Nguyễn Vĩnh Tiến – Những mối “tiền duyên” trong nghệ thuật

Thứ Tư, 30/10/2019, 14:54
“Rắp tâm” quy hoạch lại cuộc đời mình vì cuộc đời mình nó “lắt nhắt” quá, cái gì cũng dính líu vào, chả đâu ra đâu, đến nỗi 45 tuổi rồi mà lúc nào cũng để mọi người phải lo lắng cho mình - Tiến dõng dạc tuyên bố với bạn bè làm báo khi chia sẻ thông tin về liveshow âm nhạc sắp tới của mình.


Nhưng, tin làm sao được một kẻ “ôm đồm” như Tiến lại có thể tự quy hoạch đời mình cho gọn ghẽ các ngăn. Đơn giản vì Tiến không chỉ là thơ, hay nhạc, hay kiến trúc, hay hội họa, mà Tiến là tất cả và phải là tất cả những thứ đó. Tiến giống như một bức tranh lập thể vậy.

Liveshow lớn đầu tiên trong cuộc đời của Tiến vào ngày 2-11 tới đây được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, mang tên Tiền duyên. Sẽ không phải là Bà tôi, hay Giọt sương bay lên, Mẹ tôi và những thị xã vắng, Cha tôi và những cánh cò giấy... những ca khúc đã đóng đinh tên tuổi của Tiến trong lòng công chúng từ mùa đầu tiên của Bài hát Việt. Tiến chọn tên một ca khúc còn khá lạ tai công chúng để đặt cho liveshow của mình. Tiến là vậy, vốn dĩ không thích những “chiếc hộp”.

Những gì đã định hình vào tên tuổi của mình rồi, Tiến không muốn “bám dính” vào nó mãi, muốn thoát ra bằng những sáng tạo mới. Số lượng bài hát nổi tiếng, quen thuộc với khán giả không ít nhưng Tiến quyết “khống chế” trong show diễn lớn của mình tới đây: “Có 25 ca khúc biểu diễn trong liveshow, mình chỉ cho phép chừng 5-6 ca khúc nổi tiếng, đã được nhiều người biết thôi, còn lại phần lớn sẽ là bài mới hoàn toàn”.

 Với một chương trình ca nhạc để bán vé, đưa phần lớn ca khúc mới nghe lần đầu lên sân khấu, là quá mạo hiểm. Nhưng, nếu không mạo hiểm thì đã không phải là Tiến. Nhớ thời còn sinh viên, Tiến làm thơ dễ thương, dễ chịu và dễ vào lòng người. Chiếc roi tre là bài thơ tiêu biểu của Tiến mà nhiều bạn đọc của Hội bút Hương đầu mùa còn nhớ đến tận hôm nay.

Nhưng Tiến nhanh chóng “chán” kiểu viết dễ hiểu và muốn chinh phục, thử nghiệm mình nhiều hơn. Tiến lập nhóm thơ Hoa lạ, quy tụ toàn những “anh tài” trẻ tuổi của thi ca lúc đó, chí hướng với một dòng thơ gọi là siêu thực. Giờ nhìn lại, Tiến nhận thấy, rất nhiều bài thơ mình viết khi đó sa vào “hũ nút”, đọc lại vẫn “không hiểu gì”. Nhưng, Tiến yêu những năm tháng đó vô cùng.

Vì sao lại đặt tên Tiền duyên cho liveshow mà chủ đích của Tiến là vẽ chân dung mình bằng âm nhạc? Tiến kể lại một giấc mơ lạ thời trẻ: “Hồi đó mình đêm nào cũng mơ gặp một người con gái rất đẹp. Nàng thường đến và rủ mình đi chơi. Mình đã nắm tay nàng và lang thang khắp mọi nơi, hái hoa bắt bướm. Giấc mơ lặp đi lặp lại và ám ảnh mình đến tận bây giờ.

Các cụ thường bảo, khi mình mơ như vậy là mình đã có một mối tình trong tiền kiếp và phải làm lễ “cắt tiền duyên” thì mới yên ổn. Bố mẹ mình đã từng làm một cái lễ cắt tiền duyên cho mình nhưng xem ra mình vẫn chưa hết lận đận. Mình viết ca khúc Tiền duyên chính là kể một câu chuyện tình trong mộng, nó bắt đầu từ giấc mơ lạ đó. Trong cuộc đời ai cũng có một giấc mơ mời gọi mình. Cuộc sống, xét đến cùng, cũng giống như một giấc mơ vậy”.

Tiến trong căn cốt, trong phẩm chất lõi là một thi sĩ. Vì khả năng ngôn từ điêu luyện đó nên khi bước chân vào lãnh địa âm nhạc, Tiến có một lợi thế hơn hẳn nhiều nhạc sĩ khác, đó là ca từ. Nhạc thì cần phải học nhiều hơn nhưng với lời thì chỉ cần có ý tưởng thôi là có thể dễ dàng viết ra trang giấy. Ngay từ thời sinh viên, bên cạnh làm thơ, Tiến cũng đã âm thầm viết hàng trăm ca khúc rồi đút ngăn bàn: “Thời đó phổ biến ca khúc đâu có dễ như bây giờ. Làm gì có internet, có YouTube đâu. Mỗi lần rủ các bạn đến nghe bài hát của mình là phải đi chợ, nấu cơm. Đến ăn xong, nghe mình hát, các bạn bảo, bài hát không hay lắm, thế nhưng mình cũng thấy vui rồi”.

Và gia tài âm nhạc của Tiến  cứ nằm đó chờ cơ hội đến. Năm 2005, năm đầu tiên xuất hiện chương trình “Bài hát Việt”, Tiến bắt đầu “mở kho” của mình. Bà tôi, Giọt sương bay lên đã trở thành hiện tượng âm nhạc của năm, Tiến cũng “ôm” về kha khá các giải thưởng ngay trong lần đầu xuất hiện. Thừa thắng xông lên, Tiến mang các ca khúc của mình, vốn nhiều ứ ra, dự thi thêm các mùa giải sau đến nỗi trở thành nhân vật “quen mặt” của chương trình.

Duyên thế nào, cứ dự thi là có giải thưởng, không to thì nhỏ, không quan trọng nhất thì quan trọng vừa.  Khi đã được công chúng yêu mến, Tiến bắt đầu hình dung về con đường âm nhạc mình theo đuổi, hoàn toàn tự tin trên con đường đó. Âm nhạc, với lợi thế về độ phủ sóng của mình, dường như đã che mờ cả Nguyễn Vĩnh Tiến trong thơ ca, hay trong kiến trúc.

Mặc dù Tiến thừa nhận, kiến trúc vẫn là nghề chính để nuôi sống mình. Những thành tựu Tiến đã có trong kiến trúc cũng “không phải dạng vừa”. Trong kế hoạch “quy hoạch” lại đời mình của Tiến thì bên cạnh việc tổ chức liveshow âm nhạc ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Tiến sẽ in tuyển tập thơ, đặc biệt sẽ làm một cuốn sách về kiến trúc. Ở đó, những gì Tiến đóng góp cho ngành kiến trúc sẽ được công bố.

Ngay từ thời trẻ, Tiến đã thích “đánh đu” với các văn nhân lớn tuổi hơn mình. Tiến bầu bạn với các ông như Trinh Đường, Dương Tường, rồi Nguyễn Cường. Có lần ngồi với Nguyễn Cường, ông bảo: “Tôi gọi Nguyễn Vĩnh Tiến bằng “anh” đấy chứ. Nó tài lắm. Những nhạc phẩm lấy cảm hứng từ âm nhạc dân gian đã từng có trong rất nhiều tác phẩm của nhạc sĩ, như Nguyễn Cường, Văn Chung và mới nhất là Lê Minh Sơn. Nhưng theo tôi, thì phải đến khi những bài hát của Tiến vang lên và được chú ý, người ta mới nhất định đặt cho các ca khúc viết theo lối này một tên gọi: dân gian đương đại”.

Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Cường thì vẻ đẹp trong thơ ca, âm nhạc của Tiến là vẻ đẹp “dày đặc” âm tính, vẻ đẹp của mặt trăng. Nghĩa là trong các sáng tác của mình, Tiến bộc lộ khả năng thấu cảm thân phận con người rất lớn, nhất là thân phận của người nữ. Những ca khúc Tiến viết về bà, về mẹ, về hoa, hay mới đây nhất là Kiều ca - viết về nàng Kiều, có thể khiến người ta rơi nước mắt vì lay động.

Nhân đây kể luôn, công chúng Hà Nội vừa được thưởng thức một vở rối cạn tuyệt hay mang tên Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Trung ương. Toàn bộ phần âm nhạc cũng như ca khúc được thể hiện trong vở diễn là do Tiến sáng tác. Vở diễn giành Huy chương Vàng trong Liên hoan Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV tại Hà Nội vừa qua.

Trong sáng tác ca khúc, một khi đã “vào cơn” là Tiến thường viết ca khúc theo “bộ”. Đã có Bà tôi thì phải có Ông tôi, rồi Cha tôi và những cánh cò giấy, Mẹ tôi và những thị xã vắng xong đến Họ hàng tôi... tạo thành bộ ca khúc về chủ đề gia đình. Tiếp đến, Tiến viết bộ ca khúc chủ đề về hoa, các loài hoa có thật trong đời và cả các loài hoa trong tâm tưởng, rồi bộ ca khúc viết về chủ đề tháng. Ca sĩ Đinh Hiền Anh đã mua bản quyền 12 ca khúc về 12 tháng trong năm của Tiến để làm album riêng cho mình sắp tới. Tiến bật mí, trong liveshow lần này, khán giả sẽ được nghe ca khúc về tháng 7 do chính nữ ca sĩ Đinh Hiền Anh hát. Nghe ca khúc của Tiến, cảm nhận Tiến không chỉ giàu về ngôn ngữ mà còn là một người thấm đẫm chất dân gian, thấm đẫm tình yêu văn hóa Việt.

Trong cuộc đời này, người ta thường chỉ chuyên tâm làm một thứ và hay ở một thứ đã là thành tựu rồi. Tiến thì hay ở “rất nhiều thứ”. Bao lần Tiến dự định “căn chỉnh lại mình” nhưng không đặng: “Đời anh, là bãi bồi mê mải/ Vớt lên, lại thành vũng nước sâu”. Tiến đi miên man hết cánh đồng này sang cánh đồng khác, từ khoảng trời này sang khoảng trời khác, như chú bé tò mò cái gì cũng muốn tìm hiểu, ngụp lặn trong đó. Để rồi sau những tò mò ban đầu, bỗng phát hiện ra, mỗi thứ khác nhau mình đều có một niềm say mê như nhau.

Tiến từng chia sẻ, không thích câu nói: “Tôi tư duy là tôi tồn tại”. Tiến muốn chuyển câu nói nổi tiếng này thành: “Tôi say mê là tôi tồn tại” để nhắc mình không sập bẫy tư duy thuần túy. Tiến muốn đời mình phải như hình đa giác nhiều cạnh, không bị đóng khung vào khái niệm hay hình mẫu nào. Khi được ai đó khen sáng tác hay, Tiến cười tít mắt nhận luôn, có lúc còn tự khen thêm vào cho vui.

Nhưng Tiến cũng hài hước thừa nhận, mỗi đường tình duyên của mình là “chưa hay”: “Hai lần lấy vợ chả vợ nào ưng, rõ ràng mình có vấn đề nên phải nghiêm túc kiểm điểm, nghiêm túc “quy hoạch” lại mình”.

Nhưng thử nghĩ xem, một kẻ bề bộn như Tiến, quay đâu cũng gặp “say mê” như Tiến thì dễ gì có thể tự xoay xở để thu xếp mình cho ổn thỏa được. Mới đây, Tiến còn “đổ đốn” sang hội họa. Có hai ông bạn họa sĩ được Tiến tôn làm sư phụ và lúc nào rảnh là lại đến gặp các thầy, chơi với màu.

Tiến tìm kiếm gì trong thế giới thơ ca nhạc họa? Chắc chắn rằng Tiến cũng không biết trả lời câu hỏi này thế nào cho ổn thỏa. Nghệ thuật vốn chứa một đời sống mê dụ, giống như người đàn bà đẹp vẫy gọi trong giấc mơ tiền duyên thời trẻ và Tiến bị hút vào thế giới đó. Tiến đi theo những giấc mơ của mình, khám phá những vẻ đẹp bất ngờ nó bao chứa. Rất nhiều thứ trong cuộc đời thường nhật Tiến không thể logic như lúc làm nghề kiến trúc, thì nghệ thuật có thể cho Tiến một sự lý giải. Nhờ vậy, Tiến có thể tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi của mình về hiện tại, tương lai, về vô lượng kiếp sống mỗi người từng đi qua.

Trên Facebook của mình, Tiến thường hay chia sẻ những sáng tác mới. Là những video Tiến tự đàn và hát ca khúc của mình, hay những bài thơ Tiến vừa sáng tác. Mặc dù Tiến tự trào lộng mình, rằng những gì Tiến công bố trên đó “nhiều nhất chỉ được khoảng một trăm like” nhưng nó là một kênh để Tiến có thể trò chuyện với những tri kỷ trong nghệ thuật, hay đơn giản là trò chuyện với mình. Nhiều trang viết, hay bản nhạc của Tiến trên trang cá nhân “tố cáo” về một đời sống nội tâm buồn nhiều hơn vui của chủ nhân, cho dù Tiến rất hay pha trò. Thơ của Tiến đầy chiêm nghiệm của một người đã nhiều tổn thương trong cuộc đời:

Người đừng qua sông với sự sâu sắc

Vì chắc chắn, sẽ bị đắm đò

Người đừng qua sông với sự mẫn cảm

Bởi sẽ chìm sâu trong vòng xoáy âu lo

Người đừng qua sông với Mùa Thu

Bởi sẽ lành lạnh toàn nỗi buồn củi lửa...

Người đừng qua sông, đừng qua sông nữa

Cứ ngồi bên tôi, như một cây ngô...

Hay như trong tình riêng, Tiến xem chừng vẫn cô lẻ lối về, vẫn bỏ ngỏ một chờ đợi, một sưởi ấm:

Lạnh lẽo đến... trong lặng im

Núi lửa trở về mùa đông dài cũ kỹ

Ngày nhịp cầu

Đường nhịp bụi

Người nhịp vui

Tôi nhịp buồn

Cái cũ kỹ trở về thống trị

Bóng trăng hoa ảo ảnh đường xa

Tôi ơi, tôi khóc hay là...

Tôi không khóc, chỉ đường xa mưa nhiều...

Bình Nguyên Trang
.
.