Nhà báo Thanh Lâm: Đứng dậy từ những vấp ngã…

Thứ Năm, 26/11/2009, 09:32
Nhà báo Thanh Lâm chia sẻ: "Phát triển không phải lúc nào cũng tốt nhé, có những lúc phát triển tốt, có những lúc phát triển là xấu đi, nguy và cơ mà, cơ hội mới thì cũng bao hàm những rủi ro mới… Thì mình đã không phân tích đầy đủ bức tranh đấy cho nên mình vấp váp là đúng thôi. Bản chất là mình rút ra được bài học đấy".

Dễ phải trôi qua đã 4-5 năm rồi nhưng bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh Thanh Lâm trong chương trình truyền hình trực tiếp những ngày miền Trung phải gồng mình lên chống bão lũ. Và tới nay đối với tôi đó vẫn là một trong những chương trình hay nhất của VTV và cũng từ đó, Thanh Lâm trong cách hình dung của tôi luôn là một trong những gương mặt truyền hình ấn tượng nhất.

Gặp lại anh ở chỗ bạn bè trong những ngày này, khi miền Trung ta cũng đang phải vật lộn với thiên tai, tôi không thể không nhắc tới những cảm xúc của mình về chuyện ngày xưa nhưng Thanh Lâm, rất nhẹ nhàng và lịch sự, đã gạt đi ngay: "Anh ạ, chuyện đó lâu rồi mà, nhắc lại làm gì. Vả lại, lúc đó tôi làm cũng là do nhiệm vụ trên giao thôi. Bây giờ nhắc lại, lỡ ai đó lại nghĩ rằng chúng ta có ý gì đó khác…"

Nói thật là, nghe Thanh Lâm bảo vậy, tôi cảm thấy hơi bị "quê" nhưng rồi tôi cũng hiểu vì sao Thanh Lâm phải cẩn thận như thế. Vả lại, thực sự tôi cũng chẳng có ý gì khác mà chỉ muốn cùng Thanh Lâm hiểu thêm về công việc của những người làm truyền hình và thực sự tôi cũng lấy làm tiếc là trong những ngày đầu tháng 11 này, trên màn ảnh nhỏ không có được một chương trình sát cánh vùng miền Trung chống thiên tai như cái năm đáng nhớ ấy…

Phóng viên (PV): Chúng ta sẽ không "ôn cố" nữa nhé. Vậy tôi xin hỏi, công việc của Thanh Lâm hiện nay là gì?

Nhà báo Thanh Lâm (NB TL): Chính xác là như thế này, tôi hiện nay là Trưởng ban Biên tập Truyền hình cáp của Đài Truyền hình Việt Nam, tức là người giúp đài quản lý về mặt nội dung của hệ thống truyền hình cáp đấy. Công việc này có hai vế, một vế là quản lý, xem, duyệt nội dung; vế thứ hai là tham gia sản xuất một phần những chương trình ở trên hệ thống truyền hình cáp đấy…

PV: Một phần thôi?

NB TL: Đúng, một phần thôi. Vì, thứ nhất là, trong truyền hình cáp có những kênh nước ngoài. Thứ hai, nó có những kênh được gọi là xã hội hóa, tức là có các đối tác tham gia sản xuất cùng một phần với VTV. Họ làm, còn mình thì tham gia định hướng và duyệt nội dung…

PV: Công việc này có làm anh thích thú không, so với khi trực tiếp làm phóng viên, biên tập viên?

NB TL: Công việc đấy cũng rất là thú vị, nó là một cách làm báo khác. Nói rằng công việc đấy cũng rất thú vị là bởi vì, đó thật sự  là một việc mà trong đấy, hiện giờ mọi thứ mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu.

Theo cách nhìn nhận của tôi, tiềm năng của truyền hình cáp và truyền hình trả tiền hiện giờ, không chỉ đối với VTV đâu mà với cả xã hội ta, là rất lớn vì chúng ta mới chỉ đi những giai đoạn rất là đầu tiên thôi. Thị trường còn rất lớn, cơ hội còn rất lớn.

Cái thứ hai nữa, không chỉ là góc độ thị trường hay là thương hiệu, hay là doanh số hay là kinh doanh, mà bản chất của nó là hình thức diễn đạt mới của những người đang ấp ủ một tâm nguyện muốn được làm truyền thông.

Tham gia vào cuộc chơi này bây giờ không phải chỉ có những người tâm huyết về nghề, mà còn có cả những nhà đầu tư, những người cho rằng, ngành Công nghiệp truyền thông nó sẽ thực sự phát triển. Và người ta nghĩ rằng, đây là thời điểm để bỏ tiền vào đó, đầu tư vào đó. Câu chuyện này là câu chuyện mà ở đâu đó nó kết hợp giữa quản lý và làm báo, mặc dù khía cạnh quản lý sẽ càng ngày càng...

PV: Nhiều hơn?

NB TL: Càng nặng hơn, càng đậm hơn, nhưng nó rất thú vị là nó giúp cho mình được học. Bản chất của nghề báo, cái thú vị của nghề báo không phải chỉ ở chỗ là mình được nói ra, mà còn ở chỗ mình được học, được thu nhận nữa. Nhiều khi người ta bảo là biết mười thì mới nói được một, thì khía cạnh biết mười ấy nó lại mang tới cho mình rất nhiều thú vị, giúp cho mình tự đổi mới, tự làm mới mình được, tự học được. Phàm những cái gì giúp mình mở rộng tầm mắt để nhìn thì tôi cho rằng, đó đều là cái tốt cả. Thực sự mà nói khi làm báo mà lại có một chút cương vị quản lý thì cái bức tranh mình nhìn nó rộng hơn nhiều, cho nên nó rất thú vị…

PV: Có ý kiến cho rằng hiện nay hệ thống truyền hình cáp của mình, đúng là đang ở những bước đầu thật, nhưng có lẽ vì thế mà nó chưa rõ được một phong cách, một phương hướng đi chủ đạo, mà hiện nay nó vẫn là sự tập hợp của rất nhiều luồng suy nghĩ khác nhau và cung cách khác nhau. Liệu ý kiến đó có đúng không trên cơ sở riêng của VCTV của Đài truyền hình Việt Nam?

NB TL: Trước hết tôi muốn nói câu chuyện rộng hơn truyền hình một tí. Hiện nay ở đất nước mình có rất nhiều thứ mà sau này trở thành chiến lược, trở thành chủ trương nhưng bản chất vẫn là xuất phát từ việc tổng kết thực tiễn, tức là thực tiễn đi trước, lý luận đi sau trong rất nhiều trường hợp. Cho nên là phải sau một thời gian người ta mới tổng kết, đúc kết rút ra kinh nghiệm từ những cái hay và cái dở của một mô hình nào đó để từ đó nâng nó lên thành lý luận và biến nó thành định hướng.

Truyền hình cũng không phải là ngoại lệ đâu. Truyền hình không phải là ngoại lệ vì thế này, cái thứ truyền hình từ xưa đến nay mà Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ làm thì cái đó, đâu đó đã có luật chơi, đã có quy định rõ ràng rồi. Bây giờ truyền hình trả tiền là một chuyện hoàn toàn mới.

Cho nên, những năm vừa rồi cũng là những năm mà gần như là xới xáo mô hình, rồi là áp dụng một cách có tính chất thí điểm những mô hình hợp tác, kinh doanh, sản xuất, rồi làm kênh, để mà từ đó định vị ra đâu là cách đi lâu dài cho truyền hình nói chung, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam. Tuy vậy, cho tới thời điểm này thì Truyền hình Việt Nam cũng đã bắt đầu manh nha xác định được cái hướng đi lâu dài của truyền hình trả tiền mà thuộc truyền hình Việt Nam thì nó phải như thế nào.

Thực tế là, bây giờ ta có rất nhiều hệ thống, ở địa phương nào cũng có một ông làm truyền hình cáp, rồi làm truyền hình trả tiền và có nhiều pháp nhân khác nhau, có rất nhiều đơn vị khác sẽ cùng cạnh tranh trên cùng thị trường. Cho nên kiểu gì nó cũng hình thành những phong cách khác nhau.

Bây giờ nếu nói về phong cách và định vị truyền hình trả tiền thì cái đó nó đã bắt đầu xuất hiện. Thứ nhất, nó xuất hiện ở những chất lượng nội dung của những gói kênh khác nhau, những cách tiếp cận khác nhau. Tôi nói ví dụ như có một thời gian, rất nhiều người cho là bây giờ làm truyền hình trả tiền cũng phải nhảy vào làm truyền hình giải trí. Nhưng đến bây giờ thực tế đang chứng minh điều ngược lại là: chưa chắc truyền hình giải trí đã là hướng phát triển duy nhất và có ý nghĩa về mặt thương mại. Thực tế đang cho thấy không phải là như thế. Cho nên cái gọi là truyền hình trả tiền không có nghĩa rằng là một đài truyền hình sẽ biến đổi ngoắt một phát từ trạng thái này...

PV: Sang trạng thái khác?

NB TL: Ở Việt Nam mình có rất nhiều lĩnh vực mà ở trong đó chúng ta chứng kiến hệ quả, hậu quả của sự cực đoan như một con lắc, lắc từ thái cực này sang thái cực khác, hôm trước thì quá tả, hôm sau thì quá hữu.

Thế thì bây giờ, tôi cho rằng, để phát triển bền vững, truyền hình trả tiền thì vẫn phải xác định rõ là nhu cầu thực sự về truyền hình nói chung của người dân, chuyện trả tiền hay không trả tiền… Cần xác định nhu cầu thực sự đối với truyền hình ở Việt Nam đến đâu. Cần định vị, bây giờ truyền hình trả tiền cùng với truyền hình quảng bá phải gánh vác cái nhiệm vụ gì, cái gì là cái chung giữa hai hệ thống và cái gì có thể là cái đặc thù giữa hai hệ thống. Cái đấy là phải định vị rõ.

Tôi thì tôi cho rằng, truyền hình Việt Nam với bề dày ngần ấy năm là nó có cái quán tính của nó. Nó cũng có những thứ mà nó có thể không nhanh hơn các hệ thống khác, nhưng cái quán tính đấy của nó xét về một mặt nào đó, nó cũng có cái tốt. Tốt ở chỗ là, mình không sẵn sàng đánh đổi tất cả những cái đang có để lấy một cái có thể có được mà nhiều người cứ tưởng là tất cả.

PV: Không vội vàng đổi một con chim sẻ ở trong tay để lấy một con chim sáo còn đang bay tít trên giời, nói như một câu ngạn ngữ của Nga. Có đúng vậy không?

NB TL: Đúng rồi. Cái thứ hai nữa là gì? Mình không tuyệt đối hóa mục tiêu thương mại, bởi vì mình vẫn biết mình là một đài truyền hình thuộc bộ máy của Nhà nước, ở một góc độ nào đó là vẫn phải đáp ứng một số chương trình mang tính dịch vụ công. Cho nên, với văn hóa và với bề dày của một đơn vị thuộc bộ máy Nhà nước và làm nhiệm vụ công, làm dịch vụ công như vậy thì khi chuyển sang làm truyền hình trả tiền có thể có một số mảng về mặt kinh doanh đáng nhẽ phải đi với tốc độ nhanh hơn thì mình đang đi với tốc độ chưa nhanh…

PV: Nhưng việc đó cũng có cái tốt của nó!

NB TL: Đúng thế, Cái quán tính đó cũng có cái tốt bởi vì nó sẽ giúp cho mình sự chuyển đổi dần dần, không cực đoan.

PV: Không quá đà…

NB TL: Không quá đà, không tạo ra những thứ gọi là...

PV: Sốc không cần thiết?

NB TL: Sốc không cần thiết đối với xã hội nói chung và dẫn tới những hậu quả không mong muốn, kể cả đối với chính mình nữa.--PageBreak--

PV: Vậy nghĩa là, theo quan điểm của Thanh Lâm, hiện nay Đài Truyền hình Việt Nam đang chọn được tốc độ thay đổi, phát triển và hoàn thiện tương đối là hợp lý? Hay là có điều gì đó vẫn cần phải làm để đẩy thêm nữa thì chúng ta mới thực hiện tốt nhiệm vụ của mình?

NB TL: Mình mà nói về mình không thôi thì bao giờ cũng là không khách quan. Hơn nữa, trong câu chuyện này, tôi không có tư cách để thay mặt cho VTV đưa ra những nhận xét. Hơn nữa, dù nói ra quan điểm gì thì chắc chắn cũng có những phản biện. Vậy nên tôi chỉ nói rằng, cái vấn đề của mình là gì, mình phải vận dụng tối đa cái mặt tích cực của thực trạng hiện nay, tức là thực trạng hiện nay mình có một quán tính để mình làm tốt hơn công việc của mình. Trong con mắt của những người mà người ta có xu hướng phê phán thì người ta sẽ bảo đấy là sức ỳ, còn trong con mắt của những người muốn bảo vệ cái quán tính ấy bằng mọi giá thì người ta bảo đấy là sự cẩn trọng của một đài truyền hình coi như là...

PV: Lớn, tầm cỡ quốc gia!

NB TL: Lớn, lại ở cái tuổi trung niên, năm sau là 40 năm rồi, nên chín chắn. Vậy nên tôi chỉ nói rằng là việc của chúng tôi bây giờ, của những người làm ở Đài Truyền hình Việt Nam nhìn chung là, tận dụng tốt nhất những cái lợi thế của thực trạng hiện nay. Thực trạng hiện nay nó tốt hay nó không tốt, nó tích cực hay nó tiêu cực là do cách mình tham gia vào để cải biến nó và ở cách mình xử lý các vấn đề. Chứ còn nó thì bao giờ cũng chỉ là nó thôi, chứ tự thân thì nó cũng chả tích cực và nó cũng chả tiêu cực.

PV: Rõ rồi. Mình chủ động xử lý tình huống chứ không theo kiểu khi vụng múa thì chê đất lệch… Xin được hỏi, ngọn gió nào, nguyên cớ nào đưa Thanh Lâm vào với nghề truyền hình? Theo những gì tôi biết, hình như Thanh Lâm đã học đại học về tiếng Pháp, đúng không?

NB TL: Đúng ạ, tôi vốn là dân tiếng Pháp, học tiếng Pháp. Năm 1993, Đài truyền hình Việt Nam hồi đó phối hợp với Đại sứ quán Pháp tuyển người biết tiếng Pháp vào làm, anh cũng biết nước ta tham gia Cộng đồng nói tiếng Pháp mà …

PV: Đúng rồi, Cộng đồng Pháp ngữ.

NB TL: Cộng đồng Pháp ngữ… Cho nên  mới có kế hoạch ra một bản tin thời sự bằng tiếng Pháp hằng ngày. Và hồi đó tôi tham gia thi tuyển vào làm ở chương trình đó. Rồi thì nhân duyên tự nhiên dẫn tới việc mình làm phóng viên truyền hình rồi làm báo thực thụ, rồi mình chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

PV: Chuyển như thế có khó khăn nhiều không?

NB TL: Về bản chất vấn đề mà nói thì, bao giờ người ta cũng có xu hướng chấp nhận những thử thách ở mức cao hơn. Sau khi giải quyết thử thách về mặt tiếng, về mặt ngoại ngữ rồi thì thử thách lớn nhất là thử thách về mặt làm báo, mà không có thứ tiếng nào nói khó bằng tiếng mẹ đẻ cả, cho nên là về mặt logic tự nhiên, thì việc tôi chuyển từ làm báo bằng tiếng Pháp sang làm báo bằng tiếng Việt là điều rất dễ hiểu.

PV: Thanh Lâm có học thêm nghiệp vụ báo chí ở trường không, hay học bằng chính những công việc mình được giao làm?

NB TL: Tôi có tham gia học về kỹ năng làm báo, mặc dù không chính quy, tức là không tham gia những khóa đào tạo chính quy để lấy bằng cấp, nhưng mà có được đào tạo trong nước này, có được đào tạo ở Pháp này theo những hình thức gọi là vừa học vừa làm, rồi thực tập. Bản chất cũng là học từ thực tế, chứ còn về bằng cấp báo chí là tôi không có.

PV: Dấn thân 16 năm ở trong nghề truyền hình ở VTV, đã có lúc nào Thanh Lâm cảm thấy hối tiếc là mình có thể làm nghề khác hay hơn và đỡ bị sức ép như cái nghề này không?

NB TL: Tôi không có hối tiếc về vấn đề chọn nghề, nhưng rõ ràng 16 năm cũng là dài, cũng có giai đoạn mình cảm thấy là mình hơi phí thời gian...

PV: Ví dụ như giai đoạn nào, nếu có thể nói được?

NB TL: Hơi phí thời gian ở chỗ là thế này: đó là hậu quả trong một giai đoạn dài anh đã tuyệt đối hóa một cái gì đó, và anh sống thuần túy chỉ bằng tâm huyết, chứ anh chưa có một cái suy nghĩ một cách hợp lý giữa vấn đề tâm huyết và vấn đề hiệu quả, và cái đích lâu dài của cuộc sống. Khi ta còn trẻ thì bao giờ cũng có xu hướng tuyệt đối hóa cái tâm huyết, lao vào việc với tâm niệm không thành công thì cũng thành nhân, không được gì thì cũng được học hỏi cái này cái nọ, được kinh nghiệm v.v... Chính cái đoạn đó là cái đoạn mất thì giờ.

PV: Mà lẽ ra có thể sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn?

NB TL: Tất nhiên cũng có những cái mà anh không đốt cháy giai đoạn được. Những người nào cho rằng có thể thành công nhanh trong lĩnh vực phức tạp như lĩnh vực báo chí này, thì tôi cho rằng, họ đều không đánh giá đúng tình hình. Nói một cách nôm na, làm nghề báo dưới 10 năm thì không nói được câu gì. Nhưng đã làm nghề báo trên 10 năm rồi thì nếu không cẩn thận là anh sẽ mất thì giờ vào những việc không có ích gì thực sự cho anh. 10 năm đầu thì có thể…

PV: Coi như là chấp nhận?

NB TL: Để học hỏi, để có một cái tên ở trong xã hội, được người nọ, người kia biết đến một chút, hoặc là cảm thấy mình có đóng góp, có cống hiến. Nhưng sau 9-10 năm làm nghề báo rồi mà anh cứ nghĩ rằng mọi thứ vẫn cứ như thế hoặc cứ thế mà tiến lên thì đấy là do mình đã không đánh giá đúng tình hình… Tất nhiên, sông có khúc, người có lúc, trong hoạt động của một doanh nghiệp hoặc trong một cuộc đời con người, nó cũng có giai đoạn lên hoặc xuống. Nhưng bản chất của những vấn đề đưa anh xuống đều là do chúng ta đã không dự báo được trước tình hình và không quản trị rủi ro tốt. Ta cứ nghĩ rằng mọi thứ nó cứ như thế, cứ nghĩ rằng trong cuộc sống nó có một số nguyên tắc không thể đảo ngược được, nhưng đến ngày mai nó sẽ đảo ngược 180 độ thì sao?! Khi trẻ, ta đã tự hỏi, tại sao lại như thế, còn bây giờ mình hiểu rằng, đấy là cuộc sống…

PV: Tôi hiểu. Với một người nhìn bên ngoài người ta thấy rất dễ dàng thành đạt như Thanh Lâm thì hóa ra cũng phải trải qua tất cả những phút thăng trầm, buồn vui như tất cả những người khác làm cái nghề này…

NB TL: Bản chất là, nếu như không có vấp váp thì sự thành đạt cũng là không đầy đủ. Bởi vì bản chất là như thế này: không có ai cho không mình cái gì. Bây giờ bố mẹ mình sinh mình ra, may mắn là mình được mạnh chân khỏe tay, mình lành lặn, mình cũng có một tầm trí tuệ ở mức trung bình, mình được học hành, mình cũng chuyên cần này nọ, mình có một cái đầu tốt, đi làm mình cũng có một số thành công a-b-c nào đấy. Nhưng về bản chất thì cái đó chưa nói lên điều gì, mà cái quan trọng nhất là mình có khả năng đứng dậy từ những vấp ngã, như những câu mà người ta hay nói đấy. Những cái này không phải là khẩu hiệu suông, tôi thấy điều này là đúng.

PV: Đó là chiêm nghiệm của chính bản thân Thanh Lâm trong cuộc sống?

NB TL: Đúng vậy, anh ạ.. Và sau khi vấp ngã mà mình đứng dậy được thì mới gọi là yên tâm, và như vậy thành quả mình thu được nó mới bền vững. Cho nên chuyện có vấp ngã, vấp váp là chuyện tất yếu thôi.

PV: Thanh Lâm có thể không cụ thể hóa vấn đề, nhưng mà thực sự trong quãng đường 16 năm đấy, Thanh Lâm cũng có lúc cảm thấy mình vấp ngã?

NB TL: Nhiều chứ anh, nhiều chứ, vấp ngã, vấp váp, có những lúc cay đắng, có những lúc cảm thấy rằng là tại sao nó có thể như thế… Thế nhưng, nói tóm lại là, bây giờ tôi không tập trung vào phân tích hoặc là khai thác những khía cạnh cảm xúc của vấn đề nữa, bởi bản chất là do ở đâu đó mình đã không quản trị rủi ro tốt, mình đã không chịu mở rộng bối cảnh và mình đã không nhìn sự vật, hiện tượng trong logic phát triển.

Nói thực với anh, phát triển không phải lúc nào cũng tốt nhé, có những lúc phát triển tốt, có những lúc phát triển là xấu đi, nguy và cơ mà, cơ hội mới thì cũng bao hàm những rủi ro mới… Thì mình đã không phân tích đầy đủ bức tranh đấy cho nên mình vấp váp là đúng thôi. Bản chất là mình rút ra được bài học đấy.

Nhưng sau khi mình hiểu xong rồi, tốt rồi, thì vẫn có thể sau này còn có những bài học khác hóc búa hơn và mình vẫn có thể vấp ngã như thường, nhưng cái mình rút ra được là, mình sẽ không bao giờ để mất nhiều thời gian như thế nữa vào việc phân tích tình hình hoặc là để trăn trở hoặc là để tìm ra một hướng đi nữa.

Quan trọng là bộ quy tắc ứng xử và phương pháp xử lý của mình nhanh hơn để mình không mất thời gian vô ích, bởi vì cái duy nhất không lấy lại được là thời gian của cuộc sống thôi, chứ còn kinh nghiệm có thêm nhiều chỉ có tốt thôi. Kinh nghiệm sau này là: không để việc gì được phép lấy của mình nhiều thời gian như nó đã từng lấy của mình trong quá khứ.--PageBreak--

PV: Tức là không bao giờ vấp ngã ở những chỗ cũ nữa, có vấp thì cũng chỉ vấp ở chỗ mới...

NB TL: Cố gắng không vấp vào chỗ cũ. Điều thứ hai là, nếu có vấp thì phải đứng dậy nhanh nhanh, đừng để nó mất nhiều thời gian vì mỗi một ngày qua là một ngày không lấy lại được nữa.

PV: 16 năm trong nghề rồi, Thanh Lâm thấy có những ai ở quanh mình, ở bên mình mà có thể gần gụi về mặt ý tưởng, phong cách, phong độ với mình trong nghề truyền hình? Ai là người trong nghề mà Thanh Lâm cho tới hôm nay vẫn cảm thấy trân trọng, biết ơn?

NB TL: Biết ơn thì nhiều chứ anh, vì những người từng làm với mình, những người lãnh đạo mình, những người từng tạo dựng nên mình đều là những người thầy cả. Trong quá trình làm việc mười mấy năm như thế, tất nhiên tôi hay cũng như ai đó phải có rất nhiều người thầy. Tất cả những người đó mình đều biết ơn cho dù bài học đấy có là bài học...

PV: Cay đắng? (cười)

NB TL: Thú vị hoặc cay đắng thì đấy đều là những người thầy và mình đều nợ họ một cái gì đó. Và cái mà mình bây giờ đang cố gắng trả lại, đền đáp là, trong cách đánh giá của mình về con người họ thì mình phải công bằng, không có oán giận, không có đổ lỗi mà tất cả mọi thứ chỉ là trải nghiệm, và tất cả những cái đó đều là hành trang tốt để cho mình vững bước. Và mình chắc chắn một điều là mình càng bước đi mình càng phải vững hơn. Thì tất cả những công sức và những tác động cho dù là khách quan hay chủ quan từ phía những người thầy hay người bạn đó đều tốt cả. Đó là việc đầu tiên. Nếu nói về hâm mộ nhé, ở trong đài cũng phải hâm mộ ai chứ. Tôi không nói là tôi hâm mộ các ông thầy, bởi vì đã là thầy mình rồi, mình nói hâm mộ làm gì, người ta dạy mình đủ thứ… Nhưng còn với những người ở chung quanh mình, ngang hàng đâu đó, thì tôi thấy trong Đài Truyền hình Việt Nam, nếu nói đúng ra là tôi rất hâm mộ Diễm Quỳnh.

PV: Tôi cũng thích Diễm Quỳnh…

NB TL: Vì có một số cái rất là cân đong đo đếm được, mình hâm mộ bởi vì qua những công việc người ta làm mình không phải chỉ thấy trình độ mà mình còn thấy cả con người, mình hâm mộ là như thế, chứ không phải chỉ vấn đề là trình độ hay tiểu xảo… Cái mà Diễm Quỳnh để đọng lại là cái sự tổng hòa của trí tuệ, khả năng và vấn đề con người.

PV: Cả tâm hồn và tính cách…

NB TL: Ví dụ như thế chẳng hạn. Ví dụ như còn về trình độ thì tôi cũng rất phục những ông như kiểu Đỗ Thanh Hải. Quá giỏi luôn, quá giỏi. Đó là người có một dạng trí thông minh mà mình không có. Và cái giỏi nữa của Đỗ Thanh Hải là trong những điều kiện khó khăn của khách quan ông ấy vẫn luôn là người làm việc và vẫn luôn là người đưa ra được những giá trị mới, đưa ra được những góc nhìn... Và nói chung tôi trân trọng những người có khả năng nhìn cuộc sống bằng con mắt hài hước bởi những người đấy là những người đem lại cái thêm cho giá trị gia tăng trong cuộc sống…

PV: Tôi thì tôi nghĩ thế này, nghề ở đâu mà nhiều danh lợi thì ở đó rất khó khăn, mà truyền hình không chỉ ở nước ta mà ở bất cứ nước nào là một nơi chất chồng danh lợi. Vậy điều đó có gây ảnh hưởng, tác động thế nào đến những người làm truyền hình, theo nhận xét của Thanh Lâm?

NB TL: Trước hết tôi nghĩ là cũng phải sòng phẳng vấn đề này. Bây giờ nói danh lợi thì ở Đài Truyền hình Việt Nam, danh thì có đấy, còn lợi thì chưa chắc. Nếu nói về lợi thì Đài Truyền hình Việt Nam chưa phải là một ngành Kinh tế thực sự. Doanh số, con số thu được nó chưa đáng kể, con số phải chi ra và nhiệm vụ nó được giao, phải gánh vác rất là lớn và nặng nề, cho nên nếu nói chữ lợi thì lại phải tương đối hóa nó, vì so với xã hội nói chung thì có rất nhiều thứ còn lợi hơn. Danh thì có.

PV: Và nó có tác động thế nào trong việc hình thành tính cách, sự phát triển của tất cả những người tham gia công tác truyền hình? Ví dụ ở Thanh Lâm, anh có cảm thấy bị tác động không hay là mình vẫn giữ nguyên như cũ?

NB TL: Chắc chắn là có. Bởi vì thế này: rõ ràng nó cũng là nơi mà lợi thì có một chút, danh thì có nhiều, cái kỳ vọng của người ta, "quan trên trông xuống người ta trông vào" thì có nhiều, cho nên chỗ đó cũng là chỗ hay thị phi. Cái thứ hai nó hình thành một văn hóa tranh đua, ganh đua một cách tự nhiên và nhiều khi là quá đà.

PV: Đôi lúc quá đà…

NB TL: Tôi cũng có nhiều lần trao đổi với bạn bè rằng, nghề truyền hình này có lẽ không phải dành cho những người hiền lành, hoặc là nếu ông có hiền lành thì vào đây ông cũng phải có nanh, có vuốt, chứ ông cũng không thể gọi là...

PV: Ù lỳ được?

NB TL: Không thể ù lỳ, cũng không thể theo kiểu an phận thủ thường được. Bao giờ người ta vào đây người ta cũng phải suy nghĩ, cân đối giữa những vấn đề là mình được gì, mất gì, mình muốn gì và làm thế nào để đạt được, chứ không có ai có chuyện là chỉ nghĩ rằng ơ cứ thế là xong, là mãi mãi là như vậy, cái đấy có. Đấy là một trong những môi trường nó cũng có nhiều thị phi, nó cũng khiến cho bản chất truyền hình, những người làm truyền hình trong quá trình làm việc cũng làm khổ mình nhiều, tự mình làm khổ mình nữa. Bởi vì thế này: có rất nhiều những sự ngộ nhận trong giới những người làm truyền hình, ngộ nhận tưởng mình là ghê lắm, tưởng mình là quan trọng.

PV: Đồng hóa chính bản thân mình với hình tượng mà nhờ công nghệ truyền hình đã tạo dựng ra được…

NB TL: Tức là nó xuất phát từ việc đánh giá sai giá trị của bản thân, thường là đánh giá quá lên. Ngược lại khi mà cơ hội kinh doanh nó đến, khi mà cơ hội làm hình ảnh hoặc là thực sự tạo ra giá trị nó đến, thì lại không biết đánh giá giá trị thật của mình một cách đích thực. Cho nên thường là gì: cái biểu hiện của không ít những người làm trong môi trường này là biểu hiện vừa có tự tôn vừa có tự ti, nhưng thường là áp dụng nó ngược nhau, lúc cần tự tôn thì ông lại tự ti và ngược lại… Tóm lại là để lỡ mất rất nhiều cơ hội và sinh ra những cái phức tạp, phiền phức không đáng có, trong khi đáng lẽ là có thể giảm bớt cái đó để có thể tạo thành sức mạnh chung. Đấy là một cái đặc thù của môi trường này mà tôi chưa biết là đến bao giờ có thể giải quyết được….

PV: Xin cảm ơn nhà báo Thanh Lâm!

H.T.Q. (Thực hiện)
.
.