Nhà báo Trần Lâm: Kích cỡ lớn lao của sự khiêm nhường

Thứ Tư, 20/06/2012, 14:15
11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức cất tiếng chào đời. Để có được sự kiện lịch sử này đã phải cần tới những sự nỗ lực phi thường của những cán bộ đầy tính sáng tạo vượt khó, chỉ trong ít ngày sau khi cách mạng thành công  đã cố gắng “từ không tới có” tạo dựng nên một nền móng vững chãi cho sự nghiệp phát thanh của đất nước. Một trong những cán bộ đó, người đã phải nhận trách nhiệm chính để thực hiện nhiệm vụ mà Bác Hồ giao cho “Phải xây dựng ngay Đài Phát thanh Quốc gia” là nhà báo Trần Lâm (1922-2011).

Lớn lên trong cách mạng

Nhà báo Trần Lâm sinh ngày 5/1/1922 ở “xứ Đông” giàu truyền thống văn hóa và cách mạng (ông quê ở xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).  Cha ông là một thầy giáo ở làng và có lẽ từ nhỏ, ông đã hấp thụ được từ cha mình những khao khát trau dồi tri thức tới cháy bỏng.

Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Trần Quảng Vận (tên khai sinh của đồng chí Trần Lâm) đã ra Hà Nội  và thi đậu vào Trường Bưởi, rồi sau đó, vào học ở Đại học Luật… Tinh thần yêu nước thương nòi cùng với tâm thế của một trí thức trẻ đã dẫn dắt ông tới cùng phong trào truyền bá quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố làm chủ tịch và sau đó, tới cùng với đảng Dân chủ, một thành viên của Mặt trận Việt Minh.

Khi Cách mạng Tháng Tám bùng lên, Trần Lâm là một trong những thanh niên tham gia tích cực nhất. Và ông cũng là “hạt nhân” trong nhóm ba người được giao nhiệm vụ xây dựng “Đài Phát thanh Quốc gia”. Câu đầu tiên trong buổi phát thanh đầu tiên ngày 7/9/1945: “Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này nhớ lại trong tập hồi ký Những năm tháng không thể nào quên: “từ mùa thu năm ấy… mỗi lần vang lên từ máy thu thanh, cứ ngân nga mãi, đọng lại mãi một dư âm…”.

Và cũng từ thời điểm lịch sử ấy, nhà báo Trần Lâm được giao trọng trách làm người phụ trách toàn phần Đài Tiếng nói Việt Nam (giám đốc kiêm tổng biên tập). Và ông đã đảm nhận cương vị này một cách xuất sắc cho tới khi về hưu tháng 6/1988. Ông còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV và V,  Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam (năm 1977) và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1983 tới năm 1989…

Cả cuộc đời công tác của nhà báo Trần Lâm là một quá trình tự học không ngừng, lớn lên cùng cách mạng, cùng những nhiệm vụ mà cách mạng giao cho. Ông đã may mắn có được những người thầy vĩ đại, những bậc tiền bối của cách mạng Việt Nam. Với ông, Bác Hồ cũng đã là một người thầy về nghề làm báo. Lúc đã về hưu, ông vẫn nhớ như in bài học mà Bác Hồ đã truyền lại cho ông cùng các đồng nghiệp ở giai đoạn Cách mạng Tháng Tám mới thành công, khi bầu không khí chính trị ở Hà Nội rất phức tạp. Lúc đó, những lực lượng phản động như bọn “Việt Quốc”, “Việt Cách”, được sự hậu thuẫn của ngoại bang, đã công khai to tiếng đả kích chúng ta một cách vô lối, khiến những cán bộ làm công tác tuyên truyền của cách mạng như nhà báo Trần Lâm rất bức xúc. Và ông đã tìm tới xin ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Có lần tôi và ba cán bộ cốt cán của Bộ Tuyên truyền và Đài Tiếng nói Việt Nam không thể chịu đựng được tình trạng công an ta không can thiệp để bịt miệng bọn “Việt Quốc” và “Việt Cách” hàng ngày dùng loa phóng thanh tại trụ sở của chúng và trên xe lưu động chạy khắp các phố vu cáo, chửi bới Việt Minh cộng sản, xúc phạm cả Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng tôi nói với anh Hoàng Hữu Nam, thư ký của Bác, để xin phép được gặp Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh hẹn sang. Khi ngồi yên vị, tôi báo cáo tình hình nói trên và tâm tư của chúng tôi, Bác liền cầm một chiếc gạt tàn thuốc lá ở trên bàn đưa cho anh Hoàng Tuấn ngồi bên cạnh, rồi vừa chỉ chiếc lọ hoa rất đẹp trên bệ lò sưởi vừa nói: Giả thử có con chuột bò trên miệng chiếc bình kia, cháu có ném cái này để đuổi chuột không?

- Thưa Bác, không ạ,  - chúng tôi đồng thanh trả lời.

- Tại sao vậy?

- Thưa Bác, vì sợ vỡ cái bình ạ.

- Đúng. - Bác nói lại ôn tồn. - Cái  bình là tự do, độc lập của Tổ quốc ta, còn con chuột là lũ Việt gian, bán nước mà các cháu vừa nói rồi đấy.

Rồi Bác hỏi: Có cháu nào biết tích chuyện Việt Vương Câu Tiễn khôi phục nước Việt bị Ngô Phù Sai chiếm đoạt không? Thử kể Bác nghe.

Tôi kể vắn tắt chuyện Câu Tiễn bị Phù Sai bắt làm nô lệ, nhẫn nhục hầu hạ Phù Sai có lần phải nếm phân chủ để được chủ tin cậy, tạo cơ hội sau đó về nước để rửa hận. Cuối cùng Câu Tiễn đã diệt được nước Ngô, khôi phục được nước Việt.

Bác khen kể đúng, rồi hỏi:

- Thế các cháu đã thông chưa?

Tất cả câu chuyện diễn ra không quá 15 phút…”.

Ở thời trai trẻ nhưng đã phải đảm nhận trọng trách, nhà báo Trần Lâm đã học hỏi được rất nhiều điều từ các nhà cách mạng đàn anh, từ các đồng chí lãnh đạo. Một trong những người đã ghi được ấn tượng sâu đậm trong lòng ông là đồng chí Trường Chinh, trong những năm kháng chiến chống Pháp giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng và thường xuyên có những buổi giao ban công tác tư tưởng hàng tháng trên nhà sàn của đồng bào Tày, bên bếp lửa. Nhà báo Trần Lâm nhớ lại:

“Trong những cuộc họp với đồng chí Trường Chinh, tôi đã thu hoạch được rất nhiều hiểu biết về quan điểm báo chí vô sản. Hiểu tại sao báo chí vô sản phải có tính chân thật, tính chiến đấu, tính tư tưởng, đối lập với báo chí tư sản bản chất là dối trá nhằm mục đích phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột thống trị nhưng bề ngoài lại làm ra vẻ thông tin khách quan. Anh Thận (tên gọi thường ngày của đồng chí Trường Chinh - HA) thường lấy những sự việc cụ thể diễn ra ngay trong cuộc kháng chiến để chứng minh điều đó. Thí dụ: tiến hành chiến tranh xâm lược thì chúng gọi là khai sáng văn minh cho dân tộc khác; tiến hành cuộc săn lùng để tiêu diệt Đảng Cộng sản, đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa thực dân, thì chúng gọi đó là cuộc đấu tranh vì lý tưởng tự do. Trên mọi lĩnh vực chúng đều đổi trắng thay đen. Tôi còn nhớ sau lần quân Pháp “chộp hụt” Đài Tiếng nói Việt Nam ở núi Trầm, Bộ Tổng Tham mưu quân đội viễn chinh Pháp vội ra ngay thông báo trên Đài Phát thanh của nó ở Hà Nội là quân Pháp đã phá hủy được Đài Phát thanh của Việt Minh. Sáng hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam đã dõng dạc truyền đi chương trình phát thanh thường lệ, trong đó chúng tôi đã phát đi một bài bình luận chế giễu Bộ Tổng Tham mưu quân đội viễn chinh Pháp. Cũng nhân sự việc ấy, chúng tôi đã vạch trần cho nhân dân ta thấy luận điệu tuyên truyền huênh hoang, bịp bợm về chiến thắng của chúng. Chúng tôi cũng không quên dịch ra tiếng Anh, chuyển sang thể văn thông tấn để phát trong các bản VNA mà Đài vẫn phụ trách cho đến hết cuộc chiến tranh.

Đồng chí Trường Chinh cũng thường lấy sai sót trên báo chí của ta để phân tích về tinh thần cảnh giác của báo chí kháng chiến. Thí dụ có lần báo và đài đưa tin ta đã khôi phục được đoạn đường sắt từ Yên Bái lên Lào Cai. Bác Hồ đã phê bằng bút chì đỏ bên cạnh một chữ “Dại!”, rồi chuyển cho anh Thận. Trong một cuộc họp giao ban, đồng chí Trường Chinh đã phân tích kỹ thế nào là giữ bí mật trong thời chiến. Không phải chỉ những bí mật quân sự mới cần giữ, mà cả mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, đời sống của nhân dân cũng có những sự việc, có những lúc đưa tin được, có những lúc lại là bí mật.  Tin khôi phục đoạn đường sắt nói trên là mách cho máy bay địch đến bắn phá cắt đứt đường giao thông của ta. Đồng chí cũng căn dặn kỹ: “Không phải các sự thật nào cũng đưa công khai trên báo đài mới là tính chân thật. Tính chân thật là ta không nói dối, nhưng không bắt buộc phải nói tất cả sự thật nếu điều đó có hại cho kháng chiến, hại cho nhân dân, hại cho cách mạng”.

Trách nhiệm và nhân ái

Tất cả những ai từng được làm việc dưới quyền của “sếp” Trần Lâm ở Đài Tiếng nói Việt Nam đều nhớ tới ông như một nhà báo lớn, một người lãnh đạo anh minh, tận tụy và tử tế.  Làm phát thanh và truyền hình “theo kiểu con nhà nghèo” (chữ quen dùng của nhà báo Trần Lâm) nhưng ông đã cùng các đồng sự luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, biết cách thổi lửa vào lòng nhân dân và đất nước trong những thời điểm quan trọng và cam go nhất của cách mạng. Ngay như đồng chí Hoàng Tùng, cũng là một cây đại thụ của báo chí cách mạng, nguyên Bí thư TW Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân cũng có lần nhận xét: “Tôi làm báo Nhân Dân, về mặt súc tích, sâu sắc có thể đảm bảo nhưng về mặt tuyên truyền rầm rộ, tạo thành những làn sóng trong cả nước thì tôi không thể làm được như anh Trần Lâm…”.

Nhà báo Nguyễn Đình Thanh, nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Trưởng ban Thư ký Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam nhớ lại: “Tổng Biên tập Trần Lâm hàng ngày đều có cuộc giao ban để kiểm điểm công tác tuyên truyền ngày hôm trước và chỉ đạo công tác của ngày hiện tại. Ý kiến của ông rất sắc sảo, chê ra chê, khen ra khen, rất công bằng… Thời gian ông chỉ đạo công tác chung cả mảng biên tập và kỹ thuật rất bề bộn của một Đài Phát thanh Quốc gia, nhưng ông cũng dành phần lớn thời gian trong ngày để duyệt số lớn văn bản các chương trình đối nội và những bài bình luận quan trọng của Đài…”.

Rất nghiêm ngắn trong chuyên môn, nhưng nhà báo Trần Lâm lại rất thân tình với các phóng viên dưới quyền trong đời sống sinh hoạt hàng ngay. Cũng nhà báo Nguyễn Đình Thanh kể: “Những khi có sự kiện lớn cần tuyên truyền sâu rộng, mặc dù đêm tối, ông đã đi xe đạp từ nhà sang Đài (58 phố Quán Sứ) để trực tiếp chỉ đạo. Thời gian ấy, cuộc sống bao cấp còn nhiều khó khăn, việc ông mang theo cả bao chè, hộp sữa... cho anh em bồi dưỡng lúc đêm khuya đã lấp đi khoảng cách giữa vị Tổng Biên tập và anh em phóng viên bình thường của cơ quan”.

Là một lãnh đạo cao cấp của làng báo Việt Nam trong nhiều thập niên nhưng nhà báo Trần Lâm vẫn luôn duy trì một  nếp sống giản dị tới mẫu mực. Theo hồi ức của nhà báo Xuân Lương, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, trong thời bao cấp “tuy ông có chế độ sử dụng ô tô riêng, nhưng ông chỉ dùng khi đi công tác xa. Chiếc xe ô tô hiệu Lada cấp trên trang bị cho đã khá lâu, văn phòng đề nghị thay xe, nhưng ông không chịu và bảo nó vẫn dùng tốt, không nên lãng phí. Còn từ nhà riêng đến trụ sở Đài, ông dùng xe đạp “cuốc” và thường bận áo “bay” đã sờn màu. Ông kể, mỗi buổi sáng, trước giờ đi làm, bà xã (bà Kim Yến, nguyên phát thanh viên ĐTNVN) bao giờ cũng chuẩn bị sẵn một ấm trà ngon với bộ chén đánh rất sạch; còn ăn lót dạ, ông nói “mình” chén vừa vặn một bát cơm rang. Nhà ở sát phố ẩm thực, nhưng chẳng bao giờ sà vào quán…”.

Những nhân cách lớn, yêu người, yêu đời nên bao giờ cũng khiêm nhường. Nhà báo Trần Lâm luôn luôn là một người khiêm nhường. Nhà báo Phan Quang, người kế vị ông trong vai trò lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, đã kể lại về lần tổ chức lễ trao cho ông Huân chương Độc lập hạng hai khi ông về hưu: “Tôi đề nghị tổ chức cuộc họp trọng thể, mời một vị lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ đến trực tiếp trao tặng ông tấm huân chương cao quý. Ông nói: “Thôi anh à, ta nên làm đơn giản. Chủ tịch nước đã ký quyết định. Giờ chỉ cần triệu tập một số cốt cán của Đài, tại cuộc họp anh đứng ra thay mặt lãnh đạo và toàn thể anh chị em nhà Đài trao huân chương cho tôi là được, khỏi phiền đến cấp trên”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông còn nói vui: “Đối với tôi, việc dễ dàng nhất là khai lý lịch cá nhân. Cả đời, từ năm 1945 cho đến nay, ở mục Công tác, tôi chỉ có hai từ: Phát thanh”. Thay mặt anh chị em, tôi đáp: “Vâng, thưa anh Trần Lâm, anh chỉ có hai từ cho cả cuộc đời oanh liệt. Hai từ ấy xuyên qua nửa thế kỷ oai hùng của dân tộc, tự chúng đã trở thành cái đài kỷ niệm sừng sững, mãi mãi tồn tại với thời gian”…

Huyền Anh
.
.