Người xua bóng tối

Thứ Hai, 12/03/2007, 14:00

Theo lời kể của Xuân Diệu, nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam khi sang Moskva đã tới đặt hoa trên mộ Hikmet. Trên đó chỉ có một phiến đá giản dị tạc hình nhà thơ đang bước đi - hành trình vô tận không bao giờ kết thúc.

"Nếu tôi không cháy, Nếu anh không cháy, Nếu chúng ta không cháy, Thì ai sẽ là người xua bóng tối?" - tác giả của những câu thơ này là thi nhân cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ, Nazim Hikmet, sinh ra cách đây đúng 105 năm, vào ngày 20/1/1902. Cách đây 5 năm, UNESCO đã tôn vinh năm 2002 là Năm Hikmet nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi sĩ.

Năm 1963, khi hay tin Hikmet qua đời ở Moskva, nhà thơ Xuân Diệu đã viết: "Chết không phải là hạ màn của một cuộc đời; chết là bắt đầu một cuộc sống khác của các tác phẩm một nhà văn nhà thơ. Tác giả không có mặt ở trên đời nữa, thời gian và quần chúng tước bỏ những phần rườm rà, qua thời trong tác phẩm, mà lọc lấy những gì hay nhất, chắc nhất, không pha tạp. Cái phần vàng ròng ấy, cái phần kim cương ấy của tác phẩm, Nazim Hikmet có không phải là ít...".

Nhà thơ không chọn thời

Với một nhà thơ, không nỗi đau nào hơn việc bị quê hương ruồng bỏ. Hikmet có một cuộc đời khác với nhiều người lưu vong khác, mặc dù ông cũng thấm thía nỗi niềm "đầu thai nhầm thế kỷ". "Lưu vong, cái nghề gay lắm" - đó là nhan đề một tập thơ rất nổi tiếng của Hikmet.

Là người, ai chẳng muốn bình yên, vinh hoa và phú quý trên quê kiểng của chính mình. Hikmet có lẽ cũng không là ngoại lệ. Thế nhưng, trót sinh ra trong thời buổi nhiễu nhương, mặc dù xuất thân từ một dòng họ quý tộc của Thổ Nhĩ Kỳ, 15 tuổi đã có thơ in báo, Hikmet lại buộc phải dấn thân vào con đường tranh đấu chống lại chế độ quá sùng bái chủ nghĩa dân tộc của Tổng thống Mustafa Kemal Ataturtuk.

Thi nhân đã từng hy vọng cuối cùng cũng có thể tìm lại được lẽ công bằng trên cõi thế và vì vậy, đã không chỉ một lần bị kết án tù (tổng cộng tới 55 năm). Bản thân ông phải ở trong tù tới 17 năm.

Ở bất cứ quốc gia nào cũng thế, nhà tù là nơi làm cho những ai có tấm lòng yếu đuối dễ dàng gục ngã nhưng lại đào luyện thêm bản lĩnh cho những tâm hồn mã thượng. Những nghiệt ngã phòng giam chỉ khiến cho Hikmet bị mắc bệnh đau tim nhưng không thể bẻ gãy ý chí và tình yêu cuộc sống trong lòng thi sĩ. Và năm 1950, Hikmet đã thực hiện một cuộc vượt ngục ngoạn mục sang Liên Xô, khi đó còn là thành trì của lực lượng cánh tả toàn thế giới. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã buộc phải để lại người vợ trẻ và đứa con Mơmet còn nằm trong nôi:

"Con không có cha khó mà nuôi dạy,

Con chớ nên làm phiền não mẹ con.

Cha đây đã không thể làm vui cho mẹ,

Con phải làm cho mẹ vui lòng.

Con đừng sống trên trái đất như thể một khách

thuê nhà,

Hãy sống như một khách chơi qua trong tạo vật.

Con hãy sống trong đời này,

Như sống trong ngôi nhà của bố.

Con hãy tin vào hạt, vào đất, vào biển,

Nhưng trước nhất hãy tin vào người..."

Và đó là nỗi đau khôn nguôi của Hikmet trong những ngày sống ở nơi đất khách, dù tại đó ông có không ít bè bạn thâm tình.

Những ngày cuối đời trên quê hương của Mayakovsky mà Hikmet từ thời trẻ đã vô cùng ngưỡng vọng phần nào giúp cho ông tìm lại được niềm vui sống, dẫu lắm lúc ông cảm thấy "nhớ quê hương như điên dại, nhớ quê hương...".

Ông nghiên cứu tiếng Nga đến tinh thông vì không muốn phải phụ thuộc vào bất cứ sự giúp đỡ nào trong đời thường. Hơn 10 năm ở Liên Xô, ông đã sáng tác được rất nhiều và cũng đi thăm thú nhiều nơi... Trong số những nhà văn Xôviết mà Hikmet tin cậy nhất có Konstantin Simonov, tác giả của khúc tuyệt tình "Đợi anh về".

Tại Moskva, Hikmet được cấp cho một căn hộ trên phố Pravda. Nhà nước Xôviết hết sức trọng đãi ông, cấp cho ông một xe hơi riêng kèm lái xe cùng nhiều chế độ yếu nhân khác. Hằng tuần, có người mang tới nhà ông đủ loại lương thực thực phẩm.

Người ta kể rằng, khi Hikmet nhận được khoản tiền nhuận bút đầu tiên ở Liên Xô, ông gặp người quản trị trưởng của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, yêu cầu được thanh toán các chi phí sinh hoạt. Người quản trị trưởng ngạc nhiên thốt lên: "Sao lại thế? Đã có quyết định từ nay tới cuối đời đồng chí sẽ sống bằng chu cấp của Nhà nước Xôviết!". Nghe vậy, mặt nhà thơ bỗng đỏ lên. Ông thốt lên đầy cảm khái: "Không, tôi vốn quen nai lưng làm việc để sống bằng lao động của mình rồi. Hãy cho tôi được thanh toán các chi phí!". Không phải viên chức nào cũng cảm thấy thích thú với thái độ đầy tự trọng như thế của một thi nhân đích thực.

Hikmet qua đời ngày 3/6/1963 tại Moskva. Buổi sáng, ông trở dậy khỏi giường, ra phòng ngoài để lấy tờ báo mới trong hòm bưu điện và đột ngột từ trần trước khi kịp ngồi sụp xuống sàn nhà: trái tim thi sĩ quá nhiều trải nghiệm đã ngừng đập bất thình lình như thế. Mộ ông nằm ở nghĩa trang Novodevitri nơi yên nghỉ của nhiều danh nhân Nga.

Theo lời kể của Xuân Diệu, nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam khi sang Moskva đã tới đặt hoa trên mộ Hikmet. Trên đó chỉ có một phiến đá giản dị tạc hình nhà thơ đang bước đi - hành trình vô tận không bao giờ kết thúc.

Nhà thơ không chọn thời để sống. Nhưng sống chân thành với thời đại của mình, nhà thơ dễ trở thành người được định mệnh lựa chọn và các tác phẩm của ông sẽ được trường sinh. Hikmet có lẽ là một nhà thơ như thế, hồn nhiên, sáng láng và trung thực với những gì trải nghiệm.--PageBreak--

Thơ ông đã được dịch và in ở hàng chục quốc gia và hiện nay vẫn còn được tái bản. Vở kịch "Truyền thuyết về tình yêu" của Hikmet đã được dựng ngay cả ở Việt Nam. Ngày Hikmet được trao tặng Giải thưởng Quốc tế Hòa bình, nhà thơ lớn người Chile, Pablo Neruda (giải Nobel văn học 1971) đã nhận định: "Thi ca của ông như một dòng sông cuộn chảy... Những năm bị giam cầm chỉ càng làm cho ngôn từ của ông trở nên hùng vĩ. Giọng nói của ông đã trở thành giọng nói của thiên hà". Xua đi những hắc ám của thời mình sống, thi nhân soi rọi cho thế gian thấy rõ con đường cần phải tiếp tục đi để đến cùng ánh sáng.

Càng xa ngày nhà thơ ra đi vào cõi vĩnh hằng, Hikmet càng được tôn vinh ở ngay cả Tổ quốc mình. Cuối thế kỷ trước, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bình chọn Hikmet là nhân vật tiêu biểu của thế kỷ XX.

Một kiếp đào hoa

Sinh thời, những khi tâm trạng vui vẻ với bạn bè, nhà thơ thường hay nhắc câu tự đánh giá điển hình về mình: "Thứ nhất, tôi là một nhà cách mạng và một người cộng sản tốt. Thứ hai, tôi là người nấu ăn tuyệt vời. Thứ ba, tôi là thi sĩ...". Như bất cứ một nhà thơ chân chính ở bất cứ quốc gia nào và trong bất cứ thời đại nào, Hikmet còn nổi tiếng là một người đàn ông đào hoa và "ham vui"... với phụ nữ. Hikmet từng viết:

Em bảo: "Mau tới!"

Em bảo: "Yêu đi!"

Em bảo: "Làm hề!"

"Phá đời!" - Em bảo.

 

Anh đã tới,

đã yêu,

đã làm hề,

đã phá đời ngay...

Với phong độ mã thượng như thế, Hikmet dễ dàng khiến cho phụ nữ phải lòng mình, trong đó có nữ thi sĩ Bulgaria, Blaga Dimitrova, người đã từng sang đất nước Việt Nam trong khói lửa chiến tranh, đã sáng tạo nên những tác phẩm để đời của mình. Khi gặp Hikmet ở Moskva, bà đã phải lòng ông ngay. Hai người đã có một giai đoạn "hương nồng lửa đượm", đến mức có lúc nữ sĩ Bulgaria cứ đinh ninh rằng họ có thể gắn bó với nhau dài lâu.

Thế nhưng, một bận, khi bất thình lình tới nơi ở của Hikmet, vừa bước vào cửa, Dimitrova đã nhìn thấy ngay một đôi giày cao gót của phụ nữ. Dường như ai đó trong lúc Dimitrova đi vắng, đã đến thế chỗ của nữ sĩ ngay.

Như chóng mặt vì cảm thấy mình bị tình phụ, Dimitrova đã tất tả rời khỏi căn hộ từng là nơi chứng kiến hạnh phúc vô tiền khoáng hậu giữa hai trái tim thi sĩ lớn. Và, theo những lời thuật lại của TSKH Phan Hồng Giang (anh nói rằng anh từng nghe chính Dimitrova kể lại chuyện này), chính từ khoảnh khắc đấy, Dimitrova đã quyết định phải đi thật xa Moskva để thoát khỏi sức quyến rũ bất khả kháng của nhà thơ lớn Thổ Nhĩ Kỳ.

Nói chung, tất cả những ai từng biết Hikmet một cách gần gụi đều phải công nhận rằng, nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ là một người đàn ông chung thủy trong tình bằng hữu và tình người, nhưng rất khó gắn bó dài lâu với riêng một người phụ nữ nào.

Khi ông mới sang Moskva lưu trú, chính quyền Xôviết, vốn rất quan tâm tới nhà thơ cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ, đã giúp ông có được một nữ bác sĩ riêng, xinh đẹp, chân thành và tận tụy. Hai người sống trong một trang trại dành cho các yếu nhân làng văn hóa ở Peredelkino, ngoại ô thủ đô Nga.

Thoạt đầu, Hikmet cũng cảm thấy mãn nguyện nhưng rồi không bao lâu sau, ông lại phải lòng một nữ văn sĩ tên là Vera Tuliakova. Chị Vera khi đó mới bước vào nghề viết kịch bản, trẻ trung, hấp dẫn. Để thoát khỏi người nữ bác sĩ đầy ân nghĩa, lúc nào cũng ở sát cạnh ông vì lo lắng cho trái tim bệnh tật của ông, để đi theo tình yêu mới, Hikmet đã phải tìm mẹo: ông nhờ một người bạn quen thuộc với gia đình đưa ông đi dạo loanh quanh. Lúc ấy, ông chỉ đi đôi giày mỏng và mặc bộ đồ pijama.

Vừa thoát ra khỏi cửa, Hikmet đã nhờ người bạn đó mua vé đi tàu tới một thành phố xa, nghỉ lại đó một thời gian không ngắn, cho tới khi người nữ bác sĩ hiểu ra rằng, nhà thơ đã bỏ chị ra đi vĩnh viễn và không bao giờ sống chung cùng chị nữa.

Cũng phải nói rằng, trước khi thực hiện cuộc "đào tẩu" ngoạn mục đó, Hikmet đã lo trước cho người nữ bác sĩ các điều kiện vật chất để chị có thể tiếp tục sống mà không cần tới ông. Nhà thơ để lại cho chị mọi đồ đạc mà ông có, kể cả xe hơi (vật dụng thời ấy là rất đáng giá ở Liên Xô). Ông cũng mua cho chị một căn nhà ở nơi khác vì biết rằng, không ở với ông thì chị sẽ phải rời khỏi khu trang trại mà nhà nước dành cho những yếu nhân văn nghệ...

Có lẽ vì cách ứng xử chu đáo như thế nên khi chỉ còn lại một mình, người nữ bác sĩ đã không hề oán trách Hikmet mà chỉ cảm thấy biết ơn ông. Không thể làm gì khác thế được một khi tình yêu đã bỏ ta đi. Lúc ấy, tốt nhất là ứng xử có nghĩa với nhau, lo lắng chu toàn cho nhau trong những điều kiện có thể

Từ Đình Hải
.
.