Nhà báo Lê Văn Ba: Đã mang lấy nghiệp vào thân

Thứ Năm, 23/08/2007, 15:04
Tiếp xúc với nhà báo Lê Văn Ba khi ông đã ở tuổi "xưa nay hiếm", tôi cảm thấy thực khó hình dung ra được phong cách quyết liệt của cây bút chuyên về phóng sự điều tra lừng lẫy một thời này.

Tất nhiên là trông ông trẻ hơn tuổi khá nhiều, vẫn rất nhanh nhẹn, tinh anh, nhưng với lớp đồng nghiệp hậu sinh như tôi, ông luôn giúp làm nảy sinh cảm giác khoan nhường đến dễ dãi. Mọi vấn đề mà ông trình bày đều có vẻ rất hiền lành, chủ yếu mang tính chất đề nghị, không có chút gì bó buộc, áp đặt đối với người đối diện.

Như thể được cũng là được, mà không thì cũng là không… Trong khi đó, chuyện mà ông đề cập tới toàn những thứ quan trọng, liên quan tới nhiều lý lẽ lớn ở đời. Ra là vậy, những người làm việc quan trọng không bao giờ, dù vô tình hay hữu ý, tỏ ra mình đang làm việc quan trọng.

Nhà báo Lê Văn Ba là một trong những người như vậy. Và cũng vì như vậy nên đôi khi, ông đã bị lỡ không ít những cơ hội hay ho ở đời. Tuy nhiên, ông không bao giờ "lấy đó làm điều" vì với ông, viết báo không chỉ là nghề hay nghiệp mà còn là một lẽ sống giản dị, thông thường như thở.

Tôi càng thấy nhận định đó của mình về nhà báo Lê Văn Ba là đúng khi đọc tập sách "Phía sau nghề báo, nhà báo" do NXB Phụ nữ ấn hành giữa năm nay. Đây là tập sách thứ 11 của ông và hy vọng chưa phải là cuối cùng.

Theo tác giả sách, ông muốn công bố những ghi chép và hồi ức của ông là để những đồng nghiệp lớp sau có thể ít nhiều rút ra những bài học cho mình trong cái nghề mà theo ông, "không phải là nghề dễ dãi". Cá nhân tôi, việc đọc cuốn "Phía sau nghề báo, nhà báo" đã mang lại không ít điều bổ ích. Và cả cảm động nữa.

Thường trực đam mê

Có rất nhiều con đường dẫn tới nghề báo. Có nhiều đường vòng. Nhà báo lão thành Hữu Thọ trước khi trở thành phóng viên báo Đảng đã từng làm Bí thư Huyện ủy. Cố Thiếu tướng, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân Trần Công Mân trước khi về làm việc ở số 7 Phan Đình Phùng từng là Chính ủy Trường Sỹ quan Công binh…

Còn Lê Văn Ba đã bước thẳng vào nghề báo ngay từ khi còn là học sinh trung học Trường Chu Văn An. Trong sách "Phía sau nghề báo, nhà báo", ông kể, ông mồ côi mẹ từ năm lên 8 tuổi, được bà chị của bố (là vợ GS Dương Quảng Hàm) đưa lên Hà Nội nuôi ăn học.

Sống trong môi trường tốt lành của gia đình người cô (dân Hưng Yên xưa gọi cả chị lẫn em gái của bố đều là cô), Lê Văn Ba sớm bộc lộ thú vui chữ nghĩa và mới mười mấy tuổi đầu, đã có tin bài, phóng sự dài kỳ và truyện ngắn in trên một loạt các báo ở Hà Nội.

Không chỉ viết báo, cậu học trò Lê Văn Ba còn tham gia làm báo ở tờ báo bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội "Nhựa sống". Nhờ thế nên anh đã biết khá thông thạo mọi khâu trong quy trình làm ra một tờ báo, không chỉ viết bài mà còn đánh máy, trình bày trang báo trên stencil (giấy nến) để chuyển cho bộ phận in ronéo…

Cũng vì tham gia làm báo ủng hộ kháng chiến nên Lê Văn Ba đã phải nằm trong Hỏa Lò một năm… Khi Lê Văn Ba được thực dân Pháp tạm tha để chờ xét xử, tổ chức đã đưa anh ra vùng tự do học chính trị rồi lại đưa vào thành hoạt động bí mật, cũng là công việc liên quan tới làm báo.

Nhà báo trẻ Lê Văn Ba là một trong những người làm số báo Tiền Phong đặc biệt chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954… Quá trình tham gia làm báo kháng chiến là như vậy nhưng sau ngày giải phóng Thủ đô, Lê Văn Ba chưa trở thành phóng viên chuyên nghiệp ngay mà trở thành một cán bộ tuyên huấn, chỉ được coi việc say mê của không chỉ một ấn phẩm ở Hà Nội. Và phải tới ngày 7/3/1958, ông mới chính thức về nhận công tác tại Báo Tiền Phong.

Và ông đã trụ lại ở cơ quan ngôn luận của Đoàn tới 29 năm. Chính trong thời gian đó, Lê Văn Ba đã tự khẳng định mình là một trong những cây bút viết phóng sự điều tra dũng cảm và chân thành hàng đầu của làng báo Việt Nam.

Chuyển sang Báo Đại đoàn kết năm 1987, ông vẫn tiếp tục phong độ cũ và thường xuyên "tung chưởng" (nói bằng thuật ngữ mà ông ưa dùng) trong những bài phóng sự điều tra gai góc, tinh quái và đầy dũng khí.

Vừa chân ướt chân ráo về cơ quan mới, Lê Văn Ba, theo lời kể của ông, đã "nổ" ngay vụ Đồng Tiến, phanh phui tệ cường hào mới ở nông thôn. Rồi những bài phóng sự điều tra và cả sáng tác văn học nhưng mang đậm chất báo chí đăng ở các báo bạn.

Một dấu ấn sắc nét trong hoạt động báo chí của Lê Văn Ba giai đoạn đó là sự xuất hiện của truyện ngắn mang nặng tính biểu tượng "Người đàn bà quỳ" mà ông gửi tới Báo Văn nghệ với bút danh Trần Khắc…

Tác phong dũng cảm, xông xáo của Lê Văn Ba được duy trì ngay cả khi ông về làm Phó Tổng biên tập tờ Người cao tuổi mà ông là một trong những thành viên sáng lập. Hiện nay, dẫu tiếng là nghỉ hưu nhưng ông vẫn không buông bút. Không ít tòa soạn tới đặt bài ông vì đối với một số thể loại báo chí, Lê Văn Ba, đó là một "thương hiệu".

--PageBreak--

Đấu tranh để đại đoàn kết

"Làm báo là đi tìm sự thật, nói lên sự thật của nhân dân. Nhân dân đọc báo vì muốn biết rõ sự thật để hiểu cho đúng tình hình và hành xử cho đúng đạo đức, pháp luật" - quy tắc này đã thành bất di bất dịch đối với nhà báo Lê Văn Ba từ ngày đầu cầm bút đến nay.

Dẫu rằng, như chính ông cũng hiểu, làm báo là cái nghề rất khó tránh được những sai sót dù ta cẩn tắc đến mấy. Đôi khi dù rất thành tâm nhưng ta vẫn "ngộ sát" hay vô tình bị lôi kéo vào những việc chưa hay mà do nhiều lý do ta không nhận thức được kịp thời.

Tuy nhiên, muốn nói gì thì nói, bài viết của Lê Văn Ba ngay cả khi đề cập tới những chuyện tưởng như bình thường nhưng lại ẩn chứa những tín hiệu báo bão. Ông không ngại lao vào những "điểm nóng thông tin" nên lắm lúc cũng phải gặp những điều phiền toái.

Trong sách "Phía sau nghề báo, nhà báo", Lê Văn Ba viết: "Mỗi bài phóng sự điều tra ra mắt bạn đọc phải vượt qua nhiều "cửa ải". Bọn xấu ngày càng tinh khôn, thêm nhiều thủ đoạn đối phó. Chúng gây sức ép với cơ quan chủ quản, vin vào một chi tiết viết chưa chuẩn xác, lu loa kêu oan…".

Nhà báo lão thành Hữu Thọ kể lại rằng, có bài báo chống tiêu cực của Lê Văn Ba viết mạnh mẽ đến mức khi ông lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp, thì ngay chính ông, một "trọng thần" ở số 71 phố Hàng Trống, cũng từng bị ai đó tế nhị nhắc nhở!

Càng là cây bút trung thực, thẳng thắn và năng nổ trong đấu tranh chống tiêu cực thì càng dễ bộc lộ những cái giống như gót chân Asin ở mình. Lê Văn Ba thường quyết liệt trong nghề nên việc ông hay gặp những trở ngại âu cũng là chuyện không có gì là quá lạ.

Thì đời là vậy! Không thể có những công việc gây hiệu ứng mạnh mẽ mà lại nhàn nhã, an toàn. Phép biện chứng ở đời là như thế, cái mới không thể xuất hiện một cách dễ dàng, cái chân chính không thể không đấu tranh quyết liệt với những cái còn hắc ám để khẳng định mình. Trong bất cứ xã hội nào cũng thế và ở bất cứ giai đoạn nào cũng thế.

Nhà báo Lê Văn Ba hôm nay nhớ lại những ngày tháng đã qua của mình với sự điềm tĩnh đến dịu dàng có lẽ vì ông đã nhận thức được rằng, quá khứ của ông dù phải gặp nhiều thiếu thốn, khó khăn, vất vả, nhưng nói cho cùng, cũng rất được đấy chứ! Bởi lẽ, trong tuyệt đại những trận chiến đấu bằng chữ nghĩa mà ông đã tham gia, thắng cuộc thường vẫn là cái thiện, cái tốt, cái vô tư.

Quan trọng là nhà báo phải đinh ninh, như lời đồng chí Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từng có giai đoạn được phân công theo dõi Báo Đại đoàn kết, đã nói với nhà báo Lê Văn Ba: "Sự việc sai trái thì đúng thế đấy, nhưng cậu viết làm sao cho người ta thấy mà sửa, thế mới là đoàn kết, đúng tinh thần đại đoàn kết".

Chân tình và thận trọng

Hơn nửa thế kỷ làm báo, lại liên tục lao mình vào những tâm bão của cuộc đấu tranh vì cái thiện, cái tích cực trong xã hội đang ở giai đoạn chuyển đổi của chúng ta, nhà báo Lê Văn Ba có thể hài lòng với những gì ông đã đạt được.

Nhà báo Lê Văn Ba quê ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sinh năm 1934, ông tham gia làm báo kháng chiến bí mật ở nội thành Hà Nội trong giai đoạn từ năm 1952 tới năm 1954 và đã từng bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam vào Hỏa Lò một năm.

Ông từng công tác nhiều năm ở Báo Tiền Phong, trưởng thành từ phóng viên lên tới vị trí Trưởng ban Biên tập. Năm 1987, ông là Ủy viên Ban Biên tập Báo Đại đoàn kết. Năm 1995, ông là Phó Tổng biên tập Báo Người cao tuổi.

Về hưu từ năm 2000, đầu mùa hè năm nay, nhà báo Lê Văn Ba đã cho ra mắt độc giả cuốn sách mà theo thiển ý của người viết bài này, ẩn chứa những ý tình của "bài ca thiên nga" đã đúc kết được suốt một đời lăn lộn với nghiệp viết, đặc biệt là trong mảng phóng sự điều tra chống tiêu cực, của một nhà báo lão thành đầy tâm huyết với đời và với nghề.

Bao nhiêu nguy nan nhưng ông đều "thoát hiểm" được hết vì đã tuân thủ nghiêm ngắn quy tắc "Tự cứu mình, chỉ có hai cách: cái tâm trong sáng và tài liệu thật chính xác". Trong con mắt của nhiều thế hệ đồng nghiệp, nhà báo Lê Văn Ba cho tới hôm nay vẫn là một uy tín không chỉ về lực viết mà cả về nếp sống, nếp nghĩ.

Ông là người không cứng nhắc trong sinh hoạt, nhưng không bao giờ buông thả. Không tự ti nhưng không bao giờ tự huyễn hoặc về quyền năng của nghề. Biết nhiều mảng tối trong xã hội nhưng không bao giờ bi quan, không bao giờ ngừng tin rằng, cần phải tiếp tục đấu tranh để bảo vệ cái đúng vì cái đúng sẽ luôn luôn là người cười cuối cùng.

Một niềm tin có thể ngây thơ, nhưng thật đẹp. Không có niềm tin ấy có lẽ khó có thể theo nghề báo tới cùng. Mà dù trong thời điểm nào đó, trong hoàn cảnh cụ thể nào đó, niềm tin ấy có bị ít nhiều sứt mẻ thì tôi vẫn muốn nghĩ rằng, những người như nhà báo Lê Văn Ba cũng vẫn không chán nghề làm báo.

Thì chính ông cũng đã khẳng định trong cuốn sách mới của mình: "Mấy đứa con tôi dù có chút ít năng khiếu nhưng không đứa nào theo nghề bố. Chúng nó nói rằng bố làm báo vất vả, nên chẳng… dại. Còn tôi, nếu có kiếp sau, xin vẫn được theo nghề này, nghề làm báo vẻ vang".

Thế là đúng. Cụ Nguyễn Du cũng đã nói: "Đã mang lấy nghiệp vào thân…"

Minh Huyền
.
.