Nguyên mẫu của nhân vật điệp viên Xô viết lừng danh Stierlitz trong tác phẩm “17 khoảnh khắc mùa xuân”: Số phận đau đớn

Thứ Sáu, 23/05/2014, 11:04

Đại tá SS, Max Otto von Stierlitz, cũng có tên là Maksm Miksimovich Isayev và Vsevolod Vladimirovich Vladimiro là nhân vật văn học trong nhiều tác phẩm nổi tiếng của nhà văn lớn chuyên viết về các đề tài tình báo Yulian Semenov. Đó là một điệp viên Xôviết hoạt động trong lòng nước Đức phát xít và một số quốc gia khác thời thế chiến thứ hai vì quyền lợi của Moskva. Danh tiếng lừng lẫy nhất của Stierlitz được bồi bổ thêm bởi bộ phim truyền hình nhiều tập 17 khoảnh khắc mùa xuân của nữ đạo diễn Tachiana Lioznova, với diễn xuất của NSND Liên Xô Vyacheslav Tikhonov. Stierlitz được đánh giá là nhân vật điệp viên lừng danh nhất trong nền văn hóa Xôviết.

Ngay hiện tại, truyền hình Nga cũng gần như là mỗi năm một lần chiếu lại bộ phim 17 khoảnh khắc của mùa xuân (thường là vào dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5 hay dịp kỷ niệm ngày bắt đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 22/6...). Vẻ đẹp trí tuệ lấp lánh của Stierlitz trong các cuộc đấu trí với các tay trùm phản gián sừng sỏ của nước Đức phát xít luôn có thể nhóm lại trong lòng người dân Nga ngọn lửa tự hào về một tinh thần Xôviết đã qua đi và không trở lại.

Nhiều người Nga muốn tin vào lời đề tựa của tác giả tiểu thuyết, nhà văn Yulian Semenov, rằng ông viết 17 khoảnh khắc mùa xuân dựa trên cơ sở những chuyện có thật và Stierlitz chính là một người Xôviết, đại tá Maxim Isayev. Trong một bài trả lời phỏng vấn cho tạp chí Sông Đông, nhà văn Semenov đã tiết lộ rằng, khi xây dựng nhân vật Stierlitz, ông đã lựa nhiều chi tiết trong đời thực của một trong những điệp viên Xôviết thế hệ đầu tiên mà bậc tiền bố của ngành tình báo Xôviết là Feliks Dzehinsky  sau Cách mạng Tháng Mười đã phái đi công tác tại thành phố Vladivostok, lúc đó  đang bị quân phiệt Nhật chiếm giữ. Tuy nhiên, trong hình ảnh Stierlitz cũng được bồi đắp thêm bằng những phẩm chất tốt đẹp nhất của những điệp viên Xôviết lừng danh như Kuznetsov, Zorge, Abel... Và tác giả của bộ tiểu thuyết nhấn mạnh: “Một khi nhà văn biết tất cả về những người này và thông qua họ cảm nhận một cách sâu sắc và đầy đủ nhân vật của mình thì nhân vật đó, dù chỉ là hư cấu nhưng vẫn mang tính tập trung, thấm đẫm tâm hồn và máu của tác giả, sẽ trở thành một con người sống động, cụ thể và đầy cá tính...”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà sử học Mỹ Mark Stinberg, được đăng trên tờ Báo độc lập của Nga, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Bộ Tổng tham mưu quân đội Xôviết đã tiến hành một cuộc tập huấn dành cho các đơn vị quân báo. Một hôm, các học viên được thông báo rằng họ sẽ được nghe một chuyên gia bí mật, đầy công trạng đọc bài giảng về công tác phản gián. Đó là một người tầm vóc trung bình, trông bên ngoài không có gì nổi bật, thuộc một dân tộc nào đó không rõ ràng những chắc chắn là của châu  Âu. Ông nói tiếng Nga như cháo chảy, nhưng hơi có thổ âm. Ông tự xưng danh là Yan Petrovich Cherniak, cựu chỉ huy một nhóm điệp báo Xôviết ở Đức trong 11 năm. Trong buổi họp cuối cùng, một sĩ quan đứng dậy hỏi: “Liệu vị đại tá Xôviết Maxim Issayev có thể lọt được vào phục vụ trong Trung tâm điều hành an ninh đế chế Đức và trở thành sĩ quan SS Stierlitz được không?”. Một nụ cười nhẹ nhõm làm lay động bộ ria đã bạc của Cherniak: “Số sĩ quan SS, lại ở cấp cao, vốn không đông, và đã có một cơ quan đặc biệt kiểm tra lý lịch của họ rất kỹ. Cơ quan này kiểm tra sắc tộc của họ, gia phả kể từ năm 1750, trong đó tính tới tất cả những họ hàng xa gần, nội ngoại... Và những điều này đều được bộ chỉ huy tình báo đối ngoại Xôviết biết nên họ không dại gì mà liều mạng cho một người Nga đóng giả sĩ quan SS. Hơn thế, hoàn toàn không cần phải bắt điệp viên Nga thực thi những nhiệm vụ nguy hiểm như thế. Để làm việc này, đã có không ít người Đức chính cống đảm trách”.

Cũng theo lời Cherniak, nguyên mẫu của nhân vật Stierlitz là một sĩ quan Gestapo, trưởng phòng phản gián chung, người Đức, tên là Willi Leman. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất và những năm 20 của thế kỷ trước, Leman đã phục vụ trong lực lượng phản gián của cơ quan cảnh sát Đức. Ngay từ khi đó, ông đã rất ác cảm với những nhóm tiểu binh xung kích của Hitler nhưng chỉ bộc lộ thái độ của mình qua lời nói trong vòng bạn bè và gia đình. Theo các tài liệu của cơ quan an ninh Xôviết để lại, một người bạn thân của Leman tên là Ernst Kur đã thông báo về tâm trạng của ông cho các điệp viên Nga. Kur vốn bị sa thải khỏi ngành cảnh sát Đức mà không có quyền nhận lương hưu nên đã tới đại sứ quán Liên Xô xin cộng tác. Ông ta được nhận làm điệp báo với bí số A70 và bí danh Raupe. Chính Kur đã dẫn Leman tới với mạng lưới điệp viên Xôviết ở Berlin. Mùa thu năm 1929, Moskva đã đặt cho Willi Leman bí số A-201 và bí danh Braitenbakh.

Khi đảng Quốc xã lên nắm chính quyền ở Đức, trong cơ cấu của các cơ quan an ninh quốc gia có thêm bộ phận cảnh sát mật Gestapo. Phòng của Willi Leman trở thành một phần của Gestapo, còn bản thân ông thì xin gia nhập đảng Quốc xã theo lời khuyên của trưởng nhóm điệp viên Xôviết tại Berlin, ông Boris Davilovich Berman. Một năm sau, Leman được thu nhận vào đội quân SS và được thăng cấp. Tất nhiên, những sự việc như thế làm gia tăng khả năng của ông trong việc thu thập tin tức có ích cho tình báo Xôviết. Ông Berman đánh giá rất cao chất lượng công việc của Leman, liên tục tăng tiền thưởng cho ông nhưng lại rất lo lắng về việc Kur ngày càng suy đồi, nghiện ngập và chơi bời quá nhiều nhờ tiền làm điệp viên thuê.

Theo đề nghị của Berman, Kur đã được đưa sang Thụy Điển và cuối cùng đã qua đời tại đó. Mối liên hệ với Leman từ đó được thực hiện thông qua một cộng tác viên của mạng lưới tên là Abram Izrailovich. Năm 1936, Willi Leman được cử làm trưởng phòng phản gián tại các nhà máy công nghiệp quốc phòng Đức. Chính ông đã cung cấp cho Moskva thông tin về việc nước Đức phát xít bắt đầu sản xuất các loại vũ khí mới - xe bọc thép và pháo tự hành, về việc sản xuất theo dây chuyền máy bay tiêm kích đánh phá mục tiêu kim loại, về việc đặt làm 70 tàu ngầm đại dương, về chương trình nghiên cứu các chất độc hoá học gây tê liệt... Leman cũng là người đầu tiên, vào cuối năm 1935, cảnh báo ban lãnh đạo Xôviết về việc Berlin chuẩn bị chế tạo tên lửa nhiên liệu lỏng tầm xa dưới sự chỉ huy của Verner Von Braun...

Từ năm 1935, mối liên lạc nóng với Leman do điệp viên Vasili Zarubin đảm trách, còn từ năm 1937, sau khi ông này chuyển địa bàn công tác, nhiệm vụ đó được giao cho điệp viên Alexander Korotkov và vợ ông đảm trách. Tuy nhiên, tới cuối năm 1938, tất cả những ai từng ít nhiều có mối quan hệ với Leman đều bị gọi về Moskva và sau đó, theo một số nguồn tin, phần lớn trong số họ đã bị thủ tiêu. Mối liên hệ công việc giữa cơ quan an ninh Xôviết với Leman vì thế đã bị ngưng trệ.

Trong thời gian đó, Willi Leman liên tục được thăng tiến trong công việc. Sau khi Trung tâm điều hành an ninh đế chế Đức được thành lập (bao gồm cả Gestapo), phòng phản gián chung - mang bí số 4-E/1- phụ trách toàn bộ việc đảm bảo an ninh cho ngành công nghiệp quốc phòng đã được thành lập. Leman được cử làm trưởng phòng này. Khi 4 sĩ quan ưu tú nhất của bộ phận này được Hitler tặng quà (ảnh kèm chữ ký của Quốc trưởng), trong số những người này có cả Leman, điệp viên Braitenbakh của tình báo Xôviết.

Tới tháng 6/1940, do không có điều kiện chuyển về Trung tâm những thông tin quý giá nhất, Leman đã quyết định thực hiện một hành vi liều mạng: ông ném vào hộp thư của Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin một lá thư, trong đó yêu cầu khôi phục lại mối liên hệ đã có. Dũng cảm hơn nữa, ông còn thông báo trong thư địa điểm và thời gian mà cơ quan an ninh Xôviết có thể gặp ông và mật hiệu để gọi qua điện thoại cho ông thông báo về cuộc gặp đó. Thực may là bức thư đã đến đúng địa chỉ và được chuyển về cơ quan tình báo đối ngoại Xôviết ở Moskva. Người Nga quyết định khôi phục lại quan hệ với điệp viên quý báu này và ông Korotkov, người duy nhất trong số những ai từng biết Leman, nay còn sống sót, đã được cử sang Berlin. Chính Korotkov đã được Leman chuyển cho tài liệu của Heidrich “Về hoạt động phá hoại của Liên Xô chống lại nước Đức” vốn được soạn thảo dành cho Hitler và nhiều tài liệu có giá trị khác.

Rời Berlin về Moskva, Korotkov đã giúp Leman làm quen  phó trưởng mạng lưới điệp viên Xôviết ở Đức là Boris Zhuravliov. Chính Zhuravliov đã được Leman chuyển cho mật mã của Trung tâm điều hành an ninh đế chế Đức và những thông tin về việc Hitler tập trung các đơn vị quân đội sát cạnh biên giới với Liên Xô. Trong cuộc gặp cuối cùng ngày 19/6/1941, Leman thông báo cho Zhuravliov rằng, ông đã có thông tin đích xác về việc nước Đức phát xít sẽ tấn công Liên Xô vào lúc 3h sáng 22/6/1941, Đại sứ quán Liên Xô tại Berlin cũng sẽ bị chiếm vào đúng thời điểm đó. Zhuravliov đã ngay lập tức thông báo cho đại sứ biết tin này và thông tin được mã hoá chuyển về Moskva. Tiếc thay, thông tin chuẩn xác và quý giá nhường ấy (cũng như thông tin của điệp viên lừng danh Rihard Jorge) đã không được quan tâm đúng mức và Moskva ít nhiều đã bị bất ngờ trước cuộc tấn công như vũ bão của quân đội phát xít Đức đêm 22/6/1941.

Sau khi chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bắt đầu, mọi mối liên hệ với Leman đã bị cắt đứt. Một cố gắng duy nhất nhằm khôi phục lại quan hệ với Leman đã bị kết thúc bi thảm. Ngày 5/8/1942, hai điệp viên Xôviết, đều là người Đức chính hiệu, đã được thả dù xuống vùng Briansk, với nhiệm vụ duy nhất là đi tới Berlin tìm lại Leman. Tại Berlin, cả hai người này đã bị Gestapo tóm gọn và do không chịu nổi những đòn tra tấn dã man của quân phát xít, đã khai ra nhiệm vụ của mình. Đầu tháng 12/1942, Willi Leman bị bắt. Không có tài liệu nào nói về số phận tiếp theo của ông. Có lẽ ông đã bị xử tử, còn hồ sơ về vụ việc của ông đã bị Gestapo thủ tiêu để giữ “thanh danh” cho mình.

Trong sách và phim 17 khoảnh khắc mùa xuân, điệp viên Stierlitz tới mùa xuân năm 1945 có hy vọng trở về với Tổ quốc và người vợ thân yêu. Trong đời thực, điệp viên Willi Leman đã phải kết thúc cuộc đời mình sớm hơn và bi thảm hơn. Có lẽ chính ông phải được phong tặng danh hiệu anh hùng Liên Xô, chứ không phải nhân vật Stierlitz  do nhà văn Semenov dựng lên

Hoàng Lương
.
.