Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Bây giờ tôi biết lặng im

Chủ Nhật, 05/07/2009, 11:30
Viết về Dương Kỳ Anh mới nhất, đã có những dòng như thế này: "Anh là một nhà thơ làm báo - mà làm báo là làm chính trị. Vậy mà kỳ lạ thay, 21 năm làm Tổng biên tập mà anh chưa một lần vấp ngã. Nhưng hễ cứ là Người thì thế nào cũng một lần vấp ngã. Cú loạng choạng cuối đời của anh là cú loạng choạng vì cái đẹp, hay nói cho đúng hơn là vì tình yêu cái đẹp.

Hỡi ôi! Trên đời này có rất nhiều kiểu ngã, rất nhiều thứ loạng choạng. Thứ gì vì cái đẹp, quyết không phải là xấu. Thứ gì vì tình yêu cái đẹp, quyết không phải để mà hận thù. Trên đời này, liệu có gì xứng đáng hơn".

Bụi trần không vướng bên thềm
Cỏ non giờ đã phủ lên lối mòn
Ngoái nhìn về phía cô đơn
Hạt mưa mất hút nỗi buồn hư không.

1.Tôi đến thăm nhà thơ Dương Kỳ Anh sau cú loạng choạng cuối đời ấy của ông vào một ngày Hà Nội bỗng dưng nổi cơn dông gió. Hà Nội đang hầm hập nắng là thế, bỗng nhiên, sầm sầm nổi dông. Mưa trút xuống xối xả, thật nhanh, rồi cũng mau tạnh ráo trước sự bàng hoàng không kịp trở tay của người đi đường.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh đi bộ ra tận ngõ đón tôi. Những sợi tóc vẫn còn xanh mướt loăn xoăn rủ xuống vầng trán rộng thanh thoát, đôi mắt có ánh nhìn lặng lẽ. Chút lặng lẽ đâu đó trong tận đáy sâu tâm hồn của thi sĩ thi thoảng vẫn ánh lên trong bấy nhiêu năm phân thân bởi công việc bận rộn và quyền cao chức trọng, giờ mới có dịp bộc lộ rõ ràng hơn.

Ông đợi tôi bên ngõ đường trong cơn mưa chiều chênh vênh những sợi nắng xuyên qua cơn mưa. Không hiểu sao, giữa phố phường Hà Nội hối hả và đông đúc, tôi chợt nhìn thấy một Dương Kỳ Anh ngơ ngác, có phần đơn lẻ, như người vừa lạc bước từ đâu đó vào trong cõi đời thường nhật không quen này.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh vừa rời chiếc ghế  "quyền lực" nhất của một tờ báo của tuổi trẻ, từng nổi đình nổi đám trong quá khứ được 6 tháng nay sau 21 năm "cầm quyền". 21 năm làm báo, làm chính trị, cưỡi trên lưng chiến mã và luôn luôn ở tư thế xung trận.

21 năm bận rộn với trăm công ngàn việc của một Tổng biên tập Báo Tiền Phong, giờ đây ông trở về làm một công dân tự do, tôi thấy ông như lạ lẫm. Ông là Tổng biên tập duy nhất trong số các tổng biên tập báo từ trước đến nay ở Việt Nam giữ tròn cương vị chủ tờ báo trong 21 năm liên tục.

Giờ đây, quyền tự do tối thượng với quỹ thời gian vô hạn của mình bỗng nhiên làm cho ông như trở thành một con người khác. Không còn áp lực của công việc, sự nổi tiếng, và những lễ hội, ông tha hồ làm chủ mình trong sự tự do tuyệt đối hiện tại, thứ tự do rỗi rãi và không quyền chức dường như từ lâu đã không còn thuộc về ông nên đã làm cho ông trở nên khác đi với chính mình.

Có ai đó một ngày bỗng nhiên nhận ra mình đã khác chính mình quá lâu, và nay khi có điều kiện để trở về với bản năng gốc thì họ bỗng nhận ra mình không còn là mình nữa. Không biết Dương Kỳ Anh có ở trong tâm trạng ấy không, và phải mất bao lâu mới thăng bằng, mới từ bỏ thói quen cố hữu để làm quen với những thói quen mới.

Có một câu nói nổi tiếng của một vị quan chức nọ sau khi nghỉ hưu đại ý rằng: “Không có gì kinh khủng bằng những quan chức ở nước Việt Nam mình khi nghỉ hưu". Nhưng với Dương Kỳ Anh, may mắn thay, ông là nhà thơ, là một người cầm bút, bởi vậy thi ca và văn chương đã cứu ông khỏi những cơn khủng hoảng, những sự hụt hẫng khi thay đổi trạng thái và thói quen sống. Mà thói đời, đã là thói quen sung sướng, thói quen danh vọng thì con người ta không thể chóng quên.

2. Bây giờ thì tôi nhìn thấy nhà thơ Dương Kỳ Anh trở nên "lạc lõng" trong căn nhà quá rộng, khi mà ngoái lại các con đã lớn, đã đi làm xa. Vẫn trẻ trung so với tuổi, vẫn mang gương mặt với nỗi buồn cố hữu của thi sỹ nhưng trông ông ngơ ngác hơn, lặng im hơn, thậm chí lặng buồn hơn.

Hay tại cảm giác của tôi trong một tâm thế khác khi nhìn ông, người vừa rời bỏ danh vọng, đám đông, rời bỏ mọi lễ hội ồn ào nhất để trở về làm một người bình thường. Tôi thấy ông lạc lõng dưới giàn phong lan vừa qua mùa trổ hoa, lạc lõng bên chậu cảnh, bên bàn nước, bên những luống cây xanh vừa đâm chồi nảy lộc trước ngõ nhà.

Tôi không bao giờ hình dung được một Dương Kỳ Anh chăm chút làm vườn, tưới cây, hay tỉ mẩn bên những giò phong lan buổi sáng sớm. Ông sinh ra không phải để lẫn vào những thứ cỏ cây dung dị ấy, hay lẫn vào thiên nhiên ngút ngát sức sống ấy. Ông có thể chiêm nghiệm nó, thấu nhận nó theo cách của mình. Sứ mệnh của ông là những trang giấy trắng nơi ông sẽ in dấu vết của chính mình lên đó như một sự nặng nhọc của kiếp người.

Sinh ra đã trót mang một tâm hồn thi sỹ, một trái tim nhạy cảm, đa đoan nên nỗi cô đơn, những khoảng trống im lặng mới thuộc về ông, mới là chính ông. Thế mà lâu nay, tôi đồ rằng Dương Kỳ Anh đã phải sống khác mình đi, phải mị dụ cả chính mình, phân thân nhiều lắm mới thành công được ở chốn quan trường trong 21 năm ấy.

Nhưng giờ đây, trong không gian mênh mông, một mình đối diện với chính mình, ông trở về với bản ngã một cách chân thực nhất mà không còn phải gồng mình dưới sức nặng của sự phân thân. Không biết Dương Kỳ Anh có cảm thấy thật hạnh phúc khi đời quá nhẹ nhõm không, hay lại rơi vào một tâm thế khác? 

Ông nói với tôi, không phải đến bây giờ ông mới tìm nơi trú ẩn, tìm nơi náu mình trong những khoảng lặng trong bộn bề công việc. Đã 5 năm nay, khi ngoài tuổi tri thiên mệnh, Dương Kỳ Anh đã mơ hồ chạm đến cái ngày xa xôi ông rời bỏ chức vụ quan trường để trở về là chính mình trong cái cõi đời dâu bể này.

Bởi vậy mà mấy năm lại đây, mỗi một tuần, ông dành hai ngày cuối tuần tắt hết điện thoại, rời Hà Nội và trở về khu vườn yên tĩnh của mình ở trang trại tại Sóc Sơn để bật máy tính lên và viết. Mọi công việc chuyên môn của một Tổng biên tập được giải quyết qua mạng Internet, và ông có được hai ngày tự do tuyệt đối trong khoảng lặng riêng tư của mình để tha hồ đọc sách và sáng tác.

May mà chất thi sĩ trong ông đã thức tỉnh và nhắc nhở ông điều này. "Bây giờ, tôi biết lặng im/ Như con sông chảy, im lìm ngoài kia/ Lặng im khi buổi chiều về/ Phù sa lắng đọng, bốn bề tâm tư/ Tôi nào đâu dám thờ ơ/ Trước bao la những bến bờ con sông/ Lặng im cây lúa làm đòng/ Lặng im đến với mênh mông mùa vàng/ Một đời im lặng nuôi con/ Lặng im vạt áo nâu sồng mẹ tôi/ Bao nhiêu năm học nói, cười/ Hôm nay tôi học được lời: Lặng im". --PageBreak--

Trong những khoảng im lặng của đời mình lúc này, Dương Kỳ Anh đọc sách rất nhiều, chủ yếu là triết học. Lạ thế, không phải khi con người ta có những thứ không thể giải tỏa được, lý giải được mới tìm đến triết học để cân bằng chính mình. Dương Kỳ Anh không đi tìm sự cân bằng mà ông đi tìm những lý lẽ sâu thẳm của quy luật cuộc đời.

Tôi nghĩ, Dương Kỳ Anh phải có những khoảng lặng chống chếnh lắm nên mới tìm trong vô thường như vậy. Đọc lại Khổng Tử, Trang Tử, Kinh Thánh, triết học Hêghen để ngộ đời, ngộ đạo, ngộ quy luật tự nhiên của con người trong cõi sinh tử. Với thiên hạ, triết học là những phiến đá đi đến thi ca, nhưng với riêng ông, triết học chính là thi ca. Mỗi loại triết học đều có quy luật của nó.

Nếu anh không nắm được quy luật của cuộc đời, anh không thể trở thành một nhà trí thức lớn. Tôi có cảm giác như Dương Kỳ Anh đang cẩn thận và kỹ lưỡng đi tìm lại chính mình sau những bộn bề lãng quên. "Đã nghe đời chầm chậm/ Trôi đến miền hư vô/ Đã qua thời vội vã/ Bụi phù vân tỏ mờ/ Giờ một mình một cõi/ Cây một vườn một ta/ Mới hay miền tiên cảnh/ Vô biên trong mái nhà".

3. Ba cuốn tiểu thuyết lớn trong đời văn nghiệp của Dương Kỳ Anh được viết hối hả gấp gáp trong 5 năm nay kể từ ngày ông biết quý những khoảng im lặng để quyết định dành trọn vẹn 2 ngày nghỉ cuối tuần trốn lên khu vườn yên tĩnh và viết. Tiểu thuyết "Xuyên Cẩm" xuất bản năm 2004, "Thổ Địa" ra mắt năm 2006, "Cõi Ta Bà" ra mắt năm 2008 cho thấy một sức viết đầy nội lực của Dương Kỳ Anh trong một khoảng thời gian không dài. Dường như ông đã chuẩn bị nó từ lâu lắm, đã tích tụ, dồn nén và chỉ chờ thời điểm để bung trào.

Tôi có cảm giác như Dương Kỳ Anh đã làm một cuộc tổng kết đời mình với 3 giai đoạn lịch sử quan trọng nhất. "Xuyên Cẩm" chính là những thăng trầm của lịch sử đất nước trong chặng đường 60 năm kể từ ngày có cách mạng cho đến thời kỳ đổi mới. Những thăng trầm ấy đã diễn ra trong số phận của một gia đình, trong số phận của một ngôi làng, hay trong chính bản thân gia tộc ông.

Thông điệp lớn nhất của "Xuyên Cẩm" chính là tính nhân văn cao cả trong mỗi con người. "Thổ Địa" chính là lời cảnh báo cho sự tha hóa của con người trong đời sống hiện đại mà chúng ta đang tồn tại. Khi đạo đức suy đồi thì sẽ dẫn đến sự suy đồi đau đớn của cả một nền văn hóa.

Giữ được mình thanh sạch hay không là cả một cuộc đấu tranh vật vã nhiều hy sinh. "Cõi Ta Bà" chính là cõi trần tục lụy với rất nhiều cám dỗ. Con người ta không ai không tránh khỏi cõi Ta Bà. Vấn đề là anh không trốn chạy, mà anh đối diện, và khi đi qua cõi Ta Bà trần tục ấy mà anh vẫn giữ được mình trong sạch để hướng tới cõi Niết Bàn anh mới là người đắc đạo.

Ba thông điệp trong 3 cuốn tiểu thuyết ấy phải chăng chính là 3 giai đoạn trong cuộc đời của một trí thức trưởng thành từ nông thôn ra sống và làm việc nơi chốn thị thành của chính ông. Phải chăng đó là số phận ông với đầy đủ những giằng xé tục lụy, những mâu thuẫn giằng co, những chênh vênh mà ông đã trải qua, đã bước những bước thấp thỏm giữa những ranh giới đục trong ấy.

Tôi lại phải nói đến hai từ may mắn bởi con người của ông là con người thi sỹ, chất thi sỹ vẫn nhất quán và xuyên suốt trong tâm hồn ông, trái tim ông, giữ ông ở lại bên kia ranh giới của dục vọng, của những cám dỗ. Giữ cho ông đi qua vòng tục lụy mà không vướng vào nỗi trần ai.

Thời gian này, nhà thơ Dương Kỳ Anh đang tập trung hoàn thành nốt cuốn "Hoa hậu Việt Nam những điều chưa biết" tập 3, và tập truyện ngắn "Người rêu", cùng cuốn phê bình "Những bài thơ tình nổi tiếng thế giới và lời bình". Một sức làm việc đáng nể.  

Vĩ thanh

Ông luôn nói rằng ông sợ đám đông, ngại lễ hội, chán nơi ồn ào. Nghe có vẻ đầy mâu thuẫn khi cả đời ông ở chốn đông người, ở nơi ồn ào, tổ chức nhiều phong trào, lễ hội, nhiều cuộc thi mà tiêu biểu nhất là cuộc thi hoa hậu Việt Nam. Nói vậy có nghĩa là 21 năm qua, ngồi trên chiếc ghế quyền lực cao nhất ở một tờ báo là cả một quãng thời gian ông không còn là chính mình khi phải phân thân hai nửa.

Tôi thấy Dương Kỳ Anh thật khổ. Ông yêu sự yên lặng, yêu sự cô độc, tôn thờ cái đẹp chân thật không giả dối, vậy mà hình như không mấy khi trong cả cuộc đời ông, ngay cả giờ phút này, khi đã rời bỏ mọi chức vụ, chưa chắc ông đã trở về được là chính mình.

Hình như nghiệp làm báo, nghiệp thủ lĩnh, và đâu đó là tham vọng vẫn chưa dứt bỏ được ông. Dẫu tự bằng an tiền đủ ăn, nhà đủ ở, xe đủ đi, danh đủ xài nhưng dường như đâu phải cứ muốn bằng lòng trốn bỏ nhân gian mà được. Xem ra, chưa chắc Dương Kỳ Anh đã vĩnh viễn kết thúc được sự phân thân trong chính bản thân mình để trở về cô đơn trước cây bút và trang giấy.

Một lần nữa, tôi thấy ông đầy mâu thuẫn với chính ông, và tôi cũng nhận ra rằng để từ bỏ thói quen thật không dễ: "Đêm qua mình ngủ muộn/ Sáng nay xuân đã về/ Hoa đào khoe nửa cánh/ Rét vẫn còn tái tê/ Cái lạnh từ năm ngoái/ Theo ai suốt giao thừa/ Anh nằm trong chăn ấm/ Mơ về miền mộng mơ/ Mơ về miền xa xưa/ Mắt người như lửa cháy/ Không một chút tàn tro/ Nồng nàn… anh biết vậy/ Ruộng đang màu cày ải/ Mạ đang mùa xanh non/ Đất đang màu sinh nở/ Trời đang mùa hương thơm/ Hoa đào khoe nửa cánh/ Mùa xuân vẫn tràn đầy/ Anh qua miền giá lạnh/ Mơ về miền thơ ngây

.
.