Nhà báo Đặng Văn Nhưng, nguyên TBT Báo Quân đội nhân dân:

Người tử tế ở nhà số 7 Phan Đình Phùng

Thứ Hai, 25/06/2012, 14:53
Thế là đã hơn 5 năm nhà văn, nhà báo Đặng Văn Nhưng đã xa rời cõi thế vì căn bệnh hiểm, lúc đang ở tuổi vẫn còn chưa tới độ “cổ lai hy”. Bạn bè đồng nghiệp đồng lứa với ông bây giờ tuy không còn trẻ nữa nhưng không ít người vẫn còn rất phong độ nam nhi. Mỗi khi ngồi với nhau, bất chợt nhớ tới ông, ai cũng xa xót mà rằng, đó là một  con người tốt bụng hiếm có.

Dường như trong suốt cuộc đời của mình, Đặng Văn Nhưng - có thể là vô thức – luôn cố gắng gieo những hạt mầm nhân nghĩa như thể để bù lại những hụt hẫng hay mạo phạm nào đó đã xảy ra trong quá khứ không thuộc về ông.

Nhà văn, nhà báo Đặng Văn Nhưng quê ở xã Nguyên Hòa, Phù Cừ, Hưng Yên. Trong tự thuật của mình, ông nhớ lại: “Gốc dòng họ tôi ở khu vực núi Ông Bụt, huyện Chương Mỹ, Hà Tây bây giờ (tức là Hà Nội bây giờ - MH). Tổ tiên tôi là một nhóm họ Đặng Đình rời về La Nguyên (sau nghe nói có cô gái đẹp tiến vua nên đổi thành La Tiến) Phù Cừ (cũ) Hưng Yên (cũ) cách đây chừng 200 năm”.

Không rõ ở thời Tống Trân - Cúc Hoa huyện Phù Hoa (tên cũ của huyện Phù Cừ) trù phú tới độ nào mà lại được chọn làm nơi diễn ra câu chuyện tình lưu danh thiên sử ấy, nhưng trong ký ức của tôi cho tới ngày hôm nay, Phù Cừ vẫn là một vùng quê nghèo tới xơ xác dù đã có rất nhiều thay đổi so với thời trước. La Tiến là một trong những thôn nghèo nhất của Phù Cừ, dù nơi đây, theo truyền thuyết, đã sinh ra người con gái đẹp đến mức phải tiến cho vua, cho chúa “Người đàn bà gánh họa thay dòng họ,/ Đón tai ương bằng tất cả xuân thì” (thơ Hồng Thanh Quang). Cũng vì thế nên thôn này mới phải đổi từ tên gốc La Nguyên thành La Tiến.

Họ Đặng Đình là một trong hai họ chính ở La Tiến, cùng với họ Phạm Văn (người trong hai họ này thường kết hôn với nhau và đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự rối loạn trong vai vế ở làng, có khi tính theo họ Đặng Đình thì là anh em, còn tính theo họ Phạm Văn thì lại là chú cháu...). Họ Đặng Đình ở La Tiến có hai tính cách điển hình: hoặc là rất nhũn nhặn, hoặc là rất quyết liệt, lắm khi gần tới độ vô lý. Và có một sự trớ trêu là: người trong họ ở nhiều đời trước cũng từng đối xử với nhau rất “rắn” do những quan điểm nhân sinh khác nhau… Tôi cũng là người họ Đặng quê ở La Tiến nên tôi đã nhận ra điều này: thường là, nếu đời cha họ Đặng có tính cách quyết liệt thì đời con lại nhũn nhặn. Nếu người cha khôn khéo thì con trai lại hơi ngờ nghệch. Và ngược lại... Tất nhiên, cũng có những ngoại lệ…

Theo chính lời ông từng kể, sở dĩ ông có cái tên Đặng Văn Nhưng là vì hồi học lớp 4, khi thầy giáo hỏi tên họ là gì, nghe xung quanh bạn bè cứ xưng xưng nói là Phạm Văn này với Phạm Văn nọ, cậu bé Đặng Đình Nhưng lúng túng quá cũng xưng mình họ Đặng Văn. Chắc là để cho giống với xung quanh!

Nhớ về tuổi thơ của mình, Đặng Văn Nhưng luôn đau đáu một nỗi niềm xa xót: “Ngày bé tôi sống ở làng bằng những con tép bố mẹ tôi đóng khố riu được ở ngoài đồng. Theo nghiệp cha sau này tôi vừa kéo vó tép, đánh dậm, đánh rọ… để kiếm sống. Năm 1950, cha tôi đi Việt Bắc kháng chiến. Tôi vẫn tiếp tục kiếm sống bằng cách kiếm sống của người vùng chiêm trũng như vậy. Năm 16, 17 tuổi, tôi rời La Tiến, theo cha lên học ở thị xã Hà Đông…”.

Tốt nghiệp phổ thông, Đặng Văn Nhưng thi đỗ vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1965, tốt nghiệp đại học, ông vào dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí kéo dài 8 tháng tại Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) rồi từ đó đi vào chiến trường Đông Nam Bộ làm Báo Quân Giải phóng cho tới gần hết cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Cũng như mọi người viết báo khác lăn lộn ở chiến trường “miền Đông gian lao mà anh dũng” thuở ấy, ông đã làm không ít thơ. Và đã là một cộng tác viên nhiệt tình của tạp chí Quân giải phóng…

Sau năm 1975, Đặng Văn Nhưng trở về Hà Nội, công tác tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng làm Trưởng ban Phát thanh Quân đội nhân dân. Năm 1993, ông được đưa về Báo Quân đội nhân dân, thoạt tiên  chỉ ngồi ở vị trí Phó Tổng biên tập. Tới tháng 10/1997, sau khi Thiếu tướng Phan Khắc Hải (nhà báo Phong Hải)  rời ghế Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, nhà báo Đặng Văn Nhưng đã được đưa lên vị trí này.

Trên cương vị rất quan trọng của mình, nhà báo Đặng Văn Nhưng đã ấp ủ nhiều dự định cho sự phát triển của cơ quan ngôn luận quân sự này nhưng tiếc thay, ông đã sớm lâm vào trọng bệnh năm 1999 nên đã phải thôi công tác quản lý. Và rồi tới năm 2007, ông đã sớm ra đi vào cõi vĩnh hằng mặc dù được gia đình và đồng nghiệp rất quan tâm chăm sóc… Cũng trong thời gian ông lâm trọng bệnh, nhà văn Hữu Ước, cũng là một người con của quê hương Phù Cừ, khi ấy đang là Tổng biên tập báo An ninh thế giới, đã mời ông về cộng tác với báo để ông có thêm điều kiện làm việc và chữa bệnh…

Suốt đời, Đặng Văn Nhưng luôn được bạn bè, đồng chí, đồng đội quý mến vì tính hiền lành đến độ nhu mì, hầu như không bao giờ gây mâu thuẫn với xung quanh. Của đáng tội, ông cũng ít khi trực diện bộc lộ tình cảm mà có lẽ là ông cũng ấp ủ trong lòng đối với những nhà báo có cá tính mạnh. Có cảm giác như ông luôn muốn thu mình lại, mặc dầu những suy tư của ông đôi khi cũng rất trăn trở, bức xúc với những gì không hay, không phải diễn ra ở xung quanh.

Là một nhà báo giỏi, Đặng Văn Nhưng có óc quan sát khá chi tiết và sắc bén, nhưng hình như ông luôn lấy chữ “hòa” làm trọng. Ngay cả khi ông làm Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân rồi, ông vẫn giữ nguyên phong cách cố hữu của mình, rất ngại va chạm, ngay cả với cấp dưới. Biết ông hàng chục năm trời, có những lúc gần gụi, chưa bao giờ tôi thấy ông làm gì để kéo về mình phần hơn hay thế mạnh.

Ngay cả khi chỉ đạo bài vở, ông cũng thường tỏ ra nhũn nhặn, hết sức tôn trọng các phòng chuyên môn, thậm chí có lúc hơi quá. Ông không bao giờ “chơi rắn” được đối với những người mà ông coi là “quân” của ông, nên khi cấp dưới có điều gì không nên không phải với ông thì thường là ông cũng bỏ qua hoặc có khiển trách thì cũng nhẹ nhàng, tinh tế. Phong cách của ông rất thích hợp với môi trường tử tế, thấm đậm tình đồng chí đồng đội, khi mọi người biết nhìn nhau mà nương nhau. Thế nhưng, trong những tình huống đòi hỏi phải va đập để bảo vệ chân lý, những người tốt tính như ông dễ bị lâm vào tình thế lúng túng.

Người thế nào thì hơi văn như thế. Nhà báo, nhà văn chiến sĩ Đặng Văn Nhưng ngay cả khi viết những trang đẫm mùi khói súng vẫn giữ nguyên những cảm xúc nhân tình thế thái của một tâm hồn luôn luôn hướng thiện. Ông từng thổ lộ: “Trong văn chương, tôi không ưa những tác phẩm viết ác về con người”. Bản thân ông luôn đã viết như một sự trả nghĩa cho đời, cho những tháng năm tuổi trẻ trôi qua trên chiến trường. Không phải ông không muốn thành danh trong làng văn nhưng với ông, mọi ồn ào danh vọng đều là thứ yếu, mặc dầu đôi khi nhìn lại con đường đã qua, ông không khỏi cảm thấy một chút bùi ngùi. Trong lời tự bạch (in trong Tổng tập các nhà văn quân đội - Kỷ yếu và tác phẩm do NXB QĐND ấn hành năm 2000), khi nói về văn nghiệp của mình, Đặng Văn Nhưng viết:

“Trong khi làm báo tôi vẫn viết ký sự, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đã có truyện ngắn và ký được giải, còn tiểu thuyết cũng đã có vài lần được đưa ra xét giải nhưng đều trượt. Có thể vì văn chương tôi kém, có thể là do số phận.

Tôi là nhà văn trẻ (kết nạp Hội năm 1996) nhưng tóc thì đã lốm đốm bạc, có nguy cơ trắng đến nơi”.

Nói về Đặng Văn Nhưng, tất cả đồng đội của ông đều cảm thấy ngậm ngùi. Một con người tử tế như thế, một con người có tâm sáng như thế lẽ ra không nên phải gặp những tai họa như trọng bệnh cuối đời của ông. Biết làm sao, âu cũng là số giời.

Chấp nhận những điều rủi ro như số phận, đôi khi đó cũng là lối thoát. Hơn 5 năm trôi qua rồi, có lẽ anh linh của nhà văn Đặng Văn Nhưng ở thế giới bên kia đã được ngậm cười bởi trên trần gian vẫn còn nhiều người tốt nhớ tới ông, dù khi còn sống, do nhiều lý do ông đã không quan tâm tới họ như cần phải thế. Có lẽ cũng cần phải tin rằng, nếu ta đã phải chịu những đau khổ quá mức thì có nghĩa là ta đã để lại cho con cháu ta những cơ hội tốt hơn, may mắn hơn vốn có. Bởi lẽ, không có sự hy sinh nào, không có sự tuẫn nạn nào là vô nghĩa cả

Minh Huyền
.
.