Nhà thơ Hữu Việt: “Nam vương” vô hại

Thứ Năm, 02/10/2014, 07:00

Hà Nội tiết cuối chiều sậm sùi mưa và oi nồng nóng, Hữu Việt cao lênh khênh, áo phông xanh nõn chuối, quần ka ki phẳng phiu hộ tống Phan Thị Vàng Anh xuất hiện ở một quán cafe ngập đầy hương vị Pháp. Chẳng phải anh, ít ai có thể đón lõng và lôi kéo người đã tự coi mình là rút về ở ẩn như nữ nhà văn nức tiếng thông minh độc đáo một thời tụ tập ở chốn đông người. Chỉn chu, ân cần và ấm áp, dẹp cái tôi riêng mình đi trong từng khắc đời thường, thây kệ những chọc ghẹo bông lơn đùa vui mà người ở gần anh thường buông tỏ, nhà thơ Hữu Việt đủng đỉnh vai trò vệ sĩ, ít ra là của đám đàn em mon men xông phá vào con đường chông gai chữ nghĩa đày ải mình...

1. Hỏi Hữu Việt có biết Du Nguyên, cô gái rất trẻ vừa ra tập Khúc lêu hêu mùa hè đớn đau giằng xé, anh tất nhiên còn có thể nói nhiều hơn ngoài mấy cái gạch đầu dòng trích ngang kỷ yếu thông thường. Nhắc đến người này người kia, toàn những tên tuổi măng tơ tràn trề phấn khích của đời sống văn học đương thời, anh vẫn nghiêm nghị và trọng thị trong mỗi đánh giá thành lời. Không hẳn vì đang đảm trách vai trò ủy viên ở Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, mà bản tính vậy, bỏ qua vẻ bề ngoài được ve vuốt là “nam vương” tưởng ngạo nghễ chảnh chọe, Hữu Việt dường như có cái mẫn cảm vốn được trời ban cho đàn bà tinh tế, nhưng lại vượt lên trên thói phụ nữ thường tình ít nhìn ra ai khác xinh đẹp ngoài mình, anh sẵn lòng nâng giấc, tỉ mẩn tìm trong đám bụi bặm phố phường, gạt đi những tạp nham đeo bám để lộ sáng một cây bút mới tinh khôi, một giọng điệu thơ văn tuổi đôi mươi đầy hứa hẹn.

Được trông cậy giao làm đầu bếp của chuyên mục giới thiệu thơ trên ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng - Báo Nhân Dân, anh mỗi số một lần nhất quyết tìm cho ra những gương mặt còn lạ, còn chưa được truyền thông rộng rãi tung hô vồ vập nhiều. Công việc tưởng nhàn, thuần túy đọc rồi viết cho xong cái đoạn sapô ngắn ngủi, nhưng để tượng hình một cá tính thơ, và hơn nữa đáp ứng đòi hỏi khắt khe của bạn đọc Nhân Dân hằng tháng, Hữu Việt phải dồn vào đấy tất cả sự nhạy bén, bao dung lẫn tinh thần trách nhiệm. Dường như hoạt động nào với anh, đơn giản chỉ để giữ cho dáng vẻ bề ngoài của mình phẳng phiu tươm tất, cũng đọng đầy trách nhiệm, với bản thân, với xung quanh, với người đối diện mà cảm giác anh luôn rất sợ có lỡ chểnh mảng hời hợt gì để làm họ tổn thương, chạnh lòng buồn bã. Là khách mời tranh luận của chương trình “Giai điệu tự hào” đang gây độ hot trên VTV, không hiểu được cố tình giao hay tự thể hiện mình thế, Hữu Việt luôn trong vai điềm đạm dung hòa, mặc cho những tranh cãi lại qua đến hồi gay gắt, anh lên tiếng trấn an dàn xếp để kịp dịu đi không khí căng căng hấp dẫn vừa đủ tầm. Tương tự ở một cuộc vui, bên bàn trà bàn nhậu, thây kệ đám đàn em kém xa tuổi đời lẫn tuổi nghề hiếu thắng lập ngôn, đành hanh lấn át, anh chỉ cười, điệu cười mắt nheo nheo sáng hàng ria mép chăm chút kỹ càng, rồi tự trào, tự giễu mình, tự lôi mình ra làm vui một cách hồn nhiên thật lòng chẳng màng kẻ cả trước sau, trên dưới.

Người như thế nên không lạ gì, thời gian còn ở Báo Tiền Phong, cùng nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đình đám với tờ Tiền Phong chủ nhật, Hữu Việt được tín nhiệm bầu chọn làm chủ tịch công đoàn. Xăng xái xấp ngửa lo nghỉ mát cho anh chị em, đến kỳ nghỉ ai ai bất luận buộc phải đi, buộc phải sắp đặt chồng con, ông bà, cha mẹ ở nhà để được thảnh thơi hết mình với nhau, hết mình với tập thể, rũ bỏ hết những bực bội muộn phiền rồi lại trở về thường nhật, chỉ anh mới tạo được môi trường hòa đồng tươi vui đến vậy. Tận giờ nhiều đồng nghiệp độ ấy còn bụm miệng kể, cơ quan bác nào ốm đau, cô nào đẻ con đang nghỉ cữ, Hữu Việt cân đường hộp sữa phong bì tiêu chuẩn dẫn đầu phái đoàn chu đáo hỏi thăm, rồi về rất có thể nảy thi hứng làm thơ khi chớp được cảnh tượng một thiếu phụ nõn nường xinh đẹp đang e ấp cho bé sơ sinh bú.

2. Biết chuyện trò, biết lắng nghe, biết nhẫn nại, dễ hiểu khi Hữu Việt ngay từ tuổi 20 bứt phá đã trở thành bạn vong niên hi hữu của những bậc lão làng ít giao du và được tiếng kỹ tính. Anh tự tạo cho mình mối quan hệ kiểu ấy mà không nương vào cha, không tận dụng danh tiếng của cha mình, nhà văn Hữu Mai. Hữu Việt hơn cả thân với nhà thơ Lê Đạt, anh đang lưu giữ trong ký ức mình kho chuyện về nhà thơ độc tôn trường phái thơ “phu chữ”. Đến tận giờ nhiều người cứ thắc mắc sao anh có thể chịu và chiều được một cá tính thất thường như nhà văn Đỗ Chu, cả ngày lẽo đẽo tháp tùng Đỗ Chu thả bộ vỉa hè hết quán trà chén thuốc lào này đến hàng chả cá bún đậu mắm tôm khác. Hỏi không mệt à, Hữu Việt cười, chiều được và được chiều người biết chơi, biết việc, biết sống, biết lẽ đời, biết nhận chân sự vật âu cũng là một cái thú, một cách thể hiện sự nể vì với bậc tài danh và tích lũy trải nghiệm cho chính mình. Anh nuông và chăm Đỗ Chu như một người con có ông bố nhiều tâm sự lại gàn, thôi thì cứ để “ông ấy” lấy sự hành mình làm vui, làm phương tiện để cân bằng những ẩn ức sục sôi đương phải kìm tỏa. Hữu Việt yêu chiều và sẵn lòng đối đãi với bằng hữu bạn bè, với những người anh thực sự quan tâm, nể nang theo cách ấy. Anh ngồi cả vài tiếng chịu trận sự lên đồng của nhà điêu khắc Lê Công Thành, tay chống cằm lắc lư cái đầu lắng nghe ông già tài hoa dẫn giải đủ chuyện trên trời dưới đất khiến người bên cạnh, khả năng kiềm chế chưa đủ thượng thừa, chỉ muốn buông ra vài câu phá đám cho diễn giả buông xuôi mất hứng.

Sinh ra trong gia đình thuần văn chương quân đội, vào đời bằng hành trang kinh tế kỹ thuật, du học từ thời Đông Âu xã hội chủ nghĩa còn là thiên đường, chất thơ ngấm vào anh, rồi dần dà hình thành nên con người thơ trong anh tự lúc nào, chắc chính anh cũng không rõ. Nhà văn Hữu Mai cũng không cố tình định hướng cho cậu con trai thứ của mình, chỉ là cái duyên mặc định dẫn lối đẩy đưa, có tránh cũng khó lòng chối bỏ được số phận. Có thể là may, hoặc thức thời, hoặc công việc của một kỹ sư kinh tế những năm đầu lập nghiệp giúp anh có cách ứng xử văn minh hài hòa với từng bước đi của mình, không hấp tấp bốc đồng để phải trả những cái giá đắt đến nhức nhối, Hữu Việt học và rành tiếng Anh từ sớm, được tham gia chương trình viết văn Iowa ở Mỹ cũng sớm hơn nhiều người, Hữu Việt may mắn không bị giới hạn thế giới quan của mình trong những lèo tèo vụn vặt ếch ngồi đáy giếng ca bài ai nào bằng ta. Ngược lại có thể chính những nhận biết mở mang ấy lại khiến anh khe khắt với chính mình, hoặc giả kiểu của anh quen nhàn tản thảnh thơi, huỵch toẹt ra là cũng hơi hơi lười, nên từ tập thơ đầu tiên rồi thứ hai định hình tên tuổi một Hữu Việt nhà thơ đến giờ, tiếp một vài tập thơ dịch, dự định công bố những bài thơ mới tinh tươm, mang một âm hưởng khác hẳn thói quen xưa cũ đã bị lần lữa hết năm này sang năm khác. Thơ Hữu Việt càng ngày càng kỹ về chữ và tinh tế về nghĩa, anh đôi khi đột phá trong sự kìm nén đến bất ngờ bung tỏa, kiểu: “Tôi đoán rằng cô gái áo xanh/ Yêu người đàn ông áo xám/ Cô luôn mở to mắt nhìn/ Mỗi khi anh chàng cạn chén, nói huyên thuyên/ Và đưa lưỡi liếm môi/ Cô có cái lưng dài sáng óng/ Ngực căng sau áo lửng/ Nhưng nét gợi tình nhất vẫn là khi cô liếm môi/ Không thấy mặt người đàn ông áo xám/ Cưỡng lại tò mò, tôi vội vã bỏ đi” Ba người trong quán rượu. Tôi, nhà thơ đã nghiến răng bỏ đi, để tránh rất có thể một sự hụt hẫng bẽ bàng khiến cả ngày dài thành lê thê chịu đựng. Hay nữa, vì là bạn vong niên của Lê Đạt nên anh phải chậm, phải chọn, phải chắt lọc khi sử dụng chỉ mỗi một ngôn từ: “Ông bảo người làm thơ/ Phải có gan cãi nhau với cả nước/ Nhưng tôi chưa thấy ông đôi co bao giờ/ “Anh em văn nghệ, Đoàn kết vẫn hơn là đánh lẫn nhau”/ Và cười/ Ông bảo người ta có quyền được sai/ Bằng quyền được đúng/ Trong thơ, tất cả đều bình đẳng/ “Tôi thích đối thoại hơn là đối thụi”/ Lại cười/ Trời hành bệnh mất ngủ/ Ông bảo có lần đã toan tự tử/ Nhưng chữ còn nặng nợ - đành thôi/ “Người ta có thể thua nhưng không thất bại”/ Lần này ông không cười/ Ông bảo mình chịu thiệt nhiều thú vui/ Vì chót mang thân phu chữ/ Nhưng tôi biết ông có lúc… mải chơi/ Cà phê Hàng Buồm tiếp khách cả ngày/ Hôm nay đứng đầu phố Mã Mây/ Nhớ ly cà phê đen đắng/ Hình dung ông đang ngồi giữa miền mây trắng/ Kể chuyện trần gian cho những bạn bè hoạn nạn của ông/ Ông rộng rãi, khoan dung, lịch sự/ Chỉ nghiêm khắc những khi làm chữ/ Và khi đọc thơ”, để khắc lên chân dung một Nhà thơ.

Bỏ cả thơ, bỏ cả báo, bỏ cả bạn bè, Hữu Việt độ này đang bận rộn. Anh hay được chấm vào cương vị giám khảo của cuộc thi hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong tổ chức. Đặt anh trong vai trò ấy cũng là quá “chọn mặt gửi vàng”, một người kinh nghiệm đầy mình rà soát chân dài, dáng đi điệu cười, số đo ba vòng thiếu nữ, những thực sự kiến thức tích lũy suốt cả thập niên dài liên quan đến các cuộc thi hoa hậu, lại là người đàn ông hồn hậu công tâm, không dễ bị nhan sắc chị em làm lung lạc. Bảo Hữu Việt có con gái đẹp gửi gắm cho anh rèn cặp thì yên tâm quá, bất chấp vị thế “nam vương” cao vời vợi, anh bản tính vô hại chẳng thể hoặc chẳng nỡ lòng nào làm hại đến các chị em. Ấy chưa kể Hữu Việt đẳng cấp võ sư bậc thầy, môn phái Vịnh Xuân quyền lấy nhu làm đối trọng, lúc hữu sự sẵn sàng xông pha, bất đắc dĩ làm nên một trận chiến “anh hùng cứu mỹ nhân”, thoát nạn an toàn rồi thảnh thơi bỏ đi, mặc kệ mỹ nhân cho người khác xun xoe xưng công tranh thủ...

Ngô Hương Sen
.
.