Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa: Có lúc có ân hận

Thứ Năm, 08/12/2011, 16:00
Khi đọc khá nhiều bài viết của Nguyễn Hòa, tôi thường có những cảm giác trái ngược nhau. Một mặt, tôi rất phục thái độ dũng cảm, thẳng thắn cũng như lối tư biện sắc bén và không phải là không tinh tế của anh. Mặt khác, tôi cứ thấy “ghê ghê” thế nào khi anh buông những trạng từ rất nặng để đánh giá những sơ sẩy hay những việc làm chưa thấu đáo của những người mà tôi biết chắc rằng bản chất của họ không hẳn đã như anh định luận.

Nhưng trong đời thường, Nguyễn Hòa luôn là người mà tôi quý và thích gặp, dù chúng tôi đều không có nhiều thời gian để tiếp xúc với nhau.  Cảm tình của tôi có với anh nảy sinh từ nhiều năm trước, khi anh mới chuyển từ Học viện Chính trị - Quân sự về tạp chí Văn nghệ quân đội, còn tôi là một phóng viên của báo Quân đội nhân dân.

Không nhiều nhưng hai chúng tôi khi đó cũng có những dịp làm việc gần với nhau. Và tôi đã nhận thấy ở đằng sau bề ngoài có vẻ khắc khổ và đôi khi như cũng “thành tinh” của Nguyễn Hòa một tâm hồn rất tử tế, đàng hoàng và thực ra là rất giàu tình cảm.

Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng tới giờ, tôi vẫn nhớ vẻ mặt của Nguyễn Hòa khi có lần anh tâm sự với tôi về những khúc mắc sự vụ mà anh đã vấp phải trong giai đoạn mới  chính thức về làm nhà phê bình văn học ở số 4 Lý Nam Đế. Tôi cũng nhớ những lời anh kể rất xúc động về tuổi thơ của anh khi có lần tôi và anh cùng đạp xe trên phố Lý Quốc Sư, đoạn đi qua Nhà thờ Lớn và phố Ấu Triệu, nơi gia đình anh từng sinh sống.

Và trong cuộc trò chuyện này, tôi đã chọn anh để cùng suy ngẫm về những điều mà tôi đang cảm thấy cấn cá khi đề cập tới những chuyện đang diễn ra trong làng văn hôm nay.

Ảnh: Minh Trí.

- Hồng Thanh Quang: Gần đây, hôm tôi gặp nhà văn Chu Lai, một ông anh đã chơi với tôi từ lâu, “đồng hương đồng khói đồng chí đồng đội” với tôi, tôi đã buột miệng than thở: Đúng là khi mình mới vào làm văn nhìn ai trong nghề cũng đẹp, nhưng bây giờ mình lại nhìn ra quá nhiều điều không hẳn là thích. Theo bác thì đấy là do bây giờ xã hội nó bị làm sao, hay là do mình bị làm sao? Anh Chu Lai bảo, đấy là do ngày xưa mình mới vào nghề thì mình biết ít, còn bây giờ mình biết nhiều hơn, chứ còn thế hệ nào cũng có người hay, người dở, không khác nhau mấy. Vậy nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa nghĩ thế nào về cách lý giải này?

- Nguyễn Hòa: Thật ra biết nhau nhiều cũng là điều hay. Nhưng với những người mà trước đó mình chỉ biết học qua các tác phẩm mà họ viết thì phải tính tới một yếu tố tâm lý như thế này. Thông thường, khi mình đọc tác phẩm của ai đó, nếu mình thích tác phẩm ấy thì mình hay liên tưởng đến một cái gì đó tròn trịa, thậm chí hình dung ra cả diện mạo của tác giả dù chưa được gặp bao giờ, chưa được xem ảnh. Tôi nghĩ đấy là một thói quen tâm lý đáng yêu, từ mối liên hệ với tác phẩm như là một sự hấp dẫn đối với mình thì tự xây dựng cho mình một hình ảnh hấp dẫn của tác giả. Lúc đấy mình đến với tư cách người đọc nhiều hơn là…

- Người làm nghề.

- Đúng thế. Khi bắt đầu chập chững vào nghề, bản thân tôi cũng có lúc trải qua tâm lý như thế. Nhưng rồi dần dần khoảng cách nó thu hẹp lại, mình không chỉ tiếp xúc với tác phẩm, mà mình còn tiếp xúc với cả con người đời thường của tác giả nữa, mà con người đời thường ấy thì cả cái hay lẫn cái dở đều lộ hết, nhất là những người nào thật gần gũi, lại có vài ba cuộc đánh chén với nhau, nhậu nhẹt với nhau, hoặc một vài chuyến ngao du rủ nhau đi đâu đấy, thì thường có sự tiếp xúc rộng hơn, tiếp xúc chi tiết hơn, cụ thể hơn…

Tiếp xúc đó có thể có hai cái trái ngược, vì con người đều nhân vô thập toàn, có cái hay, cái dở… Trường hợp gặp được một đối tượng hay, đối tượng đó phù hợp với ấn tượng mà mình vốn xây dựng trong đầu, hoặc cái sự sai chênh nó không lớn thì mình sẽ cảm thấy đánh giá của mình cũng khá sát hợp và nhìn ở tác giả tác phẩm trong sự thống nhất nào đó nhất định.

Nhưng khi con người tác giả đó lúc ở quá gần rồi, quá hiểu nhau, biết nhau quá rõ rồi, thậm chí ông ấy nhếch mép cười thế nào, ông ấy ăn ra sao, uống ra sao, thậm chí các quan hệ xã hội khác của ông ấy như thế nào, ông ấy có phải người rộng rãi hay không rộng rãi, thoáng đạt, hay không thoáng đạt, ông ấy là một người rất có trí tuệ hay ông ấy là một người hóa ra cũng bình thường, trong tiếp xúc hằng ngày cũng bình thường, thì mọi chuyện sẽ khác. Thậm chí, tôi biết có những người mà tôi đã đọc tác phẩm thì giữa bản thảo của họ với họ là một khoảng cách...

- Thậm chí khoảng cách không nhỏ, mà là khoảng cách lớn.

- Có lần tôi nói đùa, có khối nhà văn mang nguyên bản thảo mà họ đã viết bằng tay ra in thì đôi khi, sau khi sách phát hành rồi, đọc lại thì họ sẽ không dám viết văn nữa, bởi vì rất sai chính tả, sai ngữ pháp. Bản thảo so với tác phẩm đã được biên tập để xuất bản khác nhau một trời một vực. Đó là một sự thực. Ngay cả một số tác phẩm mà mình thích thì bản thảo gốc cũng ở trong tình trạng như thế, phải qua bàn tay biên tập, phải được chỉnh sửa thì mới trở thành cái mình đã đọc. Đấy là những hệ lụy khi khoảng cách nó cứ thu hẹp lại giữa chúng ta với những tác giả mà chúng ta yêu thích.

- Tâm lý người Việt luôn muốn “gần chùa” dù không hẳn để gọi Bụt làm anh…

- Tôi nghĩ thói quen này cũng tốt, nó làm cho khoảng cách giữa tác giả và người đọc gần lại, nhưng đồng thời nó cũng rất nguy hiểm, khi chúng ta cứ tiếp tục duy trì thói quen đồng nhất tác giả với tác phẩm.

- Tóm lại là từ những điều anh nói, có thể rút ra như thế này. Thứ nhất, không nên đánh đồng tác giả, tác phẩm; thứ hai, thực ra chúng ta hay hay dở, nó không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào chính chúng ta mà phụ thuộc vào cả môi trường chúng ta đang ở nữa. Một tác phẩm xuất hiện như vậy được tốt thì trong đó có bàn tay biên tập góp phần không nhỏ, một con người bộc lộ những cái tốt của mình cũng là do môi trường có điều kiện giúp bộc lộ cái tốt, giúp chúng ta xứng danh con người. Và điều đó buộc những người làm nghề một cách đích thực khi đánh giá tác phẩm văn học thì cần có một sự tỉnh táo nhất định để không vì ấn tượng cá nhân với tác giả mà đánh giá tác phẩm không đúng. Và cũng không vì tác phẩm như vậy mà đánh giá tác giả thế này thế kia. Có đúng không ạ?

- Hình như là Bertolt Brecht đã nghĩ đến chuyện đó, cho nên khi ông ấy đi từ sân khấu nghệ thuật biểu hiện tâm lý, tức là diễn viên phải hóa thân thành nhân vật, đến một giai đoạn khác là diễn viên phải giãn cách nhân vật.

- Cần cả sự giãn cách giữa con người với môi trường mà chúng ta đang sống?

- Đúng thế.

- Vậy cho nên, nếu trong tình hình làm văn học, thậm chí cả nghệ thuật nữa, hiện nay có quá nhiều điều khiếm nhã xuất hiện trong các sự đánh giá về nhau giữa các chủ thể thì điều đó nó không hẳn là vì những người làm văn, làm thơ, làm nghệ thuật hiện nay có nhiều đặc tính, nhiều yếu tố tồi hơn các thế hệ đi trước, mà do môi trường xã hội khiến người ta bắt buộc phải bộc lộ những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn tích cực về nhau. Anh nghĩ thế nào về nhận xét này?

- Tôi thấy là, để có đủ thông số cần thiết đưa đến kết luận kiểu như thế, thì ta phải nghĩ xa hơn về lịch sử. Thật ra, trong các thế hệ cha anh đi trước, ít nhất ta lấy giai đoạn trước năm 1945, như nói theo PGS Đặng Thị Hạnh thì khoảng những năm từ 1928, 1930 gì đấy, văn học hiện đại Việt Nam mới ra đời, chúng ta tạm thời lấy mốc đó để so sánh, để đánh giá đấy là giai đoạn các nhà văn hiện đại Việt Nam ra đời, thì ta thấy rằng các cụ cũng có va chạm. --PageBreak--

- Nhưng những sự va chạm ấy không được bộc lộ bằng chữ, không lưu lại đến bây giờ?

- Không lưu lại cho hậu thế. Hậu thế không bao giờ được mục sở thị cả, chỉ có những người cùng thời với họ kể lại.

- Không được lưu truyền một cách chính thức bằng văn bản?

- Đúng rồi. Và ít nhất căn cứ vào những gì tôi biết thì tôi thấy, vẫn có một sự lịch lãm nhất định…

- Trong cách ứng xử với nhau của văn nghệ sĩ thời xưa…

- Trong ứng xử với nhau có một sự lịch lãm nhất định.

- Thực ra, tôi cũng không phải là người có quá nhiều định kiến, nhưng tôi cảm giác hiện nay, một số người cùng làm nghề văn, một số người đồng nghiệp cầm bút với nhau lại ứng xử với nhau một cách quá tệ, thậm chí đôi khi là du thủ du thực, Chí Phèo mà họ không cảm thấy xấu hổ. Theo anh, lý giải là vì sao? Vì bản chất chúng ta, những người làm văn học nghệ thuật hiện nay không tử tế bằng các cụ ngày xưa, hay là vì do môi trường xã hội có vấn đề gì mà chúng ta cần phải nhắc tới? Anh có thể lý giải được chuyện này?

- Tôi thì tôi nghĩ rằng do sự chuẩn bị về văn hóa. Gần đây tôi có viết trong một tham luận, tôi có đặt ra một câu hỏi là, dường như thời mà các văn nghệ sĩ, đồng thời là những nhà văn hóa đã qua rồi chăng? Chính là căn cứ vào hiện tượng mà Hồng Thanh Quang vừa nói.

Tức là những ứng xử với nhau không chỉ ở trên văn bản, trên giấy bút, trên báo chí, mà thậm chí ở trong ứng xử đời thường nữa. Và với sự phát triển của báo chí như hôm nay, đặc biệt là sự phát triển của Internet, thì rất khó có một động thái nào của cá nhân mà không lọt qua mắt đồng nghiệp; và với hình thức này, hình thức khác, nó được xuất bản, được xuất hiện ở trên Internet, trên các diễn đàn, trên một số website…

- Và các comment nữa.

- Các comment nữa. Thì tất cả những cái đó nó cho phép ta nhận diện kỹ hơn. Tôi nghĩ, ngày xưa có lẽ do chưa có nhiều báo chí lắm, tất nhiên, cũng có những tạp chí, có cả những tờ báo lá cải họ cũng đề cập chuyện này, chuyện khác, nhưng có lẽ là điều kiện để công bố những chi tiết thế này thế kia không có và bản thân những người trong cuộc họ cũng không muốn công bố ra chăng. Và một điểm nữa, theo tôi nghĩ, cũng không kém phần quan trọng là, dường như mọi người khi nhắc đến những kỷ niệm không hay, thì mọi người nhìn nó, tôi đọc hồi ký thì thấy họ nhìn nó một cách rất là, như mình bây giờ vẫn gọi, là cầu thị.

- Người ta theo dòng thời gian đã thấy rõ được cái sai của mình trong quá khứ và cảm thấy ân hận, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chứ không phải cứ chăm chăm đổ lỗi cho người khác, còn công lao thì lại nhận hết về mình.

- Hình như thời gian làm người ta chín chắn lên, người ta biết nhìn về quá khứ theo kiểu đó. Nhưng dường như hôm nay thì lại không phải thế. Ít ra thì căn cứ vào một số chuyện mới xảy ra trước mắt chúng ta. Tôi nghĩ đấy là do sự chuẩn bị về văn hóa.

- Anh nghĩ, thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay được chuẩn bị kém hơn các văn nghệ sĩ thời trước chăng? Tất nhiên không phải là tất cả…

- Tôi nghĩ là như thế.

- Tại sao lại thế, nếu mà theo logic bình thường thì hiện nay chúng ta có nhiều điều kiện hơn để trau dồi văn hóa hơn các cụ ngày xưa?

- Có thể trau dồi tri thức thì nhiều điều kiện hơn, nhưng trau dồi văn hóa lại là chuyện khác.

- Thế việc đó phụ thuộc vào những yếu tố gì, theo anh?

- Tôi nghĩ, thứ nhất là do cá nhân chủ thể đó, họ ý thức như thế nào về hành xử của họ với đồng nghiệp. Hành xử với đồng nghiệp thực ra nó nằm ở trong phạm trù gọi là đạo đức nghề nghiệp. Tôi chơi thân với Hồng Thanh Quang, trước hết bắt đầu từ nghề nghiệp, sau đó chúng ta mới trở thành bạn. Và khi chúng ta trở thành bạn rồi thì chúng ta ứng xử vừa là anh em nếu người hơn tuổi, người ít tuổi, hoặc người cùng lứa với nhau; có thể mày tao chi tớ, nhưng đồng thời trong đó có cả ứng xử nghề nghiệp. Mà ở một số người, nếu nói đến những gì nó liên quan đến đạo đức nghề nghiệp thì hầu như không được chuẩn bị.

- Một khi chúng ta coi Chí Phèo là hiện tượng bất bình thường thì xã hội sẽ có ứng xử khác. Nhưng nếu coi Chí Phèo là một tất yếu và không thể thiếu được của cuộc sống thì sẽ xuất hiện những cách ứng xử khác. Anh nghĩ thế này, hiện nay người ta có tâm lý coi Chí Phèo là bình thường, là chủ đạo hay ngược lại?

- Thật ra điều Hồng Thanh Quang nói về cái gọi là Chí Phèo thì nó xuất hiện chủ yếu trên bề nổi trong đời sống. Mà chúng ta cũng phải lưu ý những chuyện giật gân, nó kích thích sự hiếu kỳ của công chúng. Đấy là những chuyện mà báo chí hay khai thác, trong nhiều trường hợp nó như là con mồi nhử của báo chí. Báo chí khai thác chuyện đó một cách triệt để, tận ngóc ngách, thậm chí là ngay lập tức tìm được cái gì giật gân nhất của sự kiện này, hay sự kiện nọ để đưa nó ra, hấp dẫn độc giả. Thậm chí có trường hợp bé xé ra to, chuyện không có gì ghê gớm cả lại bị “đánh” để thành ra chuyện quan trọng. Đấy là cái thứ nhất. Cái thứ hai nữa là bản thân người gây ra sự kiện đó đôi khi họ cũng mượn nó đấy là một cách để họ nổi tiếng.

- Cố tình làm để nổi tiếng.

- Cố tình làm...

- Tôi nghĩ thiên chức của văn nghệ sĩ ở thời nào chủ yếu vẫn là hành thiện, phát hiện cái thiện, vun vén cái thiện. Hơn tất cả những ai khác, một dân tộc nào, xã hội nào cần đến văn nghệ sĩ là cần sự tinh tế, sự nhạy cảm, sự từ tâm, thậm chí cả sự mềm yếu. Và văn nghệ sĩ thông thường là phải lo lắng đến chuyện có thể làm đau người khác như Evtushenko đã viết, dù “chỉ bằng một cành hoa”. Và văn nghệ sĩ thì phải biết rằng, ngay cả sự tôn vinh không khéo, không đúng cũng là xúc phạm nhau, cũng là làm hại nhau. Yanis Ritsos chẳng từng viết: “Những tràng vỗ tay phải đâu cái tát, sao mặt bạn tím bầm?”… Thế nhưng, tại sao ngày nay hiện tượng đang trở nên phổ biến lại là chính một số văn nghệ sĩ cố tình làm đau đồng nghiệp, đau xã hội bằng những hành động tôi nghĩ rằng không xứng đáng với một người được coi là, tôi không nói chuyện theo kiểu giáo điều, là chiến sĩ mặt trận gì cả, những người có thiên chức phải gìn giữ tất cả những sự tinh tế, mềm dẻo và nhạy cảm của cộng đồng? Theo anh, hiện tượng này xuất phát từ đâu, nguyên nhân xã hội nào, hay đơn giản nó chỉ là do một số cá thể văn nghệ sĩ bản chất như vậy?

- Tôi xin trả lời tiếp câu lúc nãy đã. Gọi là tình trạng đang phổ biến “hiện tượng Chí Phèo” thì thường nó có một cái nói chung là, gặp anh Chí thì chả ai muốn dây. Thật ra, những anh Chí kiểu như thế thì họ có ý thức về việc làm, vì bản thân họ không phải là Chí Phèo nguyên bản.

- Không có “cốt cách Chí Phèo”, mà chỉ học kiểu làm như Chí Phèo…

- Chí Phèo chỉ có những khi uống rượu say mới thành anh Chí, còn những người kia thì họ có ý thức về chuyện đó.

- Nhưng tại sao họ lại có ý thức ấy?

- Để đi đến câu trả lời cho câu hỏi của Hồng Thanh Quang thì tôi nghĩ, đó là tập hợp các yếu tố chứ không phải chỉ một vài yếu tố, trong đó có môi trường xã hội. Có một thời gian dài hình như chúng ta để quên việc là, mỗi người hãy  tự trau dồi lòng tự trọng. Tôi vẫn nghĩ rằng, kể từ khi bà Eva ăn phải miếng táo và bà ấy nhận ra sự lõa lồ của mình thì dấu ấn đầu tiên của con người về văn hóa, đấy là sự xấu hổ.

- Vâng. Biết xấu hổ.

- Và chính sự xấu hổ đó nó giúp người ta biết đứng lại ở chỗ nào, biết dừng lại ở chỗ nào, biết điều chỉnh hành vi ở chỗ nào. Thế nhưng, dường như không ít người trong chúng ta không quen làm cái đó. Thơ của ông Tố Hữu đã nói đến con người xã hội, con người tập thể rồi, trong khi chúng ta chưa được chuẩn bị đủ một yếu tố rất quan trọng, đó là sự ra đời của các cá nhân, tức là tính chịu trách nhiệm của mình trước số đông.

- Tức là anh lại quy về yếu tố xã hội.

- Tôi nói tới tập hợp các yếu tố. Thứ nhất là về môi trường, thì chúng ta không có một thời gian nào đó để trau dồi cho mỗi cá thể xã hội nắm bắt một cách cơ bản nhất những yếu tố làm nên cái gọi là cá nhân như trong tư cách là thành viên của xã hội.  Tôi được biết, khi con người ý thức được vai trò của cá nhân thì họ sẽ lập tức ý thức được vai trò của mình trong xã hội. Xã hội chỉ là xã hội khi nó là tập hợp của các cá nhân trong mối liên kết nhất định; và các cá nhân cũng chỉ gọi là các cá nhân khi anh đặt trong mối liên hệ cộng sinh, liên hệ sống với cộng đồng. Tôi thấy có một thời gian dài chúng ta đi từ cá thể kiểu nông dân tư hữu đến con người xã hội hóa mà không được chuẩn bị một điều rất quan trọng là ý thức về cá nhân như là một yếu tố cấu thành của xã hội, cá nhân mà trong đó có điều rất quan trọng là lòng tự trọng và sự xấu hổ.--PageBreak--

- Có ý kiến cho rằng, hiện nay, cái tâm lý mà tôi tạm gọi là “tâm lý paparazzi” đang ngày càng trở nên phổ cập. Tâm lý ấy là thế nào? Tức là trong các sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt xã hội, chúng ta không quan tâm đến sự tử tế của nhau, chúng ta chỉ muốn tò mò xem có ai vô tình hay cố ý để lộ những sự khiếm nhã, cả trong ứng xử lẫn trong ăn vận, đặc biệt là ăn vận ra để xúm lại nhòm ngó, bàn tán, bình phẩm, viết comment thả sức… Ví dụ, tôi có bộ complet rất đẹp, mặc quần áo rất đẹp nhưng không may tôi hở cái cúc quần áo nào đấy, hoặc thậm chí, tôi đi đôi tất có màu không “ăn” lắm với màu giày, thì họ sẽ xúm lại đánh giá nhân cách của tôi, đạo đức của tôi, tài năng của tôi qua những chi tiết đó, chứ họ không thèm quan tâm tới việc tôi làm báo như thế nào, tôi viết thơ như thế nào, thậm chí là tôi hát như thế nào… Dĩ nhiên, họ càng không quan tâm đến việc tôi có thể tử tế như thế nào, trong một số trường hợp nhất định (cười). Theo anh,  nguyên do xã hội nào, khách quan nào dẫn tới việc bộ phận không nhỏ hiện nay trong chúng chúng ta đang bị lệ thuộc vào tâm lý đấy?

- Tôi vẫn muốn trả lời nốt câu hỏi lúc nãy. Tôi mới nói đến yếu tố ngoại cảnh, tức là hoàn cảnh khách quan của nó. Cho tôi trả lời tiếp về một yếu tố của nó nữa, tức là sự chuẩn bị của các cá thể. Chúng ta nói đến văn hóa rất nhiều, văn hóa phải thế này, văn hóa phải thế kia, nhưng thật ra, Hồng Thanh Quang cứ để ý mà xem, trong thời gian rất dài, chúng ta chỉ nói đến văn hóa là học vấn, trình độ văn hóa khai lý lịch là học vấn chứ có phải là văn hóa đâu. Văn hóa là cái không bao giờ được coi là đủ, có lẽ trước khi nhắm mắt xuôi tay chúng ta vẫn phải nạp vào.

- Học vấn chỉ là một yếu tố cấu thành thôi chứ không phải là toàn bộ nội hàm của văn hóa.

- Đúng, chỉ là một yếu tố cấu thành, chứ không phải là tất cả. Khi đánh giá trình độ văn hóa của một con người chỉ thông qua học vấn là lập tức chúng ta triệt tiêu những yếu tố khác của văn hóa, và sẽ có những cá nhân, cá thể thấy mình học vấn có bằng, có cấp  là tự nhiên coi những bằng cấp đó đồng nghĩa với những phẩm chất văn hóa. Nhưng sự thực thì không phải thế.

- Học vấn và văn hóa không trùng khít với nhau.

- Không trùng khít. Ta cứ nhìn hai phần, khách quan và chủ quan đi. Còn một phần nữa mà Hồng Thanh Quang vừa nói là, tại sao đang bị nhiễm cái  thói quen rất xấu, “thói quen paparazzi” ấy? Anh nói làm tôi nghĩ đến một chuyện: cách đây không lâu, có một anh nhà văn đến thăm một nhà văn nổi tiếng, đến nhà anh ấy chơi và chụp ảnh. Hồi đấy nhà văn nổi tiếng đó đang ốm,  đang bị yếu nhưng vẫn làm cơm mời khách, xong rồi chụp ảnh kỷ niệm. Hôm ấy nhà văn bị ốm đó, không kịp kéo phéc-mơ-tuya, hở ra đoạn quần lót… 

Cái anh nhà văn đến thăm lại về viết bài, rồi lập tức đưa lên mạng cả cái ảnh đó. Và rất khoái tỉ kể là, nhà văn  nổi tiếng mà còn đãng trí thế này thế nọ... Tôi mới gọi điện cho tác giả bài viết, tôi nói, đừng nên làm thế, khi mà bạn đã đến nhà anh ấy được tiếp đón như thế thì một sơ suất nào đó không phải là điều để ta mang nó ra chế giễu. Thế là tác giả bài viết ngay lập tức xin lỗi tôi và hạ nó xuống. Đấy là chuyện thật.

- Trong chuyện này anh ứng xử rất tốt. Và tôi muốn hỏi anh một câu này. Với tư cách anh là một nhà phê bình văn học  mà tôi rất quý. Nói thực, chúng ta đều là những người trưởng thành từ quân đội ra và rất quý nhau, nhưng đến bây giờ tôi vẫn phân vân, có người nói, việc chính của phê bình văn học không để vạch ra những cái xấu, cái dở. Vậy tại sao anh lại chọn con đường mà tôi nghĩ dù tác dụng xã hội lớn nhưng rất không đơn giản, tức là chọn con đường làm “cây búa” thông qua bàn phím? Anh nghĩ thế nào khi anh tự chọn cho mình vai trò như vậy?

- Tôi đến với phê bình văn học hay nghiên cứu văn hóa hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, tôi chẳng có chuẩn bị từ trước cũng không có ý định từ trước. Khi có thời gian khá dài tôi làm việc ở Khoa Triết học, mười mấy năm ở đấy, hồi ấy cũng rỗi, mình đọc sách triết học thì mới vỡ ra một thứ, nó là khoa học, nó cung cấp cho cách nhìn rất tốt, đặc biệt là những người làm khoa học thì cần phải có nó.

Trong khi có nó rồi thì lại nhìn ra rằng, cần phải nhìn sự vật, cố gắng nhìn sự vật trong 5 nguyên tắc rất rõ ràng: khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển. Bao giờ tôi cũng nhìn thế, chứ không bao giờ tôi chỉ nhìn một chiều. Khi tôi nhìn sự vật như thế rồi thì những gì bạn đồng nghiệp đã nói rồi thì mình nói lại làm gì nữa.

Một điều hay, một tác phẩm hay, một tác phẩm có những phẩm chất đáng trân trọng cần phải được khẳng định, nhưng đồng thời hoàn toàn có khả năng là nó còn những khiếm khuyết. Đấy là một điểm. Khi có cái nhìn toàn diện thì người ta sẽ tránh được cái nhìn phiến diện, tức là anh nhìn tác phẩm từ một góc, thế thì tôi nhìn nó toàn diện, tôi nhận ra điều đó.

Điểm thứ hai có lẽ là do cách tư duy, tôi có thói quen luôn lật đi lật lại sự việc để tôi xem nó là cái gì. Có một ông thầy tôi đã dạy tôi như thế này, khi anh gặp một hiện tượng thì anh có thể bỏ qua, nhưng khi anh gặp một sự kiện giống như thế lần thứ hai thì anh nên quan tâm đến nó. Và khi anh gặp sự kiện thứ ba đúng như thế thì anh phải đi trả lời câu hỏi tại sao nó lại thế.

Cho nên tôi luôn nhìn sự vật như thế, thật ra những điều gọi là “Cây búa!” là tôi tếu thôi, để trong ngoặc kép, đánh dấu chấm than đàng hoàng chứ không phải là để khẳng định. Có một nhà nghiên cứu văn học khi đi giảng dạy ở một tỉnh xa lại nói, trong phê bình văn học bây giờ lại có một người tự nhận mình là cây búa.

Tin đến tai tôi và khi gặp nhà nghiên cứu nọ, tôi hỏi, anh định nói ai đấy, trong giới phê bình thì ai tự nhận là cây búa, anh chỉ em đích danh để em “tỉ thí” với ông ấy. Thế là nhà nghiên cứu này lảng đi chỗ khác. Mình đùa nghịch thế thôi, ai đó có bảo gì tôi cũng được, không sao cả. Nhưng điều quan trọng là tác phẩm.

- Theo quan điểm của anh, phê bình văn học là cái gì? Trước hết là cái gì?

- Đó là sự tiếp cận và lý giải về tác phẩm.

- Từ góc độ nào?

- Từ góc độ các lý thuyết khác nhau đối với phê bình hiện đại.

- Chứ không phải từ góc độ cảm nhận cá nhân theo kiểu bới lông tìm vết, cũng không phải cảm nhận cá nhân theo kiểu tô vẽ, đúng không anh, phải cố gắng khách quan?

- Đúng! Khách quan!

- Trong hoạt động của anh, với vai trò “Cây búa!”, anh nhận một cách đùa cợt thế thôi, anh có nghĩ bao giờ mình đã “ngộ sát” không? Cách đây vài hôm, tôi có đọc được tin bác sĩ riêng của Michael Jackson cũng bị kết án tù vì tội ngộ sát. Ở trong cương vị của anh, trong làng văn, anh đã bao giờ “ngộ sát” ai chưa?

- Tôi chưa…

- Đã bao giờ anh bị cảm giác rằng anh đã nặng lời với ai đó quá?

- Có lúc có ân hận về chuyện đó chứ. Có lúc là gọi điện cho nhau…

- Xin cảm ơn anh!

H.T.Q.
.
.