Nhà thơ Đoàn Thị Tảo – “Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan…”

Thứ Hai, 30/09/2019, 21:19
Từ ngày biết những câu hát ngân nga nét trầm buồn, sâu lắng qua giọng ca của Mỹ Linh “Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo, ô hay trời không nín gió cho ngày chị sinh”, giờ đây tôi mới được gặp chị - nhà thơ Đoàn Thị Tảo.


Bước vào tuổi 76 mắt chị đã mờ, chân đã yếu. Chị sống một mình trong khu đất rộng thênh thang. Mà chẳng hiểu sao suốt cả buổi nói chuyện với tôi, chị cứ liên tục nói đến cây, hoa và sự chết. Chị bảo: “Chết không có gì phải sợ. Chỉ sợ con đường dẫn đến cái chết...”.

Dân văn xuống Đồ Sơn, Hải Phòng kiểu gì cũng ghé thăm nhà thơ Đoàn Thị Tảo ở gần chùa Hang. Thật ra chị Tảo ít thơ, nhưng thơ chất. Quan trọng hơn, tuy là dân tay ngang, nhưng chị lại có tính cách nghệ sĩ đến tung trời.

Không chồng, chẳng con cái, tất cả gia tài của chị vẻn vẹn vài tập thơ, văn. Bài thơ Chị ơi, rụng bông hoa gạo viết năm 17 tuổi đến giờ 60 năm qua đi, từng câu, từng chữ cứ như vận vào thân, không hề sai biệt. Chính chị cũng bảo: “Một lời là vận vào thân một lời”.

Tôi tìm đến nhà chị sau một đêm bão bùng, mưa gió, sấm chớp đầy trời, nước trút xối xả, lại vào sau hôm rằm tháng 7 âm lịch, ngày xá tội vong nhân. Khu đất rộng hơn 1000m2 của chị toàn cây và hoa, cùng với mùi hương khói của ban thờ phảng phất...

Chị bảo tôi bám vào chị, cẩn thận rắn bò ra từ nền đất núp dưới cây quấn vào chân. Ánh sáng mờ mờ từ căn nhà hắt ra, những cành cây lay động, điểm xuyết từng chùm hoa trắng, hoa đỏ rung rinh. Sự mê hoặc của khu vườn khiến chúng tôi nán lại ít lâu. Chị bảo: “Sống có cây, chết cũng có cây. Cây đem đến cho người ta sự sống khi cho ôxy để thở và khi chết thì gỗ cây dùng đóng quan tài nếu thổ táng, hay lấy gỗ thiêu người nếu hoả táng và ngay thuỷ táng thì gỗ cây cũng đóng thành bè thả trôi sông”.

Rồi chị lại nói: “Cây cho lương thực lúa thóc đầy bồ, hoa thơm trái ngọt, nuôi dưỡng cơ thể con người. Cây có tác dụng che nắng, nhưng nếu ăn nhầm phải cây độc sẽ ngộ độc, mưa to gió lớn đứng dưới gốc cây, cây đổ đè trúng người sẽ mất mạng, sét đánh trúng người trú dưới gốc cây, điện giật cơ thể co quắp lại rồi chết”. Những cái chết theo miêu tả của chị ở một khu vườn đầy cây trong buổi tối trời yên tĩnh khiến cho tôi gai gai...

Khu đất này chị và chị gái là nghệ sĩ Đoàn Lê đã mua cách đây gần 30 năm. Hồi mới chuyển đến, hai chị em trồng cả chục cây cau, cây dạ lan hương, cả ba loài hoa mẫu đơn khác nhau: hoa trắng, hoa đỏ và hoa hồng. Cây lan, cây liễu, cây sấu, cây hồng xiêm, cây thanh long, cây móng rồng, hoa quỳnh, hoa nhài, hoa hồng... Chị nói chỉ thích loài hoa thơm, thơm đến nức mũi. Những cây khi xưa hai chị em trồng, ra hoa rực rỡ, lại được chị Tảo hái cắm vào lọ đặt lên ban thờ.

Thế rồi chị đưa tôi vào phòng khách rộng thênh thang, lạnh lẽo. Căn phòng chăng kín bức tường là tranh của nghệ sĩ Đoàn Lê. Gần bàn tiếp khách là ban thờ nghệ sĩ Đoàn Lê, thoang thoảng mùi khói nhang. Chị bảo: “Sắp tới giỗ thứ hai của chị Đoàn Lê rồi, tháng 9 âm lịch này đấy.

Ngày hai chị em mới về đây, trồng 2 cây liễu, cây liễu to cho cành lá mơn mởn, cây liễu nhỏ còi cọc. Chẳng hiểu sao trước khi chị Lê mất mấy tháng thì cây liễu to đang tươi xanh như vậy lại chết khô, chết héo. Còn cây liễu nhỏ tưởng chẳng được lâu thì lại oặt ẹo sống đến tận giờ”. Chị kể, cả mười cây cau hai chị em trồng ngoài bờ rào, hàng xóm sợ mỗi mùa bão cây đổ vào nhà người ta, nên chị thuê thợ đến chặt đi mất năm cây giờ chỉ còn lại năm.

Chị Tảo người Hải Phòng trong gia đình 6 chị em gái và một em trai út. Chị là người em thứ 6 nhưng giờ mọi người mất cả rồi, chỉ còn lại chị và chị thứ hai. Tất cả 5 người đều chết vì tiểu đường biến chứng, căn bệnh di truyền từ người mẹ, ngay cả chị Đoàn Lê, diễn viên khoá 1 Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cùng khoá với NSND Trà Giang, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh...

Sau này từ bỏ nghiệp diễn, chị Đoàn Lê lại rẽ sang làm thiết kế mỹ thuật, rồi làm đạo diễn, cuộc đời lắm lần lên thác xuống ghềnh, lận đận, lầm lỡ với hôn nhân. Chính vì người chị đa đoan của mình mà Đoàn Thị Tảo lúc đó mới 17 tuổi đã viết nên những câu thơ như dự cảm trước số phận: “Ngày chị sinh trời cho làm thơ, vấn vương mấy sợi tơ trời, tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan...”.

Đoàn Lê đa đoan và đa tài, viết truyện, làm mỹ thuật, đạo diễn, vẽ tranh; Đoàn Thị Tảo cũng viết truyện, làm thơ, nhưng ở ẩn hơn. Ngày nhỏ, chị Tảo học giỏi toán, sau này ra công tác chuyên về kỹ thuật. Chị rất tự tin bảo: “Tôi cái gì cũng giỏi, làm thơ hay, hát cũng hay, ngâm thơ còn hay hơn nữa. Ngay từ những năm đầu thập niên 60, tôi và bốn người bạn nữa đã ở trong nhóm văn nghệ của đất Cảng. Lúc ấy, có một anh thổi sáo, một anh đàn bầu, một anh phụ trách, tôi và một bạn gái nữa hát và ngâm thơ. Đến bây giờ, tất cả chết hết chỉ còn lại có mình tôi”.  

Kể về câu chuyện thơ ca và quãng đời ca hát, lát sau chị lại thừ người ra bảo: “Chị Lê sướng hơn tôi vì chị còn có con, và được đi trước. Giờ tôi còn lại một mình, không con cái gì. Thôi thì là cái số rồi. Tôi vừa nghèo con lại còn nghèo của. Đến giờ tôi chẳng có tiền đâu. Trước đây, các chị tôi còn sống thì các chị nuôi tôi, giờ các chị mất hết rồi thì các cháu nuôi tôi. Cái anh con chị thứ hai làm ở Nhà Xuất bản Thế giới, ngoài 50 tuổi, sắp về hưu rồi chưa chịu lấy vợ, gửi tiền cho tôi bao nhiêu năm nay đấy”.

Chị tần ngần, buông thõng một câu nao lòng: “Cháu chăm dì bằng sao được con chăm mẹ”. Chị bảo, mỗi tháng chị được tiêu chuẩn nhà nước trợ cấp 405 nghìn đồng tiền người già cô đơn, giờ  ăn uống chẳng bao nhiêu, rau sẵn có trong vườn, đi chợ một bữa thì ăn cả tuần. “Va” cái gì vào miệng thì cũng tạm xong một bữa. Quần áo cả đời mặc không hết, nên lắm khi, cả tuần chả tiêu gì đến tiền.

Tuổi già sức yếu, hai năm nay mắt kèm nhèm do tiểu đường biến chứng, ngại chẳng dám đi xa. Cách đây chục năm, chị cả còn sống, bà là thanh đồng kỳ cựu của đất Cảng nên nhà bà lập điện, hàng tháng đưa chị Tảo đi lễ khắp nơi, từ Nam chí Bắc.

Từ ngày bà mất, chị Tảo không còn tung tăng khắp chốn như xưa. Kỷ niệm của quá khứ ùa về, chị Tảo kể về chị cả: “Thời chị cả còn trẻ cứ đòi xuất gia. Bố tôi giỏi y, nho, lý, số, nhìn vào tử vi cho chị tôi rồi bảo: “Chả có số đi tu, chứ đi tu được thì bố xây cả một ngôi chùa cho mà tu”. Mà đúng là chị cả không có số xuất gia, sau này lại ra trình đồng, mở phủ hầu thánh”.

Sáu chị em gái và một cậu út trong gia đình thì có đến năm người lần lượt mất vì tiểu đường biến chứng. Ban thờ 3 chị gái và 1 em trai ở gian phòng trên gác. Riêng ban thờ chị Đoàn Lê đặt ở phòng khách dưới tầng 1 vì căn phòng này treo tranh của chị. Với lại, mấy chị em trong gia đình thì Tảo và Lê là hợp nhau hơn cả. Khi xưa họ cứ như hình với bóng. Khi nữ nghệ sĩ Đoàn Lê mất đi, di ảnh cho về chùa Lủ ở Hà Đông, nhưng chị Tảo nhất quyết lập ban thờ ở đây.

Hằng ngày, chị Tảo lặng lẽ kéo cái ghế ngồi ở hành lang hướng ra khu vườn, nhưng mắt chăm chăm nhìn vào ban thờ chị Đoàn Lê. Với chị Tảo, dường như người chị gái - Đoàn Lê vẫn đang ở đâu đó rất gần: “Lúc trước có anh ở hãng phim truyện đến thắp hương đọc câu thơ chị tôi làm, đang đọc thì ngọn lửa ở bát hương bùng lên cháy sang đôi nến để ở gần ngay đấy”.

Chị Tảo ngày nào cũng dành mấy thời tụng kinh, niệm Phật cho các chị đã quá cố. Chị bảo, chị không chỉ chơi với giới văn nghệ sĩ mà còn chơi với nhiều bậc tu hành. Người đàn bà đơn độc này còn có thú vui lên facebook up mấy câu thơ. Toàn là thơ xưa, thơ cũ, chứ giờ thì chị không còn làm thơ được nữa. Chị thở dài: “Muốn làm thơ được thì phải có tình, tình gì thì cũng gọi là tình. Tình ở đây không chỉ trai gái, lứa đôi, mà tình với cỏ cây, hoa lá, chim muông. Nhưng giờ đầu óc có tuổi nên mau quên. Thơ không lên được đến não”.

Trò chuyện đã lâu, chị tiễn tôi ra cửa, con đường trải đầy cây rủ, chạm mặt người. Cây ngọc lan vừa bị bão đánh đổ xô vẹo trong vườn nhà, giọng chị thoảng thốt: “Sống đến giờ tôi đâu có sợ chết, mà chỉ sợ con đường dẫn đến cái chết. Tôi không sợ nắng, chẳng sợ lạnh, chỉ sợ mưa gió bão bùng, sấm vang chớp giật, sao thấy con người bé nhỏ, mong manh quá”.

Trần Mỹ Hiền
.
.