Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: Đừng để "quân hồi vô phèng"

Thứ Sáu, 28/02/2014, 14:22
“Không biết có nặng lời, võ đoán hay không nhưng tôi thấy một số lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam đang ở trong tình trạng “quân hồi vô phèng”, mạnh ai nấy làm, thích gì làm nấy?” - nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa trong cuộc gặp gỡ đầu xuân với phóng viên chuyên đề ANTG GT đã nhận xét như vậy khi đề cập tới thực trạng đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay.

- Hồng Thanh Quang: Có người bảo Tết cổ truyền càng ngày càng nhạt. Với tư cách là một người nghiên cứu văn hóa, bằng cảm nhận cá nhân, anh đánh giá thế nào về ý kiến này?

- Nguyễn Hòa: Tôi nghĩ, khi nhận xét như vậy, ai đó chủ yếu dựa vào không khí tết ở đô thị lớn, ít chú ý tới nông thôn - nơi có khoảng 70% dân số Việt Nam đang sinh sống. Ở nông thôn, những yếu tố làm nên niềm vui của ngày tết còn khá đầy đủ, cuộc sống sung túc, hiện đại hơn song nhiều tập quán cổ truyền vẫn được duy trì, và tôi tin là bà con không thấy tết nhạt. Mấy ngày tết, đi quá Hà Nội chục cây số là gặp không khí khác hẳn, đông vui, nhộn nhịp, xe máy phóng hàng đoàn, đường làng sạch sẽ, trẻ em hớn hở chạy qua chạy lại, tấp nập người đi chúc tết… “Vui như tết” không chỉ vì thời khắc tự nhiên giao hòa, mà còn là thời gian được nghỉ ngơi, đoàn tụ, thể hiện lòng tri ân với người đi trước, cầu chúc và ước mong điều tốt lành. Từ câu nói “Đói quanh năm no ba ngày tết” thì ngày trước tết còn là dịp ăn no, mặc đẹp,… Giờ đây, quá trình đô thị hóa làm tăng số cư dân đô thị có thời gian lao động ít nhiều đã được “lập trình”, nên nghỉ tết dài sẽ ảnh hưởng tới công việc. Với họ, nhiều món ăn trước đây chỉ có vào dịp tết như bánh chưng, giò chả nay có thể mua bất cứ lúc nào; rồi có thể mặc quần áo mới quanh năm, hai ngày nghỉ cuối tuần dành cho giải trí. Một thời, nhiều gia đình phải chờ đến tết cha mẹ, con cái, anh em mới được quây quần. Nay giao thông thuận tiện, rỗi rãi là có thể về quê, không về được thì có điện thoại, e-mail, hoặc Skype, Viber vừa nói chuyện vừa có hình ảnh, tha hồ thăm hỏi, chúc tết,... Sự xuất hiện của một số yếu tố mới này tác động trực tiếp đến ngày tết của cư dân đô thị, làm suy giảm sự hồ hởi, nên có người thấy tết nhạt.

- Gần đây đã xuất hiện ý kiến đề nghị sáp nhập lễ đón năm mới âm lịch vào dương lịch. Họ nêu ra không ít những lý do nghe rất hay ho và hợp lý nếu nhìn từ góc độ lý trí. Anh nghĩ sao?

- Ý kiến như thế thường là của cư dân đô thị, và tôi thấy là lạ khi có người lý giải việc cần gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch từ góc độ kinh tế. Đúng là nghỉ tết quá dài, nghỉ hai lần liền, rồi “tháng giêng là tháng ăn chơi”,… đưa tới một số hệ quả tiêu cực với một nền kinh tế có năng suất thấp. Nhưng tết là ngày vui, là nỗi bâng khuâng khi mùa đông qua và mùa xuân tới, nên không tiền nào mua được. Vả lại ăn tết rồi phải đợi cả tháng sau mới có mưa xuân lây phây, cây cối mới đâm chồi nảy lộc thì còn gì là đón xuân! Chưa nói, gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch thì sẽ tính sao với Hàn thực, Đoan ngọ, Xá tội vong nhân, Trung thu,…? Tết Nguyên đán theo dương lịch, còn các tết đó lại theo âm lịch thì hơi khôi hài. Nếu các tết này cũng tổ chức theo dương lịch, liệu tới Trung thu nào đó sẽ không những không có trăng tròn mà trăng lại mọc vào lúc “20 giấc tốt, 21 nửa đêm”!?

- Ngày trước học giả Phạm Quỳnh từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Cá nhân tôi nghĩ rằng, Tết cổ truyền còn, thì tinh thần dân tộc Việt còn. Tôi có cực đoan quá hay không?

- Tôi không thấy có gì cực đoan, vì qua đó tôi biết bạn là người rất yêu tết, bạn có quyền yêu như thế. Tôi chia sẻ với bạn, bởi tôi cũng coi Tết Nguyên đán là một yếu tố làm nên bản sắc của dân tộc mình. Ai đó đang muốn gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch thì nên tham khảo ý kiến của Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki: “Còn ngày nay, đang có một luồng dư luận tại Nhật cho rằng nên khôi phục Tết Nguyên đán cổ truyền… Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện “chúng ta là ai?”…

- Ấn tượng sâu đậm nhất về những ngày Tết Giáp Ngọ vừa qua, và điều gì khiến anh thích thú, điều gì khiến anh chưa hài lòng?

- Mấy chục năm nay, đêm nào tôi cũng ra đường trước lúc giao thừa; rồi đi bộ một mình giữa trời se se lạnh, mưa lất phất bay, để tận hưởng khoảnh khắc mà năm nào tôi cũng thấy bâng khuâng. Khi đó sự hối hả, tất bật, nỗi lo toan hàng ngày như đã biến vào đâu đó, chỉ còn lại tâm trạng sảng khoái rất khó nói thành lời. Giao thừa năm nay tuy thiếu mưa phùn, nhưng với tôi, cái không gian “có vẻ thiêng liêng” ấy vẫn nguyên vẹn. Lâu rồi tôi không ra Bờ Hồ vào đêm giao thừa, song qua vô tuyến truyền hình thấy hàng vạn, hàng vạn người hồ hởi, chan hòa, người lạ mà bỗng thành người quen,… là tôi hiểu, đó là điều chúng ta không thể đánh mất. Còn chưa hài lòng, có lẽ đó là chuyện ngày mồng 2 Tết tôi đến cơ quan dự giao ban đầu năm. Tới một ngã tư gặp đèn đỏ, tôi dừng xe. Bỗng có tiếng gắt sau lưng, ngoảnh lại thấy hai cô cậu đầu không đội mũ bảo hiểm, đèo nhau bằng xe ga phân khối lớn, đang gằn giọng đề nghị tôi dẹp xe máy sang một bên để họ… vượt đèn đỏ!

- Anh nghĩ sao về ứng xử của chính quyền thủ đô đối với “phố ông đồ”?

- Có lẽ gần 10 năm rồi, “phố ông đồ” tại vỉa hè Văn Miếu đã trở thành một địa chỉ văn hóa của người đi chơi tết ở Hà Nội. Kể cũng vui, khi Nho học và chữ Hán ở Việt Nam đã rất mờ nhạt thì xin chữ lại trở nên thịnh hành. Mà nói là xin chữ cho “sang” chứ bản chất là quan hệ mua - bán, vì người xin chữ vẫn trả tiền. Thêm nữa, hình như xin chữ - cho chữ là một mỹ tục nay bị trần tục hóa để cầu may mắn, và không phải ai cũng biết thưởng thức tính thẩm mỹ của cái chữ được cho. Trước Tết Giáp Ngọ, thành phố Hà Nội quyết định rời “phố ông đồ” vào khu vực Hồ Văn, nhưng qua Văn Miếu, tôi thấy xem ra quyết định cũng ít sức nặng. Trên vỉa hè Văn Miếu vẫn nhấp nhô các loại lều quán, giấy đỏ giăng hàng, người người chen chúc, đôi chỗ hơi luộm thuộm. Phải chăng một quyết định chưa thuyết phục được dân chúng, vì nhà chức trách thấy nhốn nháo thì sắp xếp lại, không điều tra nhu cầu của người đến dự để giúp tìm ra cách thức tồn tại của “phố ông đồ”? Dù mục đích xin - cho chữ thế nào thì “phố ông đồ” vẫn là hoạt động văn hóa ra đời từ nhu cầu văn hóa của dân chúng. Vậy cần ứng xử với “phố ông đồ” như là ứng xử với hoạt động văn hóa chứ không phải đưa vào khu vực Hồ Văn để hưởng lợi từ một phái sinh là thu tiền thuê kiôt! Vỉa hè cũng có cái thú vị của nó, vấn đề là tổ chức hoạt động ra sao.

- Anh có thấy một khi chúng ta muốn khôi phục lại những hoạt động văn hóa dân gian trong lễ hội nhưng làm không tới trên phương diện tổ chức và lại quá duy lợi về mặt vật chất thì tất yếu chỉ nhận được những biến thái không lành mạnh?

Lễ hội làng Đồng Kỵ. Ảnh: Minh Trí

- Xưa kia, lễ hội cổ truyền thường có hai thành phần: lễ và hội. Lễ là chuỗi các hoạt động hướng tới “cái thiêng” tổ chức ở trung tâm lễ hội để khẳng định ý nghĩa, vai trò, bày tỏ lòng thành kính đối với giá trị mà lễ hội hướng tới (như Vua Hùng, Thánh Gióng,…). Hội là các hoạt động ngoài lễ, tổ chức sau khi lễ kết thúc, dành cho người dự lễ hội, gồm văn nghệ, thể thao, trò chơi,… Khi “cái thiêng” còn chi phối đời sống tinh thần, xã hội ít hoạt động vui chơi, giải trí, con người có nhiều thời gian rỗi, thì lễ hội trở nên hấp dẫn vì chí ít cũng đáp ứng được hai nhu cầu là: hướng tới “cái thiêng” và vui chơi, giải trí. Vì thế mới có câu “đông như trảy hội”. Ngày nay, phương tiện, điều kiện vui chơi, giải trí phong phú, đa dạng hơn trước rất nhiều. Nhưng đến mùa xuân, cả nước vẫn tấp nập trảy hội, và sau khi dự lễ hội, hầu như không thấy người ta kể xem gì, chơi trò gì, mà lại hồ hởi với “cành lộc”, “tiền lộc”, hay chia nhau “ấn” và “bùa”! Đến các lễ hội cổ truyền được tổ chức hay phục dựng, đập ngay vào mắt là tình trạng “cái thiêng” lên ngôi, cầu xin may mắn. Người ta chen chúc, rồi mắng chửi nhau để len đến cạnh ban thờ. Người ta rải tiền, thắp hương ở mọi chỗ họ tin là “linh thiêng”. Năm ngoái, dự hội chùa nọ về, chị tôi kể: Có một ban thờ mới sơn, còn ướt, nhà chùa dán tờ giấy có chữ “sơn ướt” để lưu ý, thế mà có người lại đứng lom khom để… “lạy cụ Sơn Ướt”!

Lễ hội cổ truyền thường gắn với chu kỳ một năm của tự nhiên, và đa số hoạt động văn hóa dân gian trong lễ hội cổ truyền đều là sản phẩm văn hóa - văn minh nông nghiệp, khá tương ứng với tiết tấu chậm của sự vận hành xã hội nông nghiệp có quỹ thời gian rỗi tương đối nhiều. Tổ chức, phục dựng lễ hội cổ truyền mà không chú ý tới đặc điểm trên để tổ chức sao cho phù hợp với một xã hội đã phát triển ở trình độ mới, sẽ đẩy tới nghịch lý bi hài là: Chúng ta vừa cố gắng xây dựng lối sống công nghiệp, lại vừa cố gắng tổ chức các hoạt động của xã hội nông nghiệp cổ truyền để dân chúng tham gia!

- Những phục hồi nào trong lễ hội hiện nay mà anh thấy là không phù hợp? Đành rằng vật chất có vai trò quyết định, nhưng liệu có nên quá khích lệ trào lưu chạy đua theo những giá trị vật chất như hiện nay?

- Như đã nói, lễ hội cổ truyền là sản phẩm của nền văn hóa - văn minh nông nghiệp, phù hợp với nhu cầu của thời kỳ lịch sử đã khai sinh ra nó. Lễ hội cổ truyền là tài sản văn hóa cha ông trao lại, nhưng muốn tài sản ấy vẫn có ý nghĩa trong thời đại mới, phù hợp với nhu cầu văn hóa mới, thì phải cải biến và phát triển. Có lẽ nên coi việc phục dựng, phục hồi lễ hội cổ truyền chủ yếu để người hôm nay biết vốn như thế nào, chứ không phải để thực hành. Giống như áo tứ thân, nón quai thao,… nay chỉ để trình diễn, trưng bày trong Bảo tàng Dân tộc học, chứ có ai mặc khi đi đường, hay làm việc? Lễ hội có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương, nhưng nếu vì vậy mà đưa tới sự lên ngôi của hiện tượng mê tín thì có thể biến tâm thế hướng thiện, sự gắn kết cộng đồng, niềm vui được giải tỏa,… thành nạn nhân của thói trục lợi cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi nghĩ, không có gì đáng tự hào nếu coi sự lên ngôi của “cái thiêng” là giữ gìn, phát huy bản sắc!

- Theo một thống kê thì ở nước ta hiện nay có tới trên tám nghìn lễ hội trong một năm. Theo anh, thế đã là đủ chưa hay là còn ít?!

- (Cười): Thế là quá nhiều rồi! Sẽ là lãng phí thời gian lao động rất lớn nếu hằng năm nhân dân cả nước, cư dân các vùng, miền,… đến dự các lễ hội đó. Hơn nữa, sự tồn tại của hơn 8 nghìn lễ hội, trong đó có tới hơn 80% là lễ hội cổ truyền tồn tại trong thời gian dài, còn là bằng chứng cho thấy lối sống ít nhiều có tính chất nông nghiệp vẫn giữ vị trí nhất định trong xã hội.

- Anh cũng như tôi, chúng ta đều là những người có tín ngưỡng. Nhưng anh có cảm thấy bất an trước xu hướng đề cao vai trò của một số hoạt động tín ngưỡng lại thiên về hoành tráng hình thức chứ không hướng về các tiêu chí tu thân theo phương châm kiềm chế dục vọng, chi dùng để gia tăng phúc lợi chung? Nói thẳng ra, làm như vậy là không đúng với ý nghĩa nguyên thủy của vai trò tín ngưỡng trong đời sống con người. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?

- Niềm tin tâm linh là thế giới nội tâm riêng của mỗi người, hướng họ tới suy nghĩ trong sáng, và hành động lương thiện. Với cộng đồng những người chung một niềm tin tâm linh cũng vậy, cái chung là nền tảng để mọi người chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Do ảnh hưởng rộng, số tín đồ đông, nên một số tôn giáo lớn cần tới hình thức hoạt động ở phạm vi xã hội. Nhưng, dù diễn ra trong gia đình, họ tộc, làng xã hay trong phạm vi xã hội thì niềm tin tâm linh vẫn không phải là giá trị để quảng bá khoa trương. Xã hội xác nhận niềm tin đó qua sự thực hành đức tin, chứ không phải được triển khai rầm rộ như thế nào. Về phần mình, tôi chưa bao giờ tin cậy các hoạt động có tính khoa trương, nhất là khoa trương trong tín ngưỡng - tôn giáo.

- Có học giả nói rằng, trong tương lai không xa, những nguyên nhân chính có thể làm bùng nổ mâu thuẫn dẫn đến đụng độ xã hội phần nhiều sẽ bắt nguồn từ những va chạm truyền thống văn hóa. Và tới một ngày không đẹp giời nào đó, có thể chỉ vì chuyện có nên duy trì Tết ta hay không cũng sẽ là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng xã hội. Anh nghĩ thế nào?

- Trong cuốn sách Cuộc chiến giữa các nền văn minh, S.P. Huntington dự báo sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, mâu thuẫn giữa các nền văn minh sẽ thay thế mâu thuẫn giữa các thể chế và quốc gia, có thể đẩy tới xung đột. Tôi lại nghĩ, không thể đẩy tới mâu thuẫn vì đã là văn hóa thì phải mang tính nhân văn, còn văn minh là trình độ khoa học, kỹ thuật con người đạt được. Mâu thuẫn chỉ nảy sinh khi người ta sử dụng văn hóa - văn minh để phục vụ ý đồ không hướng tới chân - thiện - mỹ. Giả dụ ngày nào đó, có cuộc tranh luận nên giữ Tết Nguyên đán hay không cũng sẽ không đến mức gây căng thẳng trong xã hội. Cái gì hợp lý và được đồng thuận sẽ có khả năng tồn tại, cái gì không hợp lý và không được đồng thuận thì chưa cần tới biện pháp hành chính cũng sẽ tự mất đi. Vả lại, với tâm lý dân tộc mình, khó có thể xảy ra các cuộc tranh luận gay gắt có thể làm xáo trộn xã hội; tranh luận thường chỉ xảy ra trong giới trí thức, nhưng lâu rồi tôi chưa thấy có cuộc tranh luận nào khả dĩ thuyết phục và đưa lại kết quả hữu ích!

- Liệu chúng ta có thể xây dựng được một hệ thống tiêu chí rành mạch, thống nhất trong việc nghiên cứu và xem xét nên bỏ những gì trong lễ hội truyền thống và nên giữ những gì?

- Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này với điều kiện là phải có đội ngũ nhà nghiên cứu, chuyên gia giỏi. Nhưng thú thực là tôi rất thiếu niềm tin vào một số người được coi là chuyên gia văn hóa hàng đầu. Bạn nghĩ sao, khi phóng viên đề nghị nhận định về sự kiện cha con ông Hồ Văn Lang từ rừng trở về, một vị giáo sư tiến sĩ nổi tiếng về văn hóa nói: “Hiện tượng một người đang sống trong thế giới bình thường rồi vì một lý do nào đó mà bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài luôn là những trường hợp cá biệt, nhưng đây đó trong lịch sử nhân loại không phải là không có. Những trường hợp kinh điển mà mọi người đều biết có thể kể đến là trường hợp cậu bé Tarzan hoặc Robinson Crusoe”!? Đây là điều kỳ quặc nhất mà tôi đã đọc gần đây. Bởi Tarzan, Robinson Crusoe là nhân vật hư cấu của điện ảnh, văn học chứ không phải là hiện tượng của lịch sử nhân loại! Để xây dựng hệ thống tiêu chí như bạn đề cập, thử tổ chức một cuộc thảo luận thế nào là truyền thống, thế nào là cổ truyền… thôi, tôi tin là có khả năng sẽ xảy ra một cuộc “tao ngộ chiến” đầy cam go theo phong cách “ông nói gà, bà nói vịt”!?

- Thực tế cho thấy, chúng ta đang gặp không ít khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của nền văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong cơ chế thị trường đang còn rất nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước như hiện nay. Và trách nhiệm trong vấn nạn này không phải từ phía xã hội, mà là ở cung cách quản lý... Điều đó đúng đến đâu trong góc nhìn của anh?

- Hình như hiện tại, văn hóa đang là món “khoái khẩu” của một số vị mỗi khi đăng đàn trước công chúng. Nghe họ nói, tôi hiểu họ “xài lại” vì chưa ngấu vài ba kiến thức thu thập được trong trường họ đã học qua, và tôi tin họ sẽ ấp úng nếu hỏi cặn kẽ về điều họ nói. Để tổ chức, quản lý việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cha ông trao lại cho chúng ta, trước hết cần phải hiểu văn hóa là gì, văn hóa dân tộc là gì, văn hóa đó trải qua quá trình phát triển như thế nào, đặc điểm ra sao; đặc biệt phải nắm bắt được nhu cầu và bối cảnh lịch sử dẫn tới sự ra đời của từng loại giá trị văn hóa. Đồng thời phải nghiên cứu để cố gắng xác định một cách chính xác nhu cầu và xu hướng vận động của văn hóa hiện nay, vì các giá trị được bảo tồn, phát huy chỉ có ý nghĩa khi tìm được tiếng nói chung với văn hóa đương đại. Còn nữa là cái riêng của mỗi loại nhu cầu văn hóa và thiết chế tương ứng,… Tóm lại, đây là công việc cần tổ chức ở quy mô quốc gia, không thể tiến hành bằng cách lắp ghép nhiều mảnh lại với nhau.

- Có ý kiến cho rằng truyền thông hiện nay cũng có phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm rối rắm thêm những tiêu chí văn hóa. Có đúng vậy không anh?

- Vài tháng trước, xem một chương trình truyền hình, thấy anh dẫn chương trình giải thích “cối xay gió” là hệ thống gồm cánh quạt, hệ thống truyền dẫn để biến sức gió làm cánh quạt quay thành điện năng, cu Bình nhà tôi đã phá ra cười và bảo: “Thế thì Hà Lan là nước đầu tiên làm ra điện”! Phải nói rằng việc thiếu am hiểu, thiếu tri thức, thiếu khả năng xử lý vấn đề văn hóa được đề cập trong bài báo đang là hiện tượng đáng quan ngại. Trước đây, tôi còn ngạc nhiên vì thấy báo chí đăng bài đại loại như giới thiệu “nghi lễ bún chả” (!), coi áo tứ thân có xuất xứ từ áo cánh (!),... Dần dà, tôi không còn ngạc nhiên khi thấy chỉ vì một cái túi, một cái váy, một câu nói vô duyên mà có nhà báo đã bị “choáng, sốc, nhức mắt”! Khi nhà báo lấy giật gân làm trọng, ít quan tâm tới tri thức và tác động của bài báo, sẽ không chỉ làm rối tiêu chí văn hóa mà còn tạo cơ hội để sự thiếu văn hóa lên ngôi.

- Anh có cảm giác rằng xã hội chúng ta đang ở sát ngưỡng của một cuộc khủng hoảng không hề nhẹ nhàng chút nào về văn hóa không? Và vì sao?

- Tôi không chỉ có cảm giác mà đang được thực chứng một cuộc khủng hoảng. Sự nhiễu loạn hệ thống giá trị văn hóa, đẩy tới cuộc khủng hoảng lựa chọn văn hóa một cách toàn diện - đó là sự thật đang xảy ra. Sự nhiễu loạn, và cuộc khủng hoảng đó không xuất hiện một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ là kết quả từ tác động của quá trình giao lưu, hội nhập kinh tế và văn hóa với thế giới, mà trước hết, là vai trò của yếu tố chủ quan, từ các thế hệ chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, lãnh đạo văn hóa. Nói cách khác, là từ vai trò của những thế hệ có tư cách chủ thể văn hóa. Như người xưa nói, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đối diện với cuộc khủng hoảng văn hóa, chúng ta không nên chỉ hướng ánh mắt ra bên ngoài, tìm lý do từ ngoại cảnh, mà phải nhìn thẳng vào chính chúng ta, với tất cả hay - dở, đúng - sai, sáng suốt - sai lầm. Tôi mới hoàn thành bản thảo của cuốn sách Chuyển dịch văn hóa và cuộc khủng hoảng lựa chọn, viết về cuộc khủng hoảng văn hóa chúng ta đang phải trải qua, hy vọng nếu phát hành, sẽ đóng góp một điều gì đó.

- Trong nghệ thuật, các biểu hiện khủng hoảng này đã bộc lộ như thế nào?

- Có thể nhận diện cuộc khủng hoảng nghệ thuật từ tình trạng cả chục năm rồi các hội nghệ thuật đều trao giải thưởng, từ sàn diễn, quầy sách đến gallery,… luôn có tác phẩm mới, nhưng không có tác phẩm nào làm dư luận xôn xao, buộc công chúng phải đọc - xem - nghe, khiến nhà phê bình nghệ thuật phải đỏ mặt vì không phát hiện được. Tập hợp các yếu tố như: nghệ sĩ thì tài năng hạn chế, thiếu năng lực sáng tạo; các “ông bầu, đầu nậu” thì coi tiền hơn nghệ thuật; lại được sự hỗ trợ của một số nhà báo không cần phân biệt hay dở,… đã làm nên một bức tranh nghệ thuật nham nhở, sáng - tối lẫn lộn, nhan nhản sản phẩm a dua, học đòi, bắt chước. Trong văn học, ngày nào một số nhà phê bình xúm xít tán dương Linglei để tiếp sức cho Điên cuồng như Vệ Tuệ, Người đàn bà “quậy”, Búp bê Bắc Kinh,… đứng san sát trên quầy sách; tới khi Linglei nhạt trò ở chính nơi sinh ra, không thấy họ múa bút viết tụng ca. Sau đó, thấy người ta xuất bản truyện ngôn tình, là không chỉ thi nhau dịch và xuất bản Dựa vào hơi ấm của em, Em đồng ý gọi anh là chồng, Ly hôn 365 lần,… mà văn sĩ xứ ta cũng sản xuất ra Cocktail cho tình yêu, Phải lấy người như anh, Người xa lạ và em, Giám đốc và em, Hoàng tử và em,... Lý giải tại sao “âm nhạc Việt Nam ngày càng đi xuống”, nữ ca sĩ nọ cho rằng vì bản quyền bị xâm phạm. Nói như thế, có lẽ ca sĩ quên là năm 2012 chị đã từng bị phạt 3,5 triệu đồng vì “mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam”, và bốn năm liền chị lọt vào danh sách “nghệ sĩ ăn mặc phản cảm”, chẳng lẽ các sự kiện đó không góp phần làm âm nhạc Việt Nam đi xuống?! Không biết có nặng lời, võ đoán hay không nhưng tôi thấy một số lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam đang ở trong tình trạng “quân hồi vô phèng”, mạnh ai nấy làm, thích gì làm nấy.

- Có ý kiến cho rằng các biểu hiện của khủng hoảng văn hóa tất yếu dẫn tới quá trình suy thoái về đạo đức. Và một trong những căn bệnh trầm kha của người Việt hiện nay là sự vô cảm. Anh nghĩ sao?

- Đạo đức là yếu tố cấu thành của văn hóa, nên cần nói ngược lại: Sự suy thoái đạo đức đã góp phần đẩy tới một cuộc khủng hoảng văn hóa. Thời chiến tranh, do phải hợp sức để đấu tranh vì vận mệnh dân tộc mà thói ích kỷ tiểu nông tư hữu phải “đào sâu, chôn chặt” trong suy nghĩ, hành động. Đến nay, mọi người có điều kiện lo cho lợi ích của riêng mình thì thói xấu trỗi dậy. Theo tôi, các thói xấu từng được người xưa khái quát như: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, “Của mình thì giữ bo bo - Của người thì để cho bò nó ăn”, “Trâu buộc ghét trâu ăn”,… đang phóng chiếu qua hành xử của nhiều người. Khi mỗi người chỉ chăm chăm với lợi ích của bản thân mình, không quan tâm tới lợi ích của người khác, thì thói vô cảm càng có cơ hội hoành hành.

- Tôi thì tôi thấy người Việt không có quá nhiều đức tính tốt so với các dân tộc khác, nhưng cũng không có quá nhiều tật xấu so với dân tộc khác. Gần đây xuất hiện trào lưu ở một số trí thức rất thích chấn hưng dân tộc bằng cách nhấn mạnh vào cái gọi là “người Việt xấu xí”. Cá nhân tôi cho rằng không nên làm như thế, vì xỉ vả không phải là phương thức tốt để người khác nhận thức được các điểm yếu của mình và sửa chữa. Quan điểm của anh về vấn đề này?

-“Nhân vô thập toàn”, nhìn rộng ra thì dân tộc nào cũng có cái hay - dở riêng. Tuy nhiên, không dân tộc nào có thể phát triển bằng các tật xấu, mà chỉ có thể phát triển từ những đức tính tốt. Nhận thức đúng về dân tộc, trước hết phải là nhu cầu tự thân và toàn diện, không vì thấy ông Bá Dương viết Người Trung Quốc xấu xí thì cũng đua theo để bàn về “Người Việt Nam xấu xí”! Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ chuyện ngày trước trong cuộc phỏng vấn một tác giả hàng đầu của trào lưu bàn về “thói xấu của người Việt”, khi phóng viên hỏi đại loại ông có thói xấu hay không, tác giả nọ liền đứng dậy bỏ về, và tôi coi việc bỏ về kia cũng là một thói xấu! Khen nức nở hoặc ỏng eo chê bai dân tộc mình đều là cực đoan. Phải nhận ra tật xấu để khắc phục, không thể chỉ thích tự khen hoặc chỉ muốn được khen, để khi nghe nói về tật xấu là bức xúc. Không có quốc gia - dân tộc được xem là phát triển chỉ bằng các tiêu chí kinh tế, phát triển phải được đánh giá bằng hệ thống tiêu chí toàn diện. Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần thẳng thắn nhận diện dân tộc mình, để từ đó tìm ra lời giải cho bài toán cần làm gì để đất nước phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn anh!

H.T.Q.
.
.