Nguyễn Đỗ Ngọc: Người nghệ sĩ mang tinh thần võ sĩ đạo

Thứ Tư, 18/11/2020, 07:27
Mỗi lần nhắc đến đạo diễn, nghệ sỹ Nguyễn Đỗ Ngọc, những người làm điện ảnh cùng thời thường nói về cái chết của ông như một huyền thoại. Nhiều nhà biên kịch, quay phim và diễn viên vẫn nhớ những bộ phim mà họ cùng tham gia với đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc: Một chiến công (1968); Dòng sông âm vang (1974); Cách sống của tôi (1978); Đường suối cạn (1984); Vụ án viên đạn lạc (1987)…


Giới cầm bút thường kể về truyện ngắn “Tứ tử trình làng” của ông cùng những trang văn xuôi khác với sự khâm phục. Nhà văn Trần Hoàng Bách, một người làm sách còn giới thiệu cho người viết bài này cuốn tiểu thuyết trinh thám của Bungari nhan đề “Chỉ chết khi không còn sống” do dịch giả Nguyễn Đỗ Ngọc chuyển ngữ. Còn rất nhiều những mảnh ghép đa dạng sắc màu để chúng ra có thể dựng chân dung con người và sự nghiệp của đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc.

Đó là một chàng trai có vóc người tầm thước, gương mặt trong sáng. Đôi mắt mơ màng sau cặp kính trắng. Mái tóc luôn bồng, đầy chất lãng tử. Từ một chàng trai Hà Nội, Nguyễn Đỗ Ngọc trở thành anh bộ đội trong kháng chiến chống Pháp. Nhưng anh không có súng. Vũ khí của anh là chiếc xe tải quân sự. Mặt trận của anh là những cung đường Tây Bắc hiểm trở nằm trong tầm oanh tạc của không quân Pháp. Nhiệm vụ của anh là vận chuyển lương thực và vũ khí lên Điện Biên. Trên những con đường ấy, anh đã gặp những con người dũng cảm và bình dị: Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm/ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện… (Tố Hữu). Những bánh xe lăn được trên những con đường chiến tranh nhờ những bàn tay chai sần, sứt sẹo vết máu, đẫm mồ hôi.

Đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc.

Rời quân ngũ, chàng cựu binh đầy khát vọng ấy thi vào khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là con đường đúng đắn mà bao văn nhân thuở trước đã đi. Lập công trước, lập ngôn sau. Giảng đường cùng những giáo sư lừng danh đã mở cho anh nhiều chân trời khát vọng. Có lẽ, văn chương đã thấm đầy tâm hồn anh. Trái tim chàng trai trẻ muốn vỗ cánh bay sang những lãnh địa khác. Và anh đã chuyển sang loại hình nghệ thuật thứ bảy. Nhà nước đã ưu ái chàng cựu chiến binh ấy, gửi sang Liên Xô học nghề đạo diễn.

Ra nước ngoài học, là ước mơ lớn. Nhưng còn lớn hơn là những hoài bão mà người ta được hun đúc khi tiếp xúc với những công trình văn hóa nhân loại cũng như những khát vọng muốn trình bày với quốc tế hình ảnh con người, đất nước thân yêu. Trở về Tổ quốc, Nguyễn Đỗ Ngọc trăn trở  tâm nguyện ấy.

Anh trở về đúng vào những năm tháng đế quốc Mỹ tăng cường ném bom miền Bắc.  Quanh xưởng phim của anh là những dàn tên lửa, những trận địa pháo. Từ xa, nhìn về nơi nào đó, ai cũng đều thấy đẹp. Biển xanh. Núi xanh. Trời xanh. Nhưng khi đến tận nơi, ta mới thấy những chuyện gọi là đời thường không hề đơn giản. Nhưng hãy chấp nhận và thích nghi.

Dạo đó, chúng ta chưa làm phim truyền hình. Mọi nguồn nhân lực đều đổ vào điện ảnh với ba thể loại chủ yếu: phim hoạt hình, phim tài liệu và phim truyện. Nguyễn Đỗ Ngọc được phân về Xưởng phim truyện Việt Nam. Và bộ phim đầu tiên anh được giao làm có tên là  “Một chiến công”.

Câu chuyện kể về một người lái xe vận chuyển chuyến hàng đặc biệt vào tuyến lửa. Đúng sở trường của Nguyễn Đỗ Ngọc năm xưa. Song, những yêu cầu anh đặt ra, đoàn phim khó có thể đáp ứng. Những ngầm lầy lội, xe bị sa lầy; những cung đường đất vùi bom nổ; những trận mưa miền Trung dữ dội… đều bị làm theo cách đơn giản nhất. Tất cả do kinh phí hạn hẹp. Song, đạo diễn đã bắt chước loài chim chiến trường, cất giọng lên khó khăn khắc phục. Người xem cứ nghĩ, đó là một chuyến hàng đặc biệt. Nhưng cuối phim, mọi người mới bất ngờ, chứng kiến cảnh các em học sinh tuyến lửa ùa ra đón nhận sách vở. “Một chiến công” không chỉ đơn giản là hoàn thành nhiệm vụ. Nó còn mang nhiều ý nghĩa cao hơn. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất năm 1970, phim đã được giải của Ban Giám khảo.

Viết đến đây, tôi thấy cần phải thanh minh cho đạo diễn. Hai bộ phim mà người ta đặt thành vè để nói về sự đơn giản của điện ảnh ngày ấy: Luống khoai xanh,  Bức tranh để lại  /  Nông nỗi này không phải tại tôi  là phim của Nguyễn Đỗ  Ngọc. Hoàn toàn không phải. Phim  “Luống khoai xanh” (1970 )  do đạo diễn Bắc Xuyên làm. Còn phim  “Bức tranh để lại” (1970) do đạo diễn  Nguyễn Thụ dàn dựng. 

Phim “Luống khoai xanh” kể câu chuyện một bà mẹ nông dân ở gần một đơn vị pháo, nhưng  bị nghi là gián điệp. Trong một lần tấn công đồn địch, đơn vị hết đạn. Lúc bấy giờ bà mẹ mới chỉ cho bộ đội chỗ lấy đạn. Thì ra bà mẹ đã bí mật giấu đạn dưới những luống khoai! 

Còn  phim “Bức tranh để lại” kể câu chuyện, một họa sỹ - chiến sỹ tên là Tám Trung. Anh đã vẽ hình ảnh Bác rất đẹp. Dân chúng rất thích. Bọn địch tức giận. Chúng ra lệnh gỡ tấm ảnh xuống. Tám Trung bị địch bắt, tra tấn dã man. Tên chỉ huy ra lệnh cho anh vẽ bức hình Ngô Đình Diệm. Tám Trung vờ đồng ý. Nhưng anh vẽ bức hình Hồ Chủ tịch và điềm nhiên chấp nhận cái chết.

Phần lớn những tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời trong thời gian này đều lấy nhiệm vụ tuyên truyền là mục đích chính. Điều đó dẫn đến tình trạng khuôn mẫu và sơ lược của tác phẩm. Nhưng ở Xưởng phim truyện còn có câu chuyện khác. Đó là các đạo diễn xếp hàng để được làm phim. Nghĩa là, khi một kịch bản đã được duyệt, Ban giám đốc xem đến lượt đạo diễn nào thì giao kịch bản. Đạo diễn ít có quyền lựa chọn kịch bản. Và thông thường, các kịch bản thường xoay quanh hai chủ đề chính: xây dựng con người mới trong lao động và đấu tranh thống nhất đất nước.

Năm 1974, đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc được phân công làm phim “Dòng sông âm vang”. Đề tài nói về những người trí thức trưởng thành trong công việc. Câu chuyện kể về hai nữ kỹ sư là Thủy (Tuệ Minh) và Phương (Minh Đức) gắn bó với công trình thủy điện từ khi còn là cán bộ địa chất. Thủy có người yêu cùng nghề, nhưng anh mất do tai nạn. Sau đó, Thủy yêu Thanh (Thế Anh), nhưng người yêu mới lại ra trận. Thủy phấn đấu trở thành kỹ sư trưởng. Còn Phương, có chồng, nhưng anh ta lại là kẻ hèn nhát. Bên cạnh hai người, có kỹ sư Trung (Danh Tấn). 

Đó là một kịch bản viết cho sân khấu. Tình huống kịch và tính cách nhân vật chủ yếu thể hiện qua đối thoại. Khi xử lý kịch bản, Nguyễn Đỗ Ngọc đã dùng thủ pháp độc thoại nội tâm để các nhân vật khắc họa chiều sâu tính cách, số phận. Bộ phim đã thể hiện hình ảnh, đời sống tình cảm của người trí thức trong chiến tranh. Họ chịu đựng những mất mát vô hình nhưng sâu sắc. Mặt trận này tuy không tiếng súng, song sức tàn phá do áp lực của cuộc chiến lại có sức tàn phá tâm hồn, gây những chấn thương dai dẳng. Nhưng họ không bi lụy, vẫn đứng vững.

Những bộ phim do Nguyễn Đỗ Ngọc dàn dựng không những có ý nghĩa thời sự mà còn có giá trị vững bền theo thời gian. Giờ xem lại “Cách sống của tôi”, tuy làm từ năm 1978, nhưng khán giả, nhất là giới trẻ, vẫn cảm nhận hình ảnh của chính họ trong phim. Hoặc như “Đường suối cạn”, ông làm năm 1984, song những vấn đề về biên giới và con người nơi đây vẫn còn nóng. Dã tâm những kẻ từ bên kia biên giới, lợi dụng sự thật thà của người dân tộc thiểu số, gây chia rẽ, lừa đảo. Song cuối cùng, bộ mặt nham hiểm của chúng vẫn lộ tẩy. Bài học cảnh giác vẫn luôn có ý nghĩa thường trực dọc dải biên cương.

Những bộ phim trên của Nguyễn Đỗ Ngọc đều quay ở miền Bắc. Năm 1987, ông vào Thành phố Hồ Chí Minh làm phim “Vụ án viên đạn lạc”. Lần đầu tiên ông làm việc với những diễn viên gạo cội như Bích Liên, Thương Tín… Bộ phim kể về quá trình xâm nhập vào một tổ chức tội phạm của người công an trinh sát. Nhân vật chính Tư Thiệt (Thương Tín) đã chiếm được sự mến mộ của công chúng điện ảnh. 

Với nhân vật này, đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc đã yêu cầu Thương Tín để tóc dài và bộ ria mép rất nam tính. Với cách hóa trang ấn tượng, hình ảnh Thương Tín đã định hình trong lòng người xem. Sau này, Thương Tín tâm sự, nhiều bạn trẻ vào ngành công an do vai diễn đặc sắc này của anh. 

Bộ phim không chỉ có giá trị lịch sử  mà còn có giá trị tư liệu. Hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đêm trước thời Đổi mới được đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc và nhà quay phim Nguyễn Đăng Bẩy miêu tả dưới nhiều sắc thái, góc độ. Hơn ba mươi năm sau, xem lại, khán giả vẫn dành cho  phim những lời bình luận cảm động, dù họ ít chú ý đến những người làm nên tác phẩm.

Sau thời gian làm phim, Nguyễn Đỗ Ngọc lao vào công việc viết văn, dịch sách. Truyện ngắn “Tứ tử trình làng” giới thiệu với bạn đọc hình ảnh những chàng trai đường phố, sôi nổi, tinh nghịch, cùng tốt nghiệp trung học, vào đời với bao tin yêu, mơ ước. Hình ảnh những chàng trai đường phố thường hiếm trong văn học nước ta. Nguyễn Đỗ Ngọc đã gửi tâm sự và khát vọng của mình vào những người cùng phố. Và ông còn dịch sách.

Cuốn tiểu thuyết tình báo duy nhất ông dịch từ tác phẩm của nhà văn Bogomil Rainov, cha đẻ của tiểu thuyết điệp viên Bungari. Cuốn sách có tên “Chỉ chết khi không còn sống” do Nhà xuất bản Tổng hợp Kiên Giang phát hành năm 1987. Nội dung kể về điệp viên Emil Bonev, thâm nhập vào cộng đồng người Bungari lưu vong ở London, khám phá âm mưu của CIA và bọn phản động chống phá đất nước Hoa hồng. Phương châm hành động của điệp viên Bonev “Chỉ chết khi không còn sống” đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của  Bonev khi đối đầu với kẻ thù, đối đầu với những gian khổ. Nhưng thật không ngờ, nhan đề của cuốn sách dường như vận vào đời ông, vận vào số phận ông.

Là một người sống chết vì nghệ thuật điện ảnh, Nguyễn Đỗ Ngọc lúc nào cũng bứt rứt, khát vọng làm được những bộ phim đúng theo ý mình. Nhưng điện ảnh là một loại hình nghệ thuật phụ thuộc. Nó phụ thuộc kịch bản, diễn viên, kinh phí cùng trăm thứ bà rằn khác. Chưa được làm phim theo ý mình, đi đâu, gặp ai, Nguyễn Đỗ Ngọc cũng  say sưa kể về những bộ phim mà mình sẽ làm, sẽ thực sự gây ấn tượng. Song những năm tháng khó khăn ấy, người nghệ sỹ còn âm thầm dự định bao việc từ bé nhỏ đến lớn lao. Ông khát khao mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người vợ tảo tần; khát khao mang lại niềm vui cho đứa con gái bé bỏng. Và những chân trời nghệ thuật mà ông nhìn thấy nơi xa. 

Nhưng cuộc sống những năm tháng ấy là một đoạn trường khổ ải của mỗi cá nhân nói riêng cũng như cả nước nói chung. Dường như có rất ít những cách mưu sinh để tháo gỡ. Đất nước trong vòng vây cấm vận. Vòng sống  mỗi cá nhân chật hẹp. Chính sách ngăn sông cấm chợ như tự mình làm khốn khó cho mình. Đối với người nghệ sỹ Nguyễn Đỗ Ngọc, trăn trở càng nhiều, khó khăn càng lớn. Nhiều khi ông cảm thấy bất lực, cảm thấy tuyệt vọng. 

Thời trẻ, khi là lính lái xe lên Điện Biên, ông đã từng bị tai nạn. Nhưng ông không chấp nhận mình là thương binh. Vậy, tại sao bây giờ, trong cuộc sống, tạm gọi là thời bình, ông lại phải trải qua những sang chấn tâm lý quá sức chịu đựng? Những năm tháng đó, mọi người chuyền tay nhau đọc tiểu thuyết  “Quy luật muôn đời”  của Nodar Dumbadze.  Tâm hồn con người nặng lắm. Nhiều khi chính mình không thể mang nổi… 

Vâng, tâm hồn ông quá nặng. Trong khi đó, ông sống trong Xưởng phim như một kẻ cô đơn. Ý định mang những kiến thức và kinh nghiệm làm phim vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội truyền lại cho các thế hệ sinh viên của ông chưa kịp thực hiện do gặp phải những bức tường không thể vượt qua. Một đêm mùa hè năm 1989, ông đã quyết định từ giã cuộc đời theo đúng phong cách của những võ sỹ đạo.

Đoàn Tuấn
.
.