Nhà báo Phan Đăng: Người buồn đi vòng quanh

Thứ Tư, 06/07/2016, 19:27
Từ ngày biết Đăng, chưa lúc nào thấy Đăng hết điên cả. Đó là cơn rồ, cơn dại mà anh vẫn thường tự hát về mình và xem nó như một lẽ sống. Giữa đời sống có quá nhiều trôi tuột và biến mất đó, "máu điên" ấy đã níu anh lại. Để anh được là chính mình. Để anh được phiêu diêu trong mộng vô thường.

1. Nói điên là lẽ sống của Đăng có thể sẽ có ai đó cười cả người viết lẫn nhân vật được nhắc đến. Nhưng chẳng sao cả. Đăng càng thích. Có một lần Đăng nói với tôi, anh sợ những đám đông ngoài kia, nhìn họ giống nhau quá. 

Và có những thời đoạn, ngoại trừ vài mối quan hệ trong công việc, Đăng gần như tuyệt giao với mọi người. Từ chối một huyên náo trần gian, anh nép mình vào sự thinh lặng phong nhiêu của đời sống, dù cho sự thinh lặng ấy lắm lúc cũng rong rêu ngàn xứ với vạn lời mời gọi.

Cũng có những thời đoạn khác, sự một mình làm Đăng thấm đủ nỗi cô đơn. Nó làm anh hoang mang, nhiễu nhương. Anh "lên cơn" và gây sự bất kể lúc đó là đêm hay ngày. Anh gọi tất cả những người xung quanh mình là "con điên", "con rồ" cho dù người đó là nam hay nữ. 

Chữ "con" trong hai chữ "con người" ấy gần như là một mảnh bản năng nhất rơi rớt ra khi đời sống có quá nhiều điều chán ngán mà anh muốn chạm vào. Và khi Đăng gây sự như thế, Đăng gần như thú nhận rằng: "Tôi cũng đang cô đơn khủng khiếp đây".

Nhất là trong đêm, khi mọi người đã đi ngủ và anh ngồi một mình, đối diện với bốn bức tường trắng xung quanh, đối diện những "Dòng nước mắt trong tim/ Chảy lai láng vào hồn/ Nửa đêm gọi đến mình", đối diện với bản thể đang tan rã một cách không níu giữ nổi...

Nhà báo Phan Đăng.

Mười năm trước, khi Đăng còn là một cậu sinh viên năm cuối, trong một chiều thật hoang mang, anh đã nằm trên sàn nhà, dưới chân giường bà nội và nghe Khánh Ly hát Những con mắt trần gian (một ca khúc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn).

"Bây giờ bà tôi đã giống như một ý trong bài hát. Tôi thì chưa giống, nhưng tôi luôn sống, luôn đối diện với thế giới quanh mình bằng tâm thế của một người sẽ giống. "Mai kia chào cuộc đời/ Nghìn trùng cơn gió bay...". Đời về cơ bản là chán, chẳng biết làm sao cả, thôi thì học cách tĩnh thôi" - có đôi lần anh bộc bạch như thế.

Đăng tin vào những giấc mộng. Tin vào nhân - quả và ánh sáng thuần khiết của Phật pháp. Tin vào cánh rừng hoa sala trắng thơm tho, man mác buồn. Tin vào những mối nhân duyên kỳ lạ mà cuộc đời mang đến. Đăng mê hát văn, quan họ, các tích chèo. Sáng nghe chầu văn, uống trà để hồn lên mộng như các cụ. Đắm say âm nhạc của một "mùa tiền chiến".

Đăng mê thơ Xuân Diệu, nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ mới"; phải lòng thơ Nguyễn Nhược Pháp bởi vẻ trong trong, biếc biếc, gợi cái thanh khí của ngày xưa. Anh thờ quan lớn Đệ Tam, một vị quan tài danh nức tiếng trong dân gian và đặc biệt, trên bàn thờ, anh thờ cả "hồn nước" - kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. 

Cụ Phạm Quỳnh có lần nói rằng: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn". Viết Đăng thờ "hồn nước", để thấy rằng trong lòng anh, cái bản nguyên làm nên sự tồn - vong của đất nước này thiêng liêng, đẹp đẽ đến mức nào. Anh phụng thờ bằng một đức tin mạnh mẽ.

Kể ra vài nét cá nhân, hơi riêng tư này để thấy rằng, tâm hồn của anh chàng mới hơn 30 tuổi này đã dậy lên chút "sầu già", có phần lạc lõng với cuộc đời này. Anh là người của miền ca dao, cổ tích, khoác màu áo thiên thanh lãng đãng mơ những giấc mơ không thực, không thuộc về giấc mơ son phấn của hôm nay.

Đăng hay có những giây phút "tự nhiên nhớ ra", "bất chợt nghĩ". Điều đó như một cơn cớ để anh "đục khoét" những ẩn ức tồn dư trong lòng. Đôi lúc, tôi không biết Phan Đăng thuộc về cõi nào. Bởi trong đôi mắt, trong thần thái ấy, lúc nào cũng có thể mơ màng, nhất là khi đất trời thoáng chốc hợp lòng hoặc tụ bạ với một ai đó hợp dạ.

Đăng không giấu sự mơ màng có phần "lỗi thời" của mình. Mặc dù sẽ có vài người bảo rằng Đăng hâm, Đăng rồ, Đăng bệnh. Đăng kệ tất. Anh gần như "lên đồng" và nói không biết mệt về những điều làm mình say mê. Đủ thứ trên trời dưới đất, Đông - Tây kim cổ; thậm chí, mối tình đầu của mình.

Và khi người khác mộng một căn nhà to và mơ những giấc mơ phù hoa thì Đăng "mộng bình thường thôi". Rằng thì "Lên non tìm động hoa vàng ngủ say/ Thôi thì thôi để mặc mây trôi/ Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan" (Đưa em tìm động hoa vàng). Rằng thì "Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây/ Hồn anh mở với quạt này/ Trăm con chim mộng về bay đầu giường/ Ngủ đi em mộng bình thường/ Ru em có tiếng thùy dương đôi bờ" (Ngậm ngùi). Và có lần Đăng viết, "Cảm ơn những mộng mị trong tôi mỗi ngày".

2. Trong những mộng mị của Đăng, có lẽ, có một phần anh dành cho bóng đá, môn thể thao gắn liền với đời làm báo và cả đời sống của mình. Có những ngày không đá bóng, không gặp đội Biển Đông - tên đội bóng mà anh tham gia với tư cách đội trưởng - lại thấy nhớ, lại thấy bứt rứt chân tay. "Nhớ quá, mày ạ", có lần Đăng buột miệng nói mà không quan tâm xem người đối diện có mê quả bóng như anh hay không. Và rồi sau đó, anh lại nói một tràng về những câu chuyện xung quanh "đời bóng lăn".

Có một dạo, Đăng làm khách mời thường xuyên của chương trình Cà phê sáng trên VTV3. Anh nói về đủ thứ, từ "thế hệ 8x", "đôi mắt", "hạnh phúc", "sự nổi loạn", "đồng nát", "miễn phí", "Hà Nội", "độc thân", "hẹn hò", "những không gian chia tay"… đến "tiếng Việt và lời ru" - những cụm từ, những khái niệm đôi khi chẳng liên quan đến nhau. Đăng tài hoa, thông minh, duyên dáng, biết nhiều và hiểu nhiều.

Và có khi, người đang cố gắng thuyết phục Đăng bị Đăng thuyết phục ngược lại. Tầm hai năm trở lại đây, bên cạnh một cây viết thể thao có chất, một khách mời truyền hình, một bình luận viên bóng đá hoạt ngôn trên truyền hình, bạn đọc còn ngạc nhiên và thú vị trước một Phan Đăng khác, gắn liền với những bài phỏng vấn, đối thoại sâu, cá tính và đậm chất học thuật, những cuộc trò chuyện đúng "chất Phan Đăng" về đạo, về đời, về những trăn trở liên quan đến các vấn đề đời sống xã hội… trên một số ấn phẩm như Văn nghệ công an, và đặc biệt chuyên mục Trò chuyện và suy ngẫm của ấn phẩm An ninh thế giới Cuối tháng - Giữa tháng.  

Đăng thích tranh luận và nghe người khác nói. Tưởng chừng cái con người mang tâm hồn của nghìn năm trước ấy cố chấp, bảo thủ nhưng hóa ra chẳng phải. Đăng luôn mở lòng, sẵn sàng đón nhận những ý kiến trái chiều, những-con-người-không-giống-mình. Đăng là một gã "tài hoa khởi sinh".

Và chất tài hoa ấy một lần nữa đọng lại trong cuốn sách mới nhất của anh - Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi. Đây là tập bút ký chân dung tập hợp 50 nhân vật để lại ấn tượng nhất trong cuộc đời 10 năm làm báo của anh. Những gương mặt làm nên khuôn dáng của bóng đá Việt Nam hôm nay.

Đó có thể là những nhân vật đại diện cho thế hệ cầu thủ vàng son nhất của bóng đá Việt Nam như "Hồng Sơn: Số 8 danh bất hư truyền", "Lê Huỳnh Đức: Nếu chỉ "giỏi", mà không "quái", "Nguyễn Hữu Thắng: Đừng gọi tôi là đại ca", "Trần Công Minh: Chẳng nhẽ lúc nào cũng ngại?"... đến thế hệ sau như "Phan Thanh Bình: Quên, nhớ & muốn quên, muốn nhớ", "Vũ Như Thành: Người bí hiểm", "Phạm Thành Lương: Mặc đồ xịn, đi xế hộp vẫn... quê", "Phạm Văn Quyến: Giấc mơ còn lại", "Mạc Hồng Quân: Có một thuở ban đầu ngượng ngịu", "Nguyễn Huy Hoàng: Một màu áo, một cuộc đời, ba lát cắt"...

Đó là thế hệ HLV nội, những HLV "nhập ngoại" như "Toshiya Miura: Hai mặt của sự máy móc", "Nguyễn Thành Vinh: Có những mộng bất thành", "Đoàn Phùng: Có 3 chiều định mệnh", "Hoàng Văn Phúc: Có một gã cười rón rén rụt rè"... Đó có thể là những câu chuyện hậu trường phía sau trái bóng, những hạnh phúc, giọt nước mắt, những thăng trầm "huy hoàng rồi chợt tối"… Ở đâu đó có những sai lầm, nuối tiếc muộn màng…

Có cả bóng dáng những người vợ, người mẹ và hình bóng quê hương ở phía sau. Cũng có cả nhân vật thuộc về quá khứ, gợi nhớ về một thời, như Đỗ Thới Vinh là một ví dụ. Lại có những người chẳng mấy ai biết đến, nhưng hóa ra lại là cả một bảo tàng bóng đá, như Hà Bôn. Và trong những trang viết của Phan Đăng, thấp thoáng đâu đó những giấc mơ xưa rõ ràng hoặc đầy mơ hồ của những nhân vật của một thời.

Đăng nhận mình là người quan sát chứ không phải là một phần của làng bóng. Nhưng khi đọc những điều anh đã viết ra, phía sau bóng dáng của một người quan sát, một người muốn tham dự vào đó để hiểu, để mổ xẻ. Và người đó, dù như thế nào, cũng toát lên một tình yêu lớn dành cho bóng đá. Phải yêu và phải hiểu nữa, Phan Đăng mới có thể viết một cách trơn tru, thoải mái và đa chiều như thế.

Tôi thích cách Đăng viết về ông Lê Thụy Hải, "giữa hai chiều thực - giả" và một Đăng rõ ràng yêu - ghét ông Lê Thụy Hải, thích một HLV Nguyễn Văn Vinh "Lòng cuồng điên vì nhớ" với một Hà Nội xưa khắc khoải, canh cánh trong lòng; thích cách anh trò chuyện và viết về HLV Nguyễn Thành Vinh về những ngày tháng đã qua… Kể cả khi Đăng viết về những giấc mộng bất thành của họ, ta vẫn thấy ở đó những câu chữ cảm thông để tận hiểu họ.

Khi đọc Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi, ta không có cảm giác đây là những bài báo viết về những nhân vật thể thao. Bởi xưa nay, có ai viết thể thao như Đăng đâu? Những câu chuyện sân cỏ chỉ là cớ để Đăng viết về họ - những người trần mắt thịt, có sai có đúng, lãng mạn, mơ mộng, thực tế của con người.

50 những nhân vật của làng bóng lướt qua, có những người để lại những nét sổ đậm, rắn rỏi, có những người đi qua mỏng nhẹ, và có cả những khuôn mặt nhạt nhòa. Và Phan Đăng đã vẽ lại những khuôn mặt của họ bằng mảnh giấy và cây bút của riêng mình theo một cách đầy mỹ cảm, đầy nhạc tính nào đó.

Viết đến đây, tự dưng, tôi lại nhớ tới mấy câu hát của nhạc sỹ Đỗ Bảo. "Ta là từng người buồn/ Thì mãi mãi biết là bao lâu/ Người buồn đi vòng quanh/ Đời dài rộng cũ kỹ/ Biết sao cho vơi/ Nỗi sợ và mê si". Phan Đăng chính là một người buồn đi vòng quanh cuộc đời và nhân gian này với tất cả nỗi sợ và mê si đẹp đẽ đó.

Đậu Dung
.
.