Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo: Người tình không bỏ được

Thứ Ba, 29/05/2012, 23:25
“Bây giờ, có thể tôi đã dứt được bạn tình, những người phụ nữ đã đi ngang cuộc đời tôi, rồi họ bỏ đi cả rồi. Chung thủy với tôi còn lại là người tình điêu khắc, tôi vẫn ăn ngủ sống chết với nàng. Chính nàng mới gọi ra tên tôi đích danh - Tạ Quang Bạo. Nếu không, tôi mãi mãi chỉ là anh nông dân mà thôi.

Nàng điêu khắc của tôi đương nhiên vẫn sống trong bảo tàng mỹ thuật trong nước và nước ngoài. Bây giờ tôi còn có mặt với bảo tàng trong chính ngôi nhà của mình. Gần hai trăm bức tượng, chưa kể hàng chục bức tượng lớn nhỏ khác, sừng sững ở các tỉnh trải khắp Tổ quốc này…”.

Hai năm trước, sau đợt tai biến mạch máu não, điêu khắc gia Tạ Quang Bạo đi bằng ba chân, một gậy sắt, tập tễnh như trẻ nhỏ, ông lại bắt đầu tập đi.

Chuyện về nghề điêu khắc, ông  như thu hút ngay vào nam châm, như chất ma men. Nhiều năm ông sống bằng phở không người lái, bằng bánh mỳ và bằng các món ăn nhanh, cốt sao no bụng, còn lại dành hết thời gian cho điêu khắc. Với  những dụng cụ, một chiếc bay, một chiếc nạo nhỏ, một con dao, từ đó mà sáng tạo qua đất sét. Mùa đông giá buốt, cũng như cuối thu hanh hao lạnh, đôi tay lấm đất suốt ngày bành bạch, bành bạch, nặn và đập, đập và vỗ, rồi cấu véo, khoét, cắt gọt đất. Lúc nào cũng tay lấm, quần quật như thợ phu hồ.

Nghề điêu khắc đòi hỏi gắt gao sự lao động sáng tạo nhọc nhằn nhất, trong sáng tạo nghệ thuật, tay vẫn dính đất, nếu không nặn, đập, thêm bớt  đất làm sao ra hình hài tượng, người. Gần nửa thế kỷ gắn với đất sét, tâm tính Tạ Quang Bạo cũng quánh lại. Anh bảo: “Tôi cưới vợ quê, tuổi 19, hay 20 gì đấy, khi chưa biết yêu đương là gì, ít chữ nó thế. Rồi có con, rồi trách nhiệm làm cha. Đến năm bốn mươi tuổi, có học rồi, có ít chữ nghĩa, thấm tháp, rồi  mới  hiểu thế nào  là tình yêu. Khổ cái, là khi tôi yêu cũng phải yêu trộm, chứ đàng hoàng làm sao được, mình là đảng viên nữa nhé. Yêu đương lại cứ nghễnh ngãng, ngu ngơ, thế là từng bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng”. Tạ Quang Bạo cười buồn: “Cậu có tin hay không thì tùy, bao nhiêu lần tôi muốn chết mà không biết chết bằng cách nào. Đó là sự thật. Nhưng phải thừa nhận rằng, tình yêu cũng là một thứ men nó làm cho ta thăng hoa, nó làm cho tượng những người lính dịu hơn trong đường nét hình khối, đường nét tình cảm và quả cảm”.

Cảm xúc của điêu khắc nó bền chứ không chớp nhoáng, khi đã nghĩ ra ý tưởng thì việc làm cốt bằng đất sét, sau đó mới có thợ đổ thạch cao, đổ đồng, đục đá, đục gỗ, tùy theo chất liệu mình sáng tạo. Lao động này, một nghề rất cực nhọc, nhưng so với hồi làm lính ở Trường Sơn, cũng còn đỡ khổ hơn.

Những năm 1971-1975, ở Trường Sơn, chiến trường miền Trung Trung Bộ, Tạ Quang Bạo phải lấy đất tổ mối trong rừng mà nặn phác thảo. Những nhà điêu khắc gắn sao trên mũ, có mơ cũng không dám nghĩ đến tượng đồng, tượng đá, thạch cao, dù vẫn không ngừng sáng tạo trong mọi hoàn cảnh gian khó và ác liệt của chiến trường, chỉ ước làm tượng gỗ là may mắn lắm rồi.

Sau khi trở về hậu phương, năm 1980, Tạ Quang Bạo làm tượng đài Đảo tiền tiêu. Với Tạ Quang Bạo, đây là tác phẩm ám ảnh anh nhiều năm nhất. Từ ý tưởng, người lính nối đất liền với đảo chính là nỗi day dứt khôn nguôi, Tạ Quang Bạo nhìn ra nỗi cô đơn của người lính đảo với sóng gió, với biển cả mênh mông. Họ hy sinh vô bờ  bến cho Tổ quốc và nhân dân.

Không có ai có thể sống và chịu hy sinh nhiều bằng người lính. Tượng Đảo tiền tiêu của Tạ Quang Bạo làm trong suốt 8 năm. Đó là tượng làm lâu nhất, sáng tạo kỹ nhất; rồi đến tượng có tên Vọng Phu, tượng người vợ lính chờ chồng, tượng mẹ con, tình yêu, tượng bà cháu. Những thân phận hiện lên trên đá, trên đồng, trên thạch cao, bằng chất liệu nào, Tạ Quang Bạo cũng thể hiện giản dị, và nét khắc họa dành cho người xem sự cảm nhận, tinh tế.

Một số tác phẩm trưng bày của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.

Hình khối trong tượng thoáng đạt, người xem đọc được ý nghĩ nội hàm của điêu khắc Tạ Quang Bạo, bằng cách nhìn biểu cảm riêng biệt. Tượng của ông không giống một ai. Một phong cách Tạ Quang Bạo. Họa sĩ Hoàng Đình Tài nhận định: “Tượng của Tạ Quang Bạo mấp mé ranh giới giữa hiện thực và siêu thực, tác phẩm mang dáng dấp hiện đại chứ không cổ điển”.

Tạ Quang Bạo đọc nhiều, ông nể trọng lao động của danh họa Mychenlangelo, thích sự điên loạn của Van Gogh, mê đắm sự bay bổng của Sagan, phục tài Picasso.

Được  hỏi về hội họa trong nước ông thích ai? Ông đáp: “Thích họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, phục Nguyễn Sáng, nể trọng điêu khắc Nguyễn Hải, Lê Công Thành”. Rồi cuối cùng khi học chán, đọc chán, đi chán thì ngồi bành bạch, đập đập, vỗ vỗ đất sét chơi, nó sẽ ra cách nghĩ của riêng Tạ Quang Bạo.

Ông  bảo: “Khi ngộ ra,  trời cho mình mỗi việc nặn tượng, thì mình chuyên nặn tượng. Ăn ngủ vì tượng, suốt ngày vầy đất sét. Đất sét cũng gắn bó với ông như người tình, thở hơi thở của đất, của đá, của đồng và của thạch cao”.

Đất sét tạo ra cho ông những cảm hứng sáng tạo, những tia chớp lóe lên cũng từ đất sét. Có những bức tượng đất sét Tạ Quang Bạo đứng phía dưới thấp nhỏ, phải nhờ đến cả chiếc thang mà leo lên đập đất nặn người. Lại có những bức tượng nhỏ như quả bầu đổ lên bức tượng lớn. Mỗi nghề đều có một đặc thù riêng, nhưng tôi dám chắc nghề điêu khắc không có sức khỏe thì khó trụ vững. Tạ Quang Bạo nhớ lại thời còn đeo quân hàm thượng úy, năm tháng chuyên ăn phở bụi, ăn mỳ chay trừ bữa, kéo dài hàng năm dòng. Lương tháng chỉ đủ vài bữa rượu của lính, còn lại thì bánh mỳ chay, hạt bo bo, nước lọc, thế mà tượng đài vẫn cứ làm ngon lành. Thế mới biết đời sống tinh thần luôn luôn quyết định sự nghiệp của ông.

Nghề điêu khắc không nhẹ nhàng, nhưng nghề đã giúp ông đặt chân khắp đất nước, từ Hòn Đất, Cà Mau đến các vùng xa xôi hải đảo. Khi ở ngã ba sông Chảy, khi ở cao nguyên gió ngàn, Tạ Quang Bạo đã đi và tìm những ý tưởng mới, tìm những chất liệu đá để phủ lên tượng đài sau chiến tranh một trong nhiều gương mặt bà mẹ Việt Nam, một trong nhiều người lính binh nhì Việt Nam trong chiến tranh không gì có thể thay thế vẻ đẹp bi hùng của điêu khắc.

Tạ Quang Bạo có hẳn một không gian lớn dành cho  bảo tàng những tác phẩm điêu khắc  sáng tác của riêng ông. Nhiều bức tượng ông không bán. Nhiều bức  không đứng trong bảo tàng chiến tranh mà ăn ở cùng với ông. Ngay cả trong phòng ngủ, Tạ Quang Bạo cũng dành một bức tượng đá trắng, nuột, và tĩnh, ẩn khuất sự đơn độc của nghệ sỹ.

Từ nơi ăn, chốn ngủ đến hành lang, góc chờ, phòng trưng bày tượng, hình như chốn nào cũng thấy Tạ Quang Bạo đang nghĩ, đang tìm kiếm một không gian cho tượng “salon”,  hay cho tượng đài? Sau nhiều ngày tháng tập đi, ngỡ “Bạo tàn”, họa sĩ cười lớn cãi: “Bạo chưa tàn”. Phải thêm từ, vì ông  đang phác thảo tượng Chu Văn An, thêm nữa, còn phác thảo trong đầu những hình khối, nên đổ chất liệu gì thì hợp với tác phẩm này, rồi  phải sớm đặt mua đất sét, phải sớm đặt mua đồng, hay đá.

Chất liệu đồng thì mua ở Ý Yên, Nam Trực, Nam Định; đá  trắng, đỏ, đen, thì mua ở Ninh Bình, Thanh Hóa. Quê ông, bên bến sông đò Lèn, chợ sông Lèn, xứ sở vùng quê với điệu hò sông Mã làm nên bao gương mặt sáng giá trong hội họa  và trong điêu khắc.

Tạ Quang Bạo lại thở dài, ông nhớ về thời trẻ trai, trên người chỉ có một bộ quần áo, lên Hà Nội thi vào Trường Đại học Mỹ thuật, một thời chỉ mơ có bát cơm gạo trắng để ăn đỡ thèm cơm mà mãi không có bát cơm gạo trắng. Đến khi có cơm ăn thì phải biết dành thời gian, chỉ ăn phở chay và bánh mỳ chay để nặn tượng. Giờ không ước cơm phở mà chỉ ước được đi nhanh mà không đi được. Bao nhiêu sự có lý nằm trong sự vô lý của cuộc đời. Nhưng có một sự vô lý nhất là khi ông vào nghĩa  trang Đường 9 làm tượng vô danh và có danh. Khi rời nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, ông tự hỏi: “Vì sao chiến sỹ ta hy sinh nhiều đến vậy, xã hội hiện đại đang xuất hiện nhiều kẻ tham nhũng đến vậy. Máu của người  lính đổ xuống sao mà vô lý. Kẻ  bệnh tật như mình nhưng đầu óc chưa đến nỗi tật bệnh cứ tự hỏi, cứ tự trả lời, để tính làm bức tượng gì nhỉ  sau chiến tranh cho người lính vô danh và có danh kia, chẳng lẽ chúng ta đang cào bằng, chẳng lẽ chúng ta đang mắc bệnh vô cảm”.

Những anh lính vô danh, mộ đá vẫn xếp thẳng hàng trong nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị. Họ đã hy sinh cao cả vì Tổ quốc vì hoà bình. Họ hi sinh cao cả cho không ít kẻ độc chiếm ngôi vị bằng bằng giả, và tri thức giả. Mọi thứ giả còn chữa trị được. Nhưng tri thức giả, nó nguy hại, tồn vong sang cả một thế hệ khác, tồn vong sang cả nền văn hóa có truyền thống ngàn đời tốt đẹp. Văn hóa có thể bị mai một không, bị pha loãng không, đơn giản, có  khi người đang cao giọng ở diễn đàn, có khi lại đang diễn một trò ảo thuật.

Các bức tượng câm nín mà không câm nín. Nó biểu cảm theo cách riêng. Theo cách nghĩ của Tạ Quang Bạo, anh cài được ý tưởng, xương thịt sẽ hiện lên trong phác thảo.

Cũng có nhiều khi nhìn sâu vào giá trị của bảo tàng cá nhân, Tạ Quang Bạo cho rằng, ông đã muốn mai danh ẩn tích. Càng sáng tạo càng đơn độc. Nhưng biết làm sao, trời cho nặn tượng thì chuyên nặn tuợng thôi. Chắc tay mình dính đất thường ngày để rồi sớm mai kia được chìm trong đất. Nhưng ít ra, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày người tình điêu khắc của Tạ Quang Bạo, ông sẽ chung thủy với người tình điêu khắc cho đến hơi thở cuối cùng

Hoàng Việt Hằng
.
.