Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh

Thứ Năm, 08/07/2010, 10:23
Đã quá tam ba bận, tôi gặp nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ở phòng làm việc của nhà thơ Hồng Thanh Quang. Bao giờ cũng thế, khi gõ cửa vào phòng nhà thơ Hồng Thanh Quang, Hoàng Nhuận Cầm thường lặng im giây lát, đứng tần ngần như thể đã lâu lắm rồi, anh mới lại gặp cố nhân.

Mắt anh, mặt anh đỏ hoe (vì vừa tạt qua đâu đó uống đôi chút rượu) ẩn sau đôi kính cận. Dáng anh nhỏ thó bận một chiếc túi xách trong đó có vô thiên lủng các thứ, từ báo chí, sách vở đến lịch bóng đá, ví tiền... Rồi anh nhìn người bạn thơ, người bạn lính Hồng Thanh Quang đầy âu yếm, sau đó, có thể Cầm sẽ hét to lên một tiếng đầy yêu thương, hoặc đọc một câu thơ của bạn mà anh đã thuộc từ lâu trong tâm thức.

Vào phòng, Hoàng Nhuận Cầm thường ngồi co hai chân lên ghế, tay anh thả lỏng tự do vung vẩy, không cần những lễ nghi và nhâm nhi thưởng thức ngụm rượu Tây từ chai rượu mà nhà thơ Hồng Thanh Quang rót ra mời. Anh nhiệt tình nâng cốc với bạn như thể đó là thứ rượu ngon nhất mà anh từng được uống, có khi anh cầm chai rượu lên xem nhãn hiệu và gật gù…

Sau giây phút ấy, anh và người bạn thơ Hồng Thanh Quang bắt đầu ôn lại kỷ niệm từ thuở hàn vi đã có với nhau, từ thời họ đang là những anh lính vai mang ba lô và khoác súng đi khắp nẻo đường Tổ quốc, gia tài chả có gì ngoài những trang thơ thấm đẫm tình yêu thương đồng đội, tình yêu thương bè bạn và con người.

Những lúc đó, Hoàng Nhuận Cầm bao giờ cũng là người nói to nhất, nói nhiều nhất mà không quên kèm theo những câu triết lý đầy chiêm nghiệm: "Sẽ không có một Hoàng Nhuận Cầm như bây giờ nếu không có cái ngày 6/9/1971 ấy. Cầm luôn coi đó là ngày Người Mẹ Đất nước đã sinh Cầm ra một lần nữa trong vũ trụ này. Ngày Cầm lăn xả vào chiến trường là ngày Cầm có thơ, có đồng đội, có tình yêu đẹp nhất của tuổi hai mươi…".

Giản dị nhưng tự tin là cảm giác đầu tiên của tôi bất cứ khi nào gặp Hoàng Nhuận Cầm. Anh bao giờ cũng xuất hiện trong bộ quần áo ít khi là lượt, vai đeo túi nải cũ như các bậc sĩ tử ngày xưa, cái mũ lưỡi trai hơi nhầu nhĩ bên cạnh cái dáng người gầy gò và gân guốc.

Cho dù là người ít chỉnh trang cho nhan sắc, thậm chí, như Hoàng Nhuận Cầm thổ lộ, trong đời, chỉ đôi lần anh mặc Comple, nhưng nhiều lúc, khi Hoàng Nhuận Cầm "nhập đồng" vào một điều gì tâm đắc vẫn thấy anh khá điển trai, cái điển trai hiếm hoi ở tuổi chớm lục thập là điều không phải ai cũng có. Bởi vậy, Hoàng Nhuận Cầm vẫn luôn tự nhận mình là gã trai Hàng Bạc - Hàng Đào hào hoa, đẹp trai… còn sót lại.

Sau những điều tự nhận ấy, anh cười rất hả hê, sung sướng. Có lẽ, hiếm người ở tuổi anh giữ được nét phong thái trẻ trung ấy, bởi vì anh quá hồn nhiên, anh quá vô tư trong cách cười nói, tiếp chuyện. Lúc nào cũng vậy, gặp ai, kể cả đó là người ít tuổi hơn, Cầm vẫn luôn… lễ phép. Sau mỗi câu nói, Cầm luôn "ạ", luôn "dạ", luôn "cảm ơn", đôi khi, anh khúm núm như thể, anh chả là gì trong cõi trời đất này…

Tôi cũng từng tự hỏi vì sao, đến tòa soạn anh hay xin báo, có thể đó là tờ báo cũ cách đây vài ngày, thậm chí vài tuần, vài tháng… Hóa ra, cái sự "cóp nhặt" ấy của Hoàng Nhuận Cầm là có lý do, như anh thổ lộ, sống ở trên đời, anh luôn biết ơn mọi người, đó là bác trông xe đạp, anh xe ôm, bà bán nước, hay chị bán cua quen thuộc của gia đình anh… Mỗi lần đi qua gặp họ, anh muốn mang lại cho họ một món quà, dù đó chỉ là một tờ báo cũ. Cũ nhưng chưa đọc có nghĩa là vẫn còn mới!

Gần gũi Hoàng Nhuận Cầm, cảm giác gia tài của Hoàng Nhuận Cầm chả có gì ngoài những vần thơ. Những vần thơ như lửa đốt và mê hoặc sự yêu tin của bao trái tim thiếu nữ đang vào tuổi yêu thương, mơ mộng, những vần thơ lãng mạn, bay bổng với một tình yêu chưa kịp nói nên lời… Ngay cả đến bây giờ, trong thời buổi thơ ca đã trượt giá tới mức báo động, thì gặp Hoàng Nhuận Cầm, bao giờ anh cũng đọc thơ, nói lên tình yêu thơ da diết và luôn khẳng định rằng, không có thơ, Hoàng Nhuận Cầm sẽ vô nghĩa trong cuộc đời này.

Bởi là thi sĩ, nên đi đâu cho dù trên vai chỉ có túi nải đựng vài cái đồ lặt vặt, nhưng Hoàng Nhuận Cầm cũng luôn tự tin hơn bất cứ ai. Nói đến thơ, chạm đến thơ là anh như một gã "điên", bằng tất cả sức lực bình sinh đang có, "lên đồng" đọc thơ của mình và thơ của bè bạn. Đọc và nhận xét rất chuẩn xác từng câu hay, chữ tốt của từng người mà không bao giờ nhầm lẫn. Và dù trong trạng thái say hay tỉnh, Hoàng Nhuận Cầm vẫn luôn khẳng định bản ngã và tình yêu thơ của mình: "Không có thơ là chết, không thở được, sẽ chết dần chết mòn cho hết màu xanh…".--PageBreak--

Tôi hỏi Hoàng Nhuận Cầm, nếu nói thật lòng, anh thích bài thơ nào nhất của mình? Cầm cười hỏi lại: "Bắt buộc phải chọn một bài à?", giọng anh trầm lại: "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến", rồi anh lắc lư theo âm điệu của lời thơ: "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/ Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/ Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi/ Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng tới/ Như cánh chim trong mắt của chân trời/ Ta đã chán lời vu vơ, giả dối/ Hót lên! Dù đau xót một lần thôi/ Chần chừ mãi, cuối cùng em cũng nói/ Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ/ Anh sợ hãi, bây giờ anh mới nhớ/ Em hay là cơn bão tự ngàn xa/ Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ/ Gió em vào - nếu chán - gió lại ra/ Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó/ Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi…".

Bài thơ này đã được nhiều người phổ nhạc, nhưng đến bản nhạc của Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước, Hoàng Nhuận Cầm mới thấy lời thơ như được cất cánh. Thỉnh thoảng, anh cũng quên thơ mình để nhâm nhi theo điệu nhạc. Hoàng Nhuận Cầm tự cho rằng, trong thơ anh ít nhiều cũng đã có nhạc điệu, bởi ảnh hưởng giai điệu âm nhạc từ cha mình, nhạc sĩ Hoàng Giác.

Dạo này, tâm tư Hoàng Nhuận Cầm hướng cả vào cuộc thi thơ về Hà Nội, không phải vì giải thưởng, mà vì những cảm xúc về Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đếm được từng đổi thay của Hà Nội trong ngần ấy năm, cảm xúc dâng đầy mà chưa viết được vần thơ nào khiến anh rất khổ tâm.

Có lúc, giữa đêm, anh đi bộ từ nhà ở phố Lò Đúc ra đứng trước cái đồng hồ đếm ngược ở Hồ Gươm mà lòng nặng trĩu. Hoàng Nhuận Cầm muốn viết một điều gì đó về Hà Nội đến cháy lòng, nhưng khổ nỗi, những câu thơ như gió cứ tuột đi vào không gian, chưa chạm tới được, mà như anh nói, không chạm được thì viết để làm gì. "Bốc gạch, cấy lúa có thể cố được, chứ với thơ, không nên cố" - Hoàng Nhuận Cầm nói giọng đầy nghiêm túc!

Tôi nói đùa, có lẽ dạo này anh mải mê làm điện ảnh (vì làm điện ảnh kiếm được nhiều tiền hơn) nên hồn thơ bay mất rồi. Hoàng Nhuận Cầm nghiêm giọng: "Không, điện ảnh cũng là một vấn đề nghiêm túc. Mỗi bộ phim là một bài thơ được viết bằng ánh sáng. Bộ phim "Mùi cỏ cháy" viết về những người bạn như Nguyễn Văn Thạc, Vũ Đình Văn, Hoàng Thượng Lân, Vũ Xuân… đã ngốn của tôi nhiều thời gian và công sức, bạc cả tóc đấy. Viết về bạn bè một thời khói lửa vào sinh ra tử, khóc thương bạn đến cạn nước mắt! Chắc linh hồn bạn nơi chín suối cũng sẽ hiển linh để hiểu cho tấm lòng Cầm!".

Anh nói và trong mắt anh có ngấn nước chực trào ra. Hoàng Nhuận Cầm là một diễn viên giỏi, nhưng tôi tin, giây phút này anh đang nói thật lòng mình. Anh là người sống không thể thiếu bè bạn, cũng như, đã vội buồn khi bạn bè mải mê mà quên ngày sinh nhật của mình: "Hôm nay sinh nhật của tôi/ Không ai gọi điện, buồn ơi là buồn!".

Bây giờ, thêm một điều làm cho cuộc sống của Hoàng Nhuận Cầm thực sự có ý nghĩa đó chính là gia đình. Sau bao nhiêu sóng gió của cuộc sống, anh đã có bến đỗ bình yên với diễn viên Điệp Vân - cũng chính là giám đốc hãng phim tư nhân mang tên chị, và hai cậu con trai thông minh, kháu khỉnh.

Hoàng Nhuận Cầm là kẻ hay quên (dù vô tình hay cố ý) và anh cũng đã quên nhiều thứ, nhưng có một điều không bao giờ anh quên, đó chính là giờ đón con. Buổi chiều, dù có công to việc lớn đến mấy, dù có đến một nơi vui và cuốn hút đến mấy, anh vẫn luôn nhìn đồng hồ để đến trường đón cậu con trai nhỏ đúng giờ.

Anh bảo, con là cái còn của sự mất, nên, như một bản năng, ông bố ngót tuổi 60 Hoàng Nhuận Cầm vẫn hồn nhiên sống lại cùng tuổi lên 10 của cậu con trai nhỏ bằng một dự án phim thiếu nhi dài 50 tập mà Hãng phim Điệp Vân sẽ khởi động trong năm 2010 này…

Nếu để cảm nhận về Hoàng Nhuận Cầm, sẽ có nhiều ý nghĩ khác nhau đan xen trong lòng những người biết dù ít, dù nhiều về anh. Có người bảo Cầm khôn, có người bảo Cầm dại, có người bảo Cầm lập dị… Nhưng, hiểu anh hơn, mọi người sẽ tin rằng, đằng sau cái vẻ khó hiểu của anh, là một con người chỉn chu và đầy nhân hậu. Anh sống khá bản năng và tin vào linh cảm của chính mình.

Câu nói cửa miệng của anh là "Hóa dại", nhưng những lúc "Hóa dại" là những lúc anh xuất thần những vần thơ hay đến không thể hay hơn được nữa. Thơ của anh là những trạng huống cuộc đời được trải lòng trên trang giấy, nó mộng mơ như thể con người thi sĩ trong anh những lúc cô đơn, trống vắng.

Nó cũng đã đến và đồng điệu được với lòng người, để rồi những lúc buồn, lòng người vẫn hát lên những giai điệu của thơ anh: "Sẽ tan đi những thành phố bảy màu/ Đôi trái cấm trong vườn đời em, anh làm vỡ/ Những giọt mực thứ ba em ơi không thể lỡ/ Xin trải lòng ta đón chấm xanh rơi/ Giọt mực em thong thả đến trong đời/ Không giấu được trong lòng tay nhỏ bé/ Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé/ Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh"

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.