Nguyễn Thành Ý - nhà ngoại giao đầu tiên trong lịch sử

Thứ Năm, 22/05/2014, 10:45
Nguyễn Thành Ý tự là Thiện Quang, hiệu là Túy Xuyên, sinh năm 1819, tại làng Túy La, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) trong một gia đình không phải là giàu truyền thống khoa bảng.

Thân phụ ông là Nguyễn Tấn Duệ, chỉ phụ trách nguồn Ô Da, lãnh chức Thủ hạp, nên dân trong vùng quen gọi là ông Thủ Quyển. Thủ Quyển thuở nhỏ rất có chí, nghiên cứu kinh sách, gia phong theo phong cách Nho gia, vì vậy ảnh hưởng đến sự thành đạt của con cái sau này. Thân mẫu ông là kế thất của Thủ Quyển, tên là Trương Thị Tam, sinh được 5 người con trai và 3 người con gái. Cả 5 anh em trai của ông đều là những người đỗ đạt, dù không phải là đại khoa. Trong đó, 2 vị đỗ cử nhân là Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Tịnh Cung và 3 tú tài là Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Tu Kỷ. Vì vậy mà vua Tự Đức đã ban tặng cho gia đình ông tấm gương đồng ghi danh hiệu “Ngũ tử đăng khoa” (Gia đình có 5 người con trai đỗ đạt).

Dẫu rằng, ông Nguyễn Thành Ý chỉ đỗ cử nhân và là người thế cô không có thế lực lúc đương thời, nhưng với thực tài, cộng thêm một chút cốt tính xứ Quảng Nam là thẳng thắn, hay cãi và đã cãi là cãi tới cùng, Nguyễn Thành Ý đã trở thành nhà ngoại giao kiệt xuất của nước ta trong thế kỷ thứ 19 và ông cũng là vị lãnh sự đầu tiên trong lịch sử ngoại giao…

Nguyễn Thành Ý đỗ cử nhân khoa thi Hương năm Quý Mão 1843 tại trường thi Thừa Thiên, sau đó ông được bổ làm một chức quan nhỏ ở kinh đô. Cùng lúc với rất nhiều các đại khoa toàn là tiến sĩ, phó bảng, lại gặp lúc vị vua đương triều là người rất coi trọng khoa cử và bằng cấp như Tự Đức thì với học vị cử nhân, Nguyễn Thành Ý khó có thể có vai vế xứng đáng và được trọng vọng trong triều. Vậy mà, bằng thực tài, ông đã làm thay đổi cái nhìn của vua Tự Đức cùng nhiều vị đại quan trong triều lúc đó.

Mộ ông Nguyễn Thành Ý ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L.

Sử cũ chép lại rằng, vua Tự Đức vốn là một người rất coi thường những vị quan trong triều không đỗ đại khoa. Một hôm, nhân có sứ thần của nước Vạn Tượng sang triều cống. Vua Tự Đức đã ra lệnh cho các quan làm thơ để ca ngợi cảnh sắc thái bình và mối quan hệ giao hảo vững bền của hai nước. Khi các quan dâng thơ lên ngự lãm, nhà vua chỉ chọn để xem các bài của những vị đại khoa, đến lúc cuối cùng mới xem những bài còn lại. Khi đọc đến bài của Nguyễn Thành Ý, vua Tự Đức đã phải thốt lên rằng: “Trẫm không ngờ Nguyễn Thành Ý lại làm thơ hay đến thế”.

Nhờ tài văn chương, Nguyễn Thành Ý được nhà vua để ý và trọng dụng, lần lượt bổ nhiệm ông giữ các chức: Tri huyện Kiến Hòa, Tri phủ Tân Bình, Tri phủ Phước Tuy, Quảng đạo Phú Yên, Hộ đốc Gia Định rồi thăng chức tuần phủ Vĩnh Long… trong thời gian làm quan ở Nam Kỳ, Nguyễn Thành Ý giao thiệp rộng, kết giao được với rất nhiều người tiết nghĩa. Bản thân ông đã tự mày mò học tiếng Pháp đến mức đọc thông viết thạo để nghiên cứu âm mưu và những ý đồ xâm lược của thực dân Pháp ở Nam Kỳ.

Khi người Pháp nổ súng tấn công và hạ thành Gia Định, Tổng đốc thành Gia Định lúc bấy giờ là Võ Duy Ninh đã quá buồn mà tuẫn tiết. Lúc bấy giờ, triều đình đã bổ nhiệm Nguyễn Thành Ý vào làm Hộ đốc Gia Định. Tuy nhiên, khi Nguyễn Thành Ý có mặt thì thành Gia Định đã bị quân Pháp đánh phá tan hoang. Vì vậy, sau đó một thời gian ngắn ông được bổ đến làm tri phủ Phước Tuy (nay thuộc địa bàn các huyện Long Thành, Long Khánh của tỉnh Đồng Nai).

Tháng 2 năm 1861, quân Pháp đánh chiếm để triệt hạ đại đồn Chí Hòa, kế đó là hành quân đánh hạ đồn Mỹ Tho, chiếm hết vùng Định Tường. Tháng 9 năm 1861, Nguyễn Thành Ý đã cùng với tùy phái Phan Trung tuyển mộ được 4.000 nghĩa binh để gửi vào cùng tham gia đánh Pháp với nghĩa quân của Trương Định. Lúc bấy giờ, Nguyễn Thành Ý đã trở về nhiệm sở để chuẩn bị cho các đạo quân tiếp viện cho Gia Định từ Huế gửi vào. Thế nhưng, đến ngày 14/12/1861 thì quân Pháp lại ồ ạt mở rộng tấn công lên vùng đất Biên Hòa. Đến ngày 7/1/1862 thì đánh chiếm vùng Bà Rịa. Trước sức mạnh tấn công như vũ bão của quân Pháp, triều đình Huế đành phải chấp nhận ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 với những điều kiện bất bình đẳng hoàn toàn có lợi cho Pháp, buộc phải nhường hẳn 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Lúc này, Nguyễn Thành Ý được rút về làm Chánh sứ Nha Hải phòng Quảng Nam.

Sách Chuyện các quan triều Nguyễn, của tác giả Nguyễn Đắc Xuân, do NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2001 viết rằng: Sau Hòa ước 5/5/1862 đất Gia Định đã thuộc Pháp, trong một điều trần đề ngày 30/4/1866 gửi cho Viện Cơ mật triều Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ có đề nghị mở một lãnh sự của Việt Nam tại Gia Định. Tiếc thay, vua quan triều Tự Đức không hiểu hết giá trị của đề nghị ấy. Ngược lại họ có nhận xét rất đáng buồn rằng: “Ta lập lãnh sự ở họ là tiện, thì họ lập lãnh sự ở ta khó ngăn được. Bây giờ tôi nghĩ rằng, người Pháp buôn bán ở nước nào đều có lập lãnh sự cả. Đó là thông lệ của phương Tây. Nếu ta lập lãnh sự ở Gia Định trước thì dù cho người tầm thường cũng đều nghĩ rằng ta mượn đó để âm thầm liên kết lòng dân, mà sau này khi người Pháp thi hành Hòa ước đến ở nước ta buôn bán cũng sẽ xin lập lãnh sự, sĩ phu không khỏi mượn cớ đó để nói, thật là bất tiện”.

Như thế, việc lập lãnh sự ở Gia Định bất thành. Đến thời điểm năm 1867 thì trọn xứ Nam kỳ đã nằm trong tay Pháp. Đến lúc này, vua quan dưới triều Tự Đức mới thấy được Việt Nam không có lãnh sự ở Gia Định là một điều bất lợi lớn. Đến năm 1873, trong khi thương thảo với sứ bộ Pháp bàn việc lập một Hiệp ước mới thay cho Hiệp ước 1862 không còn hiệu lực. Sứ bộ Việt Nam do Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường cầm đầu đã đưa cho thủy sư đô đốc Dupre 5 khoản, trong đó có 1 khoản Việt Nam đặt lãnh sự tại Sài Gòn.

Khi Hòa ước Giáp Tuất 1874 ký xong, khoản XX có ghi rõ rằng: “Vua nước Nam cũng được quyền đặt sứ thần tại Paris và ở Sài Gòn”. Sách Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn còn ghi: “Nguyễn Văn Tường tâu nói: Khâm sứ và lãnh sự cùng đặt ở với nhau (khoản 1 ở ước trước, ta đặt khâm sứ ở kinh đô nước Pháp, đặt lãnh sự ở Gia Định, nước Pháp cũng có khâm sứ, lãnh sự ở kinh đô nước ta) là để bàn công việc, thông tình hiếu, nhưng xem các nước tây phiên đi lại hòa hợp, tiếng nói, chữ viết cùng thông. Lại có điện báo để thông tin tức, nếu ta giao thiệp với nước ấy, chỉ đưa vào giấy tờ, một khi phiên dịch sai đi, lại sinh không hợp, thì đặt khâm sứ ở kinh đô nước Pháp không có ích gì. Nếu đặt sứ ở Gia Định, là xem Gia Định ngang hàng với kinh đô, chưa là thỏa đáng, hoặc chỉ đặt lãnh sự thì phẩm trật danh vọng thấp kém, theo tục nước Tây không được dự bàn việc công, nghĩ đặt một viên khâm phái kiêm sung lãnh sự ở Gia Định, lại đặt một viên phó lãnh sự để giúp ủy làm việc, thần trước phụng mạng đi sứ đã từng thương thuyết với tướng ấy (Dupre) ý hợp, nếu được chuẩn cho, xin giao cho đình thần dự chọn và nghĩ làm công việc. Vua theo lời”.                 

Nguyễn Thành Ý là người gọn gàng, đẹp trai, nói năng bặt thiệp, khả năng giao tiếp bằng tiếng Pháp và sự hiểu biết tỏ tường về đất Nam Kỳ. Cho nên, tháng 11-1874, ông được triều đình bổ nhiệm làm Khâm phái kiêm chức Lãnh sự Việt Nam tại Gia Định. Giúp việc cho ông có Phó ban lãnh sự Phan Kiên Ích. Để cho các ông có uy thế với Pháp, trước khi lên đường nhậm chức, Nguyễn Thành Ý được thăng Hồng lô tự khanh, Phan Kiên Ích thăng viên Ngoại lang. Dinh Lãnh sự của Việt Nam ngày đó được đặt ở gần khu vực Cầu Ông Lãnh bây giờ.

Làm ngoại giao trong thời gian đất nước bị thôn tính dần, Nguyễn Thành Ý gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy lúc nào ông cũng giữ một lòng trung. Trong việc giao thiệp với Pháp, ông rất nhã nhặn khôn khéo nên vừa giữ được uy thế Việt Nam, vừa được lòng Chính phủ Pháp. Mặt khác, với sự có mặt của Lãnh sự Việt Nam tại Gia Định, lòng trung nghĩa của sĩ phu Gia Định được liên kết để hướng về kinh đô. Biết thế, cho nên người Pháp vừa kính nể ông vừa kiêng dè tìm cách để can thiệp đẩy ông đi nơi khác.  

Năm 1877, ông được thăng chức Quang lộc tự khanh và sung Chánh khâm phái cùng với Vũ Văn Phú, Nguyễn Tăng Doãn dẫn đoàn sứ bộ mang hàng hóa, đặc sản danh tiếng của nước ta sang tham dự cuộc đấu xảo quốc tế tại Paris kinh đô nước Pháp. Biện lý Lễ Bộ là Nguyễn Lập được cử vào Gia Định làm chức Lãnh sự thay ông.

Tài liệu hiện được lưu giữ tại quê hương ông ghi rằng: Sau khi hết cuộc đấu xảo, tháng 9 năm 1878, Nguyễn Tăng Doãn dẫn đoàn trở về Đại Nam. Nguyễn Thành Ý tiếp tục dẫn đoàn sứ bộ sang Tây Ban Nha tìm hiểu tình hình châu Âu, mãi đến tháng 1 năm 1879 mới trở về. Ông và Nguyễn Tăng Doãn, bấy giờ mới được thăng hàm từ Tả tham tri lên Thượng thư, được Tự Đức triệu kiến để báo cáo tình hình. Do báo cáo bị đánh giá quá đề cao uy thế của các nước châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng, Tự Đức nổi giận, cách chức lưu nhiệm Nguyễn Thành Ý, giáng Nguyễn Tăng Doãn trở về hàm Tả tham tri nhưng vẫn cho lãnh Thượng thư.  Tháng 2 năm 1879, ông tâu trình xin chọn học trò sang học trường Cơ khí ở Toulon, Pháp. Tự Đức chuẩn y.

Sau khi từ Pháp trở về năm 1880, ông được phục hồi chức vụ, trở về Gia Định làm Lãnh sự. Trong thời gian làm lãnh sự, ông là đầu mối ngoại giao của triều đình với Soái phủ Nam Kỳ, đồng thời cũng nhiều lần thông báo về triều đình những âm mưu của người Pháp tại Tây Nguyên và Bắc Kỳ. Tháng 8 năm 1881, ông được bổ nhậm chức Tuần phủ Bình Định. Nguyễn Lập được phái ra thay ông. Tháng 10 năm 1881, ông được triệu về kinh để báo cáo tình hình, sau đó được lưu lại kinh với chức Tả thị lang Bộ Hộ. Tháng 12 năm đó, triều đình dự kiến thành lập sứ bộ sang Pháp, do Nguyễn Trọng Hợp làm Chánh sứ; Nguyễn Thành Ý làm Phó sứ; Vũ Ngọc Tuân, Phạm Như Xương làm Tham biện. Tuy nhiên, chuyến đi Pháp không thành vì nổ ra sự kiện Henri Rivière gây hấn ở Bắc Kỳ. Tháng 3 năm 1882, nhân việc người Pháp gây hấn ở Quảng Yên, lấy lý do đánh quân Cờ  Đen Lưu Vĩnh Phúc để bảo hộ việc buôn bán, đã cử tàu chiến vào Bắc Kỳ, triều đình cử Nguyễn Thành Ý vào Gia Định thương thuyết với Soái phủ Nam Kỳ. Tuy nhiên, việc chưa đến đâu thì Henri Rivière đã cho đánh thành Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn.

Với tư cách là Sứ thần, Nguyễn Thành Ý gửi kiến nghị phản ứng quyết liệt. Tuy nhiên, người Pháp không hề đếm xỉa gì đến thái độ của triều đình Đại Nam. Thừa thắng, Henri Rivière tiếp tục mở rộng, đánh thành Nam Định ngày 27-3-1883. Tuy nhiên, sự vội vàng của ông ta đã phải trả giá bằng sinh mạng mình khi bị quân Cờ Đen phục kích tại trận Cầu Giấy ngày 19-5-1883. Tháng 5/1883, Lãnh sự Nguyễn Lập xin về quê chữa bệnh. Triều đình cử Nguyễn Thành Ý thay. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ đơn phương bãi bỏ Tòa Lãnh sự Đại Nam tại Gia Định với lý do: “Mấy lâu ông làm việc ở đây, không bớt được sự biến gì cả; nếu để ông ở lại, sợ hại việc trong 6 tỉnh nầy, xin ông về ngay”, trục xuất Lãnh sự Nguyễn Thành Ý và Phó lãnh sự Trần Doãn Khanh ra khỏi đất Nam Kỳ.

Tháng 7/1883, ông trở về kinh đô, được vua Tự Đức biểu dương công trạng và thăng chức Hữu tham tri Bộ Binh. Từ đó đến năm 1886 ông đã từng kinh qua các chức: Tả tham tri Bộ Công, Tổng đốc Hải An (Hải Dương), Binh Bộ Thượng thư kiêm Đô sát viện Hữu phó Đô Ngự Sử kiêm Phụ Đạo Đại thần (dạy học cho các con cháu của vua, trong đó có vua Hàm Nghi và vua Đồng Khánh sau này)… Trải qua 50 năm làm quan (1843 - 1894) từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, từ các địa phương cho đến tại triều đình, lúc nào ông cũng tỏ ra rất mực thanh liêm, khi về trí sĩ tại quê nhà, ông sinh sống trong ngôi nhà ba gian lợp tranh sơ sài, nên trong dân gian có câu “Nguyễn đại thần thanh tháo như băng”.

Trong đời quan nghiệp, có lúc ông thấy nản lòng trước tình cảnh vua tôi, nịnh thần hại nước hại dân, nên nhiều lần ông đã phản kháng, suýt bị ghép tội khi quân. Bởi vậy, ông thường khuyên con cháu trong nhà: “Ta đang mắc nợ vua, ráng trả xong, các anh, các em, các cháu ở nhà lo dạy học, phụng dưỡng cha mẹ, đừng ham chức tước mà khổ tâm”.

Nguyễn Thành Ý có 2 người vợ. Một bà người Quảng Nam, sinh được một người con gái, sau gả cho ông Cử Đỉnh; và 2 người con trai là ông Ấm Đạm, học giỏi nhưng không ra làm quan, và ông Ấm Lân, từng làm Tri huyện Quảng Điền. Một bà người Gia Định thì chỉ sinh một người con trai là Ấm Hồ, có tài làm thơ Nôm và soạn tuồng hát bội…

Phan Bùi Bảo Thy
.
.