Nhà báo Thu Uyên: Bản năng hạnh phúc

Thứ Sáu, 16/06/2006, 08:30

Trong đám đông, nhà báo Thu Uyên lẫn vào muôn người. Có cảm tưởng như ở chị cái gì cũng tròn đầy, mắt, môi, hai bầu má, và những gì tạo hóa ban cho một người phụ nữ… tất cả đều đầy đặn. Thế nhưng, bứt phá sau dáng vẻ yên lành kia là một tâm hồn dữ dội đến lạ lùng.

Chị ngồi trên chiếc ghế mây có tấm thảm lót màu đỏ, đôi tay tạm rời bỏ chiếc điện thoại máy tính, rời bỏ chiếc bút từ, giờ trở nên thừa thãi, ríu vào nhau trong buổi sáng bình yên…

Tôi chưa từng bao giờ thấy nhà báo Thu Uyên trong một khoảnh khắc bất chợt như vậy. Có lẽ, đó là cái cách mà tôi đã cố tình bắt chị ngồi yên, bắt chị tạm dừng lại, bắt chị bước ra khỏi, để mặc nhiên cho cái dòng chảy cuồn cuộn của đời sống, của công việc mà một người phụ nữ ăm ắp những dự định không mấy khi có thời gian rỗi để ngẫm ngợi về những gì đã đến và đi xung quanh cuộc sống của mình.

Trong câu chuyện mà chị cho là nhạt nhất (ấy là câu chuyện kể về mình), chị nói, chị đã sống, đã đi trên những nẻo đường khác nhau, đã mày mò, khám phá, đã may mắn thành công, hay nhiều lúc thất vọng tràn trề, thì chị cũng chưa từng bao giờ nghĩ mình phải tạo ra một chân dung của mình thật khác lạ, thật đặc biệt. Chị cứ hồn nhiên như thế, sống đến tận cùng của bản năng từ khi sinh ra cho đến lúc… này (cười).

Mà cái bản năng sống của chị, những người xung quanh chị, chưa nói là người thân ruột thịt thì đã thấy nó mạnh đến chừng nào, quyết liệt và gai góc đến chừng nào. Hình như cái bản năng đó ở trong một người đàn bà có vẻ ngoài bầu bĩnh, nhỏ nhắn, từa tựa như "búp bê" xinh đẹp của chị khiến cho người đối diện phải ngỡ ngàng không tài nào nắm bắt nổi. Chị không phải là người sở hữu một gương mặt cá tính. Trong đám đông, chị lẫn vào muôn người. Có cảm tưởng như ở chị cái gì cũng tròn đầy, mắt, môi, hai bầu má, và những gì tạo hóa ban cho một người phụ nữ… tất cả đều đầy đặn.

Thế nhưng, bứt phá sau dáng vẻ yên lành kia là một tâm hồn dữ dội đến lạ lùng. Một đầu óc luôn luôn vận động với những dự định, tìm tòi và khao khát khám phá. Một người phụ nữ năng động, không biết ngồi yên một chỗ, không bằng lòng với những gì mình gặt hái được. Cảm giác trong chị luôn luôn bùng cháy những dự định, ước muốn với một sự vận động không ngừng nghỉ, sự vận động mà tôi dám chắc không phải người phụ nữ nào cũng dám thử nghiệm.

Là con gái độc nhất của một gia đình trí thức tiêu biểu (cả bố mẹ chị đều là giáo sư, tiến sỹ), chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO). 6 năm tu nghiệp ở nước ngoài, tuổi trẻ lãng mạn, mơ mộng với bao ấp ủ và dự định lớn lao, chị trở về nước với một hành trang gần như xa lạ so với tình hình thực tế ở trong nước lúc bấy giờ. Đó là thời điểm năm 1987 vô cùng khó khăn của đất nước đang thời kỳ bao cấp chuyển đổi sang cơ chế thị trường, cả nước đang ào ạt tinh giản biên chế, và tấm bằng tốt nghiệp ở nước ngoài trong tay cũng không giúp chị dễ dàng hơn để tìm được một chỗ đứng, một công việc yêu thích.

Thế là trước khi trở thành một "ngôi sao nổi tiếng" bình luận thời sự quốc tế trên Đài Truyền hình Việt Nam trong suốt hơn một thập niên, Thu Uyên đã từng có một quãng thời gian dài nhiều năm lang thang tìm việc ở Hà Nội. Đó là giai đoạn khó khăn của chị, chị sống bằng nghề thêu thùa, đan lát, vá may, và dạy thêm tiếng Pháp, tiếng Nga ở Trường Đại học Bách khoa. Phần còn lại chị dành thời gian để đi kiếm việc. Đầu tiên, chị được nhận vào làm trợ lý giám đốc cho một công ty xuất nhập khẩu ngoại thương. Chuyến đi công tác của chị đầu tiên trong đời là cùng với Tổng Giám đốc công ty về Hải Phòng mua sắt vụn (thời đó, cả nước có phong trào đi buôn sắt vụn).

Thất vọng tràn trề, chị rời bỏ cơ quan xuất nhập khẩu và lang thang đi thử việc ở một viện nghiên cứu. Công việc thử nghiệm đầu tiên của chị là được giao đề tài nghiên cứu về nền tài chính Thái Lan. Lại hăm hở, rồi lại thất vọng vì vào thời điểm đó, tất cả các nguồn tài liệu đều phụ thuộc vào những cuốn sách phủ bụi và mục gáy ở thư viện. Nhưng, buồn hơn là cả những cuốn sách như thế về nền tài chính Thái Lan cũng không đào đâu ra ở mấy thư viện lớn mà chị bỏ rất nhiều thời gian để sục sạo. Cuối cùng, dựa vào những tài liệu cóp nhặt vụn vặt, chị cũng hoàn thành được ba mươi trang viết.

Cái đề tài đó được in ở một chuyên san của Viện Quản lý Trung ương. Nhưng thất vọng vẫn hoàn thất vọng bởi chị đã tự xấu hổ với chính mình với cái gọi là đề tài nghiên cứu. Chưa tìm thấy công việc dành cho mình, "con ngựa bất kham" trong chị ra đi, lại mải miết tung vó trên dặm dài tìm việc.

Năm 1989, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của nữ nhà báo Thu Uyên. Chị được nhận vào làm công tác biên dịch ở Trung tâm Phim truyện của Đài Truyền hình Việt Nam. Dường như sau những nỗ lực vượt bậc để không chịu thỏa hiệp với chính mình, với những giao kèo ngặt nghèo của cuộc sống cơm áo để quyết tâm tìm bằng được một công việc yêu thích, cuối cùng thì số phận cũng sẽ thôi không chơi trò ú tim với chị nữa khi dẫn dắt chị tới Đài Truyền hình Việt Nam.

Chỉ sau một phim đầu tiên mà chị biên dịch, Thu Uyên được các đồng nghiệp đi trước dẫn dắt và giúp chị đến được với công việc mà chị say mê. Đó là biên dịch các bản tin thời sự quốc tế, kiêm luôn bình luận viên ở chương trình thời sự quốc tế của Đài Truyền hình Việt Nam. Chị đã trở thành một nhà báo giỏi, một bình luận viên sáng giá, một ngôi sao truyền hình được hâm mộ bởi phong cách tự tin, bản lĩnh và cái cách mà chị đặt vấn đề ở chuyên mục "Câu chuyện quốc tế".

"Có lẽ, hơn 12 năm làm việc ở Đài Truyền hình, tôi vô cùng biết ơn những người bạn, người thầy đầu tiên đã giúp mình lớn lên trưởng thành trong nghề nghiệp. Không thể không nhắc đến ông Vũ Văn Hiến, chú Đỗ Viết Kháng, anh Trần Đăng Tuấn, anh Trần Bình Minh, Lại Văn Sâm...".--PageBreak--

Thế mà sau 12 năm gắn bó với Truyền hình, với "Câu chuyện quốc tế", "Vấn đề hôm nay", "Gặp gỡ và đối thoại"… những chuyên mục đặc biệt hấp dẫn một thời ở Đài Truyền hình Việt Nam, chị đột ngột vắng bóng. Người ta không còn thấy một biên tập viên Thu Uyên với gương mặt búp bê, giọng nói là lạ ở âm sắc lảnh lót, có sức thuyết phục đến lạ lùng, với cách đặt vấn đề khá độc đáo ở mỗi câu chuyện quốc tế trong bản tin thời sự buổi tối nữa.

Có lẽ cho đến bây giờ, không ít người vẫn còn tiếc nhớ hình ảnh của chị, họ không thể quên được chị và tự hỏi vì sao không thấy chị trên màn ảnh nhỏ nữa. Biết bao lời đồn thổi xung quanh chuyện chị rời bỏ truyền hình ra đi, trong đó không ít những thị phi của người đời thích thêu dệt câu chuyện làm quà.

Thu Uyên cười: "Tôi không hề có ý định nổi loạn đâu nhé, nếu mọi người thấy tôi thường xuyên thay đổi công việc. Một khi bạn không còn cảm thấy công việc mà bạn đang hết lòng hết dạ theo đuổi đủ sức để say mê bạn nữa thì bạn sẽ làm gì. Tôi không biết thỏa hiệp với chính mình đâu. Nói thật tôi là người bướng bỉnh, đã không thích thì không thể ép mình, và đã thích thì dù biết con đường mình sẽ dấn thân có chông gai đến đâu tôi cũng muốn thử sức".

Thế rồi việc Thu Uyên trở thành người của Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC và được mời về làm Giám đốc Trung tâm VASC Orient (sau này phát triển thành Vietnamnet) thực sự khá bất ngờ với những ai yêu quý chị. Vào thời điểm năm 2000-2001, Internet vẫn còn chưa phổ cập trong đời sống xã hội của người Việt như hiện nay. Việc đứng ra để xây dựng một tờ báo mạng điện tử ngang tầm với bất kỳ một website nào trong mạng lưới thông tin toàn cầu là vấn đề thật không dễ dàng.

Phải nói một cách công bằng, nhà báo Thu Uyên - một trong số ít những người đầu tiên xây dựng tờ báo điện tử Vietnamnet. Chỉ chưa đầy một năm ra đời, Vietnamnet được bạn đọc bình chọn là website hay nhất trong nước. Và cho đến bây giờ, ngay cả khi chị đã không còn làm việc ở đó nữa thì một vài chuyên mục chị đã khai sinh ra nó và tâm huyết vô cùng giờ vẫn tồn tại trong lòng độc giả như chuyên mục "Thư Hà Nội".

Làm việc ở Vietnamnet được hơn một năm, chị thi đậu học bổng Fulbright, quyết định sang Mỹ làm Master về báo chí và truyền thông đại chúng. Một năm cật lực, chị được đánh giá là thực tập sinh quốc tế xuất sắc nhất với tấm bằng Master loại ưu. Nhận hợp đồng 2 năm làm tư vấn truyền thông cho Tập đoàn các trường đại học và cao đẳng miền Trung California, nhưng chỉ sau nửa năm chị đã xin cắt hợp đồng để về nước vì... đã hết cái tò mò muốn biết.

Không trở về cơ quan cũ, Thu Uyên lại lặng lẽ tiếp nhận những lời mời làm việc ở những cơ quan khác, và lại lao đầu bắt tay vào những công việc mới mẻ, mà chị luôn là người đào xới để lắp đặt những viên gạch đầu tiên. Chị nhận lời mời của Tổng Biên tập Báo CAND - Chuyên đề ANTG về xây dựng tờ báo điện tử CAND, và tiếp tục trở về Đài Truyền hình Việt Nam theo lời đề nghị của Trưởng Ban truyền hình Cáp VCTV để phụ trách sản xuất chương trình.

Thế nhưng, xem ra bước chân của người phụ nữ tràn ắp dự định và công việc không dừng lại ở đó… Trong một buổi sáng mùa thu bình yên đầy nắng, chị nói với tôi về những ý tưởng, những ấp ủ mới. Tuy nhiên, chị không chịu tiết lộ lên báo, bởi lẽ: "Mình muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo kẻo rồi nói trước bước không qua. Có lẽ trong gần hai năm vừa rồi, là quãng thời gian vô cùng hạnh phúc của mình trong công việc. Mình phải cảm ơn Tổng Biên tập Hữu Ước, người đã cho mình một công việc mà mình yêu thích, tạo điều kiện cho mình được làm việc, được phát huy những khả năng của mình. Thú thật, có được một Tổng Biên tập như ông ấy, là một may mắn lớn cho mình và các đồng nghiệp ở Báo CAND - Chuyên đề ANTG".

Thế nhưng, cả cái nơi chào đón và dành cho chị một không gian làm việc tốt như Báo CAND -  Chuyên đề ANTG cũng không ghìm cương được con ngựa bất kham. Chị đã cất bước ra đi, không phải là đâu đó một công việc chị thích ở Hà Nội, mà chị đã thay đổi chính cả không gian sống mà hơn nửa đời chị đã gắn bó. Hà Nội lâu nay mất hút chị. Chị đang ở TP Hồ Chí Minh với chương trình talkshow trên VTV1 "Tại sao không?". Nếu như phần lớn những người phụ nữ mong muốn một công việc ổn định và bình yên thì Thu Uyên không nằm trong số đó. Chị muốn chị là người đầu tiên gõ cửa và bước vào một căn phòng mới. Chị muốn là người sắp đặt, tạo dựng mọi thứ mà chị thích. Dẫu phía trước là núi cao, nhiều vực thẳm, cũng cam lòng.

Tôi không muốn hỏi chị nhiều về những ước mong giản dị nhất của một người phụ nữ. Tôi không có cảm giác chị là người đàn bà ngồi yên trong ngôi nhà bình yên. Tôi nghĩ chị phải ở đâu đó, vị trí nào đó quan trọng hơn, cần thiết hơn. Không hiểu sao lại vậy... Chị sinh ra không phải dành cho tất cả những điều đó. Có lẽ thế... Tôi đã nói với chị về những cảm nhận của tôi. Chị cười. Chị không muốn nói về gia đình nhiều, nhưng chị nói về con gái mình với niềm tự hào không che nổi. Tôi hiểu, có người phụ nữ nào không mong muốn một ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa. Nhưng dường như mỗi người sinh ra đều đã có một số phận. Có lẽ một lúc nào đó, được sự đồng ý của chị, tôi sẽ lại viết về chị, người đàn bà nổi tiếng và đằng sau số phận...

Dương Thục Anh
.
.