Nguyễn Vĩnh Tiến: "Quy hoạch tổng thể" cuộc đời mình

Thứ Hai, 19/09/2011, 14:43
Nguyễn Vĩnh Tiến vừa nghỉ hè về từ nước Pháp, nơi anh đang làm nghiên cứu sinh về Quy hoạch kiến trúc, với một đề tài liên quan đến bản sắc đô thị. Tôi đã từng nghe "Bà tôi", "Giọt sương bay lên" và từng gặm nhấm thơ Tiến trong những đêm nhớ nhà giữa thành phố chen chúc người.

Nhưng khi gặp anh, tôi lại thấy một Nguyễn Vĩnh Tiến khác, luôn luôn hoài nghi, băn khoăn, tìm tòi và trăn trở trong chính bản thể của mình, để đi tìm câu hỏi: "Tôi là ai? Tôi sẽ làm gì?". Thế nên, với Nguyễn Vĩnh Tiến, những thành công anh đã đạt được, chỉ là những mắt xích trong cuộc đời, bởi ở con người đó, dường như sự tìm tòi, sáng tạo không bao giờ dừng lại.

1. Tiến nói đùa, anh đang "quy hoạch" lại tổng thể cuộc đời mình. Mỗi con người chỉ sống một lần thôi, phải ứng xử làm sao với cái một lần đó, với "con đường một chiều" đó. Cuộc sống hiện đại quá gấp gáp, và con người đang bị cuốn trong vòng quay của nó, mà không kịp thức nhận về sự tồn tại của mình.

Nguyễn Vĩnh Tiến, trong chuỗi công việc vô tận và có vẻ quá ôm đồm của anh, của thế giới thơ, nhạc và kiến trúc, vẫn loay hoay trong câu hỏi đó, về sự tồn tại và về những điều sẽ làm trong cuộc đời. Thấy Tiến già hơn, và nhiều chiêm nghiệm hơn. Tôi vẫn luôn tự hỏi, Tiến là ai trong thế giới quá nhiều mối bận tâm của anh, là nhạc, là thơ, là kiến trúc. Tiến bảo, anh là một cá nhân đang đi tìm bản sắc của chính mình. Và trong hành trình sáng tạo đó, anh đã gặp thơ, nhạc, kiến trúc.

Cái văn hóa dân gian và cả tình yêu đối với những miền quê đã cấu thành con người anh, tâm hồn anh, là cội sâu gốc rễ của anh. Dù là kiến trúc hay thơ, hay nhạc thì dường như, xuất phát điểm cũng vẫn từ rơm rạ, từ những miền quê nghèo, từ điệu hát xoan, hát ghẹo của Phú Thọ, những dòng sông đã chảy như những mạch ngầm  trong cơ thể.

Tôi còn nhớ, trong một cuộc tranh luận cách đây mấy năm, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, đã đặt câu hỏi, không biết đến bao giờ Nguyễn Vĩnh Tiến mới thoát khỏi những ám ảnh nông thôn, ám ảnh tỉnh lẻ trong thơ anh? Nguyễn Vĩnh Tiến bảo, đó không phải là những ám ảnh, bởi nếu là ám ảnh, thì nó chỉ là cái tác động từ phía ngoài (cái ngoại hiện), còn đối với Nguyễn Vĩnh Tiến, cái văn hóa dân gian sinh ra cùng anh, nuôi dưỡng anh, đối thoại với anh (cái nội sinh), mà nếu không có nó sẽ không có một chất riêng Nguyễn Vĩnh Tiến của ngày hôm nay.

Thế nên, anh sẽ không cố gắng thoát khỏi cái chùm rễ ấy, mà trái lại, như một cái cây, khi những chiếc lá xanh đang rất đương đại cùng nắng và gió của ngày hôm nay thì rễ cây đã len lỏi vào trong từng mạch đất, những trầm tích của quá khứ.

Ngay cả khi đang sống trên đất Pháp, trong lòng thành phố Toulouse, Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn luôn có cảm giác thường trực về sự cô đơn, lạc lõng. Và có lẽ, điều Nguyễn Vĩnh Tiến nhận thức sâu sắc nhất khi rời đất nước, đó là mỗi con người phải có căn cốt của mình, gốc rễ của mình, để từ đó, thơ và nhạc cất cánh. Ngay giữa xứ người, anh vẫn viết Tỉnh lẻ, Miền nhiệt đới, Tiếng dế vườn khuya… Và hình như, nó càng thao thiết hơn, trong nỗi nhớ của một người con xa xứ.

Xa xa, triền đê nâu/ bờ sông sâu, thuyền xưa đâu, cành dâu chín…/ đung đưa mắt người dưng… / Tôi nghe, bài ca Xoan, màu hoa xoan/  Và con chim, kìa nó hót, những câu đắng lòng nhau… / Xa xa, đồi hoang vu, người tôi thân, người tôi quen/ Giờ xa vắng, gót chân phía ngàn thu…/ Em yêu, giờ nơi đâu,/ mà sao không về bên tôi bàn tay vắng/ Men theo cánh rừng hoang? (Tỉnh lẻ - 2011).

Những khắc khoải trong thế giới của mình, khiến Nguyễn Vĩnh Tiến có lúc đã ví người nghệ sỹ giống như con chồn hoang, lang thang rồi đi qua những ngôi làng sặc sỡ tiệc tùng: Những con chồn hoang/ Đêm đêm mò về làng/ Mắt như sao rơi xuống đất/ Mỗi chiếc lông rụng mang theo một hạt bụi của núi đồi/ Chúng nối chân nhau đi theo đường dích dắc/ Vắt qua khe hở bất trắc/ Vòng theo những thớ đất lồi/ Và nói với nhau những chuyện lôi thôi.

Theo Nguyễn Vĩnh Tiến, "mất bản sắc" cũng là một căn bệnh của con người cá nhân trong cơn lốc đô thị hóa. Có lẽ thế nên, thỉnh thoảng, chúng ta nên xem xét "bản quy hoạch" cuộc đời mình, để biết mình đang ở đâu, sẽ làm gì? Theo mục tiêu nào? Để có thể sáng tạo và cống hiến được nhiều hơn.

Khi nói về gia tài của mình, Nguyễn Vĩnh Tiến hài hước: "Những hạt xá lị của tôi có lẽ chỉ vỏn vẹn gồm: một điểm (point), những đường thẳng (lines), 7 nốt nhạc và 29 chữ cái". Tôi nghĩ, thế tức là anh là người giàu có rồi, bởi chỉ cần loay hoay trong những ký hiệu và ký tự đó, anh đã có thể xoay vần để làm nên kiến trúc, âm nhạc và văn học mang dấu ấn của riêng anh, một bản sắc Nguyễn Vĩnh Tiến.

Với những câu hỏi luôn thường trực, nên Tiến biết mình đang ở đâu, đủ tỉnh táo để không quá ngộ nhận về mình và luôn học hỏi những thứ thật cần thiết cho "bản quy hoạch". May thay, anh vẫn còn đủ lãng mạn để tâm hồn không bị sự tỉnh táo của một người duy lý chi phối, để vẫn tiếp tục  bay trong thế giới của thơ, của nhạc và kiến trúc. Hai thứ dường như chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại rất lôgic trong cùng một bản thể Nguyễn Vĩnh Tiến.

Đó là cái chất Dân gian đương đại. Nó thấm vào Tiến đến nỗi, dù anh có sống ở đâu, có rời xa đất nước, thì cuối cùng Tiến vẫn trở về với nó trong tâm cảm, đó là những cánh đồng, những người nông dân, những cư dân của núi đồi, với hát xoan, hát ghẹo và những điệu dân ca của tất cả những vùng anh đã tới, đã gắn bó, đã yêu…

2. Đi tìm bản sắc của chính mình, để "quy hoạch" tâm hồn mình, đi tìm những thứ cấu thành nên bản sắc đô thị để bắt tay vào những dự án quy hoạch đô thị trong tương lai, hai điều này song song và tồn tại một cách hữu cơ trên con đường anh đang đi tiếp.

Trong kiến trúc đô thị, theo anh, những "cái bất biến" là những cái cần được xem xét liệu có phải là di sản hay không? Trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, nhưng các đô thị ở Việt Nam vẫn giữ được những yếu tố bất biến trong lòng và đó chính là thứ anh đang tìm kiếm. Phải chăng "những điều bí mật" ấy đến từ đường cong của những mái đình, bố cục của những ngôi chùa? Hay đến từ địa hình, địa mạo từng vùng? Hoặc thậm chí đến từ những danh nhân, những huyền thoại?

Ngay từ thời sinh viên, trong các đồ án kiến trúc và các nghiên cứu khoa học của mình, Tiến đã rất chú trọng về kiến trúc tinh thần. Một đồ án đáng nhớ của anh, là ý tưởng về xây lăng mộ, một ý tưởng hơi khác lạ nếu không nói là "ngông"  trong thời điểm thập niên 90 của thế kỷ trước, mặc dù nó không hề xa lạ trên thế giới.

Tôi hỏi Tiến tại sao, anh trả lời rằng khi người ta luôn ý thức về nơi an nghỉ cuối cùng của mình, người ta sẽ biết sống một cách có ý nghĩa hơn. Một khu lăng mộ "văn minh" không nhất thiết phải to lớn và cầu kỳ, quan trọng là nó có triết lý và những thông điệp.

Tất nhiên, vào thời điểm ấy, đồ án của Tiến đã bị bác bỏ nhưng sau đó khoảng mười năm, những mô hình "công viên nghĩa trang" đã được xây dựng tại Việt Nam và Tiến đã được nghệ nhân Trần Văn Sen mời thiết kế nâng cấp cải tạo Khu lăng Mộ cụ Trần Hoàng Nghị  tại Thái Bình.

Anh chia sẻ một chút về đề tài nghiên cứu sinh của mình tại Pháp, và ước mơ của anh là sau này có thể áp dụng được lý thuyết quy hoạch và các hệ tiêu chí ở Việt Nam, dù Nguyễn Vĩnh Tiến biết rõ, đó là một việc vô cùng khó.

"Tôi chưa có tất cả những câu trả lời cho vấn đề bản sắc của đô thị, nhưng tôi thấy thấp thoáng những con đường cần phải đi, dù đôi khi biết phía trước chỉ là cánh rừng già, nhưng nếu không ai đi thì không thể có những con đường mòn". Đối tượng nghiên cứu mà Nguyễn Vĩnh Tiến quan tâm là những đô thị loại III và IV, những thị xã, thành phố nhỏ mà anh nói còn có cơ hội "chữa" được trong cơn lốc đô thị hóa ở Việt Nam.

"Mỗi thành phố có một vài điều bí mật, nếu tâm sự, chúng sẽ thầm thì kể cho bạn nghe" - anh nói. Với câu hỏi về những công trình kiến trúc như nhà ở gia đình, Tiến đặt câu hỏi và đưa ra lý giải : "Tại sao nhiều người có thể mua cái điện thoại một tỷ, một chiếc xe hơi 8 tỷ, nhưng họ lại xây một biệt thự trông rất trọc phú. Bởi họ chưa nhận thức được, ngôi nhà chính là nơi phản ánh văn hóa của bạn, là nơi biểu hiện sự tinh tế của tâm hồn bạn".

Tôi có cảm giác, Nguyễn Vĩnh Tiến muốn bám sâu, bám chặt vào văn hóa dân gian như cái cây mở rộng chùm rễ, đâm sâu vào lòng đất và phía trên, những tán lá khoe những sắc màu đương đại.

Với kiến trúc, Tiến không chỉ thiết kế những thứ vật chất bề ngoài, anh muốn đi vào thế giới của văn hóa, tâm linh. Và ở một góc độ nào đó, với Nguyễn Vĩnh Tiến, kiến trúc cũng chính là tâm hồn, giúp con người quy hoạch lại ước mơ và biết thiết lập hệ thống các điểm nhấn bản sắc của mình. Lá cây rồi lá cây rơi xuống nữa/ Như một sự che giấu bản thân/ Mà cuối cùng là giấu biến một cuộc sống.

Tiến gần gụi, và khá cởi mở trong những câu chuyện của mình. Một con người luôn có ý thức về bản sắc như Tiến, chắc hẳn sẽ có bản quy hoạch một cách chi tiết và độc đáo về cuộc đời mình. Tiến đang có tất cả, một gia đình bình yên và một giấc mơ lớn, thỏa chí tang bồng của chàng trai luôn đi tìm câu hỏi cho ý nghĩa sự tồn tại của chính mình trong cuộc đời.

Tiến bảo khi đi ra thế giới, mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ trên bản đồ âm nhạc, bản đồ thi ca, và cả bản đồ kiến trúc. Anh dấn thân để đi tìm những tư duy mới, những tác phẩm mới, và khi đi ra biển lớn, Nguyễn Vĩnh Tiến lại gặp hình bóng  mình trong những giấc mơ về quê hương, trong những giai điệu thấm đẫm chất "dân gian đương đại".

Năm năm tới, trong hình dung của tôi, lúc đó Nguyễn Vĩnh Tiến, người đàn ông trung niên với tâm hồn khoáng đạt và đầy trách nhiệm của mình sẽ trở thành một thuyết khách về đô thị, và hành lý đôi khi là cây đàn ghi-ta sau lưng. Một ước mơ có phần lãng mạn trong thời buổi con người đang mải mê vật lộn làm kinh tế.

Tiến biết và không dám chắc anh sẽ thực hiện được đến đâu, nhưng những giấc mơ đó, tự thân nó đã là một giá trị, trong cái thời buổi mà con người đang phai nhạt bản sắc cá nhân, chạy theo những thứ quá phù phiếm, không biết mình là ai. Liệu Nguyễn Vĩnh Tiến có cô đơn?

Khánh Linh
.
.