Nhà thiết kế Quỳnh Paris Hương Giang soi bóng kinh thành

Thứ Tư, 07/01/2015, 10:49
Tôi luôn công bằng với nhân vật của mình. Và với Quỳnh Paris, tôi muốn dùng đúng hai chữ “ngôi sao” để gọi chị. Không phải là một tụng xưng theo nghĩa thông dụng dành cho người nổi tiếng mà để chỉ, sự miệt mài tỏa sáng của chị trên hành trình đã chọn. Dẫu, với những gì Quỳnh Paris gặt hái được, truyền thông nước ngoài không tiếc lời ngợi khen, chị hoàn toàn xứng đáng với cách thường gọi của từ này.

1. Cách đây độ hai năm, khi tôi tìm tư liệu cho một bài viết về các nhà thiết kế gốc Việt thành danh tại nước ngoài, tôi vô cùng ấn tượng trước bộ sưu tập của hai nhà thiết kế nữ. Nếu như Barbara Bùi thiên về ứng dụng sang trọng và đậm chất Tây Phương thì “Lá thay mùa” của Quỳnh Paris lung linh và bay bổng. Đường nét hài hòa, kiểu dáng tinh tế, mềm mại, hòa nhịp cùng xu hướng thế giới nhưng vẫn cực kỳ nữ tính, quyến rũ và quan trọng là không lẫn đi đâu được. Nét đặc sắc nhất trong các sáng tạo hay có thể gọi là dấu ấn của Quỳnh Paris chính là chi tiết và màu sắc.

Sau này, xem nhiều bộ sưu tập khác của Quỳnh, đều có cảm giác chị cực nghiện chi tiết. Còn cách phối màu thì hiếm khi chị dùng một màu đơn mà phải là sự lan tỏa, hòa quyện của từng mảng màu. Độc đáo là ở chỗ, nó không khiến người xem cảm thấy rườm rà. Trái lại, nó cuốn hút người xem trước hết là về mặt thị giác, sau là đánh thức một cái gì đó trong tiềm thức, trí tưởng tượng.

Về những giấc mơ kỳ lạ, sự diệu kỳ của thiên nhiên, độ bao la, mênh mông và bí ẩn của vũ trụ hay nét tinh khôi, mộc mạc của hoa sen,… Nó có sự đan xen tài tình của cả thời trang, âm nhạc, hội họa và kiến thức ở một lĩnh vực nhất định nào đó mà tôi tin, nếu hời hợt, sơ sài, qua loa, Quỳnh đã không thể chuyển tải được điều ấy cũng như làm rung động nhiều đồng nghiệp, các chuyên gia thời trang uy tín trên thế giới đến vậy. Đây chỉ là đôi dòng xúc cảm của riêng tôi - một người chẳng biết gì về thời trang - không có tham vọng phân tích chuyên sâu.

Quỳnh Paris nhấn mạnh một ý rất quan trọng rằng: “Nhà thiết kế nào cũng có quyền tạo ra những tác phẩm “khùng”, “điên”, “quái” nhưng chị luôn khắc ghi một điều. Em có quan sát những ngôi sao trên bầu trời không? Chúng có vẻ nằm lung tung nhưng thật ra điều tuân theo một quỹ đạo nhất định. Thiết kế cũng vậy. Mình có thể sáng tác lạ lùng nhưng đều phải đi theo vòng quay và quy luật của nó. Một bộ trang phục đẹp, đơn giản không có nghĩa là nó đơn sắc, ít chi tiết mà là chi tiết đó, cái nút đó đặt ở đâu thì hợp. Chỉ cần đơm sai một cái nút thôi, em sẽ thấy rối liền. Bộ sưu tập đó, người xem có thể thích hoặc không thích, quan trọng là khi em bắt tay vào làm, hãy tự trả lời hai câu hỏi tự thân: tình cảm để mình nhen nhóm ý tưởng cho thiết kế đó đến từ đâu và mãnh liệt như thế nào. Chỉ cần làm hết lòng, hết sức bằng cái tâm của mình, chị tin rồi sẽ có được phần thưởng xứng đáng của không gian và thời gian”.

Khi Quỳnh nói điều này, tôi biết, chị đang nhớ lại những ngày mới trở về Việt Nam. Và cả những tháng ngày chị “một mình một ngựa” tham gia các tuần lễ thời trang danh tiếng và uy tín trên thế giới như: Salon des Miroirs 2010, Trend Fashion Show of the Salon Prêt-à-porter Paris 2011 (tuần lễ thời trang mang tính chất dự đoán xu hướng cho năm 2012), Los Angeles Fashion Week (tuần lễ thời trang chính thống và uy tín tại miền Tây nước Mỹ, hội tụ nhiều ngôi sao Hollywood),…

2. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại Huế nên mới 6 tuổi, Nguyễn Quỳnh Như (tên thật của Quỳnh Paris) đã luyện kéo violon để thi vào nhạc viện. Khổ luyện với đàn suốt chừng ấy năm, từng khóc sướt mướt đến phát bệnh vì lỡ mắc mưa ướt đàn, tốt nghiệp ra trường, cũng đi đánh đàn tại các tụ điểm nhưng chị lại không chọn con đường của cha làm nghiệp dĩ.

Quỳnh quay sang học hội họa, rồi kinh tế và ngoại ngữ, chẳng liên quan chút nào đến nghệ thuật. Dường như, tất cả những nghề Quỳnh bén duyên không đủ sức để giữ chân chị. Cơ duyên đưa đẩy, Quỳnh sang Thụy Sĩ định cư. Một lần du lịch đến Pháp, bị cái đẹp hoài cổ lẫn hiện đại của Paris quyến rũ, Quỳnh sung sướng hạnh ngộ điều mà bấy lâu nay tâm thức chị vẫn đang chờ đợi. Quỳnh lại cắp cặp đi học, lần này là về thời trang, dẫu lúc đó trường Mode Art International Paris yêu cầu chị phải có bằng tốt nghiệp cấp 3 tại Pháp hoặc định cư ít nhất 2 năm.

“Cổ tích bắt đầu từ những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt” - Michelle Phan - cô gái trang điểm người Mỹ gốc Việt từng viết thế trong cuốn sách đầu tay của cô. Quỳnh Như mang hết những bức tranh chị vẽ tại Pháp, đem cả những chiếc áo chị vẫn tự may cho mình đến thuyết phục. Nhà trường đồng ý nhận hồ sơ, với điều kiện, chị phải làm một bài kiểm tra.

Và, Quỳnh trở thành sinh viên thời trang ở tuổi 36. Ban đầu, chị vẫn giữ tên Quỳnh Như, dần dà, thầy cô, bạn bè đánh vần tên chị khó quá, họ gọi chị gọn là Quỳnh. Vì tình yêu mãnh liệt, say mê với Paris và nuôi giấc mộng lập nghiệp tại đây, chị ghép địa danh này vào sau tên chị.

Quỳnh thiệt tình kể, thành công đến với chị ngộ lắm. Đôi lúc nghĩ lại, chị có cảm giác như có một ngôi sao may mắn nào đó soi cho chị. Năm 2010, chuẩn bị tốt nghiệp, Quỳnh mang bộ sưu tập ứng dụng đến trưng bày ở tuần lễ Salon des Miroirs bán kiếm tiền. Tình cờ, vị chủ tịch Hiệp hội Thời trang Pháp trông thấy các thiết kế, bà vô cùng ngạc nhiên trước sự độc đáo.

Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế Quỳnh Paris.

Năm đó, bộ sưu tập của Quỳnh Paris được sánh bước cùng hàng trăm nhãn hàng danh tiếng tại kinh đô thời trang Pháp. Thành công nối tiếp thành công. Đúng lúc ấy, Quỳnh Paris về nước do mẹ chị đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm. Chị cặm cụi làm ngày đêm thiết kế đồ cá nhân cho công nhân viên chức, các doanh nhân từ cái áo sơ-mi, quần tây, bộ váy công sở cho đến đồ dự tiệc để tích lũy vốn.

“Quan điểm của chị là thiết kế làm sao cho phù hợp không chỉ với vóc dáng mà còn toát lên thần thái, phong cách của người đó nữa.” - Quỳnh bảo vậy. Khách hàng của chị đông dần lên nhưng đều là những cá nhân kín tiếng nên cái tên Quỳnh Paris vẫn còn lạ hoắc, lạ huơ. Có lẽ, người yêu thời trang trong nước chỉ biết đến chị khi bộ sưu tập Sen của chị giúp người đẹp Diễm Hương đăng quang hoa hậu. Lúc ấy, người ta mới phát hiện có một Quỳnh Paris được nhiều báo chí nước ngoài không ngớt lời khen ngợi.

Giờ thì thương hiệu “Quỳnh Paris” bằng sự nỗ lực không ngừng nghĩ của chị đã tạo dựng được chỗ đứng nhất định ở Mỹ và cả Việt Nam. Không chỉ nhiều người nổi tiếng trong nước như tin dùng, thiết kế của chị còn được các diễn viên nước ngoài yêu chuộng như Rebecca Da Costa (ngôi sao đang lên tại Hollywood), Blanca Blanco và Matiland Ward thì quá yêu thích sự sáng tạo trong các thiết kế của chị đã đề nghị được trình diễn trên sàn catwalk mà không đòi hỏi bất cứ một khoản chi phí nào.

“Nếu em được tham dự một tuần lễ thời trang ở nước ngoài, em sẽ thấy, các nhà thiết kế bên đó được tài trợ dữ lắm. Họ đi xe hai cửa, ăn mặc bóng bẩy, sành điệu lắm em. Còn chị đi chiếc Mecz bình thường, có một mình hà. Sau lần đầu, chị rút ra được rất nhiều điều. Mình không nên sợ người ta nói mình sính ngoại. Diễn thời trang ở nước nào, mình phải cho người ta thấy được style đó hợp với thị trường của họ. Mẫu Việt mặc đẹp đâu có nghĩa là người Mỹ mặc đẹp đâu em. Cái nữa là mình không có tiền thì nên tập trung vào ý trang phục của mình và âm nhạc còn gian phòng đơn giản thôi. Điều cuối cùng, khi đề cập về bộ sưu tập, mình nên nói đến suy nghĩ người xem đang quan tâm kết hợp với tình cảm của mình. Phải cho người xem thấy được, mình lồng vào đó những gì của đời sống, phim ảnh, khoa học, kiến trúc và cả bệnh tật nữa. Từ đó tạo hiệu ứng cảm giác, mang đến cái đẹp trên cái người xem nghĩ. Chứ không phải người ta không biết đến mình là không biết gì về thời trang, về cái đẹp.” - một chia sẻ tôi cho rằng cực kỳ giá trị của một người từng trải.

3. Gần đây nhất, Quỳnh Paris được ông Chủ tịch của tổ chức Transposition (một dự án âm nhạc của Na Uy nhằm giới thiệu dòng nhạc hàn lâm và hỗ trợ đào tạo sinh viên cho Việt Nam), mời thiết kế toàn bộ trang phục cho vở nhạc kịch Cây sáo thần của Mozart. Nam diễn viên chính của đoàn sau khi diễn xong đã ngỏ ý mua lại bộ trang phục của chị để tiếp tục đi lưu diễn! Người Tây phương, thường thẳng thắn và không xã giao trong việc này.

“Nhiều người cho rằng, nhà thiết kế chỉ cần làm trang phục ứng dụng thôi, trang phục sân khấu không đáng để quan tâm. Rồi thiết kế làm gì mấy cái đồ couture xa xỉ. Chị không nghĩ như vậy. Ban đầu trưng bày những sản phẩm couture trước cửa hàng, nhiều người gọi chị là khùng! Chị hoang mang, thôi xong rồi, không làm cái này trong nước được rồi. Chợt, chị nhớ đến lời dạy của ba. Hồi chị còn nhỏ, thấy ba chơi đàn, cảnh nhà khó quá, có lần chị hỏi: “Ba ơi, con học cái này cực quá, sau này con có giàu không ba?”.

Ba nói làm nghệ thuật ngộ và khó lắm. Có người giỏi dữ lắm nhưng mãi không nổi tiếng. Còn có người tài năng ở mức độ nào đó thôi nhưng tự dưng thời khắc nào đó họ sẽ nổi tiếng. Quan trọng là, con phải làm bằng cái tâm. Chị nghĩ, mình chọn khơi nguồn cảm hứng và kích thích não người xem, đó mới chính là giá trị thực. Chị tin số đông không phải luôn luôn đúng. Nhưng cũng không sai. Còn mình làm sao đi từ cái khó nhất, lan tỏa từ từ. Từ một người sẽ có hai, rồi ba, năm, mười và nhiều người nữa quan tâm.”

Có lẽ, nhờ định hướng, niềm tin và cảm hứng ấy, mỗi khi trả Quỳnh Paris về với vải vóc, chất liệu, màu sắc, chị lại tung tẩy mê mẩn, không biết mệt. Và quên đi sự nghi kỵ của không ít nhà thiết kế có tiếng trong nước. Tôi gọi chị là “ngôi sao” không cô đơn bởi quanh chị, còn có rất nhiều người mong chờ sáng tạo của chị. Cả trong và ngoài nước. Tài năng thực sự thì không điều gì có thể khuất lấp. Và sự yêu chuộng của người xem luôn là đánh giác xác tín và trung thực nhất.

Hoàng Hoài Hương
.
.