Nguyễn Quỳnh Trang: Viết bằng nỗi đau

Thứ Năm, 08/11/2012, 14:30
Với mỗi người viết văn, những nỗi đau luôn ẩn chứa một sức mạnh khủng khiếp. Có những lúc chính nỗi đau ấy đã nâng họ lên và mang lại cho họ những mạch nguồn cảm xúc ngoài sức tưởng tượng của chính bản thân họ. Nguyễn Quỳnh Trang cũng vậy, cô là một người viết trẻ, một nhà báo năng động, thông minh, nhưng cuộc đời cô, ở tuổi 32 lại gặp quá nhiều sóng gió.

Có những nỗi buồn, nỗi đau tưởng không thể sẻ chia, không thể vực dậy… Nhưng cô đã làm được. Bằng cách nương náu vào những trang văn được viết bằng những đêm mất ngủ triền miên, những giày vò thể xác và linh hồn có lúc như thể thoát khỏi thế giới thực tại để sống và đi tìm câu trả lời “Tôi là ai?”.

Trong phần Bão lốc của cuốn sách mới nhất Mất ký ức vừa được tọa đàm tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’espace ngày 18/10 vừa qua, Nguyễn Quỳnh Trang đã viết: “Bạn mất bao lâu để không còn tự làm đau vết thương nơi mình?
Bạn mất bao lâu để nhớ ra rằng mình chưa bao giờ thực sự biết cách sống?
Bạn mất bao lâu để học cách chấp nhận thực tại?
Bạn mất bao lâu để hiểu ra, chẳng có gì trên đời là thật?”…

Đó là những câu hỏi đầy bất ổn của một người viết đang hoang mang đi tìm nguyên nhân của những nỗi đau. Những nỗi đau hoàn toàn không mong đợi, không muốn tìm một câu trả lời, không muốn nó là thực, chỉ mong nó là một cơn ác mộng trôi qua trong một khoảnh khắc, giây phút nào đó của cuộc đời, để sáng ra có thể chỉ cần giải quyết bằng “thuốc giảm đau hay bằng cách giết ký ức?”. Nhưng làm sao giết được ký ức? Và đồng thời với việc gọi lên những câu hỏi, Nguyễn Quỳnh Trang đã có manh mối của những câu trả lời. Trong suốt hành trình của Mất ký ức chị đã có một câu trả lời trọn vẹn cho việc hãy sống đủ đầy và cảm nhận hiện tại đang trôi qua từng giây phút dù biết nó sẽ gặm nhấm từng vi mạch cảm xúc đã có, và sự trả giá thực sự là đầy đau đớn.

Tiểu thuyết Mất ký ức dày khoảng 300 trang do Công ty Sách Phương Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn phát hành vào đầu tháng 10/2012. Cuốn sách này tiếp tục đề tài quen thuộc của hai tiểu thuyết trước đó của Nguyễn Quỳnh Trang về giới trẻ là 1981Nhiều cách sống, xoay quanh 4 nhân vật chính là Jona (người kể chuyện), QT (một ca sĩ nổi danh), Kun (bạn trai thân của Jona) và Run (người đàn ông bí ẩn trong bộ đồ nâu). Một ngày kia, Kun bỗng dưng mất tích trong một thành phố ngập bụi và chết mòn, nơi con người chỉ có thể sống trong các tòa nhà được nối với nhau bằng hệ thống hành lang kính cùng các bộ máy lọc khổng lồ. Để vượt qua, Jona phải sống qua rất nhiều ngày, trong rừng cùng Run, trong thành phố cùng QT, chiến đấu với những nỗi đau, giận dữ, khủng hoảng, và các bấn loạn trong tâm hồn mình. Để rồi, các nhân vật rút ra kết luận: “Vào lúc con người thật sự cùng đường, nếu không muốn nằm lại tắt thở trong đáy bùn, họ phải bò, trườn, đi tìm chỗ tựa nương, trong vô thức”.

Ảnh: Lưu Quang Phổ.

Tôi hỏi Nguyễn Quỳnh Trang, tuổi trẻ đầy hoài bão, đầy ước mơ, đầy những khát khao đi tới, cả một tương lai phía trước với “ngôi nhà và những đứa trẻ”, nhưng những trang viết của chị hoàn toàn không tươi tắn, không hồn nhiên, không năng động, không vô tư, nhí nhảnh như con người bên ngoài của chị.

Nguyễn Quỳnh Trang cười buồn chia sẻ: “Tôi có một tuổi thơ không bình yên và nhiều mất mát. Bố mẹ tôi dù là những trí thức Hà Nội nhưng họ luôn bế tắc, quẩn quanh và không có lối thoát trong mối quan hệ. Trút buồn tủi lên đầu con cái là việc thường làm. Mặc dù họ luôn yêu con và sẵn sàng hy sinh cho con nhưng khủng hoảng tinh thần trong mỗi thành viên của gia đình thì luôn còn đó, nó ám ảnh không chỉ trong tuổi thơ của tôi, mà cả đến khi tôi đã trưởng thành, và cho đến bây giờ, khi tôi đã là bà mẹ của hai con, thì nỗi sợ ấy đôi khi vẫn cứ như một vết xước khó lành cứ day trở mãi. Tôi thường khó khăn khi hòa nhập với bạn bè xung quanh và tôi luôn sống trong ốc đảo đầy nước mắt của riêng mình. Bởi không có ai chia sẻ, nên tôi đã tìm đến thế giới viết. Tôi sáng tác từ rất sớm. 7 tuổi tôi đã viết những bài thơ đầu tiên. Một bài thơ chứa đựng những nỗi buồn. Năm 16 tuổi tôi đã biết yêu và hy vọng tình yêu là sự cứu rỗi nhưng cay đắng thay, nó lại là những khoảng rỗng bế tắc cuộc đời. Tôi không hạnh phúc trong tình yêu dù nhận nhiều lời bày tỏ tình yêu. Có lẽ vì thế giới của tôi quá nhiều bất trắc, và để bước vào đó, đàn ông cần thật sự bản lĩnh. Khi yêu, tôi hết mình chẳng cần lý trí, tôi trọn vẹn thuộc về người đàn ông mình yêu và sống thỏa mãn với thế giới mà người đó mang lại. Thậm chí, tôi bị đánh mất cái tôi của mình. Những điểm yếu ấy khiến tôi rất dè dặt khi rung động một ai đó và dựng lên nhiều bức tường lửa, ai vượt qua được tất cả thì tôi hoàn toàn thuộc về. Chính vì cách sống ấy, là hiểm họa cho rất nhiều đổ vỡ, thất vọng mà tôi vướng vào. Khi chạm phải những đổ vỡ ấy, tôi hoàn toàn bị tan rữa, thật khó khăn mà vực dậy để đương đầu với thực tế phũ phàng, nghiệt ngã. Có lúc tôi nghĩ mình có thể sẽ bị điên, có thể sẽ quị xuống... Nhưng may mắn thay, tôi đã gạt nỗi uất nghẹn để đứng lên”.

Trong những ngày buồn thảm một mình tìm cách vượt qua bao tai họa đổ xuống cùng lúc, cũng là thời gian Nguyễn Quỳnh Trang viết tốt nhất. Không chỉ hoàn thành tiểu thuyết Mất ký ức, chị đã đi một nửa chặng đường cho cuốn tiểu thuyết thứ tư 9X09. Ngoài ra, một kịch bản phim truyện nhựa chuyển thể từ tiểu thuyết 1981, một kịch bản phim truyền hình viết chung Linh hồn lạc lối hiện đang được phát trên VTV1.

Sau hai năm giam chân quẩn quanh Hà Nội, chị bắt đầu những chuyến đi công tác vào Nam ra Bắc khi nhận lời làm giám khảo trong nửa năm cho chương trình gameshow Khi tôi 18 của VTV6 và tổ chức sự kiện cũng như làm truyền thông cho các sự kiện nghệ thuật đương đại trong và ngoài nước. Được vậy, động lực của Trang bắt nguồn từ hai cậu con trai thơ bé, chúng cần chị làm điểm tựa để sống tốt.

Và ngày hôm nay, ngồi trước tôi là một Nguyễn Quỳnh Trang đầy bản lĩnh và tự tin, đầy kiêu hãnh và dấn thân, chuẩn bị cho những bước đi vào tương lai phía trước. Chị tâm sự, mình không thể là một nỗi ám ảnh tinh thần cho con như cách mà suốt tuổi thơ chị đã phải đeo mang. Đôi lúc nhìn lại, Nguyễn Quỳnh Trang cảm thấy mình biết cảm ơn cả những nỗi đau. Cảm ơn những thử thách khi phải lựa chọn giữa căm giận hay thứ tha, níu kéo hay buông bỏ, bất hạnh hay an bình cho không chỉ riêng mình mà cho tất cả những gì thuộc về mình. Cảm ơn sự trải nghiệm không hề nằm trong kế hoạch của cuộc đời. Nó là số phận. Là một cái nghiệp. Là một bước ngoặt để dấn thân và nếm trải.

Nguyễn Quỳnh Trang tâm sự rằng, đã có lúc chị không có tuổi trong cuộc sống của mình. Lúc vui, lúc hạnh phúc chị không bao giờ viết văn. Chị hoàn toàn thuộc về thế giới của sự hưởng thụ tình yêu và vật chất hão huyền của cuộc đời. Chị tung tăng với sự trẻ trung và hồn nhiên của chính mình. Bởi thế, khi gặp phải những trắc trở trên con đường kiếm tìm cái đích của hạnh phúc, chị lại thành một kẻ tự kỷ chui vào xó tối nào đó để tự gặm nhấm mình. 1981 là nỗi hoang mang của chị (và những người trẻ) khi bắt đầu chạm mặt với cuộc đời. Nhiều cách sống là một sự chìm đắm từ những ảo tưởng từ bên ngoài mang đến, là sự phụ thuộc yêu thương vào người khác và luôn mong chờ một niềm hạnh phúc nào đó bên ngoài mình để rồi thất vọng và đau. Còn Mất ký ức là đi tận cùng nỗi thống khổ và chạm mặt vào cái chết và phải tìm một phương cách vượt qua để sống. Đây là một cuộc hành trình để tìm chính mình.

Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ: “Có nhiều người hỏi tôi tại sao trong Mất ký ức tôi không lấy tên Việt để đặt cho nhân vật của mình? Đối với tôi tên nhân vật chỉ là một ký hiệu, nó giống như một mảnh mờ gạch ngang của ký ức mà không có nghĩa của sự tồn tại mang tính chất cá nhân. Thường cái tên dùng để khẳng định một người nào đó với những cái bản ngã đầy đủ của mình để định danh tôi là ai? Nhưng dường như điều đó không quan trọng trong tiểu thuyết của tôi. Cũng chính trong cuộc tọa đàm về 3 tiểu thuyết của tôi, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà văn Lê Minh Khuê mong muốn rằng sẽ có những cái tên thuần Việt xuất hiện trong tác phẩm. Tuy nhiên điều đó không còn quan trọng với việc Mất ký ức, khi đó là cuộc hành trình về cõi nội tâm mà các nhân vật chỉ là những lát cắt quá khứ ảo mờ của chính bản thân tác giả. Với mỗi nhân vật là một đặc trưng tính cách riêng của chính tôi, mặc dù tôi có những nguyên mẫu ngoài đời, nhưng nó chỉ là những dấu hiệu của sở thích, của một thói quen và đôi khi là một khuôn mặt và những kỷ niệm mơ hồ được mã hóa từ chính một dạng biểu hiện tâm lý mà tôi đã đeo mang suốt cả một hành trình đã sống”.

Tôi quen Nguyễn Quỳnh Trang cách đây đã 10 năm, biết nhiều câu chuyện về đời sống của chị. Chị là một người đủ nhạy cảm để đau, đủ gan góc để bảo vệ gia đình, đủ bản lĩnh để vượt qua và đi tiếp, đủ tỉnh táo để quên một người và biết cách làm cho cuộc sống của mình không đơn điệu. Chị đã biết cách đứng dậy vì những yêu thương trong cuộc đời. Chị như một con kiến bé nhỏ trước một gáo nước lạnh vẫn lật bật đứng dậy để tiếp tục tha mồi về tổ, để dù đã có những rạn nứt, dù đã có những chia ly, song niềm ước mơ cháy bỏng mà chị vẫn khát khao từ thuở nhỏ, là có một gia đình hạnh phúc, dù biết rằng, cái niềm khát khao tưởng như giản dị đó, đối với chị bây giờ lại là một chặng đường đầy rẫy những chông gai…

Thiên Kim
.
.