Nhà báo Đậu Ngọc Đản: Chấp nhặt thì dễ, “nương” nhau mới khó

Thứ Sáu, 06/05/2011, 16:18
Với cá nhân tôi, TS Đậu Ngọc Đản là một đồng nghiệp thế hệ đàn anh, tốt bụng và hiền lành, không bao giờ "lấy đó làm điều" trước những trò tinh quái của các đàn em như tôi, những kẻ ít kinh nghiệm và ít từng trải hơn nên hay "tinh tướng" (!). Anh Đản vừa lĩnh sổ hưu, từ cương vị Tổng biên tập tạp chí Truyền hình Việt Nam ở Đài Truyền hình Việt Nam. Và anh rất muốn giãi lòng mình trên Chuyên đề ANTG CT. Nói thực là tôi đã không thể nghĩ ra cớ để từ chối anh.

- Hồng Thanh Quang: Như nhà thơ xứ Dagestan Rasul Gamzatov đã viết "Có công việc làm phải có lúc dừng tay, có cuộc hành trình phải có đôi phút nghỉ". Tôi nhớ đại ý là như thế. Anh vừa bước vào những phút nghỉ đầu tiên của mình sau hàng chục năm làm việc trong nghề truyền thống, làm một phóng viên, làm lãnh đạo cơ quan báo chí, làm Tổng biên tập một ấn phẩm khá nổi như tạp chí "Truyền hình". Tâm trạng của anh thế nào?

- TS Đậu Ngọc Đản: Từ lúc tôi bắt đầu nghỉ sau 39 năm làm báo, từ tháng 4 này, thì đúng là cũng đã có rất nhiều bạn bè hỏi tôi, thậm chí cả một số đồng chí cấp trên cũng đã hỏi tôi như Hồng Thanh Quang: Tâm trạng ông thế nào? Và tôi phải nói rằng, nhìn lại tất cả những đoạn đường tôi đã đi qua, tôi cảm thấy rất thoải mái và thấy có cái gì đấy tự hào.

Mình cũng đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp chung, mình cũng đã có những cố gắng cá nhân, cũng đã phát huy được sở trường của mình. Và tôi phải nói là, cũng hiếm có người nào được học hành cơ bản, từ đào tạo báo chí đến qua các trường Đảng, rồi đi làm nghiên cứu sinh về báo chí… Và cũng không có nhiều người đã được may mắn chứng kiến những thời điểm rất quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Tôi nói thí dụ, trong 81 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 thì tôi đã lăn lộn ở đây tới 21 ngày, được chứng kiến sự hy sinh vô bờ bến, tinh thần dân tộc, tính ngoan cường của những người chiến sĩ…

Và phải nói rằng khi ấy, những người lính của chúng ta đã chỉ biết hy sinh vì Tổ quốc chứ không hề nghĩ tới một lợi ích gì khác. Bây giờ tôi gặp lại một số bạn bè cũ thời ấy, có người đã trở thành tướng quân rồi và họ đều nói rằng, khi ấy không có ai trong số họ nghĩ tới việc chiến đấu để lên cấp lên chức, mà họ chỉ đơn thuần cố gắng hoàn thành bổn phận của mình. Đấy là niềm tự hào nhất trong cuộc đời làm báo của tôi.

- Tôi cũng có những người anh là bạn bè vong niên, từng trưởng thành trên chiến trường Quảng Trị ở mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tôi cũng nghĩ rằng, tất cả những ai từng qua đấy trong điều kiện như thế đều để lại trong mình một dấu ấn đặc biệt, đều đã có một bản lĩnh đặc biệt. Và dù sau này đường đời của họ có diễn ra thế nào thì họ đều có đủ bản lĩnh để thương nhau và tựa vào nhau…

- Đúng thế. Và tôi còn tự hào là trong hàng nghìn nhà báo vào trận, mình đã có được may mắn là luôn được đi theo những mũi chủ lực của quân đội ta, được chứng kiến những giờ phút giải phóng Huế, Đà Nẵng… Được chứng kiến những giờ phút đầu tiên giải phóng Sài Gòn…

- Hồi ấy, anh công tác ở cơ quan báo chí nào?

- Hồi ấy tôi thuộc Thông tấn quân sự, Thông tấn xã Việt Nam… Nhiều bức ảnh tôi chụp trong những ngày đầu giải phóng Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… giờ vẫn được trưng bày trong Viện Bảo tàng Quân sự Việt Nam, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam…Tôi cũng may mắn là thời điểm ấy đã có những vị thủ trưởng rất quan tâm tới báo chí, rất tạo điều kiện làm việc cho các phóng viên chiến trường…--PageBreak--

- Những thủ trưởng ấy là ai ạ?

- Thí dụ như đồng chí Phạm Hồng Cư. Hay đồng chí Lê Khả Phiêu, khi ấy là Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2… Đồng chí Lê Khả Phiêu đích thân đưa tôi tới các mũi nhọn, cho hành quân đi theo Lữ đoàn xe tăng 203 vào chiếm Dinh Độc lập, được chứng kiến những phút đầu tiên quân ta vào tiếp quản Dinh Độc lập, chứng kiến sự đầu hàng của Dương Văn Minh… Tôi, một phóng viên trẻ, mới vào nghề, nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của những thủ trưởng như thế thì làm sao có thể làm được những việc đã làm trong chiến tranh.

- Ngày 30/ 4/ 1075, mấy giờ anh vào Sài Gòn?

- Ngày 30/ 4/1975, tôi đi trên chiếc xe tăng thứ tư tiến vào Dinh Độc lập. Có thể nói, tôi là người phóng viên quân sự đầu tiên vào Sài Gòn…

- Sao tôi thấy sau này khá nhiều người nói rằng họ là phóng viên đầu tiên vào Sài Gòn ngày 30/4/ 1975?

- Rất nhiều người viết như thế, nhưng tôi xin nói với đồng chí Hồng Thanh Quang thế này: Vào dịp kỷ niệm lần thứ 10 ngày giải phóng miền Nam, tức là năm 1985, tôi nhận được một tập thư của bạn đọc do báo Sài Gòn giải phóng chuyển đến, lúc đó tờ báo này do ông Tuất Việt làm Tổng biên tập (anh Tuất Việt nay đã mất rồi).

Trong tập thư này có nhiều câu hỏi khác nhau, nhưng có một câu hỏi nêu lên có quan hệ với tôi. Bạn đọc hỏi, tại sao về những giờ phút đầu tiên của Sài Gòn giải phóng lại có nhiều nhà báo viết với những tình tiết khác nhau. Bạn đọc có nêu tên một số nhà báo, trong đó có những nhà báo tên tuổi và dường như là có thẩm quyền trong việc đánh giá sự kiện.

Tôi, một phóng viên mặt trận, cũng được nhắc đến. Và tôi thông qua báo Sài Gòn giải phóng đã viết trả lời một cách mộc mạc thưa với bạn đọc rằng, có biết bao cán bộ chiến sĩ có mặt ở Dinh Độc lập trong giờ phút lịch sử hôm đó, và trong đó chắc cũng có nhiều nhà báo. Tôi là một người lính, được vinh dự chứng kiến và ghi lại, chụp lại một góc nhỏ của sự kiện lịch sử to lớn đó, tôi làm sao biết được những người khác viết gì. Có người vào chậm hàng giờ nhưng vẫn viết như là mình đã có mặt ở đó từ đầu…

Tôi chỉ nói riêng về phần mình, tôi có mặt ở Dinh Độc lập vào lúc 11h24' ngày 30- 4- 1975. Và tôi đã chụp được những bức ảnh về chiếc xe tăng 390 tiến vào đè bẹp cổng Dinh Độc lập, cảnh nội các Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng…

- Tôi là kẻ hậu sinh nên trước những ý kiến khác nhau như thế thì tôi cũng chỉ biết giữ thái độ lắng nghe và chờ đợi. Nhưng tôi tin rằng, tất cả những ai có mặt ở Sài Gòn, trong Dinh Độc lập những ngày đầu giải phóng đều có thẩm quyền viết lại những ấn tượng, những chứng kiến của mình như những tư liệu lịch sử, dù không phải ai cũng có điều kiện bao quát được hết mọi chuyện. Trang giấy thì phẳng nhưng các sự kiện lịch sử luôn là không gian nhiều chiều. Có những cách nói nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng lại bổ sung cho nhau một cách đầy đủ hơn… Đấy là tôi nghĩ như thế.

- Tôi cũng còn những khoảnh khắc khác mà tôi rất tự hào trong nghề làm báo. Tôi là nhà báo duy nhất ở cùng các chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh Hải quân năm 1988 đêm trước lúc họ ra Trường Sa. Và không bao giờ họ trở lại nữa… Đó là những ký ức sâu đậm và vô cùng xúc động. Xúc động đến nghẹn ngào…

Tôi cũng là nhà báo đã đặt chân tới hầu hết các vùng chiến sự ở Đông Dương này. Các huyện cơ bản không chỉ của Việt Nam mà của cả Lào và Campuchia thì tôi đều đã đặt chân tới… Tôi đã đi theo nhiều cánh quân ta trên chiến trường K…

- Tôi hiểu, anh quá từng trải, đó là may mắn của anh trong nghề. Thế anh có nghĩ rằng, nghề báo có thật bất công hay không khi mà mình viết về bao nhiêu sự kiện quan trọng, mình đã góp tay vào làm cho bao nhiêu sự kiện trở nên quan trọng như chúng xứng đáng, để chúng khỏi bị quên lãng, thì chính bản thân mình lại là người dễ bị quên lãng nhất? Hay là chúng ta, làm nghề này, một khi "đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa"?

- Tôi nghĩ thế này, chúng ta làm nghề không phải để mưu danh, không phải để được lưu danh. Chúng ta làm nghề vì niềm sung sướng của chúng ta là được phản ánh, được ghi lại những cái gì diễn biến của lịch sử, những cái gì mà chúng ta tâm đắc, những cái gì có đóng góp cho những sự kiện, sự việc nó có ý nghĩa đối với đất nước.

Chúng ta khác với những người khác là không mưu danh nên nếu bị quên lãng thì đó cũng là chuyện nhỏ. Tôi nói thực, thời nào cũng có bao nhiêu anh hùng, bao nhiêu con người có đóng góp lớn, thậm chí ngay cả các bậc tiền nhân là công thần mà còn không phải lúc nào cũng được ghi nhớ xứng đáng. Vậy chúng ta là cái gì mà đòi hỏi lúc nào cũng được lưu danh?

- Tôi cũng từng viết: "Chỉ vô danh mới được vĩnh hằng!". Viết từ lâu lắm rồi…

- Tôi nghĩ, trong sự nghiệp thì có người được vinh danh, được giải thưởng này nọ, thì đấy cũng là niềm tự hào còn lại cho người ta. Nhưng nếu mình còn lại được những bài báo, những tác phẩm mà mình thực sự tâm đắc, độc giả thực sự thì đó cũng là niềm tự hào của mình.

- Những nhà báo may mắn là những nhà báo có được những ban giám khảo có trình độ hợp với mình để họ cho mình giải thưởng. Nhưng những nhà báo lại ở trình độ cao hơn các ban giám khảo đương thời nên không được giải thưởng thì cũng không hẳn đã là những người không may mắn. Đấy là tôi chưa nói tới chuyện có những tác giả khi người ta hỏi là anh có tác phẩm gì hay không thì lại trả lời, tôi có những giải thưởng này hay giải thưởng nọ (cười)… Thành ra có những người rất chịu khó sưu tập các giải thưởng…

- Đúng thế. Tôi nghĩ rằng những nhà báo ở thế hệ như tôi bây giờ thì rất được các cấp trên trước đây hiểu đúng về công việc. Nhưng bây giờ thì không hẳn. Bây giờ có ai đủ công tâm để thẩm định chúng ta đâu? Nhưng cũng đừng nên trách các anh thời bây giờ. Không phải người ta không quan tâm nhưng…

- Tiêu chí mỗi thời mỗi khác, mỗi thời cần những kiểu nhà báo…

- Đúng thế. Và thế cũng là bình thường thôi. Với chúng ta bây giờ, những sự đánh giá của độc giả, của những người không quen biết bất ngờ gửi thư tới thì vẫn là quan trọng hơn chứ.

- Đúng thế, làm báo nói cho cùng là vì độc giả dù chúng ta luôn cố gắng thực hiện tốt những nhiệm vụ được cấp trên giao… Anh từng công tác ở nhiều cơ quan báo chí lớn, từ TTXVN tới báo Nhân Dân rồi sang làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam cho tới lúc về hưu. Và anh từng được làm việc cùng nhiều nhà báo lớn. Anh có ấn tượng về ai nhất?

- Tôi có một điều không vui là không được gắn bó cả đời với một cơ quan báo chí duy nhất…--PageBreak--

- Sống với một vợ nhưng cơ quan thì đổi nhiều nơi (cười)…

- (Cũng cười): Đó là điều không vui nhưng trong cái sự không vui đó cũng có cái may mắn. Tôi còn có nhiệm vụ là làm khoa học về báo chí nên cũng dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu các tờ báo khác nhau. Muốn hiểu tờ báo của mình, phải đọc tất cả những tờ báo khác, những bài báo của các nhà báo khác. Nên khi đánh giá báo chí, mình không bị ràng buộc bởi một cơ quan báo chí cụ thể nào.

Tôi bao giờ cố nhìn rộng ra, để hiểu công việc của mình, để hiểu công việc của những người khác, học những cái thông minh nhanh nhạy của người ta. Tất nhiên, mỗi thời mỗi khác, nhưng ở thời nào, trong tố chất của những người làm báo thì cũng có những bậc xứng đáng làm thầy của mình. Thí dụ như bác Hoàng Tùng, thí dụ như anh Hữu Thọ… Thí dụ như những phẩm chất đẹp đẽ về mặt đạo đức của người làm báo như anh Hà Đăng..

- Anh có thể nói cụ thể hơn được không?

- Thí dụ như bác Hoàng Tùng, đó là một nhà báo có tầm nhìn thời đại. Qua những bài xã luận mà bác ấy viết đều toát lên một tinh thần của một con người có kiến thức cổ kim đông tây, nhìn thấu được xu hướng phát triển… Đó là tố chất của bác Hoàng Tùng… Còn anh Hữu Thọ thì luôn có một cách nhìn cụ thể, một cách láy lên những ý của báo chí…

- Biết phát hiện ra những vấn đề của báo chí ở những sự việc tưởng như bình thường trong đời sống…

- Còn anh Hà Đăng là người làm báo mà nói và viết như nhau. Cuộc sống và nghề viết của anh ấy là hòa quyện làm một.

- Vậy theo anh, thông thường ở các nhà báo giữa nghề viết và đời sống đôi khi có những khoảng cách?

- Tất nhiên là không nhiều lắm nhưng vẫn có những nhà báo mà giữa đời sống với trang viết có những khoảng cách khác nhau. Cho nên việc của chúng ta là phải dựng lên được một đội ngũ mà "tâm bất biến giữa sự đời vạn biến".

Cái đó mới là cái khó nhất. Tức là trong những thử thách gian lao, trong những lúc biến động, anh vẫn hiểu ra được, tìm ra được, khẳng định được quy luật phát triển của nó, để anh theo đuổi nó, để anh phục vụ cho nó. Hơn nữa, chúng ta khác là chúng ta đang đứng trên con thuyền sự nghiệp của dân tộc này, chúng ta không nhảy ra khỏi con thuyền ngay cả trong những lúc thử thách gian truân nhất.

Đó mới là phẩm chất lớn nhất, cao nhất của người làm báo. Tất nhiên, bây giờ người ta cũng nói khác nhau, thời thế thay đổi thì anh cũng phải thay đổi để thích ứng. Thôi, được rồi, anh cứ thay đổi để anh thích ứng nhưng nếu anh quay ngược lại với lợi ích của dân tộc, của đất nước thì anh sẽ không bao giờ thích ứng được cả.

Cái lớn nhất của anh là bao giờ anh cũng phải gắn anh với lợi ích của đất nước, của dân tộc, của con người Việt Nam này. Chứ không phải anh lấy lý do thời đại để anh sử dụng nó như một phương tiện để anh thỏa mãn những nhu cầu cá nhân của anh mà anh gọi đó là thích ứng. Điều đó hoàn toàn sai…

- Theo anh, thế hệ các nhà báo như các anh có gì khác so với các thế hệ khác, thí dụ như thế hệ của chúng tôi hôm nay?

- Mỗi một thế hệ nhà báo ở ta đều có những tố chất riêng của nó, chúng ta không nên ai ép buộc ai. Đây không phải nói lý thuyết, mà thực tế là như thế. Nhưng mà tôi cho rằng, ở thế hệ làm báo như bọn tôi hoặc các thế hệ lớn hơn thì đều coi làm báo với một sự say mê nghề nghiệp, coi đấy như một nghề tối thượng, "thượng tôn vô bình", mà người ta theo đuổi..

- Tôi nghĩ thế hệ nào cũng có những người làm báo với sự say mê, coi làm báo là một nghề tối thượng…

- Nhưng mục đích của họ là rất rõ ràng, đó là sự cống hiến… Chứ còn bây giờ… Bây giờ tôi đọc lại các thế hệ làm báo trước, thực ra không phải kiến thức người ta ghê gớm gì nhưng người ta vì yêu nghề, người ta tự trọng về nghề nghiệp, nên người ta đi nhiều, người ta đọc nhiều, suy nghĩ nhiều thì lúc ấy người ta mới đặt bút viết. Như Lê Quý Đôn đã nói rồi, trong đầu phải có ba vạn cuốn sách, trong mắt phải thấy được hết núi non hướng trời…

- Tôi hiểu ý anh. Nhưng tôi muốn hỏi, phải chăng ở thời của các anh, cường độ làm việc nó không cao như bây giờ, nó không bị câu thúc như bây giờ, thành ra, lúc đó có thể sống chậm được. Mà có sống chậm thì nó mới sâu, nói mới đỡ hời hợt. Thế nhưng, bây giờ đòi hỏi của xã hội quá lớn, thành ra nhiều công việc dường như trở nên hời hợt?

- Tôi có đọc bài của chị Phạm Phương Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, chị ấy có viết cho tôi dịp tết vừa rồi. Chị ấy nói rất đúng, cuộc sống bây giờ vội vàng quá, đi nhanh quá nên ít có điều gì lắng đọng về chiều sâu và nhiều khi chúng ta không có thời gian để nhìn lại bước chân của mình. Đúng như Hồng Thanh Quang vừa nói.

Thế cho nên là, mọi sự mới trở thành một cuộc đua mà trong cuộc đua ấy, nhiều người do không có điều kiện, do đuối sức nên dễ bị hụt hơi, chỉ nhìn thấy trong đó những lợi ích. Nhiều người không đủ năng lực vẫn tiếp tục tham gia cuộc đua ấy.

Ngày xưa, chúng ta thấy rằng, ở cơ quan nếu anh nào không đủ năng lực thì chỉ sau một thời gian sẽ bị loại, phải thay đổi công việc. Đó là một quá trình tự sàng lọc. Còn bây giờ, có những người không có năng lực mà vẫn cứ ở cơ quan mãi, chẳng đi đâu cả và Nhà nước cứ phải nuôi.

- Tôi lại thấy khác anh, tôi thấy bây giờ khác với thời bao cấp, cái sự tự sàng lọc diễn ra mạnh mẽ đấy chứ. Những người có năng lực thì được trọng dụng hơn, còn những người kém năng lực dễ bị loại hơn trước kia nhiều. Hay là anh đang nói thế từ thực tế tạp chí cũ của anh (cười)?

- (Cũng cười): Không, đấy là tôi nói ở một số cơ quan khác. Một bộ máy không tự thanh lọc như thế không phải là một cơ thể lành mạnh. Muốn lành mạnh thì anh phải có đồng hóa và cả dị hóa.

- Trong thực tế bây giờ những người có năng lực hay thay đổi công việc hơn vì đòi hỏi của họ hay thay đổi và ngày một cao hơn. Họ cần tìm những chỗ làm việc thích ứng với họ hơn, cả trong điều kiện vật chất lẫn tinh thần. Những người kém năng lực thường buộc phải bám vào một chỗ nào đó ổn định dù đãi ngộ không hẳn đã là như ý muốn.

- Những người kém năng lực thì họ không biết đi đâu cả. Nhưng những người có năng lực mà chạy nhiều chỗ quá thì theo tôi, cũng là không nên. Vì trong công việc, anh phải có mục đích tự thân, anh phải đeo đuổi nó, anh phải vươn lên, vượt qua trở ngại… Thế mới gọi là người có văn hóa, thế mới gọi là trí thức…--PageBreak--

- Theo tôi nhận thấy, trong việc quản lý cơ quan bây giờ, cái khó là chúng ta vừa phải tạo điều kiện cho những người có năng lực tốt nhất làm việc, có những yếu tố cạnh tranh lành mạnh để kích thích các năng lực, nhưng lại vừa không quá bạc đãi những người không có năng lực cao. Bởi vì kém năng lực đôi khi cũng không hẳn là lỗi chủ quan, mà lắm lúc lại là do hoàn cảnh khách quan… Đấy cũng chỉ là một ý thôi, tôi cứ nghĩ vẩn vơ như thế. Theo tôi biết, hình như anh có bằng TS về báo chí bảo vệ ở AON (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô cũ). Năm nào anh bảo vệ ở đấy nhỉ?

- Năm 1990.

- Thực sự với anh chẳng hạn, trong quá trình anh làm luận văn TS về báo chí như thế, anh có thấy nó làm cho anh thay đổi gì không, nó có cho anh cái gì thêm so với thời điểm trước khi anh bắt tay vào làm?

- Bây giờ tôi nói chuyện học. Nếu anh học nghiêm túc thì anh học bất cứ trường nào cũng có giá trị. Và quá trình làm luận văn TS, nếu chúng ta làm nghiêm túc, thì nó cũng cho chúng ta đọc lại, chúng ta suy ngẫm, hệ thống kiến thức lại, ít nhất là cũng cho chúng ta một phương pháp làm khoa học, phương pháp nghiên cứu, phương pháp nhìn sự đời.

Có thể nói là nó trang bị cho chúng ta một thế giới quan khoa học, để nhìn nhận vấn đề sâu hơn, rõ hơn. Tất nhiên, không có gì tuyệt đối cả. Nhưng đối với tôi thì tôi rất tự hào về cái bằng TS về báo chí của tôi. Vì tôi có thể nói là tôi là người Việt Nam đầu tiên làm luận án TS về báo chí ở AON toàn từ thực tiễn của cuộc sống.

- Thế đề tài luận án TS của anh là gì?

- Báo chí Việt Nam như một yếu tố góp phần hình thành chính sách kinh tế trong điều kiện thị trường.

- Ở thời điểm năm 90 mà anh đã viết như thế rồi…

- Ở ta thì từ năm 1986 đã bắt đầu công cuộc Đổi mới rồi nên với chúng ta, điều đó không phải là mới mẻ gì. Nhưng ở Nga khi ấy vẫn là điều rất mới mẻ nên các GS rất thích. Người hướng dẫn tôi là GS Smirnov, nguyên là Phó Khoa báo chí Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU), sang AON làm Trưởng khoa, đã rất vui nói với tôi rằng, đó là một đề tài rất hấp dẫn. Luận văn này là cơ sở để tôi sau đó đã viết một cuốn sách Báo chí và sự nghiệp đổi mới và xuất bản tại NXB Lao động.

- Có ý kiến cho rằng, rất nên hoài nghi những luận án viết về chủ đề trong nước nhưng lại mang ra bảo vệ ở nước ngoài. Bởi lẽ, về những vấn đề trong nước ta thì chắc gì các thầy đã có hiểu biết bằng các nghiên cứu sinh ta để mà chấm điểm… Biết đâu trong những việc ấy anh mới là thầy thì sao! Anh nghĩ thế nào về việc này?

- Tôi nghĩ, trong khoa học thì không có điều gì giấu giếm cả và nhận thức nào nó cũng có tính lịch sử của nó. Và giá trị của đề tài nghiên cứu khoa học không chỉ ở công dụng của nó đối với công việc đương thời. Tôi từng tham gia một số đề tài khoa học khi GS Đặng Xuân Kỳ còn sống. GS Đặng Xuân Kỳ có nói rằng, trong nhiều đề tài có những kết luận rất chính xác, rất đúng nhưng lại chưa phù hợp với thời điểm lúc nó được công bố. Và đến bây giờ thì rất có giá trị. Nhưng tiếc rằng, về sau không ai giở lại xem những kết luận cũ ấy để mà khai thác, để mà áp dụng...

- Người Pháp hay nói đùa, mốt mới lắm khi lại là thứ mốt cũ đã bị bỏ quá lâu rồi… Và đôi khi để đưa ra cái mới chỉ cần nghiên cứu lại những cái cũ đã bị quên lãng từ lâu rồi… Làm được việc đó mới thực sự là sự kế thừa và tiết kiệm được rất nhiều công sức và kinh phí tốn kém vào việc triển khai những cái mới thực ra chưa chắc đã bằng những cái cũ…

- Lắm khi chúng ta cứ nhận xét rằng, con người này lớn tuổi rồi nên giáo điều, xơ cứng. Thực ra không phải như thế…

- Đúng vậy. Không có thế hệ nào toàn những người xơ cứng, cũng như không có thế hệ nào toàn những người cách tân. Vấn đề ở đây là cụ thể từng con người, từng cá nhân. Có người lớn tuổi nhưng tư duy vẫn thanh tân, có người trẻ nhưng cách nghĩ lại cũ mèm… Có điều, trí giả là người biết cư xử hợp thời, không lụy thời, không xu thời, nhưng không được mâu thuẫn với thời cuộc. Đôi khi ta phải biết hy sinh một phần tự do cá nhân để việc chung không đổ vỡ…

- Cái sự đổi mới là ở trong tiềm thức của mỗi con người, ở thế hệ nào cũng có những con người đổi mới, những trí giả. Và trí giả phải là người biết công nhận cái đúng của người khác. Chúng ta hiện nay, có những người biết đồng nghiệp mình nói đúng nhưng lại không công nhận vì sợ rằng, nếu công nhận đồng nghiệp đúng thì tức là mình đã sai, tức là mình tự hạ thấp uy tín của mình…

- Tôi hiểu rồi… Tôi muốn hỏi anh thêm một chút về cơ quan cũ của anh. Anh đã nhiều năm làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam. Trong cách nhìn của tôi, trong bất luận trường hợp nào thì đó cũng là một cơ quan báo chí rất đáng được nể trọng, một trung tâm truyền thông khả kính. Thế nhưng, tại sao vẫn luôn dai dẳng những đồn đại rằng vì VTV trụ sở ở Giảng Võ nên làm việc ở đây không bao giờ là dễ dàng cả? Anh nghĩ thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, những ai thực sự ham mê nghề nghiệp thì không bao giờ nghĩ thế cả. Xưa nay ở đâu cũng thế, những người thông minh và tài giỏi thường rất có cá tính, bên cạnh những điểm mạnh cốt yếu bao giờ những còn có những tính này tính kia…

- Nhân vô thập toàn, chúng ta ai chẳng thế, phải chơi với nhau bằng những điểm mạnh và nương nhau ở những điểm yếu… Đấy là tôi nghĩ như thế…

- Sống trong cộng đồng thì phải biết thích ứng với nhau, thậm chí phải biết hy sinh vì nhau. Nếu chúng ta cứ muốn cái gì cũng được thì rất khó. Thực sự, chấp nhặt nhau thì dễ, nhưng nương nhau vì công việc chung thì mới khó.

- Có một nghìn lẻ một lý do để giận nhau nhưng chỉ có một lý do duy nhất và lớn nhất để cộng tác cùng nhau, để ở cùng nhau, đó là vì công việc, vì công việc chung?

- Đúng thế.

- Xin cảm ơn anh!

H.T.Q.
.
.