Nguyễn Ngọc Dân: Biển, dây điện và “tâm truyền”
Xã Tân Tiến, huyện An Dương quê anh có hai họa sĩ thành danh: xưa là Mai Trung Thứ, 12 tuổi theo cha làm quan vào Huế; sau này có Nguyễn Ngọc Dân 19 tuổi lên Hà Nội - đều là đồng môn Trường Mỹ thuật Yết Kiêu.
Tôi biết Dân từ triển lãm (TL) đầu tiên Chân dung biển (2003), ấn tượng mạnh với những bức tranh vẽ biển: lớp sơn dầu dày, sóng nổi cồn cào từng vệt làm tôi liên tưởng đến tranh Van Gogh.
Hỏi mãi, Dân mới cho biết, anh dùng lược và một số “khí cụ” bí mật để tạo thành sóng sơn dầu. Sau lần ấy, khi sang Pháp được xem những bức tranh gốc của danh họa Hà Lan trong bảo tàng Orsay và nơi sống cuối cùng của ông ở Auvers sur Oise, tôi càng thấy rõ dấu ấn ảnh hưởng trên. Ảnh hưởng mà vẫn tạo được phong cách của mình, thì mới đúng chân tài.
Năm 2012, Dân mời tôi đi xem TL sắp đặt dây điện khổng lồ ở Trung tâm Vân Hồ, giấy mời là ổ sứ và buli điện. Mê điện đến thế, đâu sợ... điện giật vì anh làm tặng ổ sứ này để mọi người lưu lại được để chặn giấy và... uống nước.
Sinh viên nội trú, thuê nhà trọ, đến lúc Dân lấy vợ - họa sĩ Quỳnh Mây (1974, học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp), nhập hộ khẩu Hà Nội, cưới là có nhà ngay, trên 30m², ngõ Thịnh Hào 1. Vợ anh đã thôi không làm họa sĩ trình bày báo Hoa học trò, hai vợ chồng là họa sĩ tự do. Anh không lơ mơ lãng tử mà luôn chắc chắn, thiết thực. Cưới vợ được 3 tuần thì bố qua đời. Người thợ may già ấy không kịp chứng kiến thành công của con trai út trong 7 đứa con ông (4 trai, 3 gái). Dân mặc định nối điện trường về đất Cảng.
![]() |
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân và thầy Trần Văn Trù. Ảnh: Quang Tú. |
Các con anh, từ rất nhỏ hễ ai hỏi, đều nói: Cháu là người Hải Phòng. Đấy không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, toàn bộ anh chị, các cháu chắt sinh sống, ngôi nhà thơ ấu còn Mẹ già 82 tuổi. Nhà ngói năm gian có sân vườn, ao sen, cha mẹ đã dành cho. Đâu phải vì sổ đỏ nhà mang tên anh mà “căn cước” của Dân là Hải Phòng trong tính cách và tâm hồn, dù hoà quyện văn hoá kinh kì và trải nghiệm châu Âu. Vẽ chân dung là thế mạnh, không giỏi về điện ngoài khả năng thay bóng đèn, Dân lại thích dây điện Hà Nội.
Năm 2007, anh làm TL cá nhân Vắt qua phố tại L’Espace, tạo một chấn động. Rất nhiều khách nước ngoài đến xem, người Hà Nội thì thấy thú vị vì tay họa sĩ Hải Phòng này bắt vía phố cổ đúng quá, chưa hết TL nơ đã gắn hết phòng tranh. Bế mạc, khách mang tranh đi hết sạch. Dây điện lằng ngoằng, rối tung của phố Hà Nội, qua Dân còn vắt sang... châu Âu, đến quê hương của Van Gogh. Dân của đời thường mặt gày, nhô gò má, thân hình 1m75/65kg tứ mùa áo caro giày thể thao, đi xe Wave xanh giản dị. Anh không cố ý tạo phong cách hay chú ý về thời trang, cật lực làm việc nhưng rất khoa học.
Tự nhận mình đã qua tuổi trẻ, để vẽ lâu dài, Dân chuyển sáng tác vào buổi chiều và tối. Đón con đi học về đã có người giúp việc, anh bán nhà ở phố Trần Quý Kiên, mua căn hộ 120m² ở tầng 3 ở chung cư trên đường Lê Văn Lương cho con học gần trường. Anh rất tin vào nhân quả. Họa sĩ đã sang Lào cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục bày lễ cho chùa, lễ cầu siêu cho các chiến sĩ Việt Lào, giúp đổ tượng Phật (góp ý về khuôn, tạo hình) 15 tấn đồng, cao trên 10m ở chùa Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ.
Các con của anh: Nguyễn Thuận lớp 8 và Minh Thành lớp 3 đều có năng khiếu vẽ và đã bán tranh để giúp quỹ từ thiện. Anh rất coi trọng đọc sách, thuyết nhà Phật. Dân tin mình là họa sĩ từ tiền kiếp. TL Tâm truyền cùng người thầy là tình cảm của anh với người thầy đầu đời. Xong triển lãm, anh thuê taxi tải mang tranh về cho thầy.
Từ ấn tượng phố Hà thành đầy dây điện cuốn loa phường chằng chịt, Nguyễn Ngọc Dân đã làm những cuộc TL sắp đặt về nét đặc thù “rối rắm” này như một “bản sắc” vừa phức tạp vừa ấn tượng với thị giác của người dân trong và ngoài nước.
![]() |
Phố dây, sơn dầu, khổ 1,2x1,2m của Nguyễn Ngọc Dân. |
Sau thành công của hai TL cá nhân tại Hà Nội, Vắt qua phố tại 42 Tràng Tiền, tháng 11-2007 và Phố tại Trung tâm TL Nghệ thuật Việt Nam tháng 12-2012, đều vẽ và bày dây điện. Nguyễn Ngọc Dân có nghệ danh “Dân dây điện”. Dân rất hãnh diện về tên gọi này mà công chúng hội họa và đồng nghiệp vẫn gọi anh. Nguyễn Ngọc Dân sáng tác rất khỏe, chất biển Hải Phòng trong tư chất của anh được truyền toả qua kỹ thuật sơn dầu điêu luyện, giàu cảm xúc.
Đến nay, Dân “dây điện” đã có 7 TL cá nhân và 4 TL nhóm, trong đó 3 lần TL cá nhân tại Hà Lan, mang cả sông, biển Hải Phòng và dây điện Hà Nội bày ở gallery, trung tâm văn hoá, một nhà máy cũ của Hà Lan đã thành studio nghệ thuật. Anh thường xuyên đi về Hải Phòng. Cùng thời gian này, họa sĩ Hà Nội đồng tâm kéo nhau về đất Cảng TL tranh Tam Bạc - Phố và sông thì Nguyễn Ngọc Dân đã về trước để mời bạn bè Hải Phòng và cáo lỗi mọi người vì anh và người thầy của mình phải lên Hà Nội lo TL đôi.
Tâm truyền đã diễn ra từ 1-7/11/2015, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là một TL tầm vóc rất đáng xem của 2 họa sĩ Hải Phòng, là hai thầy trò tuổi cách nhau gần 3 thập kỷ, một kỷ niệm đúng ngày đúng tháng có ngày Nhà giáo Việt Nam. Họa sĩ Trần Văn Trù (1944) vốn là thầy giáo tiểu học, vì trục trặc nhỏ giấy báo trúng tuyển mỹ thuật ở Hà Nội đến muộn, ông theo nghề giáo, vẫn miệt mài tự học hội họa. Sống và vẽ tại tổ 6 Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Trần Văn Trù là thầy dạy vẽ của Nguyễn Ngọc Dân trước khi anh lên Hà Nội học đại học.
Lần đầu tiên TL tại Hà Nội, Trần Văn Trù bộc lộ bút lực sung mãn qua 77 tác phẩm trên các chất liệu, bột màu, sơn dầu, mực nho, khắc gỗ rất phong phú về đề tài, được vẽ từ 1968 đến nay. Tranh của ông dày dặn về điểm nhìn, cao nghề trong bút pháp, đặc biệt đạt đến trình độ bậc thầy với loạt bột màu vẽ hoa, chân dung tự họa bằng mực nho, sơn dầu. Bột màu còn được ông sử dụng tài tình khi vẽ phong cảnh nông thôn và sông Tam Bạc. Cố ý bé nhỏ bên thầy, Nguyễn Ngọc Dân chỉ trưng bày 7 tranh chất liệu sơn dầu nhưng là nhấn mạnh mảng thị giác ám ảnh: dây điện phố cổ.
![]() |
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân và tranh dây điện. Ảnh: Trần Nam Triệu. |
Nguyễn Ngọc Dân cho biết: “Những bó dây điện thẳng rối tung... các hình thái được xuất hiện nhiều nhất trong lần trưng bày này. Tác phẩm lớn nhất 1m96x1,2m, còn lại đều là 1,2x1,2m và lớn hơn. Chúng tôi đặt tên Tâm truyền với ý nghĩa những rung động trái tim của họa sĩ sẽ đến được với trái tim người xem”. TL để đời của hai thầy trò Trần Văn Trù và Nguyễn Ngọc Dân thành công và thỏa nguyện khát vọng sâu sắc ấy. Tôi nghiệm thấy nhiều năm đi xem các triển lãm tranh, không nên không thể xem vào buổi khai mạc. Tôi cùng con nhỏ thưởng lãm Tâm truyền vào buổi trưa 6-11-2015, vẫn đều đặn người xem.
Trong thế giới đầy sắc màu của hoa, phong cảnh thiên nhiên, tranh dây điện của Nguyễn Ngọc Dân là một ấn tượng thị giác gợi liên tưởng về những đối lập của thế giới này. Tôi chứng kiến những khách xem nước ngoài không hề quen biết đã dừng trước sơn dầu vẽ dây điện lâu hơn những tĩnh vật hoa và họ tìm anh, biết họa sĩ có mặt ở đó, họ đã chúc mừng. Dây điện trong phố nghệ thuật của anh chẳng phải là đời thực mà là những ý nghĩ, liên tưởng, mạch đời.
Với anh, dây điện gây ấn tượng mạnh về hiệu quả thị giác và anh chọn nó một cách hứng thú, bởi hội họa là văn hoá nhìn. Dây điện vừa hiện thực vừa trừu tượng để khai thác tạo hình. Đến một ngày dây điện, dây cáp chôn chìm xuống đất thì anh vẽ gì? Dân bình thản: “Có hết cả ảnh và kí họa, tư liệu chôn cáp, dây ở một số tuyến phố rồi, chẳng bao giờ hết dây điện, đèn xanh đèn đỏ và loa phường đâu. Tôi sẽ vẽ dây điện cả đời”.