Nguyễn Hồng Vinh và “vai” của chính mình
Việc đọc một tác giả để hiểu họ, hiểu đúng những gì họ viết, mức độ nào còn tùy ở người thưởng thức, tuỳ tạng tâm hồn, năng lực thẩm định và lý tưởng nhất là xuyên thấu văn bản để tìm ra lớp nghĩa ẩn tàng, đồng sáng tạo cùng tác giả. Biết tên nhà báo Hồng Vinh từ lâu, chỉ khi đọc thơ Nguyễn Hồng Vinh, tôi mới thấy “gần” ông hơn. Không phải Hồng Vinh - cựu Tổng biên tập báo Nhân Dân (1996 - 2001), không phải nhà báo Hồng Vinh trải qua nhiều cương vị công tác vẫn đều đặn viết xã luận cho trang báo đầu tiên (chuyên mục “Vấn đề tháng này” của báo Nhân dân hằng tháng).
Năm 2010, khi xuất bản tập thơ đầu tiên, Hồng Vinh nhà báo mới xuất hiện tên đầy đủ Nguyễn Hồng Vinh. Tôi cho rằng đây không đơn thuần là cách đưa ra họ tên đầy đủ, một dòng họ phổ biến nhất Việt Nam mà là báo hiệu Nguyễn Hồng Vinh trọn vẹn xuất hiện. Với tác giả, 5 tập riêng đủ để kết luận về phong cách, giọng điệu. Các tập thơ của Hồng Vinh đều in khổ 13x19cm, chưa chú trọng về mỹ thuật, cách trình bày, kỹ thuật đồ họa, minh họa và bìa.
Ở thời đại áp lực cạnh tranh lớn như hiện nay, yếu tố hình thức tác động ấn tượng thị giác rất quan trọng, tạo thiện cảm đầu tiên. Nếu thơ hay, sách thiết kế đẹp thì sẽ nâng tầm cuốn sách thành giai phẩm. Thôi bỏ qua khâu này, cứ cho rằng bản chất ông là mộc mạc, ý nghĩa và sức mạnh của thơ nằm ở câu chữ. Tôi mở “hộ chiếu tâm hồn” Nguyễn Hồng Vinh. Màu ký ức gồm 56 bài, minh họa bằng tranh và ảnh siêu nhỏ (2x4cm) cho thấy con người đa cảm. Điểm qua các chức vụ của nhà báo Hồng Vinh không phải là cách kê khai lý lịch hay sự nghiệp của ông, mà để thấy ông chỉ xuất hiện con người thơ khi làm công việc có điều kiện tương thích.
Nhà báo Hồng Vinh là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương từ tháng 6/2001 đến năm 2007. Thời kỳ này ông còn là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương (từ năm 2003) và Chủ tịch Hội đồng này từ tháng 7/2011. Cận ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, ông cựu Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tíu tít hội thảo, đi chúc mừng một số cơ quan báo. Báo chí vẫn là số kiếp của ông.
Tác giả và tập thơ "Màu ký ức". |
Không phải dưới mọi bài thơ Nguyễn Hồng Vinh đều đề nơi, thời gian sáng tác; song qua những địa danh được nhắc đến, gọi tên, người đọc nhận thấy ông đi nhiều nơi trong và ngoài nước. Trong nghệ thuật, số lượng không phải yếu tố duy nhất đánh giá sức viết và tài năng, song nó thể hiện độ nhạy cảm và lãng mạn của tác giả. Ông làm thơ ở hầu hết nơi ông đến. Thơ như nhật ký hành trình. Sự viết nhanh và nhiều, thời gian và nhiệm vụ công tác hẳn cũng gây áp lực khiến một số bài thơ bị chất báo chí lấn át và tác giả cũng chưa dụng công trau chuốt.
Tập thơ của Hồng Vinh, hình dung đó như cuốn sổ công tác của những chuyến đi, những gì ông thấy, gặp. Ông đã đến nhiều nơi trong nước và hơn 40 quốc gia trên thế giới, nhiều nước đã trở đi trở lại mấy lần. Hội tụ các địa danh trong 5 tập thơ của Hồng Vinh sẽ hiện ra bản đồ của Việt Nam và một phần bản đồ thế giới. Người sống lâu chưa chắc đã sống nhiều, nhưng sống nhiều nhất thiết phải từng trải, bao hàm cả việc đi: đi nhiều về địa lý lẫn tư duy.
Những chuyến đi đã nuôi dưỡng hồn thơ Nguyễn Hồng Vinh. Các cảnh huống, các chi tiết, bối cảnh, nhân vật ông đã gặp được tích hợp từ cuộc đời làm báo để mấy năm gần đây khi ông đã sẵn sàng dành tâm trí và mở lòng với thơ hay để thơ vẽ chân dung đầy đủ về mình.
Đâu phải dễ dàng, nhanh chóng tức cảnh sinh tình mà làm được thơ nhiều và nhanh thế. Ai biết rõ, đọc và tìm hiểu về Nguyễn Hồng Vinh mới biết ông đã trải qua bao khó nhọc, thăng trầm. Là con út trong 7 anh em của gia đình thuần nông tại thôn Lạc Đạo, xã Nam Chấn, huyện Nam Trực - một vùng đồng chiêm trũng của tỉnh Nam Định. Nhà bần nông, ruộng chưa đầy 2 sào, đất hẹp chỉ có 3 mảnh; mẹ lam lũ cấy hái, bố chèo thuyền trên sông Châu Thành chở khách thuê từ chợ ra quốc lộ 21 khi nước ngập, còn cậu bé Vinh làm đủ việc nặng nhọc, chăn trâu cắt cỏ.
Lạc Đạo là thôn đông dân, 7 nghìn dân làm nông nghiệp, chịu lụt 3 tháng/năm, mỗi năm chỉ có 1 vụ lúa, sau mới tăng lên 2 vụ. Mẹ hơn tuổi cha, họ đã cật lực cả đời vì con và Hồng Vinh - người con trai út là cán bộ Nhà nước duy nhất, thành đạt nhất dòng họ, đúng như mong mỏi của mẹ cha khi đặt tên. Cảm xúc nhớ thương cha (ông mất khi Hồng Vinh đang làm nghiên cứu sinh báo chí tại Nga (1982 - 1986) và mẹ là tình cảm máu thịt được Hồng Vinh viết đầy xúc động.
Dòng nhớ ấy chẳng cần chờ mỗi khi tháng chạp về nhắc ngày mất mẹ mùa đông rét 1993, chờ đến mùa xuân để đếm số năm vắng cha mà hình ảnh cha mẹ đi theo ông đằng đẵng: “Đường làng nắng Hè nung lửa/ Rạ rơm bề bộn quấn chân/ Nâu sòng mồ hôi mặn ứa/ Oằn lưng thúng thóc mẹ bưng/ Nối nhau gió mùa Đông Bắc/ Áo sờn một tấm phong phanh/ Cỏ dại từng cây mẹ nhặt/ Giữa đồng bóng mẹ mong manh/ Khuya khoắt còng lưng kéo nước/ Gầu sòng nan vá chồng nhau/ Nón lá, áo tơi, gió thốc/ Cùi cũi mẹ cấy đêm thâu/ Canh ba vội vàng thức giấc/ Hơ lá chuối non gói cơm/ Lầm lũi nuôi con ăn học/ Lòng mẹ thơm thảo, bao dung...”.
Trích ra đây 4/5 khổ của bài Mẹ mãi còn đây (2013) tác giả viết lúc tròn 20 năm xa mẹ bởi tôi không nén nổi nước mắt bởi như hiện ra hình ảnh bà nội, dù các bà tôi không hề cày cấy bao giờ. Người mẹ vất vả, lam lũ, lao động nặng nhọc nhận về mình đầy hy sinh ấy, người mẹ của Hồng Vinh như có ở nhiều miền quê, thời kỳ nghèo khó nhưng lại thành biểu tượng của Mẹ Việt Nam truyền đời.
Cảm xúc của Hồng Vinh mỗi mùa xuân không chỉ lạc quan hy vọng năm mới mà tương lai được sưởi ấm bằng hồi nhớ về cha mẹ: “Mưa trắng trời lũi cũi vớt lúa non/ Đồng chiêm dáng mẹ héo hon/ Châu Thành chiếc thuyền nan/ Bám riết đời cha sông nước/ Kẽo kẹt vó bè/ Thức cùng cha đèn dầu trang sách/ Bì bõm lội đồng mẹ cấy hết đon” và người anh liệt sĩ vẫn nằm ở Trường Sơn chưa tìm thấy mộ. Khi trở lại Nga năm 2014, cảnh sắc mùa thu Nga đẹp bàng hoàng đến thế, Nguyễn Hồng Vinh vẫn nhớ lời ru mẹ.
Nỗi nhớ mẹ cha là một dòng chủ lưu xúc cảm ấn tượng của tập thơ này. Khổ thơ đầu bài Trước bình minh tiết lộ sự ra đời của tác giả mùa hè 1945, năm nạn đói hoành hành: “Anh khóc chào đời trước bình minh/ Đêm bão giật, đồng chiêm trắng nước/ Mẹ đói lả, húp nước rau muống luộc/ Thuyền cha lách sóng chao nghiêng...”. Đấy là khởi nguồn của ký ức từ nghèo khó vươn lên.
Nhận giấy báo trúng tuyển đại học, đỗ vào khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp ngày 5/8/1964, đúng ngày Mỹ ném bom miền Bắc, chàng trai Nguyễn Hồng Vinh chấp hành sự phân công của trường, sang học khoa Lịch sử của các bạn đồng môn: Dương Trung Quốc, Đỗ Quang Hưng. Ra trường, ông về công tác tại Báo Nhân Dân năm 1968.
Năm 1971, nhận điều động của Trung tướng Song Hào, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Nguyễn Hồng Vinh lên đường vào chiến trường: là đặc phái viên quân sự, phóng viên Báo Nhân Dân tại mặt trận Trị Thiên - Huế. Đền giờ, dù tốn rất nhiều tiền của công sức, ông vẫn chưa tìm được phần mộ của người anh trai đã hy sinh ở Trường Sơn, nỗi đau làm ông day dứt mãi.
Trải nghiệm và mất mát đã giúp ông dù ở cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, không nhìn đời bằng con mắt “ông nghị” mà sống cùng nhân dân, chia sẻ với nhiều số phận lúc thử thách, gian nan. Đây là bản chất của một nhà báo Cộng sản luôn duy dưỡng một niềm tin vào Đảng, vào chính nghĩa, ngày mai tương sáng. Chính sự tin yêu ấy đã khiến ông nhìn cuộc sống bằng con mắt thơ, tìm ra chất thơ ở cảnh đời thường nhật, cỏ dại bên đường.
Đặt chân tới đủ 5 châu lục, Hồng Vinh vẫn yêu những miền quê, đồng nội. Đọc thơ hiểu rằng ông yêu thiên nhiên lắm. Rất nhiều loài hoa xuất hiện trong thơ, từ bài mở đầu Hoa giao thừa - pháo hoa đêm giao thừa tới Những mùa hoa Đất nước nở yên bình. Mùa hoa đất nước ấy là hoa dại, hoa sim, lục bình, hoa hồng, hoa chuối, gạo, đại, phượng, cúc, sữa, bưởi, xoan, mai, osaka, giáng hương, hoa tuyết. Tâm hồn thơ hòa cỏ cây, nào cỏ dại, cỏ vàng, rêu, nương chè, trúc, trầu cau, sò đo, sấu, xoài, cọ, táo và những cây sinh ra những loài hoa được ông đưa vào thơ. Những loài hoa ấy là hoa tình yêu từ thời trai trẻ đến khi ông tròn thất thập.
Thuở ấy vẫn thức động trong ông, sức trẻ tâm hồn không lệ thuộc tuổi sinh học, sáng tạo nghệ thuật vượt mọi giới hạn cho ông “Sống lại tuổi thanh xuân/ Phút giây nồng nàn Hạ trắng”. Màu của Hạ, mùa ông ra đời, màu trắng của “trang giấy thời gian” toát lộ một tâm hồn còn giữ bền trong sáng, bay bổng. Nguyễn Tuân coi trang giấy là “pháp trường trắng”. Trang trắng gọi mời, chờ ta viết cũng là nơi thầm lặng định vị, chứng minh và xếp hạng văn tài.
Nhờ sự vô tư hồn hậu, Nguyễn Hồng Vinh dấn thân vào thơ. Ông đầy nhân hậu, nhiệt tình sống và dành sự ấm áp cho những con người ông gặp, từ cô gái chèo đò ở sông Hậu: “Sông nước máu thịt đời em/ Tay chèo rộp phồng nứt rạn”, nữ ca sĩ hát ở Trường Sa, chị cán bộ tên Mai ở huyện miền núi Bình Phước, bà má miền Nam...
Tôi đã thấy ký ức Nguyễn Hồng Vinh là màu xanh: màu của biển, màu của cỏ, cây núi rừng, không phải đến lúc đọc nhan đề bài Ký ức xanh với hình ảnh độc đáo “Lúa đồng vắt vẻo đuôi tôm/ Như xưa hai ta dạo bước”. Ký ức ấy không phải đã mãi qua mà còn ở hôm nay, ở phía trước, nên đi tới đâu ông cũng chỉ nhớ hương bưởi. Mùi hương được nhấn mạnh ở nhiều bài thơ, mùi hương trên tóc của cô gái Lai Châu sang tận Paris vẫn còn nhớ: “Bất thần sầm sập mưa/ Trời muốn em gội đầu lần nữa/ Mặc hương bồ kết theo mưa/... Bên Đại Tây Dương hoàng hôn đỏ rực/ Chắc em đang giấc nồng say/ Một mình anh chân vùi bãi cát/ Chờ sóng vỗ bờ đưa hương bồ kết”.
Giữa mùa thu Paris - kinh đô mỹ phẩm và thời trang thế giới mà Hồng Vinh vẫn nhớ hương bồ kết. Đấy không chỉ là thói quen khứu giác mà là ấn tượng mùi hương trong nếp nghĩ thuỷ chung của “lửa yêu thuở ấy mãi xanh”.
Hồng Vinh đã không bị guồng quay nghiệt ngã của báo chí, công việc, hội họp “công nghiệp tư duy”, ông vẫn nuôi được chất thơ, yêu thơ. Đấy là điều đáng quý trong đời sống chen đua, cái ác tinh vi, sự giả dối cấp số nhân chiêu thức hình thái, con người ích kỷ vô tâm thậm chí vô cảm với nhau, suy giảm văn hoá đọc, thì vẫn còn những người yêu thơ tin vào sức mạnh của thi ca như Nguyễn Hồng Vinh: “thổi hồn nâng cánh thơ bay”.
Cả đời làm báo, viết báo, thì đến giờ vẫn có thể thấy: thơ là “vân tay” của Nguyễn Hồng Vinh, để ông được đóng vai chính mình.
21/6/2015