đã nhận ra đó là một điều khủng khiếp. Và nếu họ không trốn, không “di lý” mình tới một ngọn nguồn vô thưởng vô phạt nào đó mà cứ lặng lẽ nhìn thấu mình thì sẽ ra sao? Mép rìa chênh vênh ấy, nếu họ tự đưa mình đến rồi tự ngã xuống đó thì sẽ ra sao? Dù như thế nào đi chăng nữa thì đó cũng là một điều khủng khiếp và có phần nghiệt ngã.

Nhưng Lữ Thị Mai là một người đàn bà làm thơ. Mà đàn bà làm thơ thì nông nổi, nhẹ dạ, cả tin. Đừng nghe họ phân trần rằng họ cũng giống đa phần đàn bà trên đời. Bởi có những lúc họ nhẹ dạ cả với chính bản thân mình mà không hay biết. Họ tự bạch: “Buổi sáng ấy em ngồi cắm bình hoa nhẹ dạ/ rồi biền biệt đi tìm cánh đồng”. Nhưng vì một căn cớ nào đó, họ sẵn sàng chối bỏ nó như chối bỏ bản thân mình: “Ở góc tối khu vườn hoa huệ chuông bắt đầu thỉnh nguyện/ hãy gối đầu tay em gối đầu tay em/ hoa sấu rụng đau lâm râm ngõ nhỏ/ đừng tin những câu thơ thiếu ngủ”. Một cuộc đào tẩu bất thành. Để rồi sau giây phút chối bỏ ấy chính là hoang mang. Là chênh vênh, chấp chới. Lữ  Thị Mai quay về dự cảm của mình trong những ngày nhiều gió trời.

Tôi đã nghe thấy dự cảm ấy trong thơ Lữ Thị Mai. Những vần thơ mang theo trái tim nhạy cảm và đầy dự cảm của một người đàn bà. Một người đàn bà lắm lúc không biết mình đang đi đâu, về đâu: “Mình buồn như cơn giông lạ/ đứng mãi trên cầu không biết đi đâu/ từ mớ tóc hoe vàng nổi loạn/ lầm lũi mọc lên nguồn ngọn thật thà”. Người đàn bà ấy có khi chẳng nhận ra chính mình: “Đâu phải mình trong gương/ thôi tiếc gì một đôi mùa tóc chết”.

Và rồi, với gương mặt cũ nhàu như con bướm nâu rũ phấn bạc nỗi niềm 4 năm về trước, Mai trở về với bến mơ. Nhưng bến mơ cũng “sâu ruỗng mùa hè”. “Phải bắt đầu lãng mạn thế nào đây/ những mặt người muôn đời nức nở/ ta chỉ biết xót xa và hoảng loạn”.

Thỉnh thoảng Mai ra phố với một khuôn dáng khá cầu kỳ. Mai trang điểm đậm và khoác lên người những bộ trang phục bắt mắt. Nhìn vào ai cũng bảo Mai đầy sức sống. Ai cũng tưởng cô gái này không có nhiều âu lo trong đời sống. Nhưng có lần nào đó, Mai nói với tôi, có lẽ vì đời buồn quá, nhạt quá nên mới điểm tô chút vui hơn. Mai không thích vẻ u ám, ủ rũ như một xác chết. Và rồi, phía sau những phấn son cợt nhả với cuộc đời ấy, đêm về Mai lại thấy mình “như khóm ngâu hoa rụng kín chân tường/ như bất chợt thương mình không ai biết”, hay là “đêm nằm soi gương nghĩ lại/ chắc mùa thu cũng ngán mặt chính mình”.

Hạnh phúc là điều có thật. Nhưng hạnh phúc cũng thật mong manh. “Đêm sờ lên môi khô/ đặt vào nụ hôn ngờ vực”; “khoảng không ngày nào ta bên nhau/ bỗng chốc bật ra nhiều cánh cửa”. Hay là đọc những câu như: “Em khóc trên ngực anh/ bằng đôi mắt của ngàn năm về trước/ nơi chúng mình gặp nhau bên miệng vực/ thấy cánh sao rụng xuống lưng chừng/ trên ngực anh là chùm hoa rã cánh/ chớ chạm vào mùi hương sẽ tan/ em đang gối đầu lên hoang mang nhịp đập/ cô đơn rất cần im lặng”, tôi cứ nhớ đến thơ nữ sĩ Xuân Quỳnh. Thơ của những người đàn bà mang quá nhiều nhạy cảm, nhiều xúc động và đầy rẫy dự cảm. Và lúc nào họ cũng róng riết, mong ngóng, chờ đợi và âu lo về hạnh phúc dù cho họ đang hạnh phúc, dù đang đầu ấp tay gối với người mình yêu thương.

Đừng căn vặn Mai rằng Mai có đang hạnh phúc không? Thực ra, điều đó vô nghĩa lắm. Hạnh phúc là thứ hữu hình nhưng cũng là thứ vô hình nhất trên cuộc đời này. Chúng ta cũng không biết mình có đang hạnh phúc không thì cớ gì lại đi bắt bẻ một người đàn bà, lại là một người đàn bà làm thơ. Trong những tự sự của họ đã nhuốm màu tự sự nhân gian rồi.

Thơ Mai mong manh, xa vắng, gợi cảm, mềm mại và nữ tính. Từ Giấc (2010) đến Mở mắt rồi mơ (2015), tính nữ trong thơ Lữ Thị Mai đã khác về cấp độ nhưng mạch thơ, hơi thơ gần như vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. Và tính nữ ấy trong lần trở lại này, là một gợi mở để Lữ Thị Mai chạm vào những nỗi niềm bản thể. Sâu hơn và dội hơn. Bản thảo tập thơ hoàn thành từ năm 2012, nhưng vì một vài lí do, phải đến tháng 9 năm nay mới thành hình. Gần 3 năm chờ đợi cho một hoài thai và trở lại, hẳn Mai đã đi qua một chặng đường nhỏ trong đời. Người ta vẫn có thói quen gói một phần đời nào đó lại để nhớ nhung thêm và tạ từ lần nữa màu áo cũ đã chật rương kỷ niệm.

Mùa hoa này thuộc về đầm lầy/ tanh nồng nuốt sâu thiên hương/ chỉ còn ta trước trà/… nguội ngắt nụ hôn bao năm chồng vợ/ nguội ngắt tình bạn hàn vi/ nguội ngắt khói nhang hàng xóm/ được mấy lần nhìn nhau/ được mấy lần tin nhau/ mùa hạ giấu tàn hoa đáy chén”. Những câu thơ của Mai khiến tôi “gai” người khi bắt gặp. Những câu thơ về thời gian không đáy. Về tan - hợp, hợp - tan. Về những giấc mơ không mùa. Cuối cùng, sau tất cả, đối diện với ta cũng chỉ là một mình ta. “Và riêng em, bé nhỏ trên đời”. 

Mai đã viết về mình, về những người đàn bà như thế. Những người “tiễn đưa nỗi buồn/ bằng những cơn say dài rộng”. Những người đàn bà nói khẽ, sợ băn khoăn của mình khiến nhiều người tỉnh giấc nhưng họ lại mất ngủ bởi cơn giông bão đang dâng lên trong lòng mình. Những người đàn bà có đôi mắt chỉ sinh ra để khóc ở nơi cao chót vót mà bóng mây đen lấp lửng trên đầu. Những người đàn bà ý thức được thời gian hữu hạn, thèm khát tuổi trẻ, những người trẻ hơn họ bởi tiếng cười. Và những người đàn bà ấy, ngay cả nỗi cô đơn cũng muốn được trở về, dẫu rằng mai này đây “gieo ra ngoài nỗi sợ mùa đông”.

Hằng ngày, Mai vẫn đi chợ sớm và thích cắm hoa tươi trong phòng. Mai vẫn lặng yên quan sát để nghe “những đàn kiến có thêm nhiều đám rước/ ta bé nhỏ tan đi dưới đám cỏ rì rầm”. Mai vẫn mặc những bộ trang phục bắt mắt ra phố, đi làm, đi đón con. 

Thỉnh thoảng Mai cười rất tươi như chưa bao giờ có buồn đau gì trên đời. Mai vẫn làm thơ và tan vào bao điều vô nghĩa lý khác. Nhưng cũng là Mai, người đàn bà tháng Tám rón rén qua mùa Vu lan và những người hàng xóm xung quanh vừa đếm thêm một mùa cách biệt. Người đàn bà lúc nào cũng cảm tưởng sẽ có người qua mình tặng một mùa hoa im ắng nơi sân chùa lá rụng, mơ những giấc mơ bé con, bình yên và vụn vãi. Người có một “nỗi đau ậm ừ” như những người đàn bà lỡ chân bước vào nghiệp văn chương.

Lúc này đây, mùa hạ đã ra đi. Hoa sữa đầu mùa đã nở và mưa thu đã lấm tấm rơi trên phố. Nhưng chắc là ở nơi nào đó trong khu nhà tập thể số 4 ấy, có một người đàn bà trở về từ một cơn giông gió, mang chiếc áo mỏng, ngồi nhìn mông lung ngoài trời: “Ta ở đây mà lũ chim ngơ ngác/ không tin vào sự trở về/ ta ở đây dưới mỏm trời xanh tái/ nước mắt tròn lăn tựa viên bi”.

Mai như tôi biết, là một người đàn bà nhẹ dạ nhất trên đời.

Đậu Dung
.
.