Nguyễn Hữu Thái Hoà: Mang nhạc Trịnh qua bốn biển

Thứ Ba, 19/08/2008, 13:30
Trước khi gửi email cho anh, tôi không biết anh là ai, ngoài những bản nhạc Trịnh được lưu truyền trên Internet. Người đàn ông này hát giản dị, mộc mạc nhưng ấm tình. Trong những lúc tuyệt vọng nhất ở xứ người, trong những tao đoạn khó khăn nhất của đời sống, nhạc Trịnh đã cứu rỗi anh. Một thứ tình cảm bền chặt.

Có lẽ khi ấy, Nguyễn Hữu Thái Hòa không còn là một Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay là cố vấn Bộ trưởng. Anh chỉ còn là chính anh với bản ngã của mình, hát những bản tình ca của Trịnh Công Sơn…

1.Có thể gọi Nguyễn Hữu Thái Hòa là một công dân thế giới. Học Đại học Kiến trúc tại Canada, về Việt Nam làm việc tại khu công nghiệp rồi chuyển qua Pháp làm về quản lý chất lượng. Và hiện tại, Nguyễn Hữu Thái Hòa đang sống ở Hồng Kông, làm việc với cương vị Tổng Giám đốc về chất lượng của  một tập đoàn lớn tại châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng đồng thời, anh cũng đang là cố vấn trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ về chất lượng và đang lãnh đạo dự án BiC (Best in Class) của Bộ KHCN tại các tỉnh phía Nam qua hai doanh nghiệp tiêu biểu là Gạch Đồng Tâm và FPT.

Người ta nói nhiều về anh với những công việc này. Và Nguyễn Hữu Thái Hòa quả là một người Việt trẻ  nhiều nhiệt huyết. Có thể thấy điều ấy trong cách anh nghĩ, những việc anh làm. Và đã có những người coi anh như thần tượng.

Nhưng với những ai yêu mến Trịnh Công Sơn, Thái Hòa là một ca sỹ. Anh hoàn toàn không trịnh thượng mà có phần quá nâng niu những bản nhạc của người nhạc sỹ này. Và âm thầm hoạt động tích cực trong việc nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc của Trịnh Công Sơn ra nước ngoài. Với 7 CD đã phát hành và tập "Vườn xưa", thư viện Trịnh Công Sơn ở Torio, Italia đã hoạt động, Nguyễn Hữu Thái Hòa đã làm được một công việc không đơn giản. Hầu hết trong chúng ta, ai cũng thuộc một lời hát nào đó của Trịnh Công Sơn. Nhưng để làm một việc gì đó thiết thực cho việc gìn giữ, quảng bá âm nhạc của ông như Thái Hòa thì không nhiều.

Điều đáng nói là, những việc anh làm quá xa với chuyên môn trong công việc hàng ngày. Nhưng nó lại máu thịt với anh hơn hết thảy. Không làm vì tiền. Cũng không cần danh tiếng. Đơn giản chỉ vì đam mê và làm theo tiếng gọi của đam mê ấy. Anh nói, cuốn  Hành trình văn hóa Trịnh Công Sơn  do anh chủ biên cũng sẽ phát hành vào năm 2009. Câu hỏi  Trịnh Công Sơn - Ông là ai ?  được coi là chủ đề. Cuốn sách sẽ tập hợp rất nhiều bài viết, nghiên cứu của các dịch giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước giải mã về Trịnh Công Sơn.

Thái Hòa nói đùa rằng, hình như anh được tiếp xúc với âm nhạc Trịnh Công Sơn từ trong… bụng mẹ. Ba anh, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một trong những người bạn thân thiết với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Và từ nhỏ, anh đã quen với việc thi thoảng Trịnh Công Sơn ghé nhà chơi, nói chuyện thế sự và âm nhạc. "Kỷ niệm sâu sắc với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có lẽ là lần tôi đưa được Giáo sư Trần Văn Khê từ Pháp về, đến thăm ông tại tư gia, nhìn hai "cây đại thụ" của âm nhạc Việt Nam lần đầu gặp gỡ và hàn huyên, tôi hạnh phúc thấy như có sự chuyển giao những niềm hy vọng qua từng thế hệ âm nhạc Việt Nam.

Khi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn qua đời, Giáo sư Trần Văn Khê vẫn còn nhắc mãi về lần hội ngộ hy hữu đó. Đối với những nhạc sĩ trẻ Việt Nam, âm nhạc và nhân cách của Trịnh Công Sơn giống như kim chỉ nam để học hỏi và chiêm nghiệm. Có một lần khi nghe tôi đàn bản Nocture No.1 của Chopin, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cứ quả quyết rằng âm điệu chuyển từ thứ sang trưởng của bản nhạc này xuất phát từ các chất liệu Á Đông, dù rằng lịch sử cuộc đời Chopin chưa hề đặt chân đến Á châu. Ý tưởng của ông đã làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về sự hòa hợp Đông - Tây trong âm nhạc và có những sáng tạo nhất định trong các album của mình khi dùng phong cách "hát thơ" (chantre - chữ của Nguyễn Xuân Khoát và Văn Cao tặng Trịnh Công Sơn) trên các nền nhạc đệm bằng âm nhạc bác học phương Tây.

Ví dụ như bản sonate "Ánh trăng" của Beethoven dùng làm hòa âm cho "Diễm xưa" trong album "Chiếc lá thu phai". Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với Trịnh Công Sơn và mỗi lần gặp ông, tôi như có được thêm những niềm hy vọng mới, biết nhìn cuộc đời khoan dung hơn. Khi ông bị bệnh nằm trong bệnh viện, tôi cố gắng mỗi tuần mang vào tặng ông một bó hoa. Giờ thì mỗi lần được hát trong dịp lễ húy nhật ông tại quán Hội Ngộ hay những chương trình tưởng niệm Trịnh Công Sơn, với tôi đó là một niềm hạnh phúc lớn… Tôi tự thấy mình là một người trẻ đa năng và nhiều đam mê, xuất thân từ một kiến trúc sư - kĩ thuật ở Canada, và đã làm việc quốc tế hơn 10 năm qua, hiện tại tôi gắn kết rất nhiều với lĩnh vực công nghiệp hiện đại - vì theo tôi đây là lĩnh vực căn bản nhất để phát triển một nền kinh tế cho đất nước…

Văn hóa, âm nhạc và đam mê nghiên cứu Trịnh Công Sơn, đối với tôi thật sự là một chỗ dựa tinh thần khi sống xa quê hương, âm nhạc Trịnh Công Sơn là một nền văn hóa Việt Nam cận đại còn "ngủ quên" bởi hoàn cảnh và hậu quả của chiến tranh vẫn còn "hằn" quá sâu trong tư tưởng của thế hệ trước… Tôi rất tự tin và tự hào về hoài bão sẽ tiếp nối phát triển dòng văn hóa này cùng thế hệ hôm nay. Hiện tại, các dự  án này chiếm 20% ngày giờ của công việc và gia đình tôi… Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng hiện tại tôi rất hạnh phúc với niềm đam mê này…" - Thái Hòa chia sẻ.

Khi anh hát nhạc Trịnh, anh có nghĩ mình là một ca sỹ hay chỉ đơn giản là hát như một nhu cầu? Thái Hòa nói, anh không có ý niệm gì về việc mình có phải là một ca sỹ hay không. Anh chỉ hát bằng trái tim. Khi còn là sinh viên tại Canada, Thái Hòa đã đi hát trong cộng đồng người Việt. Khi ấy, nhạc Trịnh như một thứ nâng đỡ tâm hồn anh chứ không phải là một công việc để kiếm tiền. Anh đã phải làm mọi việc để có thể trang trải cho việc học.

Có lần đang quét dọn tại một phòng mạch, khi anh gỡ khẩu trang ra, một nữ khán giả đã reo lên: "Ca sỹ Thái Hòa đây sao?". Đêm đó anh về nằm suy nghĩ mãi và cảm thấy tủi thân kinh khủng. Nhưng chính lúc ấy, bài hát "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" vang lên trong tâm trí anh. Âm nhạc Trịnh Công Sơn đến với anh trong những giây phút có ý nghĩa quyết định trong cuộc đời.

2.Nguyễn Hữu Thái Hòa nói, thời gian này anh rất bận. Những chuyến bay đi bay về giữa Việt Nam, Hồng Kông và những chuyến công tác dài ngày.  Thế nên, những câu trả lời của anh thường rất ngắn. Có thể coi anh là một "công dân thế giới". “Để có thể hội nhập trọn vẹn, điều gì với anh là quan trọng nhất?". “Đừng lãng phí thời gian. Ngủ ít đi một chút và biết tập trung vào những việc quan trọng nhất, như Bàng Thống (trong Tam Quốc Chí xưa) có thể giải quyết một tháng công việc của cả một Huyện lệnh trong nửa ngày. Vả lại tôi rất tâm đắc câu nói "There is no school for president, so every thing can be learnt…", tạm dịch: không có ngôi trường nào dạy làm tổng thống cả, cho nên tất cả mọi thứ đều có thể được học…" - Thái Hòa trả lời.

Vậy khi anh bắt đầu làm việc tại nước ngoài, điều gì khó khăn nhất? "Ngôn ngữ. Nhưng rất nhanh sau đó thì không phải là việc "nói tiếng nước nào" mà là "nói cái gì". Hiểu được văn hóa công việc và con người trong một quốc gia là yếu tố quyết định thành công…". Một người Việt thành công tại môi trường không nói tiếng Việt, không tâm lý Việt, thông thường sẽ là tuân theo những quy định và tiêu chuẩn chung mang tính quốc tế, hoặc là vượt lên xuất sắc để gây được ảnh hưởng và dần thay thế những quy định, tiêu chuẩn cũ.

Với trường hợp  của Thái Hòa, anh cho rằng, muốn thành công thì một cách tự nhiên chúng ta phải làm việc gấp đôi người nước ngoài để được đánh giá bằng nửa sức làm việc của họ. Lí do chính là chúng ta vẫn phải chịu sự kỳ thị là những người Á Đông. Để vượt qua những sự kỳ thị đó chúng ta phải chứng minh được chất lượng của chính con người mình.

Vào đầu năm 2008, trong một lần trả lời phỏng vấn, Nguyễn Hữu Thái Hòa nói: "Tôi xin có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ quê nhà là: nên tôn trọng giá trị thật của lao động và hãy ngẩng cao đầu mà sống! Bởi, thế hệ chúng ta hôm nay là phải đối đầu với cái trần trụi của cuộc sống và sự cạnh tranh quyết liệt có tính toàn cầu nên rất dễ tự đánh mất mình".

Thái Hòa nói những điều ấy từ những kinh nghiệm cá nhân. Và tất cả những điều đó anh đều học được từ nhạc Trịnh. "ISO Quality và nhạc Trịnh cũng có điểm tương đồng - đó là sự hướng thiện và tôn vinh cái thật, không màu mè huyền hoặc để  đem lại những điều tốt đẹp hiện hữu cho con người! Còn khi hát nhạc Trịnh, tôi nghiệm ra điều quan trọng: muốn thể hiện nhạc Trịnh là phải có "cái tâm tự thoại" và khi hát phải thật sự đạt đến độ hồn nhiên (Innocent) trong nghệ thuật. Vì lẽ đó, với tôi, hát nhạc Trịnh Công Sơn chính là để tự giải phóng tư tưởng thấp hèn để ngẩng cao đầu làm người Việt Nam!" - Thái Hòa chia sẻ.

3. Nguyễn Hữu Thái Hòa đang viết cuộc đời mình một cách không giống bình thường. Có lẽ, anh là người đi đủ nhiều, gặp đủ người để hiểu rằng, trong mọi cuộc hội nhập, giữ được cho mình một cốt cách riêng vẫn là chuyện sống còn. Và nhạc Trịnh đã neo anh lại, với cách sống của một người Việt, dù anh đang ở đâu trên mặt đất này…

Thiên Lương
.
.