Nguyên Hồng, chuyện một người cha mẫu mực

Thứ Tư, 28/11/2018, 10:55
Nhà văn Nguyên Hồng sinh ra và lớn lên ở Nam Định, mồ côi cha từ năm 12 tuổi. Mẹ ông đi thêm bước nữa trước sự ruồng bỏ, hắt hủi của gia đình nhà chồng, không cho gần con. 

Nguyên Hồng lớn lên bên cạnh bà và cô, hầu như thiếu tình yêu thương. Năm học hết bậc tiểu học, ông theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm chợ nghèo, rồi về Hà Nội công tác và sau đó về Bắc Giang.

Tuy nhiên, có thể coi Hải Phòng là quê hương thứ hai, nơi Nguyên Hồng đã gắn bó và trải qua những năm tháng hàn vi nhất của cuộc đời và Hải Phòng cũng là mảnh đất có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến nghiệp văn chương của ông.

Chính tại nơi đây, ông có cơ duyên gặp Thế Lữ ở ngõ Nghè để rồi theo đuổi nghề văn từ đó. Năm 1936, truyện ngắn đầu tay Linh hồn của ông in trên Tiểu thuyết thứ bảy. 

Nhưng chỉ đến khi tiểu thuyết đầu tay Bỉ vỏ xuất hiện trên văn đàn, năm Nguyên Hồng 19 tuổi, thì tiếng tăm của ông mới thực sự khiến giới văn chương sửng sốt trước bức tranh xã hội sinh động về thân phận những con người nhỏ bé dưới đáy xã hội như Tám Bính, Năm Sài Gòn... Bỉ vỏ sau đó đã đoạt giải thưởng văn chương danh giá của Tự lực văn đoàn, 1937.

7 người con của nhà văn Nguyên Hồng.

Dịch giả Thanh Thư, con gái Nguyên Hồng tiết lộ: "Cô em gái áp út Yên Thế, nhờ có sữa Liên Xô, là nhuận bút của cuốn Bỉ vỏ được dịch sang tiếng Nga, nên mũm mĩm, cao lớn nhất trong các chị em. Cha tôi là một con người đầy mâu thuẫn. 

Thường thì ông dịu dàng như một người mẹ, giọng nói của ông ấm và ngọt, chúng tôi vẫn bảo giống như giọng của cha cố khi giảng đạo. Nhưng, nếu như đúng lúc ông cần một cuốn sách nào đó mà chúng tôi đã đánh mất hoặc đang cho ai mượn thì ông gầm lên như một con hổ. 

Có một lần như vậy, tôi lỉnh ra sau bếp đứng một mình và thầm nghĩ: “Thế mà hôm nọ viết thư về bảo nhớ và thương các con lắm!”. 

Tôi thấy khi tả về cha tôi, mọi người thường vẽ nên hình ảnh một lão nông xuề xòa, nhưng chỉ có trong gia đình tôi mới biết rằng lão nông ấy đã dạy dỗ những đứa con gái của mình hết sức tỉ mỉ. 

Trong bữa ăn, ông dạy chúng tôi phải gắp rau như thế nào, chấm nhẹ vào bát nước chấm rồi đưa bát cơm hứng lấy, sau đó để miếng rau vào bát cơm rồi mới và vào miệng chứ không được đưa miếng rau từ bát nước chấm thẳng lên miệng. Khi chúng tôi lớn hơn, ông dạy cách cuốn nem, phải cuốn vừa tay, cái nem nhỏ thôi, nhiều lá, ít nhân thì khi ăn mới có độ giòn. 

Tôi nhớ có lần sau bữa ăn, tôi đưa khăn cho ông và nói: “Thầy lau mồm đi ạ”, ông sửa lại ngay: “Con phải nói là lau miệng”. Thế đấy. 

Chúng tôi được cha rèn cho từng lời ăn tiếng nói. Anh em chúng tôi chẳng thể nào quên được mỗi lần cha chuẩn bị đi Hà Nội, nào cặp bản thảo, nào túi quần áo, nào thức ăn đã được buộc gọn ghẽ trên chiếc xe đạp Liên Xô (cũng là thứ mua được từ nhuận bút của cuốn Bỉ vỏ được dịch sang tiếng Nga) đã được dựng bên tường nhà, ông gọi chúng tôi lại, đưa cho đứa lớn nhất khoảng 2-3 hoặc 5 hào gì đấy toàn bằng tiền xu để chúng tôi ở nhà mua quà. 

Quà hồi ấy chỉ là những cây mía tím chặt ngay trên ruộng nhà cụ Chương Long ở đầu xóm, hay là những quả sấu chín vàng nhà bà Lành mà chúng tôi phải tự trèo lên cây hái".

Bà Nguyễn Thị Mùi, vợ nhà văn Nguyên Hồng (năm 1943).

Ông Nguyễn Vũ Sơn, con trai thứ ba của nhà văn Nguyên Hồng, một giáo viên dạy chuyên toán nhớ lại: "Ngày tôi còn nhỏ, đã có năng khiếu ngoại ngữ và đàn hát. Những năm 65-66, tôi đã có bài và đoạt giải thưởng trên báo Toán học và tuổi trẻ rồi. Tôi mê âm nhạc, đặc biệt là thổi sáo, nên cha tôi khuyến khích lắm. 

Ông từng lấy nguyên mẫu là tôi cho vào tác phẩm Cửa biển, ở chi tiết con ông Chí Thái giỏi toán, yêu âm nhạc, thổi sáo hay. Tôi từng tham gia thổi sáo và được Huy chương bạc (không có huy chương vàng) tại Hội diễn Các trường nghệ thuật năm 1969. Sau này, thầy tôi (nhà văn Nguyên Hồng - PV) có nhuận bút thì mua cho tôi cây đàn ghi-ta cũ nhưng vì nhiều người mượn dùng nên cây đàn hỏng rất nhanh.

Thầy tôi là người hoàn toàn tôn trọng sở trường của các con và cũng quý sự học của các con. Mỗi thành tích của các con, ông đều rất sung sướng, tự thưởng cho mình một chén rượu. Có vẻ như ông tận dụng mọi cơ hội để “đền bù” cho các con. Mùa hè nào ông cũng cho chúng tôi “về Hà Nội chơi”. 

Thỉnh thoảng, chắc là những khi có nhuận bút, ông đưa chúng tôi đi ăn phở. Với chúng tôi hồi ấy, đó còn hơn cả sơn hào hải vị. Thậm chí, ông cho chúng tôi vào cả nhà hàng Phú Gia bên Bờ Hồ! Có một lần ông đưa hai anh đến Phú Gia nhưng ông chỉ gọi hai bát phở cho hai anh, còn ông thì ngồi nhìn các con ăn!" 

Khi anh Sơn kể lại chuyện này, thì hóa ra đứa nào cũng từng được bố đưa đến đây ăn phở, ăn bún. Không chỉ cho đi ăn, ông còn dẫn chúng tôi đi chơi vườn Bách Thảo, chỉ cho chúng tôi Bảo tàng Lịch sử, Văn Miếu, cổng Hoàng thành Thăng Long... 

Năm anh trai thứ hai tôi là Nguyễn Vũ Giang lên đường nhập ngũ, cha tôi đã đọc bài thơ Tiễn chân con và khóc: Con chúng ta năm xưa võng ru/ Mụ dạy cười mơ rồi nức nở/ Chim hót, nắng bừng cũng giật mình bỡ ngỡ/ Vú mẹ đêm ngày ấp ủ thịt măng tơ/ Con chúng ta làng xóm đặt tên/ Với mưa nắng sao trăng/ Với hoa thơm quả chín/ Với khoai sắn ruộng đồng/ Với thú rừng cá biển/ Với những chuyện thần kỳ với tên tuổi cha ông/... Con chúng ta đi/ Nghe Tổ quốc gọi tên ôm hôn cài sao vàng mé ngực/ Súng trao tay rồi trỏ: giặc thù trước mặt/ Bước qua xác chúng chiến thắng trở về (1963)".

Chị Thanh Thư cho biết, nhà văn Nguyên Hồng ngoài công việc viết văn, chỉ đắm đuối với các con. Hai ông bà sinh được 3 trai, 4 gái, nhà cửa lúc nào cũng sum vầy vui vẻ. Ông viết nhật ký đều đặn cho các con. 

Mùa hè năm 1970, khi các con chuẩn bị đi du học, ông đã viết trong nhật ký của mình: “20/7/1970 - Thứ hai, Giang Thư đi sớm. Thư đi tàu điện. Giang đi cái xe đạp nhỡ. Khi Thư đi tôi thấy buồn buồn. Có thể 26 này nó đã đi rồi. [...] Trong túi tôi chỉ còn đủ tiền tiêu kham khổ cho đến cuối tháng, nên chỉ mua cho Bé Diệu cái áo và không thể mua sắm cái gì cho Nhã”. 

Nhà văn Nguyên Hồng con khuyến khích các con học ngoại ngữ nên các con ông đều có năng khiếu và giỏi ngoại ngữ. 

Có lần, được tặng một cái cặp da rất đẹp, ông mang sang cho chị Nhã Nam và bảo: “Tặng cho con nhân dịp con đi học tiếng Anh”. Cái cặp ấy bây giờ chị Nhã Nam vẫn giữ để đựng các tài liệu quý của gia đình.

Theo chị Thư, mẹ chị mê cha chị “từ cái nhìn đầu tiên”. Bà bảo rất yêu cái dáng “luôn ngẩng cao đầu của bố mày”. Mẹ chị có vai trò như một trợ lý của nhà văn Nguyên Hồng. Bà không chỉ chép bản thảo cho ông mà còn giúp ông nhớ lại những tích xưa, nhiều bài thơ, hay nhiều sự kiện, bởi bà là một người ham đọc và có trí nhớ có lẽ còn tốt hơn cả ông. 

Nhà văn Nguyên Hồng.

Chẳng hiểu sao mà những người nông dân quanh vùng lại “đồn” rằng: “Bà Duyên Hồng toàn chữa văn cho ông ấy đấy”. Cả gia đình đều rất thích thú với cái tên “Duyên Hồng” cũng như sự khẳng định hồn nhiên này!

Ông Nguyễn Vũ Sơn thì bảo: Các con đều ảnh hưởng tính cách của cha mẹ, vì thế đều là người điềm đạm, không ưa tranh đấu, bon chen. Ông kể: "Cha tôi coi việc viết văn thiêng liêng còn hơn cả một tôn giáo. Trước khi ngồi vào bàn viết, ông chuẩn bị rất cẩn thận, các bạn văn của cha tôi gọi đó là “dọn ổ đẻ”.

Ông trải chiếu ra nền nhà, cái bàn viết bằng gỗ nhỏ nhắn, chân thấp, được sắp xếp gọn gàng. Giấy viết, bút, nghiên mực (cái nghiên mực bằng thủy tinh do một người bạn nào đó bên Liên Xô tặng), mà mực thường là mực tím, đôi khi ông còn đặt thêm một quả khế hay quả ổi lên bàn. Mùa hè còn thêm một cái quạt nan nữa. 

Bao giờ ông cũng ngồi viết ở nhà ngang. Tất cả chúng tôi đều hiểu, khi ông đã ngồi vào bàn viết là không được gây tiếng động, không được làm bất cứ việc gì phiền đến ông. Nếu có khách đến thì người ra cổng là mẹ tôi. Bà sẽ tùy cơ ứng biến. Có thể bà sẽ phải nói dối là cha tôi không có nhà. Cái vùng đất trung du bán sơn địa ấy, mùa hè thì nóng hầm hập, mùa đông lại rét buốt. 

Cha tôi ngồi viết, mồ hôi chảy từng giọt, từng giọt vào mùa hè. Còn vào mùa đông thì ông phải quấn thêm cái chăn. Lạnh hơn nữa thì đốt củi sưởi. Chúng tôi không biết nhưng khi đọc nhật ký của ông, tôi thấy ông rất hay kêu đau đầu. Vậy mà ông chỉ lặng lẽ chịu đựng. Tiếc là ông mất sớm quá. 

Tôi vẫn nhớ, hôm ấy ông vừa đi chấm giải văn học ở Quảng Ninh về. Buổi sáng ông ra sửa lại cái tường bếp bị nứt, ông xuống suối lấy đất sét trát lại, rồi ông bị cảm lạnh và đột quỵ. Trước khi mất, ông chỉ kịp nói với mẹ tôi, là báo tin cho Hội Nhà văn biết...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.