Người vẽ tranh tặng hai phu nhân Mỹ - Triều

Thứ Năm, 14/03/2019, 16:38
Ngay khi biết nữ họa sĩ Văn Dương Thành là người được chọn vẽ tranh để Nhà nước Việt Nam dành tặng phu nhân Tổng thống Donald Trump và phu nhân Chủ tịch Kim Jong-un nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội, truyền thông đã rất chú ý đến bà, muốn đưa tin trực tiếp quá trình bà vẽ tranh cho sự kiện đặc biệt này. 

Nhưng, bà đã từ chối mọi cuộc phỏng vấn, quay phim để toàn tâm toàn ý cho việc sáng tác. Chỉ khi hai bức tranh lụa đã hoàn thành và tới tay hai vị nguyên thủ, bà mới có thời gian trải lòng…

Đại sứ văn hóa

Những thước lụa tơ tằm nguyên chất được dệt tay một cách kĩ càng chính là chất liệu để từ đó cảm hứng về hoa mùa xuân trên cánh đồng xanh của họa sĩ Văn Dương Thành được thăng hoa. 

Thành quả của quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, gấp rút 4 ngày đêm của nữ họa sĩ thể hiện tình yêu và khát vọng hòa bình, cũng là tình cảm mến khách của đất nước Việt Nam gửi tặng đến phu nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 27 và 28 tháng 2 vừa qua.

Vui mừng và tràn đầy năng lượng, họa sĩ Văn Dương Thành chia sẻ về quá trình sáng tác hai bức tranh lụa kích thước 420x90cm. Để cảm xúc vẽ liền mạch và bao quát được toàn bộ mặt phẳng rộng của bức tranh, nữ họa sĩ phải đứng vẽ liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ. 

Cùng một ý tưởng về thiên nhiên tươi đẹp, nhưng hai bức tranh có bố cục và họa sắc khác nhau với phong cách thể hiện khái quát, có phần cách điệu và đơn giản hóa các nét vẽ về hoa lá. Hai bức họa trên lụa, một bức xanh cây và xanh lam, một bức diễn tả nắng vàng và nâu tươi toát lên tính hiện đại và tươi mới. 

Họa sĩ Văn Dương Thành tại phòng vẽ.

Điểm độc đáo là nữ họa sĩ đã chọn chất liệu lụa dệt sợi kép, vừa có thể treo thành bức tranh, vừa là tấm khăn choàng mềm mại - trang phục không thể thiếu của phu nhân hai nguyên thủ trong các dịp trọng đại. Hai mặt của bức tranh đều là mặt phải, màu sắc trong suốt, chất liệu lụa sẽ giữ độ mát dịu khi thời tiết nóng và ấm áp khi trời lạnh. 

Sau khi vẽ xong, phải mất thêm 5 giờ đồng hồ là nóng để màu chín vào từng thớ lụa. Sau 4 ngày đêm miệt mài, Văn Dương Thành đã hoàn thành hai bức tranh trên khăn lụa và ký tên dưới tác phẩm vào chiều ngày 26-2. Hai tác phẩm trên lụa cũng là bản vẽ duy nhất không lặp lại, vì mỗi lần vẽ sẽ tạo nên những hiệu ứng màu sắc khác nhau. 

Tác phẩm được một nữ họa sĩ Việt Nam thực hiện công phu tại Thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình đã truyền thông điệp tích cực đến các vị khách quốc tế.

Trong những dịp tiếp đón nguyên thủ các nước đến Việt Nam, Nhà nước ta luôn có những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa tặng họ. Và tranh của Văn Dương Thành luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu. 

Nhưng không phải là những bức tranh có sẵn của nữ họa sĩ mà là những sáng tác nóng hổi tính thời sự. Bởi thế, áp lực đặt ra rất lớn để đảm bảo tính độc đáo về ý tưởng, vừa đúng thời gian, vừa mang tính nghệ thuật. 

Với nữ họa sĩ Văn Dương Thành, mỗi lần đảm nhận việc vẽ tranh làm tặng phẩm quốc gia tặng các nguyên thủ là một kỉ niệm đáng nhớ. Bà luôn tìm hiểu rất kĩ về đất nước và con người từng vị nguyên thủ, từ đó tìm chủ đề, chất liệu và bố cục vẽ thích hợp. 

Những sáng tác của Văn Dương Thành đã đi vào bộ sưu tập của nhiều vị nguyên thủ sau khi họ tới Việt Nam như Tổng thống Jimmy Carter, Tổng thống Barack Obama và lần này là Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Kim Jong-un cũng như nhiều quan chức, đại sứ các nước. 

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama năm 2016, ấn tượng trước sự giản dị và thân ái của ông, với sự đồng hành của Đại sứ quán Hoa Kỳ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, họa sĩ Văn Dương Thành đã sáng tác bức tranh Phố cổ Hà Nội trong nắng xuân dành tặng Tổng thống.  

Hai tuần sau, từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã viết thư gửi về địa chỉ nhà riêng của Văn Dương Thành để bày tỏ lòng cảm ơn tới nữ họa sĩ. Đó là một kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm nghệ thuật của bà.

Họa sĩ Văn Dương Thành được nhắc đến nhiều trong vai trò là một đại sứ văn hóa, vì bà đã tham gia nhiều sự kiện hợp tác văn hóa với các nước trong hơn chục năm qua, mang hồn cốt Việt Nam vào tranh vẽ, gắn Việt Nam với bạn bè quốc tế. 

Bà đã tặng khoảng 15 bức tranh cho nguyên thủ và quan chức các quốc gia. Tranh của bà đang được trưng bày tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển, Rumani và một số đại sứ quán nước ngoài.

Cha mẹ là tấm gương

Trong câu chuyện của họa sĩ Văn Dương Thành, khi nhắc đến cha mẹ, giọng bà trở nên trầm buồn, xúc động. Cha Văn Gói (1920 -1960) là một nhà hoạt động cách mạng từng bị giặc Pháp bắt giam năm 1950, sau đó vượt ngục để tiếp tục hoạt động cách mạng. Tuổi thơ của Văn Dương Thành thiếu hình bóng cha, chỉ hình dung về cha qua lời kể của mẹ. 

Mãi đến năm 7 tuổi, từ vùng biển Tuy Hòa, Phú Yên, cô bé Thành mới được theo cha tập kết ra Bắc. 2 năm được sống bên cha ở Hà Nội là những tháng ngày không thể nào quên đối với cô bé Thành. 

Cuộc sống của cha giản dị bao nhiêu thì trái tim cha rộng mở bấy nhiêu. Cha nhận nuôi 3 trẻ em mồ côi, hằng tháng lĩnh lương, cha chia đều cho những đứa con. Cha thông thạo nhiều ngoại ngữ và yêu thích hội họa. Cha chính là người dẫn lối cho cô bé Thành đến với cây cọ vẽ. 

Một buổi, cha đưa cho Thành chiếc bút chì và tập vở đã viết kín trang và bảo: “Con hãy vẽ đè lên những dòng chữ kia”. Đó cũng là những nét vẽ đầu tiên của một họa sĩ tương lai. Thấy Thành có khiếu vẽ, cha mừng lắm, luôn khích lệ: “Con vẽ đẹp lắm, gắng lên con”.

Khi Thành lên 9 tuổi cũng là lúc cha tình nguyện trở vào Nam chiến đấu và hy sinh khi mới 39 tuổi. Mẹ Nguyễn Thị Xích từ khi lấy chồng, thời gian được ở bên chồng là những ngày ngắn ngủi gom góp lại. Cha mất đi, mẹ ở tuổi 39 vượt qua nỗi đau, quyết tâm học văn hóa rồi học làm y tá và tần tảo nuôi con. Mẹ bảo phải có kiến thức thì mới thay cha nuôi dạy 7 người con ăn học thành người. 

Trong tâm trí mẹ suốt quãng đời còn lại luôn hiện hữu hình bóng cha. Trước mỗi dấu mốc trưởng thành của các con, mẹ đều nhắc: “Giá mà cha còn sống để chứng kiến sự trưởng thành của các con...”.

Trước khi mất ở tuổi 75, mẹ Xích vẫn nhắc đến người chồng trong thương nhớ. Tấm gương của người cha và tấm lòng của mẹ là động lực to lớn để Văn Dương Thành vượt qua những tháng ngày gian khó để học tập trong suốt 12 năm tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương). 

Ngay từ khi 21 tuổi, bức tranh Hoa cúc vạn thọ của nữ họa sĩ đã được trưng bày tại triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đến nay, bà là một họa sĩ nổi tiếng ở châu Á có tác phẩm được triển lãm ở 14 viện bảo tàng mỹ thuật quốc gia của các nước như Ba Lan, Tây Ban Nha, Mông Cổ, Trung Quốc, Thụy Điển,... 

Cho đến giờ, bà vẫn luôn tự nhủ rằng, tất cả những điều bà làm được là do luôn noi theo tấm gương người cha cũng như thừa hưởng nghị lực phi thường và sự giáo dục của người mẹ kính yêu.

Một góc bức tranh lụa tặng phu nhân Tổng thống Donald Trump và phu nhân Chủ tịch Kim Jong-un của họa sĩ Văn Dương Thành.

Người phụ nữ Việt Nam truyền thống

Là họa sĩ châu Á đầu tiên giảng dạy mỹ thuật tại Thụy Điển và có nhiều năm sống tại đất nước này, cũng như đã đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới nhưng nữ họa sĩ Văn Dương Thành vẫn giữ được hồn cốt Việt Nam trong cách nghĩ, cách làm. 

Ở bà có một tinh thần lao động nghệ thuật bền bỉ và đầy tâm huyết trong suốt 40 năm cầm cọ vẽ với 1.700 tác phẩm. Cảnh sắc Việt Nam đi vào tranh bà và đã ghi dấu ấn trên bản đồ hội họa thế giới. 

Hai tác phẩm Bé câu cá trên sông Lệ Thủy và Làng Chiềng (Nam Định) nhận được giải thưởng cao quý “Nghệ thuật kiệt xuất quốc tế của CFMI, USA - France trong 2 năm 1995 và 1997. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có họa sĩ được nhận danh hiệu này.

Dù sống ở đâu, nữ họa sĩ vẫn nặng lòng với quê hương. Thời gian ở nước ngoài, bà thường xuyên tổ chức các hoạt động nghệ thuật gây quỹ từ thiện gửi về Việt Nam ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật. 

Còn giờ đây, bà chia sẻ rằng muốn về Việt Nam nhiều hơn để được trực tiếp dạy vẽ cho trẻ em có năng khiếu hội họa, trẻ em tàn tật, khiếm thị, khiếm thính, chất độc da cam và tự kỷ. Bà muốn các em vẽ như một cách biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình. Khi vẽ cùng cô giáo Thành và các bạn, các em sẽ tự tin, gắn kết và sáng tạo hơn.

Bà đã hỗ trợ các trường Nguyễn Đình Chiểu, SOS thực hiện nhiều workshops tại phòng vẽ, tại Viện Bảo tàng phụ nữ Việt Nam hoặc tại phòng học của các trung tâm đào tạo. 

Đã nhiều năm qua Văn Dương Thành đồng hành với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, hằng năm sáng tác 2 tác phẩm để bán đấu giá với mục đích gây quỹ học bổng tặng các sinh viên nghèo Việt Nam. Nữ họa sĩ bộc bạch, dù có sống và làm việc lâu năm ở nước ngoài nhưng bà vẫn là người phụ nữ Việt Nam truyền thống. 

Được trò chuyện với bà, muốn nghe mãi giọng nói thanh nhẹ, lịch lãm, muốn ngắm mãi mái tóc dài đen láy xõa sau lưng. Cho đến tận bây giờ bà vẫn giữ mái tóc dài giống như mẹ Nguyễn Thị Xích, vẫn gội đầu với bồ kết và cỏ mần trầu để lưu giữ mùi hương trên tóc. Với nữ họa sĩ, áo dài và những bộ bà ba là trang phục không thể thiếu, mang nét hồn hậu, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

Huyền Châm
.
.