Nhà báo Phạm Phú Bằng: Hành trình của lòng từ bi

Thứ Sáu, 15/05/2009, 09:28
Khi tôi đến nhà ông thì Phạm Phú Bằng đang chuẩn bị cho một cuộc đi xa. Không biết, đây là lần thứ mấy trong bốn tháng đầu năm 2009 này, và lần thứ bao nhiêu sau 20 năm nghỉ hưu, Phạm Phú Bằng lại chuẩn bị cho một chuyến đi xa đầy ý nghĩa như vậy.

Đã bước qua tuổi bát thọ (80), mang vóc dáng gầy mỏng, sức khỏe không phải là thứ vô tận, thế nhưng Phạm Phú Bằng không mấy khi chịu nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già. Mỗi bận chỉ ăn được lưng bát cơm, cả đời, với bộ quân phục bạc màu, trên vai gầy là chiếc túi dết mỏng.

Thế nhưng, bước chân của một người đàn ông đến cuối đời vẫn ưa sự dịch chuyển. Nếu một ngày nào đó, buộc phải nghỉ ngơi, buộc phải dừng bước vì tuổi già không cho phép, không còn được cất bước tận cùng trời cuối đất nữa, tôi e rằng, lúc đó Phạm Phú Bằng sẽ trở thành một ông lão tẻ nhạt lắm.

Mang cái cười róm rỉnh, câu chuyện bông đùa, một gương mặt xương xương sinh động, Phạm Phú Bằng đích thị là một ông lão thích đùa, và đùa rất có duyên. Khá bất ngờ khi tôi đột kích nhà ông mà không hề hò hẹn, bởi tôi biết chắc, nếu nhấc điện thoại lên gặp ông, ngay lập tức ông sẽ chối từ.

Nhưng tôi biết, nếu không viết về ông, không dựng chân dung Phạm Phú Bằng theo cách riêng của mình, tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội được tiếp xúc với một người đàn ông tuyệt vời, một nhà báo thuộc thế hệ trước chúng tôi rất nhiều, một cuộc đời đáng cho lớp trẻ chúng tôi kính trọng và ngưỡng mộ. Nhà của Phạm Phú Bằng ở ngay ngõ số 8 Lý Nam Đế, phía trước ngõ là một giàn cây leo xanh ngút mắt.

Vợ ông đang chuẩn bị bữa cơm chiều sớm hơn thường lệ để tiễn ông đi. Đêm nay, Phạm Phú Bằng sẽ lên đường hành quân suốt đêm trên một chiếc xe ôtô cùng một người bạn nữa như ông, nguyên là chiến sĩ Điện Biên và một nhóm người tự nguyện bao gồm các tăng ni, phật tử, tu sĩ, các bà xơ và những thanh niên nam nữ có tấm lòng thiện nguyện.

Nhà báo Phạm Phú Bằng một lần đến Mù Cang Chải.

Chuyến đi lần này là về lại chiến trường Điện Biên xưa nơi ông và bạn ông từng là một người lính trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đoàn của ông sẽ đến Điện Biên Phủ để làm lễ cầu siêu cho các linh hồn chiến sỹ đã ngã xuống và một phần thân xác còn gửi lại nơi này. Phần quan trọng thứ hai là mang hơn 3 tấn hàng, bao gồm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, tất tật những gì mọi người gửi tới để ông mang lên cho bà con huyện Tủa Chùa.

Lần này ông cũng lên tặng cho Tủa Chùa một tủ sách dành cho các em học sinh đang độ tuổi đến trường. Những đóng góp này là của nhân dân, người từng biết ông, chứng kiến công việc của ông làm suốt 20 năm nay, và cả những người chỉ biết tiếng ông mà chưa một lần gặp mặt. Đã hai mươi năm nay, nhà ông trở thành một cái kho tập kết hàng hoá đủ mọi thứ trên đời.

Cái kho ấy hình thành từ lúc nào Phạm Phú Bằng cũng không biết nữa, bởi chưa bao giờ ông thành lập quỹ từ thiện, hay hội từ thiện. Tất cả là do mọi người tự nguyện mang đến, phần lớn ông không biết chủ nhân của những món quà thiện nguyện này là ai, từ đâu tới.

Kể cả là khi họ gọi điện cho ông để ủng hộ 1 tấn gạo, 1 tấn đường thì Phạm Phú Bằng cũng không hề biết chủ nhân của những tấn hàng ấy là ai, họ muốn ông đưa đến đâu, địa chỉ cụ thể nào, và ai sẽ là người được nhận nó. Cái cách của Phạm Phú Bằng thật không giống ai. Không tuyên bố rộng rãi, không lộ diện trước đông đảo công chúng như những cuộc làm từ thiện rầm rộ khác ở trên báo (mà Phạm Phú Bằng rất ngại nói đến hai chữ "từ thiện" trong công việc hiện tại mà ông làm suốt 20 năm qua).

Theo ông, việc ông làm là những chuyến đi dài, những chuyến đi ngẫu hứng, từ ý thức, từ đam mê, từ sở nguyện mà không bị chi phối bởi bất kỳ một mục đích nào khác. Ông đi đến với những vùng đất mà ông đã từng đến khi còn là một người lính lăn lộn từ chiến trường này sang chiến trường khác, đã sống những tháng ngày gian khổ ở đấy. (Phạm Phú Bằng trước khi trở thành nhà báo trong quân đội thì ông là người lính đã từng cầm súng chiến đấu trực tiếp trong rất nhiều chiến dịch. Tiêu biểu nhất là: Điện Biên Phủ, trận Gianxơn Citi (Junction City) năm 1967 ở Sài Gòn, chiến dịch Mậu Thân năm 1968, và có mặt tại đất mũi Cà Mau trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975).

Phạm Phú Bằng vào quân đội từ năm 1945, đầu quân vào đơn vị chủ lực. Ngày đó, vào quân đội chỉ có áo may ô và quần đùi, cả đại đội chỉ có dăm khẩu súng. Vào bộ đội hồn nhiên như tình yêu dân tộc, yêu đất nước thuở sơ khai ban đầu. Năm 1950, Phạm Phú Bằng đi bộ theo đường rừng hơn 1.000km để ra Bắc và gia nhập vào đội quân tham gia chiến đấu ở Biên giới phía Bắc. Từ năm 1950 cho đến năm 1954, mỗi năm Phạm Phú Bằng tham gia hai chiến dịch.

Từ Chiến dịch Trần Hưng Đạo cuối năm 1950 đánh từ Tam Đảo đánh xuống Vĩnh Yên, rồi chiến dịch đường số 18 vượt núi Yên Tử đánh xuống Sao Đỏ, rồi chiến dịch Hoàng Hoa Thám đánh từ vùng núi Chí Linh đến Tiên Yên, chiến dịch Quang Trung đánh Ninh Bình, núi Non Nước, chiến dịch Nghĩa Lộ v.v... cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Hết Điện Biên Phủ Phạm Phú Bằng lại theo chân những người lính (lúc này Phạm Phú Bằng đã trở thành phóng viên chiến tranh) đi bộ từ Hà Nội vào sát Sài Gòn, đi theo đường giao liên vào đánh trận Gianxơn City, một trận đánh lớn nhất ở miền Nam lúc bấy giờ. Từ đó, trải qua Mậu Thân năm 1968, đến cuộc Tổng tấn công và nổi dậy năm 1975, Phạm Phú Bằng có mặt hầu khắp các chiến trường Nam Bắc. Hết chiến tranh, ông về làm phóng viên, biên tập ở Báo Quân đội nhân dân cho đến lúc nghỉ hưu.

Phạm Phú Bằng tìm thấy ý nghĩa của những chuyến đi dài của mình tới khắp mọi vùng miền đất nước như một sự tri ân với chính cuộc sống mà ông bảo toàn được sau một cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn khốc. Đi đến những vùng đất nơi có dấu vết của tuổi trẻ mình là một cách để tri ân với cuộc sống, tri ân với đồng đội, những người đã không có số phận may mắn sống sót trở về như Phạm Phú Bằng.

Thứ nữa, ông đi để tìm kiếm những xúc cảm sau chiến tranh, tìm kiếm và gặp gỡ những số phận sau chiến tranh. Nghỉ hưu rồi, ông đi vừa là để săn tin, viết bài kiếm thêm thu nhập, vừa là để thoả mãn tâm hồn phóng khoáng lãng du, ưa dịch chuyển như ông.

Nhưng quan trọng và ý nghĩa hơn hết là ông tìm đến với những mảnh đời những số phận khó khăn thời hậu chiến để ông có thể giúp đỡ và sẻ chia được chút ít những tình cảm của mình. Những chuyến đi, những bài viết của ông đã mang đến cho cộng đồng một thông điệp về sự tri ân.

Từ ông, cộng đồng đã tìm đến, có khi họ là những người đồng đội như ông, có khi họ là những doanh nhân thành đạt muốn lặng lẽ tri ân một chút cho đời, có khi là những nam thanh nữ tú, những sinh viên giàu lòng nhân ái muốn đến với cộng đồng. Trong số tất cả những người thiện nguyện ấy có cả nhà sư, có cả tu sĩ v.v...

Những người này đã cùng Phạm Phú Bằng thay mặt những tấm lòng thiện nguyện không tên, vô danh mang quà đến tận nơi những địa chỉ cần đến. Tất cả họ đều từ chối báo chí, từ chối truyền hình, và từ chối nêu tên. Với tấm lòng từ bi, họ muốn công việc của họ thật lặng lẽ, thật ít người biết.

Thậm chí, những nhà hảo tâm, những người có đóng góp lớn như gạo, đường, tiền bạc, quần áo, sách vở với trị giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, họ không bao giờ muốn nêu tên, và không cần biết số quà cáp đó sẽ đến tay ai. Chỉ cần biết, họ mang đến cho Phạm Phú Bằng là họ yên tâm, lòng tri ân của họ đến được nơi cần đến. 

Bởi vậy, khi biết tôi đến viết chân dung về ông, Phạm Phú Bằng lắc đầu quầy quậy. Ông lại đùa tôi, ông nhún vai, mặt nhăn lại: "Ôi, cô viết gì về một ông lão đã 80 tuổi cơ chứ. Một ông lão có thân hình mỏng quẹt, gầy yếu, và nhạt thếch. Thôi thế này nhé, chân dung Phạm Phú Bằng là một chân dung chẳng có gì để viết. Nếu cô vẫn quyết tâm viết thì hãy viết theo kiểu chẳng có gì để viết. Thế có khi lại hay hơn với ông già này".

Nói rồi Phạm Phú Bằng chùng giọng xuống. Ông tâm sự, ông chỉ là chiếc cầu nối để mang những tấm lòng của biết bao người vô danh tri ân với cộng đồng. Tại sao phải viết về ông khi mà ông chỉ là một hạt cát nhỏ trong biển lớn những tấm lòng từ bi của mọi người. Tại sao tất cả đều im lặng, đều lặng lẽ với công việc thiện nguyện này mà ông lại lên tiếng, điều đó khiến cho lương tâm ông day dứt.

Nhưng tôi đã nói với ông, có thể bài viết này, sẽ giúp cho cộng đồng, những ai yêu công việc thiện nguyện lặng lẽ, sẽ biết thêm một địa chỉ tin cậy để ông có thể có thêm nhiều những chuyến đi mới, mang được thêm nhiều những món quà ý nghĩa để đến với đồng bào nghèo, đến với những số phận đang cần mọi người chung tay giúp đỡ.

Ai rồi cũng tìm thấy ý nghĩa về sự có mặt và tồn tại của mình trong cuộc đời phức tạp và khó khăn này để thanh thản mà hưởng trọn niềm hạnh phúc. Hạnh phúc của Phạm Phú Bằng là công việc ông đã làm suốt 20 năm nay. Người đàn ông sinh ra trong một gia tộc lẫy lừng, cụ nội là Thượng Thư Phạm Phú Thứ, dưới triều Nguyễn là nhà canh tân đất nước với những ý tưởng táo bạo và khoa học.

Cha đẻ của ông là Tiến sỹ Phạm Phú Tiết, Tổng đốc Bình Phú, sau Cách mạng Tháng Tám được Bác Hồ phong cấp Đại tá Quân đội, Chánh án Toà án Quân sự miền Nam. Không nối gót cha ông, số phận của Phạm Phú Bằng lại thuộc về những điều bình thường giản dị. Nhưng sự bình thường giản dị của ông khiến cho tất cả chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hôm nay phải ngả mũ kính trọng

Khánh Thy
.
.