Nhà báo Bùi Việt Phong: Sao người tốt vẫn thường khổ vậy

Thứ Sáu, 02/07/2010, 15:54
Đầu năm 1982, lần đầu tiên, tôi gặp Bùi Việt Phong ở Hà Nội qua Từ Ngàn Phố. Gặp nhau là gần gũi, cởi mở với nhau ngay, hầu như không có khoảng cách gì. Dễ hiểu vì hồi ấy, người viết (nhất là những người viết trẻ) thường quan tâm đến nhau qua một vài tác phẩm đầu tay đăng báo. Không giống như bây giờ, anh có đăng cả trang thơ, in cả quyển sách, được ca ngợi ở chỗ này, chỗ nọ... cũng không có mấy người (kể cả trong giới với nhau) để ý.

Trước đó, vào năm 1981, tôi đã biết Phong qua hai bài thơ đoạt giải trong một cuộc thi thơ của Hội Nhà văn TP HCM là "Trúc" và "Một giây của đời bạn ở chiến trường".

Thời gian này, tôi và Phong còn có chung một kỷ niệm: Dù chưa biết mặt nhau nhưng hai đứa có thơ in chung trong một số báo Văn nghệ. Bài thơ lục bát của Phong ào qua tôi như một làn gió bằng mấy câu: Cái cô bán chiếu ngày xưa/ Của Tây Hồ ấy bây giờ còn không/ Như là một nỗi chờ mong... Tôi còn nhớ rõ dưới đề từ của bài thơ ấy, Phong còn ghi thêm: Cho Dung, em gái tôi.

Cũng như nhiều người hồi ấy, chúng tôi sống rất kham khổ nhưng lại rất hay đọc thơ và uống rượu vô tư cùng nhau. Phải chăng ấy là thời còn rơi rớt những gì thuộc về lãng mạn? Không có tiền thì thôi, còn đứa nào may mắn kiếm được tý tiền còm, là y như rằng cả bọn rủ nhau đi ăn, đi uống. Mà mang tiếng là ăn uống, chứ thực ra đồ ăn thức uống nào có ra cái gì ngoài rượu trắng, cổ cánh gà, xương "bốc mả", phở "không người lái". Cũng vì thiếu thốn, mà có dạo, Phong nảy ra "sáng kiến" uống rượu dưa (nhắm rượu với dưa muối).

Nhưng hình như "sáng kiến" này không bắt đầu từ Phong mà từ thi sĩ Trần Vũ Mai, tác giả của trường ca "Ở làng Phước Hậu" nổi tiếng thì phải. Người đời bảo: "Trong cái khó ló cái khôn", còn với chúng tôi thì... "trong cái khó" lại "ló cái dại". Bởi vì uống rượu đã hại rồi, lại lấy thêm dưa đưa vào cơ thể nữa, thì thành... hại đến hai lần. Nhưng vì buồn quá, lại nghèo quá... cũng đành phải chấp nhận vậy thôi.

Về chuyện ăn uống hồi ấy, tôi nhớ như in một kỷ niệm. Quãng đầu năm 1984 gì đó (thời điểm này, nhiều huyện của Hà Tây nhập vào Hà Nội), hồi còn làm anh cán bộ nhì nhằng và tạm bợ của Sở TDTT Hà Nội, một hôm, đi từ sới vật Cát Quế (Hoài Đức) về, tôi khoe ngay với Phong: Tao vừa trúng một quả đậm. Đứng ra in thuê hàng mấy vạn vé số cho một cơ sở. Nếu "thuận buồm xuôi gió" có thể kiếm được một chỉ vàng đấy. Kỳ này lại có tiền nhậu lai rai đây.

Bây giờ một chỉ vàng không là gì. Nhưng hồi ấy, một chỉ vàng đối với những kẻ khốn khó như chúng tôi, nó to lắm.

Rồi chúng tôi có một chỉ vàng trong tay thật và không biết làm gì ngoài việc rủ nhau đi bù khú hàng tuần lễ. Hết rượu ngon lại tái dê, lẩu cá... Quả là trong lúc đói khổ, con người ta không nghĩ được chuyện gì khác, ngoài chuyện làm thỏa mãn tức thì những đòi hỏi thường trực của dạ dày! Chắc hẳn nếu thi sĩ Nguyễn Vĩ tái thế, ông sẽ không khỏi ngạc nhiên và đặt ra câu hỏi: Tại sao sau rất nhiều năm, đám hậu sinh theo gót ông lại có cảnh ngộ giống ông đến thế? Mà chúng tôi nào có khác gì ông đâu: Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang/ Xáo trộn văn chương với chả chó...

Bây giờ, nhớ lại những tháng ngày trẻ trung vất vả ấy, chúng tôi vẫn còn cảm thấy cay cay nơi khóe mắt.

Hồi ấy, Phong nghĩ nhiều, đi nhiều, viết nhiều (cả báo và thơ) và nói cũng nhiều. Năm 1989, Nhà xuất bản Trẻ in tập thơ "Phác Họa - Đường chân trời" của Bùi Việt Phong và Hoàng Trần Cương. Phần "Phác họa" của Phong có cả thảy 29 bài. Thơ Phong có mạch khỏe, hanh thông, có ý tứ, có giọng điệu, có cảm xúc chân thành và đặc biệt có trách nhiệm trước cuộc sống:

Tôi để sang một bên những cánh rừng tôi đã sống thời sục sôi nhất
Những lầm lỡ tôi không sao làm lại được
Trong cuộc đời bé nhỏ của tôi
Để được nhớ về phố biển của em thôi.

                   (Quầng mặt trời trong mắt)

hay:

Trong cuộc đời anh đã thua thiệt nhiều điều
Chỉ có đôi tay chưa dính bẩn
Và không bao giờ là kẻ quá khích
Mở to mắt ra anh nhìn thẳng cuộc đời này.

                                                     (Tặng em).

Từ 1993, sau khi viết bài thơ gần như là cuối cùng mang tên "Thời mở cửa", trong đó có mấy câu đáng nhớ:

Thời mở cửa, các nhà khép kín với nhau hơn
Chỉ có cửa hàng là rộng mở...
Thời mở cửa, người ta bán sức mình bên đường Giảng Võ
Và có rất nhiều người chẳng biết bán cái gì
Thời mở cửa, vâng, rất nhiều cái đẹp
Và cũng rất nhiều cái tốt mãi qua đi.

Riêng bài thơ "Chơi trốn, chơi tìm" của Phong được nhà thơ Trúc Thông rất thích.

Bình bài thơ này, nhà thơ Trúc Thông viết: "Cái tìm được trước nhất, bao trùm, chính yếu, hồn cốt... là trái tim còn rất ngây thơ của tác giả. Bùi Việt Phong đã dày dạn trận mạc thời chống Mỹ, em trai rứt ruột của anh đã yếu mệnh nên anh thường lấy bút danh Bùi Việt Sơn (em ruột Phong) khi viết báo để không lúc nào rời xa, mà nhập tên em vào đời mình. Lại làm báo, thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập... bao nhiêu sóng gió, thượng vàng hạ cám. Nhưng thi sĩ chính là một loài như vậy, trở về thơ, Bùi Việt Phong vẫn thật trong trẻo trẻ thơ".

Bài thơ có hai câu thật trăn trở, băn khoăn:

Giờ bạn bè ơi ở đâu
Làm sao gặp nhau để hỏi
Người nào còn trốn nhau mãi
Người nào vẫn đang tìm nhau.

Nhưng hai câu thơ mà Phong hay đọc cho tôi nghe lại là hai câu thơ của bè bạn:

Tôi là con của nhà nông
Thấy ai vất vả thì lòng cũng thương.

Nhân đây, cũng xin nói: Con người Bùi Việt Phong là thế. Anh vừa chân thành, vừa chân chất lại vừa dễ mủi lòng trước những trắc ẩn của cuộc đời. Dường như bản chất người nông dân mặc áo lính, bản chất người nông dân cầm bút vẫn chưa hề nguôi ngoai trong anh.

Tôi nhớ có lần có một chàng thanh niên vô tình đâm xe máy vào xe máy của anh. Người cha của chàng thanh niên đã đến xin lỗi anh và sẵn sàng bồi thường... Nhưng Phong đã lắc đầu và nói: Làm sao tôi có thể nhận tiền của bác được khi biết gia cảnh nhà bác còn gặp nhiều khó khăn hơn gia đình tôi. Bác về khuyên cháu lần sau đi đứng cho cẩn thận và khi mắc lỗi thì phải dũng cảm nhận lỗi.

Tôi cũng biết Phong là người không biết cách gì để kiếm thêm tiền ngoài thu nhập hàng tháng từ Báo Lao động. Có lần, Phong nói với tôi: Có một người thông qua mình mà quảng cáo trên báo. Người ta trả cho mình 10% hoa hồng. Không biết mình có nên nhận không nhỉ? Mà nhận, liệu có phải không nhỉ? Hay là ông nhận thay tôi rồi rủ bạn bè đi uống bia cho vui.

Rồi với Phong, thời gian trôi đi một cách lặng lẽ và nghiệt ngã. Đến năm 1995, vốn là người có thể tạng không được khỏe, lại phải vắt kiệt sức mình vì những đổi thay của tờ báo, đến khi lên Thư ký tòa soạn, rồi Phó tổng biên tập thì Phong lăn ra ốm lên ốm xuống. Có lúc Phong hoang mang và gần như trở thành "người bệnh tưởng". Tôi nhớ có lần, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình kể: "Đêm qua, Phong nó mời mình đi uống rượu. Nó nói trong nước mắt: Em uống với bác một vài ly và em chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa. Em nghi em bị ung thư".

 Rồi Phong đi bệnh viện nhiều lần. Lúc thì nghĩ mình bị mắc bệnh này, lúc lại nghĩ mình bị chứng kia. Nhưng rốt cuộc, cũng chưa có bác sĩ nào kết luận là Phong mắc một bệnh nào cụ thể cả.

Suốt bảy năm, kể từ khi nghỉ dưỡng bệnh hay khi đã quay lại làm việc, Phong ngày đêm phải đối mặt với vấn đề sức khỏe và nỗi ám ảnh về bệnh tật, gia đình... Nhà thơ Quang Khải từng có một bài thơ viết về Phong, trong đó có câu: "Người không có lối về ở cả hai đầu", với ý: Phong sống có vợ ở bên đã khổ và sống không có vợ ở bên lại càng khổ hơn.

Thời gian này, Phong uống rượu rất nhiều và rất ít ăn. Đầu óc Phong đôi khi như một kẻ mộng du, khi quên khi nhớ. Mặc dù bạn bè và người thân đã khuyên can nhiều lần, nhưng anh kiên quyết không bỏ rượu và thuốc lá.

Quãng năm 1997, tôi cố ý rủ Phong đi chơi với tôi hai lần cho khuây khỏa. Một lần đi Quảng Nam - Đà Nẵng. Một lần đi Sơn La - Lai Châu. Tôi nhớ cả hai lần đó, tâm Phong không được yên tĩnh và trong nhiều đêm thường mơ thấy có một kẻ nào đó đang muốn giết anh. Hay nói một cách khác: Ác mộng chưa khi nào buông tha anh.

Trong cuộc sống, tôi biết Phong là người có mối quan hệ rộng. Ngoài nhóm chúng tôi, Phong còn có quan hệ với nhiều người khác ở trong Nam ngoài Bắc. Ai gặp gỡ Phong dù chỉ một lần cũng dễ dàng nhận ra ở anh sự giản dị, khiêm tốn lẫn tấm lòng khoan dung, độ lượng. Thường thì Phong đánh giá về ai cũng rất cẩn trọng.

Ngay khi còn sống, thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn xa xót nói với nhau: Số thằng này vất vả và khổ sở quá. Khi đã có chút chức chút quyền thì lăn ra ốm. Có một mảnh đất được cơ quan cấp cho thì loay hoay mãi vẫn chưa xây được ngôi nhà cho ra hồn. Với sự sa sút về sức khỏe như thế này, lại thêm tấn bi kịch gia đình đè nặng, nếu có sống thì cũng thân tàn ma dại thôi. Mà cái dở nhất của thằng này là ít chịu thay đổi, thích ứng và bản lĩnh sống chưa thật cao cường".

Giữa năm 2002, Bùi Việt Phong ra đi đột ngột ở tuổi 49. Sự ra đi của anh giống như một ngọn đèn hết dầu dần dà phụt tắt. Mới đấy mà đã hơn bảy năm.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ thật chí lý và giàu trải nghiệm, đồng thời cũng là câu hỏi muôn thuở về kiếp người của nhà thơ Thi Hoàng để vận vào số phận của nhà thơ Bùi Việt Phong:

Có chất lượng nào hơn chất lượng người
Sao người tốt vẫn thường khổ vậy?

Đặng Huy Giang
.
.