Nhà thơ Đỗ Nam Cao: “Không thể nào, có ngày Thăng Long biền biệt bạn”

Thứ Tư, 25/04/2012, 16:29
Đó là câu thơ thương tiếc Đỗ Nam Cao của nữ nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, người bạn học của anh thời Văn khoa - ĐH Tổng hợp Hà Nội. Đời chàng trai xứ Đoài ấy sao lắm thương buồn. Một thuở tài hoa ra trận. Một thời lãng mạn giữa ngày đất nước yên hàn, chịu sự nghiệt ngã của số phận, rồi lang bạt kỳ hồ, hạnh phúc hay bất hạnh không biết được. Chỉ biết Cao yêu quê hương đất nước vô bờ bến, và chỉ biết Cao đắm đuối với mối tình đẹp và quá nhiều cay đắng của mình...

Cái nùi rơm ngun ngút lửa thâu đêm

Đỗ Nam Cao lặng lẽ sống và viết như thế, không ồn ào xưng tụng, dầu từ những ngày ở chiến trường chống Mỹ, Cao đã có tập thơ riêng Những cánh cò lửa như những bút ký thơ về miền đất Nam Bộ thời đánh giặc. Cái thời trước năm 1975 có được một tập thơ như vậy là quá... lẫy lừng. Rồi ra khỏi chiến tranh, Cao lặng lẽ sống, lặng lẽ yêu và dâng hiến bạn bè những câu thơ vụt đến lạ lùng và “hay đến ngẩn ngơ” như lời một người bạn anh nhận xét. Anh vùi đời mình vào bổn phận công chức, bổn phận làm chồng, làm cha… Và anh đã sống, đã cháy hết mình cho tình yêu, cho thơ và bè bạn… Viết nhiều nhưng ít đưa in, Cao viết như một thiên chức và thơ anh rải vào lòng bạn bè mặc ai cất, ai thuộc, ai vất đi…

Đọc thơ Cao thấy anh hồn nhiên, anh thăng hoa như trẻ nhỏ. “Cái nùi rơm ngun ngút lửa thâu đêm” hay thơ anh âm thầm cháy trong tim bao người yêu thơ. Về những năm sau này, anh như muốn trở về với thôn dã, với quê nghèo Phú Xuyên của mình, chính là về lại nguồn cội: “Cho chân vào cái cối đời/ Niềm tin ra bã lại vời đến quê”. (Về).

Lần tôi gặp Cao đầu tiên cách nay đã mười năm. Lần ấy, Đỗ Nam Cao gần như “thường trú” ở tạp chí Văn Hiến Việt Nam đóng ở ngõ Chân Cầm, cạnh phố Lý Quốc Sư, nơi có nhà của thi sĩ Hoàng Cầm gần hồ Hoàn Kiếm. Chuyện nghề, chuyện đời của anh cuối cùng thể nào cũng lại trở về đất Bắc, với Thăng Long - Hà Nội cộm lên nỗi hoài cảm trong tâm hồn người con xứ Đoài một thuở lỡ tha phương.

Anh bảo: “Bây giờ mỗi năm vài lần về Bắc với lễ hội, với những đền miếu chùa chiến xứ này để chiêm nghiệm và để nương tựa hồn mình vào đó đến cuối đời...”. Phải có điều chi uẩn khúc tâm tư hay là xô đẩy của định mệnh, để thơ anh thao thiết nỗi niềm hoài cổ và thân xác phiêu hành như vậy.

Thực ra gần đây tôi mới được biết, qua anh Nguyễn Thế Khoa - Phó TBT tạp chí Văn Hiến Việt Nam, rằng có lúc hình như tình yêu với người con gái xứ Quảng đã cột chặt đời Cao vào đất phương Nam, nhưng hồn anh thì vẫn miệt mài hướng Bắc... Bí ẩn ấy thuộc về miền tâm linh Hà Nội - Xứ Đoài - Kinh Bắc của Cao... Và một ngày đầu đông vừa rồi, Cao chợt ra đi mãi mãi, bỏ lại hết những hạnh phúc lẫn cay đắng kiếp thi nhân… Đỗ Nam Cao làm tôi giật mình, khi anh bỏ đi xa. Chỉ bây giờ tôi mới nhận ra rằng mình đã không gặp lại Cao và đã vĩnh viễn mất Cao. Và tôi tiếc thương anh lành hiền, tiếc một nhà thơ thứ thiệt. Lỗi ở tôi vô tâm vô tính, hay tại đời thường anh quá cô đơn lặng lẽ và khuất lấp giữa muôn vàn xô bồ náo động dòng đời…

Nhưng bù lại, bây giờ đọc lại thơ Cao, tôi có được niềm an ủi rằng anh đã ra đi nhưng thơ anh còn ở lại. Anh viết không nhiều nhưng lạ hơn, là anh không chủ tâm công bố, xuất bản (dù anh làm việc ở NXB Văn hóa Thông tin - NV). Viết ít, nhưng đích thị anh là thi sĩ. Cái con người từng là lính văn nghệ ở Trung ương Cục miền Nam ấy hóa ra là một thi sĩ quá ư lãng mạn, cái lãng mạn như một dị nhân còn lại giữa nhân gian. Anh sống đã là thơ, nên mọi ý nghĩ đều thơ và thế là không cần viết ra giấy. Thơ anh ở trong lòng bè bạn, hoặc đôi lúc một mình, thơ anh viết vội lên vỏ bao thuốc lá hoặc bất cứ cái gì có thể viết. Bạn anh, họa sĩ kiêm nhạc sĩ Lê Quân mới phát hiện trên những tờ lịch treo tường năm cũ nhà mình có đến mấy tờ có thơ và bút tích của Cao… Chả thế mà nhà báo Thế Khoa bảo: Chuẩn bị in tuyển thơ Đỗ Nam Cao thì bạn bè gọi điện, gửi thư báo tin còn đến hơn chục bài nữa vừa tìm thấy…”.

Đọc lại thơ anh, bỗng thấy ăm ắp cảm hứng dân gian và thao thiết một tấm lòng hướng về cội nguồn bằng ý thức nguồn cội quá mạnh: “Cổng làng như lá bùa mê/ Chợt kinh hoảng sợ, chợt tê tái buồn/  Làng ơi, cúi lạy thành hoàng/ Cho con được phép khẽ khàng vào quê”. “Cái nùi rơm ngun ngút lửa thâu đêm”. Vâng, cái nùi rơm ấy lặng lẽ cháy, lặng lẽ dâng hiến…Bạn cùng trang lứa bao nhiêu người nổi danh, thành hội viên Hội Nhà văn…, thế mà Cao lẽ ra đương nhiên là hội viên từ bốn mươi năm rồi, bởi sau 1975, những hội viên văn nghệ giải phóng thì là hội viên đương nhiên của Hội Nhà văn Việt Nam… Thế mà mãi đến năm 2010, qua bạn bè đề nghị, ông Chủ tịch hội bỗng dưng ngớ ra và ghi danh anh là… hội viên mới. Cao là vậy, không cao vọng, ồn ào… Lạ. Nhiều người đọc thơ Cao nhận xét: “Chả biết Cao viết gì, chỉ biết cực… hay”. 

Tốt nghiệp Văn khoa, ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1970, như nhiều bạn bè, Đỗ Nam Cao khoác ba lô vào chiến trường Nam Bộ ngay thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đến hồi quyết liệt. Những câu thơ Cao viết từ miền đất Nam Bộ ngày ấy đã nghe có giọng điệu: “Đất nước này khi ngặt nghèo cay đắng/ Con người nuốt tro làm nên muối mặn…”. Không hiểu sao Cao “chín” sớm thế mà mãi một phần tư thế kỷ sau Những cánh cò lửa (NXB Văn nghệ Giải phóng), đến năm 2000, Cao mới có tập thơ riêng mang một cái tên rất lạ: Dính.

Với tập này, vỏn vẹn 48 bài thơ, tính ra mỗi năm anh viết và lưu lại chưa đến hai bài thơ. Thơ của một hồn thơ ngồn ngộn thường trực thơ như anh, thế là ít, có lẽ vì: “Thơ tôi nặng đè ngọn bút/ Nặng đè ngực nhức buốt tim...”. Có lẽ anh đã bị thơ đè hay đã để quên nhiều bài thơ hay đâu đó dọc đường đời? Thơ anh còn lại rất ít. Nhưng lại thật hay. Anh thổ lộ: “Chuyện đời như lửa chuyện mình như sương”. Có lẽ đời tư quá nhiều biến cố, có những biến cố đại bi kịch, đã khiến Dính trĩu nặng nỗi buồn, nỗi cô đơn, sự tan vỡ có lúc tưởng chừng tuyệt vọng: “Cả vợ con ở nhà/ Gối ôm chìa khóa cửa/ Con chó vàng nằm ngửa/ Không ai chờ đợi ta..”. (Không ai). Và bắt đầu những giằng xé mâu thuẫn nội tâm. Cao lắm khi ngã vào rượu ngỡ quên: “Chén say nghiêng cả quan hà đêm thu...”. “Cuộc cãi lộn với chính mình dai dẳng/ Như lửa thiêu như rượu đốt chính mình”. Dính là những bài thơ được viết lúc Cao đang khủng hoảng, đang đau đớn ngập chìm trong sự đổ vỡ của tình yêu hạnh phúc: “Lòng nguyên vẹn mái đầu xưa đã chợt/ Bạc âm thầm những sợi buồn đau”. (Bạn bè tuổi tôi).

Và tình yêu chưa dễ đã yên nằm

Ngày chiến thắng, từ Sài Gòn giải phóng, Cao đã khoe bạn tập thơ Những cánh cò lửa và khoe cả người yêu anh, cô gái xứ Quảng nhỏ nhắn xinh đẹp tên Trần Thu Hồng. Mối tình ấy cũng lạ và đẹp như... tiểu thuyết. Chị từng hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên, rồi biệt động thành Đà Nẵng, bị sa vào tay giặc và bị đày ra “Địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Ngày cô được trao trả tù binh năm 1973 tại Lộc Ninh, cũng là ngày bắt đầu cuộc tình định mệnh của chị với anh. Cao là người đi viết về sự kiện ấy và họ quen nhau, giữa nhân vật và tác giả đã nảy nở một tình yêu đẹp như mơ. Ngày toàn thắng trở về, người nữ anh hùng và chàng ký giả Đỗ Nam Cao thành vợ chồng. Mối tình ấy đã đem đến niềm hạnh phúc lớn lao cho hai con người đi ra từ máu lửa chiến tranh và không ai ngờ nó cũng đem đến nỗi bất hạnh tột cùng với Đỗ Nam Cao. Thu Hồng là cán bộ trẻ và đầy triển vọng.

Chuyển từ cán bộ tổ chức đảng quận I sang Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh, giữ vị trí quan trọng trong một doanh nghiệp quan trọng hàng đầu thời ấy, chị nổi tiếng là một nữ doanh nhân trẻ đẹp năng động, được tụng ca săn đón khắp nơi... Rồi không hiểu khó khăn ập đến, hay nhưng đố kị cạnh tranh... mà doanh nghiệp này lâm vào tình trạng gần như sụp đổ, chị thành nạn nhân và “con tốt” đã bị “thí”, Thu Hồng bị bắt giam... Mười năm vợ bị oan trái, bị bệnh tâm thần, cũng là dằng dặc mười năm Cao lặn lội ra Bắc vào Nam kêu oan và thăm nuôi, săn sóc cho vợ... Bỏ lại những nỗi đau tinh thần, cùng những thị phi của người đời, một mình anh âm thầm chịu đựng và nuôi con, chăm vợ như thế... Nỗi đau khủng khiếp ấy đã được chữa cứu bằng tình yêu thương không bờ bến của thi nhân.

Luật sư Phan Trung Hoài - người nhận bảo vệ cho Trần Thu Hồng nói, ông không ngờ được cái con người vốn dĩ vẩn vơ với thơ ca ấy lại có một ý chí và sức mạnh khủng khiếp như vậy. Phan Trung Hoài kể: “Cứ mỗi lần gặp nhau, tôi và Đỗ Nam Cao có những lúc như muốn hét lên, vì có ở trong hoàn cảnh này mới thấu hiểu được những thiếu thốn về vật chất không thể sánh được với những áp lực về tinh thần, những nỗi đau nhân tính. Đôi khi nhìn dòng thời gian tố tụng trôi đi rất chậm, tôi mời ông về nhà lắng nghe ông đọc thơ... Nhiều đêm nâng ly rượu trên tay giọng ông bất chợt cất lên: “Hà Nội chiều nay lòng nhao nhác nhớ/ Đường sấu mùa Thu xanh tận cuối trời/ Heo may nắng hoe vàng rơm rớm khóc/ Đẹp ướt mi ai hè phố mùa Thu...”. (Thu vĩnh viễn). Thơ ca như liều thuốc đắp lên vết đau kiếp người chăng?

Mười năm sau, Trần Thu Hồng, sau bao nhiêu mất mát oan ức, cuối cùng đã được pháp luật minh oan. Các quyền lợi chính đáng của chị đã được trả lại. Nhưng cái điều vĩ đại nhất để giữ chị đến phút ấy, để vượt lên kiếp nạn đời người ấy phải nói đến tình yêu của người chồng thi sĩ. Biết rằng thơ không thể nuôi người, nhưng có lẽ thơ cứu chuộc được phận người.

Cứ ngỡ cuộc đời Cao rồi lại lắm những ngọt ngào, nhưng rồi tình yêu ấy có lúc rơi vào bi kịch. Họ có lúc như hai thế giới khác biệt và nỗi đau không thể lấp đầy: “Nghĩ cho cùng anh với em đều tốt/ Sao chúng mình không ở được cùng nhau/... Những muốn một lần anh thử chết/ Thử xem ai sẽ khóc thương mình…”. (Ly hôn). Nguyễn Thế Khoa bảo: Trần Thu Hồng, người vợ của Đỗ Nam Cao từng bảo rằng: Nếu anh ấy muốn về Bắc, tôi cũng để anh về và sẽ xây cho anh ấy một căn nhà ở ngoài đó, cùng ít tiền gửi để anh lo liệu cuộc sống  trên đất Bắc. Nhưng Cao đã không làm vậy. Có lẽ tình yêu với người đàn bà đẹp và nỗi đau định mệnh ấy với anh là không thể giã từ, như Cao từng tiên liệu: Rồi anh sẽ nằm yên dưới cỏ/ Thì tình yêu chưa dễ đã yên nằm... (Ly hôn). Bí ẩn ấy thuộc về chuyện tình của Cao với người đàn bà ấy...

Bây giờ thì Đỗ Nam Cao đã về lại xứ Bắc, với tất cả trong trẻo của một tâm hồn thơ, với những dự định còn dang dở... Tiễn anh hơn trăm ngày trước, (tính từ hôm nay - NV), nhà văn Lê Quang Trang, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói những lời từ biệt cảm động: “Nhưng vắng anh, chúng tôi vẫn tin hình ảnh của anh, tác phẩm của anh sẽ còn mãi cùng chúng tôi theo năm tháng cuộc đời...”.

Tôi trộm nghĩ thêm, tuyển tập thơ Đỗ Nam Cao xứng đáng để trao Giải văn chương. Vâng! Dẫu muộn, dẫu anh không còn để có thể từ chối hoặc nói lời cảm ơn, nhưng đó có thể là một cách êm dịu nhất mà cuộc đời cảm ơn anh...

Tân Linh
.
.