Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hòa Bình: Cùng một lứa bên giời lận đận

Thứ Tư, 08/08/2012, 16:00
Tôi gặp Nguyễn Hòa Bình lần đầu qua Bùi Việt Phong (nhà báo, nhà thơ, nguyên Phó tổng biên tập Báo Lao động), cách nay đã ngót nghét 20 năm ở một quán cóc vỉa hè phố Trần Bình Trọng. Vì cùng là “một lứa ở bên giời lận đận” (nói theo cách nói của thi sĩ Bạch Cư Dị trong Tỳ bà hành) nên chúng tôi dễ có cơ hội gần nhau...

1. Nguyễn Hòa Bình thuộc lớp người “con ngoan, trò giỏi, đoàn viên tốt” vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bình tốt nghiệp lớp 10 năm học 1970 - 1971 tại Trường cấp 3 Trần Phú (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Ngày ấy, Bình đã có tên trong danh sách được tuyển chọn đi học đại học ở nước ngoài. Nhưng việc này bị ách lại, bởi người ta vin vào lý do: Nguyễn Hòa Bình đã có một người chị ruột đang là lưu học sinh tại Kixinhốp (Liên Xô).

Bình không thấy thế làm buồn. Đơn giản vì đối với một chàng trai thời chiến, việc gác bút nghiên để lên đường cầm súng, là chuyện hết sức dễ hiểu. Chưa kể, vào thời điểm ấy, cái khí thế giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lúc nào cũng sôi sục và có sức cuốn hút tuổi trẻ một cách mãnh liệt. Và đấy cũng là lẽ sống, là lý tưởng cao đẹp của một thời. Đôi khi, từ một câu nói cửa miệng có phần quen thuộc của nhiều người cùng thời: “Không đi nhanh, không khéo vào trong ấy (miền Nam), có khi chỉ kịp nhặt ống bơ gỉ thì...ân hận đấy”, cũng có tác động thôi thúc nhất định tới Bình.

Hồi ấy, Nguyễn Hòa Bình bị bạn bè gọi là Bình “còi”. Bình chỉ cao có 1,41m, nặng 30 kg. Mỗi khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, Bình “còi” thường bị xếp hạng B2 hoặc B3 và thường bị loại ngay tắp lự. Vì lý do này mà cho dù rất muốn trở thành bộ đội nhưng Bình chỉ được chiếu cố gọi đi thanh niên xung phong.

Hay tin này, Bình cay mũi lắm và đem sự ấm ức của mình ra tâm sự với một người bạn: “Đi thanh niên xung phong ư? Không sướng lắm. Kiểu gì mình cũng phải đi bộ đội. Mà phải bộ đội chủ lực, ở chiến trường B (miền Nam) kia, mới được”. Người bạn này cười nói: “Nhưng người ông bé như cái kẹo, lại yếu, bộ đội nào người ta chấp nhận. Cái gì cũng phải có tiêu chuẩn, nguyên tắc của nó chứ. Ông tưởng đi thanh niên xung phong không vinh dự ư? Mà nếu có phải đi thanh niên xung phong thì cũng là góp sức mình cho tiền tuyến lớn, vì tiền tuyến lớn, chứ sao!”.

Nhưng chí đã quyết, Bình vác ba lô lên “ăn vạ” Tỉnh đội. Bình nói thẳng: “Nếu các anh không cho tôi nhập ngũ, từ nay, tôi sẽ ăn ở tại đây, không bao giờ về nhà nữa. Tôi đã hứa với gia đình. Đấy là lời hứa danh dự. Tôi đã quyết một đi không trở lại! Còn các anh muốn làm gì tôi thì làm!”.

Cảm động trước nhiệt tâm của một người đương trai, Ban chỉ huy Tỉnh đội không biết làm gì khác ngoài việc phải phiên chế Bình vào một tiểu đoàn dự bị “thấp, bé, nhẹ cân” của địa phương.

Đó là vào đầu năm 1971.

Rồi Bình cũng tăng cân và tăng cả chiều cao. Rồi Bình cũng trở thành bộ đội. Thời gian đầu, Bình là liên lạc viên tiểu đoàn, thuộc Sư đoàn 304B, sau chuyển sang một tiểu đoàn khác thuộc Bộ Tư lệnh 559 đóng ở “thủ đô” Troóc (Quảng Bình). Cuối 1972 đầu 1973, Bình trở thành lính cao xạ tại chiến trường B3 (Tây Nguyên).

Giữa tháng 3 năm 1975, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, trong một cuộc chiến ác liệt tại một cứ điểm ở sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuột), một đồng đội đã hy sinh trong tay Bình. Còn Bình thì bị bom vùi  kín, bị sức ép bom, chảy máu tai, đầu ong ong, người mê man và  hầu như không biết gì, tưởng như không qua khỏi. Bình coi đây là một cuộc đối mặt với thần chết trong đời lính trận của mình. Tỉnh dậy, Bình chỉ còn biết lao người về phía rừng cao su mịt mờ khói súng, lòng thầm cảm ơn số phận.

Đến giờ, mỗi khi hồi tưởng những người đồng đội đã hy sinh ở chiến trường B3, lại muốn đọc lại một câu thơ của thi sĩ nổi tiếng người Nga Vưxốtxky: Hết chiến tranh/ Những người lính trở về đều có tội; coi cái sự trở về của mình sau 1975, đã là “có lãi”.

2. Năm 1976, sau khi giải ngũ, Bình theo học Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (Đại học Văn khoa cũ). Thời điểm ấy, Bình có một “pha” hành động rất ấn tượng. Có một lần, khi chơi bóng chuyền, bóng của các sinh viên nữ không may bay lên nóc sân thượng hội trường Khoa. Nổi máu lính “liều mình như chẳng có”, Bình đã không quản hiểm nguy, lên sân thượng bằng cách leo lên một cây phượng vĩ và xuống sân thượng từ một cành cây mảnh mai. Khi ném được quả bóng xuống sân bóng, Bình loay hoay mãi không biết làm cách nào để “hạ cánh an toàn”. Mãi sau, như thể “trong cái khó ló cái khôn”, Bình đã trở về chỗ cũ theo đường xuống của cột thu lôi giữa tiếng reo hò của đông đảo bè bạn.

Đến năm thứ hai, vì mê một ông thầy dạy Hán Nôm rất giỏi, Bình quyết định bay ra Hà Nội học ngành Hán Nôm tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và học chậm một năm. Rồi Nguyễn Hòa Bình có thêm biệt danh thứ hai là Bình “Hán” kể từ năm 1977.

Thời điểm này, Bình vừa đi học chuyên môn, vừa mày mò học bói toán và dành thời gian tìm đọc văn bia…Trong một lần về dịch ngọc phả đình, chùa, Bình có về nhà bà Cam (thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Tây) đọc hộ văn bia. Sau đó, bà còn nhờ Bình đến nhà cô Mai Thị Yến dịch luôn cả một bức hoành phi “Hoa hiệu giao huy” và một đôi câu đối cổ, trong đó có một vế: “Hào phong bản tự nho lưu xuất” (hào hoa, phong nhã vốn từ nho học mà ra) mà ông còn nhớ đến tận bây giờ. Chính sự “không hiểu tình cờ thế nào” đã dẫn đến một kết quả bất ngờ: Nguyễn Hòa Bình gặp Mai Thị Yến.

Hồi ấy, Yến đang là kế toán Phòng Nông nghiệp huyện Ứng Hòa. Có một lần đi thực tập, Bình về ăn cơm muộn ở khu làm việc của Phòng Nông Nghiệp huyện và bị người phục vụ phàn nàn. Do không được thông cảm, Bình đã bực mình và bỏ cơm. Biết được việc này, Yến đã cùng một vài người bạn bảo Bình: Lần sau, nếu anh có về đây nữa thì về chỗ bọn em ăn cơm cho vui. Câu nói và sự quan tâm ấy, đã làm Bình thực sự cảm động. Đến năm thứ ba, Bình càng cảm động hơn khi Yến gửi tặng Bình một đôi nón và nói là để “làm quà tặng mẹ anh và tặng vợ anh”. Bình đã vừa nhận quà, vừa buột miệng vô tình: “Anh chỉ nhận một chiếc thôi. Còn chưa có gì…nên chưa nhận chiếc nón thứ hai”. Sau đó, họ gửi thư từ thường xuyên cho nhau và trở thành đôi lứa cho đến tận hôm nay.

Nhắc lại chuyện kỳ duyên này, Bình bảo: Như vậy là nhờ học Hán Nôm mà tôi không chỉ hiểu thêm cái căn bản, cái gốc rễ của chữ nghĩa, của văn hóa, mà còn lấy được vợ. Càng ngày, tôi càng hiểu “cái duyên ông trời se, cái que ông trời buộc”…là như thế nào.

3. Tôi gặp Nguyễn Hòa Bình lần đầu qua Bùi Việt Phong (nhà báo, nhà thơ, nguyên Phó tổng biên tập Báo Lao động), cách nay đã ngót nghét 20 năm ở một quán cóc vỉa hè phố Trần Bình Trọng. Vì cùng là “một lứa ở bên giời lận đận” (nói theo cách nói của thi sĩ Bạch Cư Dị trong Tỳ bà hành) nên chúng tôi dễ có cơ hội gần nhau. Ngày ấy, có đủ tiền uống với nhau vài vại bia hơi, nhâm nhi với nhau ít hạt lạc, đã là một dịp đáng quý, đáng nhớ. Còn đáng quý, đáng nhớ hơn khi mỗi lúc gặp nhau, bạn bè còn say sưa đọc cho nhau nghe những câu thơ mới viết, vừa thật thà, vừa tươi rói, rồi hoặc gật gù hoặc góp ý cho nhau một cách chân thành, thật bụng.

Lần ấy, tôi có một kỷ niệm với Bình, mà tôi thì không dễ gì quên, còn Bình thì chẳng bao giờ nhớ. Sau khi đọc cho bạn nghe bài thơ Vẫn chưa là buổi chiều, trong đó có những câu thật trong trẻo: Vẫn chưa là buổi chiều/ Nắng chưa vàng mé nước/ Sương thì đang đọng giọt/ Hoa nở đều như khoe/ Có con chim chích chòe/ Tiếng hót rung cành trúc/ Mặt trời như vừa mọc/ Khối cầu hồng lên cao…”, Bình bảo: Bài này đăng được. Số tới tôi sẽ sử dụng trên báo tôi. Đây là số tiền nhuận bút tôi ứng trước cho ông. Coi như việc này xong nhé!

Bây giờ, chuyện này có thể chỉ là chuyện thường ngày, hoặc chuyện vặt trong làng báo, làng văn. Nhưng ngày ấy, có được chút nhuận bút được đưa trước, lại có thể có ít tiền đi chợ mua rau dưa cho qua ngày đoạn tháng, thì không còn là chuyện thường ngày hoặc chuyện vặt nữa.

Chuyện này xảy ra vào một ngày cuối năm 1993, khi ấy, Bình đang cầm tờ phụ san của Báo An ninh Thủ đô.

Sau nhiều năm, Bình nhớ lại: “Từ tháng 10 năm 1993 đến tháng 5 năm 1995, Báo An ninh Thủ đô làm kế hoạch 3 bằng cách ra một tờ phụ san dày 32 trang, khổ 19x27, 20 ngày ra 1 số, số lượng khoảng trên dưới 5 vạn bản, phát hành chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh. Trong đó, đầu Hà Nội lo ½ nội dung, đầu Sài Gòn lo ½ nội dung. Hồi đó, tôi bỏ cả vợ con, đi lại như con thoi, 10 ngày ở miền Bắc, 10 ngày ở miền Nam, vừa làm thư ký tòa soạn, vừa lo cả khâu in ấn, phát hành. Vào Sài Gòn, ở nhà bạn bè thì không tiện, tôi phải ngủ trong “nhà kho” của Nhà in Báo Nhân Dân để “chăm sóc” tờ báo cho đến lúc chuẩn bị ra mắt bạn đọc. Những ngày ấy tuy vất vả nhưng mà vui ra trò. Có lẽ vì hồi ấy tôi còn trẻ nên mới nhiệt tình và hăng hái như vậy chăng?”.

Đến năm 1996, Bình rời An ninh Thủ đô về Hà Nội Mới. Ở cơ quan mới, có dạo ông là Phó thư ký tòa soạn tờ hàng ngày, có dạo là Giám đốc Trung tâm phát hành và giờ đây đang là Trưởng ban Hà Nội Ngày nay (một chuyên san của Hà Nội Mới, mỗi tháng ra 2 kỳ). Thời kỳ vất vả nhất của ông là thời kỳ bị gần như là đầy ải…đi bán báo (2003 - 2005). Trong cương vị Giám đốc Trung tâm phát hành, hàng ngày ông phải đi lại trên chiếc ô tô mà tôi thường gọi đùa là “ô tô chở lợn” (một loại ô tô Suzuki nhỏ và dài, chuyên dùng để vận chuyển thực phẩm).

Nguyễn Hoà Bình là một nhà báo năng động. Ông có thể “tác chiến” trong bất cứ thời điểm nào về bất cứ thể loại, đề tài nào và đều có hiệu quả. Ông là một nhà thơ lúc nào cũng đau đáu nhân tình và ngùn ngụt cảm xúc. Nếu ví thơ ông là khói thì lúc nào, chúng cũng bay lên - điều này rất ăn nhập với một câu thơ nổi tiếng của Blok: “Chúng ta như khói phải bốc lên”. Đây là những câu thơ đầy nhân bản của ông qua bài Hoa cải ngồng: “Anh có biết em đã chờ anh mãi/ Mọi lỡ lầm thôi đừng trách chiến tranh/ Dù anh vẫn trở về và em đã/ Cải lỗi ngồng, hoa mãi nở trong anh”. Còn đây là những câu thơ đầy dằn vặt, đớn đau để tự biết vượt lên chính bản thân mình trong Nhói đêm: “Dở mà hắt cũng chẳng xong/ Nhói đêm nghe tóc trắng lòng bàn tay” và trong Hỏi mình: Biết chấp nhận để đi qua đổ vỡ/ Biết vượt lên tìm lại chính mình”.

Thêm nữa, Nguyễn Hoà Bình còn là một con người nhiều nét bè bạn. Ở ông luôn có sự xả thân vì bè bạn. Và trên nữa là sự xả thân vì lẽ phải lẫn sự công bằng

Đặng Huy Giang
.
.