Người vợ hiền yêu dấu của danh họa Nguyễn Phan Chánh

Thứ Sáu, 01/05/2009, 15:58

"Đương thơ ngây chưa quen mùi son phấn
Chỉ biết đua nhau đuổi bướm, tranh hoa
Nhưng đậm sắc xuân hơn nơi lầu son gác tía
Mà không học thói mây, mưa trên núi Dương Đài".
Đây là bài thơ danh họa Nguyễn Phan Chánh sáng tác và đề lên bức tranh lụa nổi tiếng của ông: "Chơi ô ăn quan". Đây cũng gần như là một tuyên ngôn về cái đẹp, gu thẩm mỹ trong nhan sắc phụ nữ và cả trong sáng tạo nghệ thuật của danh họa, thi sỹ Nguyễn Phan Chánh.

Trong các tác phẩm hội họa của mình, Nguyễn Phan Chánh đặc biệt dành nhiều cảm xúc để vẽ về những thiếu nữ thơ ngây độ 15-16 tuổi ở thôn quê. Sinh thời, lúc còn sống, ông vẫn hé lộ mỗi bức tranh của ông, những người thiếu nữ lưu lại trong tranh đều vương vấn một mối tình của người họa sỹ, thi sỹ đa tài mà cũng đa tình. Nhưng trên tất cả những mối tình lãng mạn và thơ mộng ấy, danh họa Nguyễn Phan Chánh có mối tình lớn với người vợ đầu tiên, người đã sinh cho ông 6 người con và dâng hiến cả cuộc đời cho gia đình. Mặc dầu là vợ của một danh họa nổi tiếng, nhưng bà có một cuộc đời vất vả, lo toan và nhiều hy sinh. Bà mất khi tuổi đời còn trẻ. Về vợ ông, người phụ nữ lặng lẽ ấy hầu như chưa thấy báo chí nhắc đến.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh 30 tuổi mới tìm được ý trung nhân. Vợ ông, người thiếu nữ thua ông tới 13 tuổi nhan sắc xinh đẹp với những đường nét chuẩn mực: đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu, gương mặt trái xoan, nước da trắng ngần, vóc dáng mảnh mai. Bà là cô hàng xén Tống Thị Trừng. Mẹ mất sớm, cô ở với bà ngoại giàu có, bao nhiêu đám danh giá đến dạm hỏi nhưng số phận đã buộc cô vào cuộc đời của danh họa Nguyễn Phan Chánh lúc đấy mới chỉ là thầy Chánh nghèo làm nghề dạy học.

Nhà thầy Chánh hoàn cảnh cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi con, được vua ban cho danh hiệu "Tiết hạnh khả phong". Vì nhà thầy Chánh quá nghèo nên bà ngoại đã không đồng ý gả cháu gái cho anh Chánh. Thầy Chánh theo đuổi mãi. Cũng may, cha của cô Trừng là người trọng trí thức, biết thầy Chánh là thầy giáo nghèo nhưng nổi tiếng học giỏi, hiếu thảo với mẹ nên ông đã thuyết phục bà ngoại nhận trầu cau.

Vì sao, với một chàng trai học rộng, biết nhiều, lại hào hoa lãng tử và mơ mộng như ông mà mãi tới năm 30 tuổi mới lấy vợ. Thật ra, trước đó, những ngày tháng tuổi trẻ mơ mộng, Nguyễn Phan Chánh đã phải lòng một thiếu nữ thơ ngây xinh đẹp, con nhà giàu có. Vì không lấy được người đẹp do nhà mình nghèo quá nên thầy Chánh đã ôm một mối tình si câm lặng. Cũng vì thế mà từ đó trở đi, hình ảnh người thiếu nữ năm xưa ám ảnh mãi trong tim thầy Chánh.

Thời gian trôi đi, bất ngờ gặp lại nhan sắc xưa trong gương mặt cô hàng xén, thầy Chánh đã ngơ ngẩn thảng thốt ngỡ người trong mộng trở về. Thầy Chánh đã nhìn trộm cô hàng xén qua bức mành tre và chàng đã vẽ chân dung cô hết cả một cuốn sổ. Cuốn sổ có hàng chục bức chân dung của người vợ yêu sau này được con gái Nguyệt Tú tìm được trong một lần dọn nhà cho cha.

Tranh Cô hàng xén (1957).

Cũng chính từ cuốn sổ này, bà Nguyệt Tú thêm một lần nữa cảm nhận được tình yêu sâu sắc mà cha đã dành cho mẹ. May mắn thay, lần này, duyên phận đã xe cho hai người về bên nhau mặc bao cách trở, bao lời thị phi ngăn cản. Hình ảnh người vợ yêu thương, người tình trong mộng năm xưa luôn trở đi trở lại trong vóc dáng và dung nhan của những người thiếu nữ trong các bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh. Nó như là một mẫu mực trong cái đẹp và thẩm mỹ của ông về nhan sắc của người phụ nữ.

Trong nhật ký của mình, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã viết: "Tôi tự hỏi, tại sao mình lại cứ để ý đến người phụ nữ nông thôn, không nói đến các cô thành thị sắc sảo trau chuốt hơn. Có lẽ khi đương nhỏ tuổi, học vẽ, nhìn cái tranh cô gái tựa gốc cây vào buổi chiều tối, đã ảnh hưởng đến khiếu thẩm mỹ của tôi. Tôi chỉ thích những dáng điệu ngây thơ, thật thà ở các cô thôn nữ".

Nhà văn Nguyệt Tú, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, phu nhân của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo chính là con gái đầu lòng của danh họa Nguyễn Phan Chánh và bà Tống Thị Trừng. Bà Nguyệt Tú kể rằng, mẹ bà là một người phụ nữ rất đẹp, hiền dịu. Bà yêu cha ông với tình cảm đằm thắm, dịu hiền của một người phụ nữ thông minh và rất nhạy cảm.

Ngay lúc cưới bà, Nguyễn Phan Chánh vẫn là một thầy giáo nghèo, ông chưa bước vào hội họa, bản thân bà còn chưa biết đọc biết viết. Nhưng linh cảm của người vợ về chồng mình, một người đàn ông có những tố chất đặc biệt thiêm bẩm để trở thành một danh tài, bà đã dâng hiến và hy sinh tất cả vì ông bằng một tình yêu tận tụy quên mình.

Cuộc đời của danh họa Nguyễn Phan Chánh là một cuộc đời ghềnh thác, lúc tột đỉnh vinh quang, lúc phiêu bạt vực sâu. Cưới vợ xong, thầy Chánh quyết định bỏ dạy học để dấn thân vào con đường hội họa. Ông xin thôi chức giáo học ở Huế và thi vào khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương năm 1925. Ông là thí sinh duy nhất đã trúng tuyển của Trung kỳ. --PageBreak--

Để lại người vợ trẻ và đứa con thơ dại vừa lọt lòng mẹ, ông ra Hà Nội học, hè mới về nhà. Về nhà ông lại mang giá vẽ đi khắp nơi vẽ truyền thần để kiếm sống và tìm kiếm đề tài cho những bức tranh lụa bất tử. Năm 1930, Nguyễn Phan Chánh tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông được trường giữ lại giảng dạy theo hợp đồng. Ông vừa dạy vừa sáng tác, những bức tranh lụa nổi tiếng (Chơi ô ăn quan, Lên đồng, Rửa rau cầu ao, Em bé cho chim ăn được vẽ trong thời gian này).

Cũng chính thời gian này, ông thuê nhà ở hồ Trúc Bạch, Hà Nội và đưa cả gia đình ra Hà Nội sống. Lúc này tên tuổi của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã nổi. Thế nhưng cuộc sống no đủ và đầm ấm chưa được 2 năm thì xảy ra chuyện ông cãi nhau với tay tổng giám thị người Pháp để bảo vệ danh dự.

Sau lần cãi nhau ấy, ông biết mình không thể ở lại trường giảng dạy nên đã đưa cả gia đình về quê. Vợ ông lại tiếp tục sống đời cô hàng xén. Sau này, nhờ triển lãm tranh thành công, tranh bán được hết, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã tậu đất ở thành Sen, Hà Tĩnh, xây dựng ngôi nhà vườn "Đào mai trang" trồng rất nhiều hoa đào và hoa lan mang từ Hà Nội về. Nguyễn Phan Chánh đặc biệt yêu hoa lan, ông chăm chút từng khóm lan cũng như chăm chút và yêu quý những bức họa của mình.

Nhật đảo chính Pháp. Không lâu sau, dinh cơ "Đào mai trang" cũng phải cầm đi để lấy gạo nấu cháo tránh đói. Vợ ông xoay ra gánh hàng xáo chạy chợ nuôi con. Lúc này bà sinh thêm con trai Phan Oánh, Phan Cảnh, gia cảnh 6-7 miệng ăn nên rất vất vả.

Bà Nguyệt Tú nhớ lại, nếu không có người mẹ hiền tần tảo nhưng rất quý sự học thì cuộc đời của bà Nguyệt Tú không thể có được như ngày hôm nay. Nguyệt Tú từ nhỏ học rất giỏi. Bà đỗ đầu kỳ thi văn toàn Trung Kỳ. Chính mẹ bà đã quyết định cho bà đi thi vào Trường nữ Đồng Khánh (Huế) rồi Trường Quốc học Huế cho dù chồng bà không đồng ý vì gia cảnh nheo nhóc, ông muốn con gái lớn ở nhà giúp mẹ nuôi các em.

Dù không được học nữa nhưng tối ngày vừa xay lúa, giã gạo giúp mẹ vừa kè kè cuốn sách trên tay. Nhân lúc chồng đi vắng, mẹ bà thương con đã quyết định bán đi 2 chiếc mâm đồng lấy 2 đồng rưỡi tiền bạc giấy Đông Dương cho con gái mua vé tàu, xe đi Huế thi vào Trường Đồng Khánh. Nguyệt Tú trở thành nữ sinh xuất sắc của Trường Đồng Khánh, Huế. Mẹ bà đã một mình chịu vất vả cực khổ cho con gái học hành nên người.

Sau này rời Quốc học Huế, Nguyệt Tú đi theo Cách mạng, lập gia đình trong chiến khu Việt Bắc với đồng chí Lê Quang Đạo, một chuyện tình rất đẹp và lý tưởng mà báo chí đã nhiều lần ngợi ca. Khi Nguyệt Tú sinh con gái đầu lòng, bà trở về gia đình và mẹ bà đã chăm sóc cho bà khi sinh nở.

Lúc này mẹ bà có thêm hai người con gái nữa là Nguyệt Lệ và Nguyệt Anh. Mẹ bà mới ở tuổi 40 song rất gầy yếu vì sinh nở nhiều và vất vả. Con gái đầu Nguyệt Tĩnh được 16 tháng, bà Nguyệt Tú đành lòng dứt sữa con gửi lại cho mẹ ở quê nhà để đi lên Việt Bắc hoạt động cách mạng với chồng.

Gần 3 năm sau, bà Nguyệt Tú đã sinh thêm 2 người con trai ở chiến khu Việt Bắc. Một hôm bà nhận được thư nhà báo tin mẹ mất. Nguyệt Tú choáng váng vì tin dữ. Bà rất đau buồn. Trong cuốn hồi ký "Đường sáng trăng sao" bà Nguyệt Tú đã có những dòng xót xa khi viết về người mẹ hiền yêu dấu: "Mẹ ơi! Cuộc đời mẹ, cuộc đời vợ nghệ sỹ chẳng dễ dàng gì. Bao đắng cay, nước mắt âm thầm, chịu đựng hy sinh để thầy vẽ được những bức tranh lụa tuyệt vời. Đằng sau những bức lụa mỏng mảnh là cả sức nặng cuộc đời đè lên tấm thân mảnh mai của mẹ. Lo kiếm sống, lo nuôi chồng, đẻ con… Con mất mẹ rồi, đau đớn làm sao. Mẹ ốm một tháng ròng mà con không được ở bên chăm sóc. Nhà túng thiếu, mẹ ốm đau chắc không đủ thuốc. Chiến tranh làm mẹ tôi bị kiệt sức. Mẹ tôi sẩy thai trong một lần chạy máy bay. Sốt nhiễm trùng, không có thuốc chữa, mẹ tôi mất khi mới ngoài 40 tuổi".

Bà mất khi con gái Nguyệt Anh mới lên 12, Nguyệt Lệ mới 10 tuổi. Cái chết đau đớn của vợ khiến danh họa Nguyễn Phan Chánh sầu muộn một thời gian dài. Ông luôn bị cảm giác ân hận xót xa đeo đuổi vì ông mà người vợ hiền tận tụy một đời của ông phải vất vả, cực nhọc. Bà chưa từng được hưởng trọn những ngày sung sướng khi làm vợ một danh họa nổi tiếng.

Sau này, danh họa Nguyễn Phan Chánh chính thức cưới người vợ thứ hai. Người phụ nữ này đã sống và chăm sóc danh họa Nguyễn Phan Chánh cho đến tận cuối đời, đặc biệt là gần 10 năm ông nằm liệt giường. Đây là người vợ thứ hai sau bà Tống Thị Trừng ông dành những tình cảm sâu đậm và lâu dài nhất chứ không phải như những mối tình thoảng qua của đời nghệ sỹ. Về người vợ thứ hai này, cũng chưa có một tài liệu nào đề cập đến ngoài cuốn hồi ký của bà Nguyệt Tú. Chúng tôi sẽ viết chân dung bà trong kỳ tới: "Danh họa Nguyễn Phan Chánh và người vợ kế". Mời các bạn đón đọc

.
.