Nguyên soái G.Zhukov: Sống ở lòng dân
Tháng 5/2010 sẽ là dịp kỷ niệm trọng thể 65 năm ngày nhân loại chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức. Trong sự kiện trong đại này không thể nào quên lãng những hy sinh và công hiến của nhân dân Xôviết vào sự nghiệp chung của thế giới yêu chuộng hòa bình và công lý.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn vang lên những giọng điệu lạc lõng muốn hạ thấp vai trò của Moskva trong chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít và những đại diện tiêu biểu của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến đấu một mất một còn chống lại những đạo quân sài lang của cái ác.
Một trong những nhân vật hay bị những kẻ thiếu lương tri và thiện tâm tấn công là Nguyên soái Xôviết Georgi Zhukov, một vị tư lệnh lừng danh trên các chiến trường của thế chiến thứ hai, một tấm gương khả kính về cách sống trong môi trường quân đội.
Trong suốt những năm nhân dân Xôviết chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít, G. Zhukov đã làm Phó Tổng tư lệnh tối cao, không chỉ một lần giải cứu những tình huống đầy nguy hiểm. Chính ông đã cùng binh sĩ của mình chiếm thành Berlin và đứng ra nhận sự đầu hàng của nước Đức. Rồi chính ông là người được lãnh tụ Yosif Stalin cử làm người chỉ huy cuộc duyệt binh chiến thắng trên Quảng trường Đỏ, Moskva, một vinh dự mà nói cho cùng, ngay bản thân "người cầm lái vĩ đại" cũng mơ ước nhưng do tính ưa công bằng nên ông đã "nhường" cho vị nguyên soái dưới quyền (theo những thông tin mới được công bố, Y. Stalin đã tập cưỡi ngựa để xuất hiện trên Quảng trường Đỏ trong vai trò cầm chịch lễ duyệt binh chiến thắng). Nói chung, Y. Stalin thường cố gắng hậu đãi G. Zhukov vì ông hiểu rõ vai trò không thể gì thay thế được của người anh hùng nhân dân này.
Quân nhân bẩm sinh
Đó là nhận định của nhiều nhà nghiên cứu quân sự khi nói về Zhukov. Ông bắt đầu binh nghiệp từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, năm 1915. Sau Cách mạng Tháng Mười, ông gia nhập Hồng quân và mau chóng trưởng thành trên mọi cấp độ chỉ huy, từ trung đội trưởng, đại đội trưởng rồi lên dần tới sư đoàn trưởng... Tiếp theo là cấp quân đoàn và quân khu.
Năm 1939, Zhukov được cử sang chỉ huy Tập đoàn quân Xôviết số 1 phối hợp cùng quân đội cách mạng Mông Cổ đập tan quân Nhật ở Khalkhin Gol. Chính trong chiến dịch quân sự này, Zhukov đã bộc lộ được những phẩm chất vượt trội của một nhà cầm quân tỉnh táo, khôn khéo, không chỉ biết đưa ra những quyết định sáng suốt trong bối cảnh chiến sự phức tạp mà còn đủ độ năng động và cứng rắn thực hiện tới cùng những nhiệm vụ đã đặt ra.
Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô diễn ra sau đó đã càng tôi luyện thêm bản lĩnh và nâng cao thêm kích cỡ nhân cách kiệt xuất của nhà quân sự lỗi lạc này. Thiên tài của ông được thể hiện ở chỗ, trong những tình huống vô cùng nan giải, lắm khi vận mệnh quốc gia như ngàn cân treo trên sợi tóc, Zhukov với tư cách người cầm quân đã luôn tìm ra được lối thoát hiểm tối ưu nhất.
Khi Moskva hay thành
Trước mỗi chiến dịch, Zhukov lại suy nghĩ và "chế biến" ra cách tiến hành chuẩn bị hỏa lực pháo binh, những thủ pháp trinh sát chiến trường mới, cách thức mới tung những lực lượng chủ đạo tấn công và đặc biệt chú trọng tới những mẹo lừa địch cả trên thực địa lẫn trong thông tin. Theo ông, mỗi một trận đánh, mỗi một chiến dịch đều là độc nhất vô nhị về điều kiện diễn ra nên những phương thức tiến hành chúng cũng phải là độc nhất vô nhị và mang đậm màu sắc sáng tạo. Ông coi sự giáo điều, lặp lại là kẻ thù lớn nhất trong nghệ thuật cầm quân của mình.
Cầm quân là một quá trình sáng tạo không ngừng đối với Zhukov. Ông biết tìm ra cách giải quyết mới lạ và bất ngờ nhất cho những tình huống tưởng như quen thuộc trong sách giáo khoa và vì thế, thường làm cho kẻ thù phải "ngã bổ chửng" trước những đòn điểm huyệt như sấm sét của Hồng quân.
Một trong những nét đặc biệt nữa của thiên tài Zhukov là ở chỗ, ông thường biết cách đoán trước được những ý đồ của đối phương. Năng lực kiệt xuất không chỉ hình dung ra được những nước cờ tương lai của đối phương đã giúp cho ông nhìn thấy trước diễn biến của trận đánh hay chiến dịch và đưa ra những quyết sách có tầm nhìn xa trông rộng. Những thí dụ về việc này có vô số trong sách viết về Chiến tranh thế giới lần thứ hai...--PageBreak--
Người thủ trưởng mẫu mực
Đã có quá nhiều thông tin về những võ công hiển hách của Zhukov. Tuy nhiên, không nhiều người biết rõ ông trong không khí gia đình. Người quân tử trong hoàn cảnh nào cũng có phong độ quân tử. Zhukov đúng là người như vậy. Theo lời kể của các con gái với mọi thành viên trong gia đình, Zhukov luôn có tác phong của một chỉ huy. Vợ ông vốn là một giáo viên, chỉ vì mê ông mà tình nguyện gia nhập Hồng quân, với cương vị trợ lý giấy tờ, sát cánh với chồng trên từng nẻo đường chiến trận. Năm 1922, hai người làm lễ cưới, nhưng Zhukov vẫn luôn đối xử với vợ mình bằng sự nghiêm khắc của một thủ trưởng, hệt như đối với các cấp dưới khác. Vợ ông biết vậy nên luôn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, chỉ có một lần mắc lỗi khiến chồng suýt nữa thì ra lệnh kỷ luật...
Bà Zhukov đã tận tụy giúp chồng, trong điều kiện khó khăn của đời binh nghiệp, trau dồi vốn văn hóa, đặc biệt là những kiến thức về tiếng Nga. Bà yêu chồng đến mức gần như suốt cả đời chỉ dành sức lực và thời gian để phục vụ cho chồng, và con cái nữa (họ có hai người con gái, người con đầu sinh năm 1928, người con út sinh năm 1937). Đối với bà, ông vừa là mối tình đầu tiên và cũng là mối tình cuối cùng trong đời. Bà luôn cố gắng để gia đình thực sự trở thành tổ ấm đối với chồng, nơi ông có thể hoàn toàn ngơi nghỉ cả về thể xác lẫn tinh thần. Zhukov đánh giá cao vợ mình cũng vì thế.
Với hai cô con gái "rượu", Zhukov yêu quý một cách nghiêm khắc nhưng cũng đầy tôn trọng nên ông không bao giờ ép buộc các con mình nhất nhất phải làm theo những gì ông thích. Ông chỉ tinh tế hướng dẫn họ đi theo lối mà ông cảm thấy là con đường sáng. Bằng nếp sống ngăn nắp, mực thước của chính mình, ông đã giáo dục con cái mình rèn luyện những phẩm chất đó. Từng phải trải qua một tuổi thơ đầy thiếu thốn, ông muốn các con mình được học hành đến nơi đến chốn, để "trở thành người lương thiện, để không ai lừa dối được mình", như lời các con gái ông sau này nhớ lại...
Ông cũng rất không thích con mình dựa hơi cha để làm các công việc xã hội. Ông thường nói với họ: "Công lao của cha chỉ là của cha thôi. Các con phải tự mình làm việc để phấn đấu phát triển"... Nói một cách công bằng, các con gái ông cũng từng phải chịu nhiều khốn đốn khi người cha vĩ đại của mình gặp những thời điểm vận hạn. Tuy nhiên, là con gái của một nguyên soái như Zhukov nghĩa là phải có bản lĩnh. Họ có bản lĩnh nên họ cũng đã vượt qua được những thời điểm vận hạn đó của gia đình mình.
Một kiếp truân chuyên
Là người có trí tuệ kiệt xuất và phẩm chất phi thường, nhưng Zhukov suốt đời vất vả. Trai thời loạn, bước vào thời bình, ông đã gặp không chỉ vấp váp khi phải trở thành một chính trị gia trong bầu không khí không hẳn đã đơn giản của Liên Xô những năm giữa thế kỷ XX. Các quân nhân đích thực rất giỏi "đi guốc vào bụng" kẻ thù nhưng lại hay trở nên cả tin với người xung quanh. Zhukov cũng là một quân nhân như thế và đôi khi, ông đã trở thành một quân cờ trong cuộc chơi do những người khác làm "chủ xị".
Không có gì lạ là trong thời bình ông hay gặp "vận hạn". Tính thẳng thắn, nghĩ gì nói nấy của ông không phải lúc nào cũng được hiểu đúng và hơn thế nữa, lắm khi dẫn tới cho ông thêm những kẻ ghen ăn tức ở. Và những kẻ này đã ra tay định "hạ thủ" (về chính trị) đối với ông không chỉ một lần.
Sau chiến tranh, G. Zhukov tiếp tục được trao cho những vị trí trang trọng mà cho tới nay, nhiều người cựu chiến binh vẫn coi là xứng đáng: Tư lệnh Tập đoàn quân Xôviết đồn trú ở Đức, Tư lệnh Lục quân rồi Thứ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, dần dà những đám mây đen đã hội tụ lại trên đầu vị nguyên soái do những sơ sẩy của chính ông cộng hưởng với ham muốn của một số thế lực chính trị nào đó đang lo sợ uy danh quốc tế và nội địa quá cao của ông và nhìn thấy tính thiếu khiêm tốn của G. Zhukov trong việc ông coi mình là người chủ xướng mọi chiến dịch chính yếu của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Chính vì thế nên G. Zhukov chỉ trụ được ở chức Thứ trưởng Quốc phòng có gần một tháng (từ tháng 5 tới ngày 3/6/1946) và bị cử đi làm Tư lệnh Quân khu Odessa.
Họa vô đơn chí, cũng như một số vị tướng từng chỉ huy những đoàn quân chiến thắng Xôviết ở Đức, G.Zhukov lại bị buộc tội đã giữ làm của riêng quá nhiều chiến lợi phẩm lấy được từ đất nước bại trận. Cuộc thanh sát ở trại nghỉ ngoại ô của nguyên soái đã thu về cho công quỹ 9.000m vải quý, 323 bộ da thú hiếm có, 44 tấm thảm từng được trải trong các cung điện của nước Đức, 55 bức họa cổ điển...
Cực chẳng đã, G. Zhukov đành phải viết bản tường trình gửi cho Bí thư trung ương Đảng
Theo lời các con gái ông nhớ lại, sau khi hoàn thành bộ hồi ký "Nhớ lại và suy nghĩ", Zhukov đã buồn rầu nói, trong đời ông có ba thời điểm gay cấn và ở trong bất cứ thời điểm nào như thế đều dính dáng tới con số 7.
Thứ nhất, năm 1937, một số kẻ xấu đã viết đơn vu cáo ông không trông coi vợ con cẩn thận nên để vợ ông rửa tội cho cô con gái út. Lần ấy, ông đã tai qua nạn khỏi nhờ uy tín có thực của mình.
Lần thứ hai, năm 1947, ông lại bị thêm một lần phải đối mặt với những lá đơn vu khống. Nhưng sự trong sáng đã cứu ông: cơ quan chức năng không thể nào tìm ra được chứng cớ về việc ông có dính dáng tới những trò đen bạc nào đó...
Lần thứ ba, việc ông bị loại hoàn toàn khỏi cuộc chơi lớn trên chính trường đã diễn ra vào năm 1957!.. Khi đó, như chính lời ông về sau tâm sự: "Mọi việc có thể cứu vãn được, nếu tôi chịu khom lưng, nhưng tôi đã không làm thế. Tại sao tôi lại phải khom lưng? Tôi không cảm thấy tôi có lỗi để mà phải khom lưng xin lỗi...".
Cho tới phút cuối cùng của đời mình, ông vẫn giữ nguyên phong độ của một quân nhân đích thực. Cứng rắn mà nhân ái! Nín nhịn mà cương trực! Hơn ai hết, ông hiểu rằng, "gian nan là nợ, anh hùng phải vay" nên không bao giờ oán trách số phận